In bài này
70 năm Chiến thắng phát xít!
Thứ Bẩy, 09/05/2015 - 9:44 AM
Chiến thắng của Liên Xô và phe Đồng Minh trước phát xít Đức và phe Trục trong Thế chiến II đã cứu nhân loại khỏi thảm họa Nazism và làm thay đổi vận mệnh các dân tộc, trong đó có Việt Nam.
Liên Xô đã có đóng góp quyết định cho Chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít. Đó là sự thật lịch sử bất chấp các mưu toan viết lại lịch sử, phủ nhận vai trò của Liên Xô trong Thế chiến II, chính trị hóa sự kiện Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít của người Nga.
Phe phát xít đã tung 70% binh lực chống Liên Xô với các sư đoàn hùng mạnh và tinh nhuệ nhất. Trên mặt trận phía Đông cũng có mặt phần lớn binh khí kỹ thuật của chúng: 81% pháo, cối; đến 67% xe tăng và pháo đột kích; đến 60% máy bay chiến đấu. Ở hai bên chiến tuyến đồng thời hiện diện đến 12,8 triệu người, đến 163.000 khẩu pháo và cối, đến 20.000 xe tăng và pháo tự hành, đến 18.800 máy bay. Ngay cả sau khi Mỹ, Anh mở mặt trận thứ hai, vẫn có gần 2/3 binh lực phát xít tác chiến ở hướng Đông với Liên Xô.

Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, tại mặt trận Xô-Đức, đã tiêu diệt 607 sư đoàn phát xít, trong đó có 507 sư đoàn Đức tinh nhuệ. Các nước đồng minh khác trong suốt thời gian chiến tranh, trên tất cả các chiến trường chỉ đánh tan được 176 sư đoàn. Trên mặt trận phía Đông, đã tiêu diệt 8,6 triệu quân phát xít. Nếu cộng thêm các thương binh trở thành phế binh thì tổn thất không thể khắc phục trên mặt trận phía Đông của phe phát xít là hơn 10 triệu tên - tức là 74% tổng số quân Đức trong chiến tranh... Cũng tại mặt trận với Liên Xô, quân phát xít đã tổn thất 75% xe tăng, 70% máy bay, 74% pháo binh.

Cần đặc biệt nhấn mạnh rằng, ở giai đoạn đầu mà thực chất là giai đoạn quyết định của chiến tranh, Liên Xô đã phải đơn độc đối mặt với phe Hitler. Ở giai đoạn cuối chiến tranh, hơn 7 triệu chiến sĩ Hồng Quân đã giải phóng khỏi ách phát xít Đức và đồng minh của chúng các nước Romania, Ba Lan, Bulgaria, Hungaria, các khu vực phía Đông của Nam Tư, Áo, Đức, Tiệp Khắc, Nauy (tỉnh Finnmark), Đan Mạch (đảo Bornholm), các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, Triều Tiên (đến vĩ tuyến 38).

Liên Xô đã phải chiến đấu không chỉ với một mình Đế chế III (phát xít Đức) mà thực chất, là với cả lực lượng liên quân của cả châu Âu. Nước thì trực tiếp tham chiến bằng cách đưa quân ra mặt trận, nước thì bảo vệ hậu phương, nước thì hỗ trợ kinh tế. Trong khi đó, Liên Xô đã phải đối đầu với các lực lượng chung của Đức, Italia, Tây Ban Nha, Romania, Hungaria, Bulgaria (không giao tranh trực tiếp trên lãnh thổ Liên Xô), Slovakia, Phần Lan. Ngoài ra, các lực lượng hợp tác ủng hộ Hitler đã hoạt động (hoặc với tư cách các chính phủ bù nhìn, hoặc đơn giản là các thế lực chính trị) tại các quốc gia bị chiếm đóng như Pháp, Croatia, Hy Lạp, Nauy, Hà Lan, Đan Mạch, Áo, Bỉ...

Liên Xô cũng đã hứng chịu tổn thất to lớn nhất. Trong tổng số 60-70 triệu người thiệt mạng trong Thế chiến II, Liên Xô tổn thất 23-29 triệu người (theo các số liệu phổ biến nhất). Tổng tổn thất của Mỹ chỉ là hơn 400.000 người, của Anh là dưới 400.000 người. Mỹ chịu tổn thất lớn nhất trong chiến dịch Arden với 19.000 người. Trong khi đó, chỉ riêng trong Trận Stalingrad, riêng tổn thất không thể khắc phục và tổn thất tạm thời của quân đội Liên Xô là 1,13 triệu người. Tổn thất của quân đội Đức trước Hồng Quân trong Trận Stalingrad là gần 1,5 triệu quân. Chỉ trong một trận đánh thì cả tổn thất và chiến quả của quân đội Xô-viết đã nhiều hơn của cả quân đội Mỹ và Anh cộng lại trong cả cuộc chiến tranh.

Mới đây, hãng ICM Research (Anh) đã công bố kết quả thăm dò dư luận ở Anh, Đức và Pháp về việc ai đã giải phóng châu Âu khỏi họa phát xít thì 52% người Đức và 61% người Pháp nghĩ rằng, Mỹ đã có đóng góp quyết định vào chiến thắng trước Đức phát xít. 46% người Anh tin rằng, chính nước Anh đã chiến thắng phát xít. Chỉ có 17% người Đức, 8% người Pháp và 13% người Anh cho rằng, Liên Xô đã có đóng góp quyết định cho chiến thắng. Kết quả thăm dò trung bình ở các nước Tây Âu chính: số người tin đó là chiến thắng của Mỹ là 43% số người được hỏi, của Anh - 20% và Liên Xô - 13%.

Kết quả đó cho thấy một xu hướng đáng sợ và đáng buồn, một bằng chứng nữa của cuộc chiến tranh thông tin-tâm lý khốc liệt mà phương Tây đang khai triển chống nước Nga.



Sự biết ơn mang tên Ba Lan! Với các cớ khác nhau, được sự khuyến khích của Mỹ và các thế lực bài Nga, nhiều nước từng được Hồng Quân Liên Xô giải phóng đang dỡ bỏ các tượng đài những cứu tinh của mình.

Tượng đài Tình bạn chiến đấu Liên Xô-Ba Lan năm 2010. Có thể nói rằng, Mỹ đã xuất sắc đạt được một trong những mục tiêu chiến lược của cuộc chiến tranh thông tin-tâm lý của họ - người châu Âu đã đánh mất tình cảm biết ơn trước nhân dân Liên Xô (và Nga), cũng như cảm giác xấu hổ vì những gì đã diễn ra trong những năm 1938-1945.