In bài này
Bước ngoặt quan hệ quân sự Mỹ-Nhật
Thứ Tư, 29/04/2015 - 9:26 PM
Trong quan hệ Mỹ-Nhật và đường lối quân sự của Nhật Bản có bước ngoặt mới mở đường cho Nhật trở lại vị thế đại cường quân sự thế giới.
(Flickr/ U.S. Navy)

Nhật Bản tìm cách loại bỏ hạn chế về quân sự trong hiến pháp vào năm 2018

Đảng cầm quyền ở Nhật Bản muốn sửa đổi các điều khoản trong hiến pháp sau Thế chiến II để loại bỏ các hạn chế đối với quân sự mà Thủ tướng Shinzo Abe đã đẩy đến giới hạn.

Thỏa thuận mới với Mỹ được tiết lộ hôm 27/4/2015 vào đầu chuyến thăm Mỹ kéo dài một tuần của ông Abe cũng tạo ra bệ đỡ cho sự tái trỗi dậy ảnh hưởng quân sự của Nhật Bản trong khu vực. Nhận thức về các mối đe dọa trên bán đảo Triều Tiên và từ Trung Quốc, đặc biệt là trong tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku đã thúc đẩy việc tái vũ trang Nhật Bản.

Ông Shinzo Abe (AP Photo/ Michael Dwyer)

Điều 9 có bất khả xâm phạm?

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) do ông Abe đứng đầu cực kỳ muốn sửa đổi Điều 9, điều khoản trong hiến pháp cấm nước Nhật sau Thế chiến II được duy trì quân đội có khả năng gây chiến ở nước ngoài.

Mặc dù ông Abe đã đảo ngược lệnh cấm lực lượng quân sự Nhật chiến đấu ở hải ngoại, LDP nói rằng, sự phục hồi quân sự Nhật đến nay diễn ra mà chưa có sự sửa đổi trực tiếp hiến pháp và Điều 9.

Ông Hajime Funada, người đứng đầu ban sửa đổi hiến pháp của LDP cho rằng, Nhật Bản đã đi đến hết giới hạn cho phép của hiến pháp hiện nay và nói: “Nếu chúng tôi muốn có sự linh hoạt hơn thì phải sửa đổi Điều 9.

Bản hiến pháp hòa bình do Mỹ soạn thảo sau khi NHật Bản và phe Trục thất bại trong Thế chiến II. Thay vì có quân đội riêng có tiềm năng gây chiến tranh, Nhật Bản buộc phải dựa vào quân đội Mỹ để chống các mối đe dọa từ bên ngoài và lực lượng cảnh sát trong nước.

Nhưng sau đó, Điều 9 được diễn giải mở rộng để cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tham gia đối phó các mối đe dọa nội địa và thiên tai. Dưới thời Abe, SDF đã bắt đầu tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình ở hải ngoại, một bước chuyển lớn trong sự diễn giải luật. Một số nhân vật bảo thủ ở Nhật muốn sửa đổi hiến pháp mà không gây ảnh hưởng lớn đến các nước khác mà chỉ như một vấn đề tự hào.

Hiến pháp Nhật chưa từng được sửa đổi, tuy nhiên, việc sửa đổi phải có được sự ủng hộ của đa số 2/3 ở cả Thượng và Hạ viện, và đa số cử tri ủng hộ trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc.

LDP nắm giữ đa số 2/3 tại Hạ viện cho đến cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2018.  Họ có ít sự hủng hộ ở Thượng viện vốn sẽ có cuộc bầu cử mới vào năm 2016, vì thế họ sẽ phải tìm kiếm sự ủng hộ từ một số nghị sĩ đối lập.

Ông Funada giải thích rằng, 3 năm tới xem ra là cơ hội tốt nhất để LDP có thể thông qua sửa đổi hiến pháp, nhưng họ phải bắt đầu từ các thay đổi nhỏ để người Nhật quen với ý tưởng hiến pháp không phải là bất biến. Ông nói: “Trong thời gian đó, nếu có thể, chúng tôi muốn sửa đổi hiến pháp, trong đó có Điều 9”.

Trong khi đó, thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Mỹ của ông Abe - Hướng dẫn Quốc phòng chung Mỹ-Nhật (Joint Defense Guidelines) đã loại bỏ mọi hạn chế địa lý đối với hoạt động của lực lượng quân sự Nhật ở hải ngoại, dù đó là gìn giữ hòa bình, cứu trợ khẩn cấp hay hoạt động quân sự một khi được quốc hội Nhật thông qua.

Chính sách mới mang lại ảnh hưởng quân sự lớn hơn cho Nhật Bản trong khu vực

“Hôm nay, chúng tôi đánh dấu sự thiết lập khả năng của Nhật Bản bảo vệ không chỉ lãnh thổ của mình mà cả Mỹ và các đối tác khác nếu cần”, ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói về Hướng dẫn quốc phòng mới tại New York với các quan chức Mỹ và Nhật. “Hướng dẫn … sẽ tăng cường an ninh của Nhật Bản, răn đe các mối đe dọa và góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực”.

Để điều phối các nỗ lực quân sự Mỹ-Nhật, Hướng dẫn lập ra một cơ chế gồm các quan chức từ bộ ngoại giao và bộ quốc phòng hai nước.
 
Hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Ashton Carter và Gen Nakatani (REUTERS/ Thomas Peter)

“Trong thời bình và khi có tình huống khẩn cấp giữa Nhật và Mỹ, các cuộc tham vấn sẽ diễn ra dưới cơ chế này”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani nói.
Tuy một số chi tiết chưa được hoàn tất, nhưng rõ ràng sẽ có sự hợp tác rộng rãi hơn giữa Nhật Bản và Mỹ trong các lĩnh vực phòng thủ tên lửa, quét lôi, hoạt động không gian mạng và trinh sát.

Các hoạt động hợp tác mở rộng sẽ rõ hơn khi Quốc hội Nhật tranh luận các thay đổi đề xuất đối với hiến pháp.

Trong một bước tiến lớn, Nhật Bản sẽ có thể hỗ trợ các quân đội đồng minh của Mỹ khi cần chứ không chỉ quân đội Mỹ nếu an ninh Nhật bị đe dọa.

Hướng dẫn Quốc phòng Mỹ-Nhật mới sẽ củng cố sức mạnh răn đe Bắc Triều Tiên
.
Hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Ashton Carter và Gen Nakatani tại cuộc họp báo (AP Photo/ Eugene Hoshiko)

Hướng dẫn Quốc phòng Mỹ-Nhật mới sẽ tăng cường các nỗ lực chung răn đe sự xâm lược của Bắc Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại cuộc họp báo chung Mỹ-Nhật hôm 27/4/2015. Ông Carter cũng nói rằng, hợp tác quốc phòng song phương sẽ không chỉ còn giới hạn ở vùng biển xung quanh Nhật Bản như nêu trong Hướng dẫn Quốc phòng 1997.

Theo ông Carter, khuôn khổ hợp tác quốc phòng mới Mỹ-Nhật sẽ mở rộng đến bất cứ đâu trên thế giới nếu ở đó hai nước có các lợi ích an ninh chung. Ông Carter khẳng định: “Đó là sự thay đổi lớn từ tập trung vào địa bàn cục bộ sang tập trung cho toàn cầu”.

Các bình luận của ông Carter được đưa ra trong cuộc họp báo cùng các thành viên khác của Ủy ban Tư vấn An ninh Mỹ-Nhật là ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani.

Japan là đồng minh gần gũi nhất của Washington ở Thái Bình Dương từ sau Thế chiến II. Trong những năm gần đây, Mỹ đã chuyển trọng tâm hoạch định chiến lược sang châu Á theo chính sách mới răn đe quân sự nhằm vào Trung Quốc.

Theo Thông cáo chung Mỹ-Nhật công bố trước cuộc họp báo 27/4, Mỹ cam kết sử dụng mọi biện pháp quân sự, kể cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ đồng minh Nhật Bản. “Giữ vị trí trung tâm đối với điều đó là cam kết sắt thép của Mỹ bảo vệ Nhật Bản bằng tất cả khả năng quân sự của Mỹ, kể cả vũ khí hạt nhân và thông thường”, Thông cáo viết.

Ngày 6/4/2015, Lầu Năm góc thông báo sẽ bố trí 60% hải quân tại khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương với các hệ thống vũ khí tối tân và uy lực nhất sẽ được triển khai trước hết đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka sẽ trú đóng nhiều hơn các tàu chiến phòng thủ tên lửa Aegis vào năm 2017 và tiếp nhận một siêu tàu sân bay hạt nhân tiên tiến USS Ronald Reagan vào cuối năm 2015, Thông cáo cho hay.

Căn cứ Yokosuka của Hải quân Mỹ nằm ở phía nam Thủ đô Tokyo được thành lập vào năm 1945. Đây là căn cứ lớn nhất ở hải ngoại của Hải quân Mỹ và được xem là một trong các căn cứ có tầm quan trọng chiến lược nhất của quân đội Mỹ.

Thông cáo chung cũng khẳng định, Mỹ và Nhật nhất trí rằng, quần đảo Senkaku là thuộc về Nhật Bản như đã nêu trong hiệp ước quốc phòng song phương và phản đối mọi hành động giành lấy quần đảo từ tay Nhật.

Thông cáo viết: “Các bộ trưởng cũng tái khẳng định rằng, quần đảo Senkaku là lãnh thổ dưới quyền quản lý của Nhật và do đó nằm trong khuôn khổ các cam kết theo Điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và An ninh hỗ tương Mỹ-Nhật”.

Quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư là lãnh thổ tranh chấp từ lâu giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tokyo khẳng định họ đã chiếm hữu quần đảo từ năm 1895, còn Bắc Kinh lập luận quần đảo được thừa nhận là của Trung Quốc từ năm 1783.

Trước đó có tin, trong tháng 5/2015, Thủ tướng Nhật sẽ gửi một đề xuất đến Quốc hội Nhật Bản nhằm mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật, điều có thể dẫn đến việc Tokyo dính líu sâu hơn vào tranh chấp ở Biển Đông.

Đề xuất mới nằm trong khuôn khổ chiến dịch tăng cường vai trò của quân đội Nhật Bản ở nước ngoài và nếu được thông qua sẽ cho phép Tokyo hỗ trợ hậu cần phi chiến đấu cho Mỹ trong các cuộc xung đột bên ngoài các khu vực xung quanh Nhật Bản. Việc này sẽ bao gồm tiếp liệu và tiếp đạn cho các tàu Mỹ ở bất cứ đâu nếu Tokyo coi đó là nguy cơ đối với an ninh Nhật Bản.

Nếu dự thảo luât này được thông qua thì với vai trò mở rộng, Lực lượng Phòng vệ Nhật sẽ có thể yểm trợ các lực lượng Mỹ, thậm chí có thể kéo Tokyo tham gia vào các hành động trên Biển Đông.

Cả Mỹ và Nhật đếu không có yêu sách đối với khu vực tranh chấp dữ dội ở Biển Đông, nhưng Philippines là đồng minh của Mỹ lại dính vào tranh chấp với Trung Quốc ở đây, nghĩa là Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Manila nếu bị tấn công.

Một quan chức quân đội cao cấp Philippines nói rằng, Manila sẽ hoan nghênh các nỗ lực của Tokyo mở rộng các hoạt động ở Biển Đông theo luật mới. Ông nói: “Do Mỹ và Nhật có một thỏa thuận, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Nhật bị kéo vào một cuộc xung đột ở Biển Đông”.ư

Trong khi đó, trong một động thái cảnh cáo đối với Bắc Kinh, Mỹ và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất trong 15 năm qua.

“Nếu Philippines đụng độ với Trung Quốc, họ sẽ phát tín hiệu cầu cứu đến đồng minh Mỹ. Nếu Mỹ tìm kiếm sự hỗ trợ từ Lực lượng Phòng vệ Nhật, câu hỏi khi đó sẽ là Nhật bản có thể làm gì”, một chuyên gia quân sự Nhật nói.





Bảo Chương