In bài này
Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Sự khởi đầu - Chiến tranh thế giới thứ I (1)
Chủ Nhật, 10/05/2015 - 9:22 AM
Lịch sử thai nghén, hình thành và phát triển của ngành tình báo vô tuyến điện tử Nga đầy những khoảng trắng. Các hồ sơ lưu trữ mật kín bưng còn đang đợi các nhà nghiên cứu hiếu kỳ. Hiện tại, mới chỉ có rất ít, rất ít được đưa rộng rãi trên báo chí.
Hãy tìm sự bắt đầu cho tất cả,
và bạn sẽ hiểu được nhiều điều.

K. Prutkov. "Những trước tác"


Lịch sử thai nghén, hình thành và phát triển của ngành tình báo vô tuyến điện tử Nga đầy những khoảng trắng. Các hồ sơ lưu trữ mật kín bưng còn đang đợi các nhà nghiên cứu hiếu kỳ. Hiện tại, mới chỉ có rất ít, rất ít được đưa rộng rãi trên báo chí.

Ta đều biết trong suốt thời kỳ cầm quyền trước chiến tranh của sa hoàng Nikolai II, Nga cùng với Pháp giữ vị trí dẫn đầu trên thế giới trong lĩnh vực chặn thu và đọc điện tín mật mã ngoại giao. Anh, Đức, Mỹ và đa số các nước kém thế lực hơn cho đến tận chiến tranh thế giới thứ I hoàn toàn không có cơ quan mã thám như của Nga, còn đế quốc áo-Hung thì chủ yếu chỉ chặn thu điện tín quân sự của các cường quốc giáp giới.

Trong các chiến dịch được thực hiện thành công phục vụ tình báo vô tuyến điện tử Nga trong thời bình có thể nêu vụ đánh cắp quyển mã mà đại sứ Mỹ ở Rumani luôn giấu kỹ dưới ga trải giường. Nói chung, mật mã phải được cất giữ trong két sắt sứ quán ở Bucharest. Nhưng sử dụng két sắt có ổ khoá bí mật không phải là mặt mạnh của vị đại sứ nên ông thấy tiện hơn là đổi chỗ cất quyển mã. Sau khi phát hiện mất quyển mã, vị đại sứ đã tìm ra một giải pháp rất láu cá cho tình thế nảy sinh. Lượng điện tín mật mã ông ta nhận được không nhiều lắm. Khi nào tích được chừng khoảng nửa tá điện mật mã thì ông ta liền lên tàu hoả sang gặp vị đại sứ Mỹ ở Viên.

Trong lúc hàn huyên, vị khách không may từ Bucharest liền nhân tiện nói rằng, ngay trước khi lên đường, người ta mang đến mấy bức điện mật mã nên ông ta không kịp giải mã. Liệu vị đồng nghiệp có thể cho mượn quyển mã của mình không? Vào cái thời hiền lành xa xưa ấy, các quyển mã giống nhau được gửi gần như cho tất cả các phái bộ ngoại giao Mỹ. Sau khi mượn được quyển mã, vị đại sứ giải mã các điện của mình, soạn và mã hoá điện trả lời, rồi quay về Bucharest và cứ cách quãng thích hợp gửi các điện trả lời này về Mỹ. Mọi sự đều trót lọt một thời gian. Vụ mất cắp mật mã vẫn chưa bị khám phá cho đến khi chiến tranh thế giới bùng nổ. Các bức điện mật mã từ Washington gửi đến ồ ạt và các chuyến đi Viên đã không còn có thể cứu giúp nổi vị đại sứ nữa. Ông ta thú nhận tội lỗi của mình và bị triệu hồi khẩn cấp từ Rumani về nước.

Sau khi Nga tham chiến vào chiến tranh thế giới thứ I, luồn điện tín ngoại giao chặn thu được của địch đã giảm đột biến. Điều đó xảy ra trước hết là vì áo-Hung và Đức cắt giảm lượng điện tín trao đổi qua vô tuyến điện với các phái bộ ở nước ngoài của họ. Ngoài ra, sự thiếu thốn về trang bị kỹ thuật của các đơn vị chặn thu Nga và việc đối phương liên tục thay đổi mật mã do sợ bị lộ nhanh trong điều kiện thời chiến cũng đã có những tác động tiêu cực.

Khi chiến tranh mở màn, Bộ Chiến tranh Nga đã thành lập các đơn vị mã thám trong tất cả các bộ tham mưu quân đội và hạm đội. Những hoạt động chiến sự đầu tiên đã khiến bộ chỉ huy quân Nga thấy cần phải thành lập các trạm chặn thu, trang bị máy móc thiết bị phù hợp, biên chế các báo vụ viên và chuyên gia mã thám cho chúng. Hoạt động này được triển khai mạnh nhất ở Baltic. Ngay trong tháng 8 năm 1914, Nga đã lập một số trạm chặn thu trên bờ biển Baltic. Tuy nhiên, công tác hệ thống hoá và xử lý thông tin chặn thu lại thuộc quyền các trạm trung ương phụ trách khu vực. Chính tại đó, các bức điện mật mã thường bị ách tắc lại và không được xử lý kịp thời do thiếu cán bộ có trình độ.

Nha Cảnh sát Nga, cơ quan mật thám chính trị chủ yếu, cũng có cơ quan mã thám riêng. Điện tín mật mã chặn thu đã được chuyển từ mặt trận đến Nha Cảnh sát ngay từ tháng 8 năm 1914. Ngày 25 tháng 8, thống đốc quân sự tỉnh Arkhalgelsk đã gửi đến một bức điện hoả tốc, trong đó thông báo ở Arkhalgelsk đang tạm giữ một chiếc tàu thuỷ Đức có trang bị trạm điện báo vô tuyến, bên cạnh đó còn phát hiện ra một bức điện mật mã trong buồng báo vụ viên. Bức điện mật mã này được gửi cùng bức điện hoả tốc về Nha Cảnh sát để giải mã. Chỉ nửa năm sau, Arkhalgelsk đã nhận được câu trả lời từ Nha Cảnh sát: "Một chuyên gia đã kết luận bức điện đó được viết bằng mật ngữ (tức là được mã hoá) nên không thể đọc (dịch) được nếu không có khoá mã".

Trong số các sự kiện đáng chú ý khác trong lịch sử tình báo vô tuyến điện tử Nga trong chiến tranh thế giới thứ I có việc thuỷ binh Nga thu được một quyển mã trên tàu tuần dương Đức Magdeburg vào tháng 8 năm 1914 và thành lập trường huấn luyện chặn thu ở thành phố Nikolayev vào giữa năm 1916. Tuy nhiên, mọi  nỗ lực mà Nga tiến hành nhằm đuổi kịp các cường quốc tham chiến khác trong lĩnh vực chặn thu vô tuyến đều quá muộn để những yếu tố mới này có thể có ảnh hưởng lớn nào đó đến diễn biến chiến sự.
Chu Hà