In bài này
Chiến tranh lấy mạng làm trung tâm là gì?
Thứ Sáu, 01/05/2015 - 6:56 PM
Tìm hiểu khái niệm chiến tranh lấy mạng làm trung tâm (Network-centric Warfare) vốn đã trở thành xu hướng trong phát triển quân đội thế giới.

Chiến tranh lấy mạng làm trung tâm (Network-centric warfare) là khái niệm tác chiến, trong đó tất cả các đối tượng tham gia chiến đấu (bộ chỉ huy, binh khí kỹ thuật, sinh lực) được hợp nhất vào một mạng thông tin thống nhất. Cách tiếp cận đó cho phép nâng cao tính đồng bộ hóa các đơn vị, cũng như tốc độ chỉ huy.

Khái niệm trù tính sử dụng tích cực các máy bay không người lái, vũ khí chính xác cao, các kênh liên lạc vững chắc, được bảo vệ tốt với băng thông cao, cũng như sử dụng rộng rãi các khí tài tác chiến điện tử. Điều đó sẽ cho phép thực hiện các cuộc tấn công vào đối phương từ khoảng cách xa và liên tục.

Quân đội Mỹ là lực lượng vũ trang đầu tiên bước vào thực hiện trên thực tế khái niệm chiến tranh lấy mạng làm trung tâm vào cuối thập niên 1990. Khi làm việc này, người Mỹ đã sử dụng các công trình nghiên cứu viết về các cuộc xung đột quân sự tương lai của Nguyên soái Liên Xô Nikolai Ogarkov.

Các nguyên tắc tiến hành chiến tranh lấy mạng làm trung tâm

Cơ sở của học thuyết chiến tranh lấy mạng làm trung tâm dựa trên 3 nguyên tắc:

1. Các lực lượng được hợp nhất bởi các mạng đủ tin cậy có được khả năng trao đổi thông tin có chất lượng mới.

2. Việc trao đổi thông tin nâng cao chất lượng thông tin và mức độ nắm bắt thông tin chung về tình hình hiện thời.

3. Kết quả là việc nắm bắt tình hình chung đạt đến mức cho phép bảo đảm sự hợp tác và sự tự đồng bộ hóa cần thiết, nâng cao độ vững chắc và tốc độ truyền mệnh lệnh, điều sẽ nâng cao đột biến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Các giai đoạn tác chiến của chiến tranh lấy mạng làm trung tâm

Khái niệm trù tính 4 giai đoạn tác chiến chính:

1. Giành ưu thế thông tin bằng tiêu diệt trước (loại khỏi vòng chiến, chế áp) hệ thống bảo đảm trinh sát-thông tin của đối phương (các phương tiện và hệ thống trinh sát, các đầu mối cấu thành mạng, các trung tâm xử lý thông tin và chỉ huy).

2. Giành ưu thế (quyền khống chế) trên không bằng cách chế áp (tiêu diệt) hệ thống phòng không của đối phương.

3. Tiêu diệt từng bước các phương tiện sát thương không còn chỉ huy và thông tin của đối phương, trước hết là các hệ thống tên lửa, máy bay, pháo binh, tăng-thiết giáp.

4. Chế áp hay tiêu diệt hoàn toàn các ổ đề kháng của đối phương.



Nam Xương