In bài này
Tình báo điện tử Anh: Trung tâm - Chuẩn uý Prime (8)
Chủ Nhật, 03/05/2015 - 2:19 PM
Đến cuối thập niên 1960, Liên Xô đã nắm được nhiều bí mật của tình báo vô tuyến điện tử phương Tây. Nhưng bức tranh còn lâu mới hoàn chỉnh.
Cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng xem những bí mật nào của Nhà nước Xô-viết đã lọt vào tay kẻ thù. Cần phải có các tin tức từ một chuyên gia am hiểu được phép tiếp cận toàn bộ tin tức tình báo vô tuyến điện tử khai thác từ các kênh liên lạc của Liên Xô. Và người ta đã tìm ra chuyên gia đó.

Đầu tháng 1 năm 1968, chuẩn uý Geoffrey Arthur Prime quay về căn cứ tình báo vô tuyến điện tử của Không quân Anh ở Tây Berlin sau lễ Giáng Sinh. Khi đi qua trạm kiểm soát ở Berlin, anh ta chuyển cho lính gác một mẩu giấy nêu yêu cầu được gặp đại diện của tình báo Liên Xô.

Prime là người không hoàn toàn bình thường kể cả về mặt xã hội lẫn tình dục. Hồi học phổ thông, anh ta đã là một thằng bé khó bảo, còn từ khi gia nhập Không quân vào năm 1956, anh ta là một kẻ thích cô độc. Không thể sống một cuộc sống tình dục bình thường, anh ta rất mê trò quay ngẫu nhiên các số điện thoại và nói những chuyện tục tằn. Sau một thời gian phục vụ ở Kenia, từ năm 1964, Prime tiếp tục phục vụ tại trạm chặn thu ở sân bay quân sự Tây Berlin.

Mẩu giấy mà Prime để lại trạm kiểm soát ở Berlin không lọt vào tay Tổng cục I, KGB chuyên trách tình báo, mà lọt vào tay Cục 3 là cơ quan phụ trách an ninh trong Quân đội Liên Xô. Cục này đôi khi cũng tuyển mộ được các quân nhân phương Tây đang phục vụ ở Đức. Và họ đã không bỏ qua cơ hội tuyển Prime. Trong mẩu giấy, Prime đề nghị các nhân viên tình báo Liên Xô gặp anh ta trong một nhà hàng. Trong lần sau qua trạm kiểm soát, trên tay lái ôtô của mình, Prime đã tìm thấy một ống từ tính chứa thư trả lời, trong đó ấn định địa điểm gặp gỡ trong tàu điện ngầm thay cho nhà hàng.

Prime đã có một số cuộc gặp với các nhân viên Cục 3. Họ đã hỏi chi tiết về Prime và công việc của anh ta. Trong các cuộc nói chuyện với các nhân viên KGB, Prime đã đổ tội cho hệ thống tư bản chủ nghĩa về mọi vấn đề và thất bại của mình. Hình ảnh Liên Xô vốn hình thành ở Prime do tác động của các xuất bản phẩm tuyên truyền Xô-viết in tiếng Anh và các chương trình tiếng Anh của đài phát thanh Moskva, hấp dẫn Prime hơn hiện thực tư bản chủ nghĩa xung quanh anh ta. Và mặc dù trong các cuộc gặp với nhân viên KGB, Prime khẳng định anh ta thúc hành động hoàn toàn vì động cơ lý tưởng, nhưng lần nào anh ta cũng nhận ngon ơ 30-40 bảng tiền thù lao cho "lao động".

Thời hạn phục vụ của Prime trong Không quân Anh kết thúc vào tháng 8 năm 1968. Theo thoả thuận với các sĩ quan chỉ đạo của KGB, anh ta đã xin vào GCHQ làm việc. Tại đó, Prime làm việc xử lý tài liệu chặn thu từ các kênh liên lạc của Liên Xô. Trước khi bắt đầu thực hiện các trách vụ mới ở GCHQ, Prime đã được  huấn luyện trong một tuần cách sử dụng điện đài, kỹ thuật mã hoá các bức điện, làm báo cáo ảnh điểm  và sử dụng máy chụp ảnh cỡ nhỏ tại một căn nhà mật của KGB ở Cộng hoà Dân chủ Đức. Prime phải học ban ngày, ban đêm thì bị khoá kín trong phòng. Trước khi bay về Anh, anh ta được giao một chiếc vali nhỏ với các quyển mã, bộ dụng cụ viết mật và 400 bảng Anh tiền mặt.

7,5 năm đầu ở GCHQ, Prime làm việc tại đơn vị mã thám đặc biệt gọi là Nhóm Xử lý London. Đến mùa thu năm 1969, Prime học xong các khoá nâng cao tay nghề và trả thi môn tiếng Nga, nhân dịp này Moskva đã chúc mừng và tặng anh ta 400 bảng Anh tiền thưởng.

Cũng trong năm 1969, sau cuộc hôn nhân đầu bất thành, Prime bắt đầu gọi điện thoại cho những cô gái trẻ và nói đủ thứ chuyện bậy bạ. Tại GCHQ, người ta cũng ác cảm với Prime và cho anh ta là kẻ sống khép kín, khó gần. Nhưng Prime không bị nghi ngờ lắm là do hai lý do. Một là do đặc điểm làm việc của mình, GCHQ thu nạp không ít kẻ khác thường và lập dị. Hai là người ta nghĩ anh ta sống khép kín là do cuộc hôn nhân đổ vỡ và do tức tối vì người khác chứ không phải anh ta được thăng tiến trong công việc, điều mà Prime nhiều lần than phiền là chỉ vì anh ta không có bằng đại học.

Cục 3 của KGB vẫn giữ quyền "khai thác" Prime vì họ từ chối bàn giao "con cưng" của họ cho Tổng cục I, KGB. Prime được quyền tự chọn địa điểm gặp gỡ liên lạc viên. Anh ta thích nước áo vì anh ta biết tiếng Đức. Nhưng Prime liên lạc với KGB chủ yếu thông qua các "hòm thư bưu điện" với thư viết mật và qua các chương trình của đài phát thanh Moskva. Vấn đề an toàn liên lạc với Prime được bảo đảm ở mức cao nhất.

Prime không bị nghi ngờ lần nào trong suốt 7,5 năm làm việc ở Nhóm Xử lý London (từ tháng 9 năm 1968 đến tháng 3 năm 1976) và trong 1,5 năm làm việc ở bản doanh GCHQ ở Cheltenham, tỉnh Glostershire (từ tháng 3 năm 1976 đến tháng 9 năm 1977). Mà làm sao có thể nghi ngờ một người phụ trách an ninh bảo mật tại một đơn vị của GCHQ? Trong phạm vi chức trách của mình, Prime phải viết báo cáo hàng năm để báo cáo hoạt động trong năm nhằm ngăn ngừa vi phạm chế độ bảo mật trong công việc GCHQ giao phó cho Prime ở đơn vị đó. Prime kết thúc đường công danh ở GCHQ với chức trưởng bộ phận thuộc Nhóm mã thám điện mật mã của Liên Xô.

Sau khi rời khỏi GCHQ, Prime đã cắt đứt liên hệ với KGB, ly dị và cưới lần thứ hai. Anh ta đi làm lái xe taxi và thường chở các đồng nghiệp cùng cơ quan cũ từ ga tàu đến chỗ làm. Năm 1980, KGB đã nối lại liên lạc với Prime, sau đó khi gặp nhau ở Viên, anh ta đã chuyển cho Moskva hơn 15 hộp phim (phần lớn các hộp phim này, như người ta nói với Prime sau này, có chất lượng hiện rất xấu), cùng một số bản sao và băng ghi mà anh ta vẫn giữ sau khi rời khỏi GCHQ. Prime nhận được 600 bảng Anh cho số tài liệu này.

Năm 1981, Prime đi Potsdam để giải thích cho liên lạc viên KGB về số tài liệu đã bán cho KGB một năm trước. Khi chia tay, Prime nhận được 4000 bảng Anh. Prime đã phớt lờ lời khuyên của KGB quay lại làm việc cho GCHQ hoặc xin làm giáo viên tiếng Nga tại Cục Nhà trường quân đội Anh, nơi anh ta có thể phát hiện các ứng cử viên mới làm việc cho KGB.

Điệp viên này đã có thể không bị phát giác nếu như không bị lệch lạc tình dục. Theo ngôn ngữ luật pháp, Prime thích làm những hành động dâm ô với các nữ sinh phổ thông nhỏ tuổi. Tháng 4 năm 1982, cảnh sát đã có được mô tả chính xác chiếc xe của con yêu râu xanh đó và Prime đã bị bắt do nghi ngờ phạm tội. Anh ta đã thú tội.

Tất cả đã chả làm sao nếu anh ta không vì một phút yếu lòng để nói với vợ mình trong cuộc thăm thân trong tù rằng anh ta đang sống hai mặt. Cô vợ lập tức khai với cảnh sát. Tại nhà anh ta, người ta đã tìm thấy dưới giường các vật dụng liên quan đến hoạt động gián điệp - một quyển mã, một tập phong bì với các địa chỉ liên lạc ở Đông Berlin. Tháng 6 năm 1982, Prime khai nhận hầu như toàn bộ.

Theo đánh giá của Lầu Năm góc, tổn thất mà Prime gây ra cho liên minh do thám điện tử Mỹ-Anh là 1 tỷ đô la. Trong 10 năm, Prime đã cung cấp cho KGB các tin tức chi tiết về cơ cấu, vị trí các trạm chặn thu, quân số GCHQ và nhiều thứ khác. Thêm vào đó, với quan hệ hợp tác chặt chẽ vốn có với NSA, nên người Anh được Mỹ coi là đối tác tin cậy và được quyền ưu tiên tiếp cận mọi thông tin mà NSA có.

Như vậy là cả Prime cũng đã có quyền đó. Hơn nữa, trong vòng một năm làm việc ở Cheltenham, Prime đã được đọc các tin tức tuyệt mật về những thành công và thất bại của GCHQ trong việc giải mã điện tín chặn thu từ các kênh liên lạc Liên Xô.

Dù sao thì đánh giá tổn thất của Lầu Năm góc cũng là quá phóng đại. Cũng vào năm Prime vào làm ở Cheltenham và có quyền tiếp cận rộng rãi các bí mật của GCHQ, vì nguyên nhân nào đó mà Prime không thể giải mã được các chỉ dẫn của Cục 3 nhận được qua đài phát thanh. Vì thế mà tình báo Liên Xô bị đứt liên lạc với Prime nên phần lớn thông tin thu được ở Cheltenham, Prime chỉ có thể chuyển giao vào năm 1980 ở Viên. Và thông tin đó cũng bị hư hỏng.

Sau khi Prime bị bắt, Tổng cục I, KGB đã trả đũa Cục 3. Họ đổ lỗi cho các nhân viên Cục 3 không biết duy trì liên lạc thường xuyên với điệp viên quan trọng nhất của KGB trong hệ thống tình báo vô tuyến điện tử Anh kể từ thời Cairncross.

Năm 1982, Prime bị kết án 33 năm tù vì tội làm gián điệp và thêm 3 năm vì tội cưỡng bức trẻ vị thành niên. Theo phán quyết của toà, Prime phải chịu án lần lượt hai án tù này. Bản thân Prime đổ lỗi là vì mình đã "tô hồng sai lầm về chủ nghĩa cộng sản Nga và nó đè nặng thêm các vấn đề nội tâm sâu sắc".

Từ trước khi phát giác ra Prime, lãnh đạo NSA đã nhiều lần nói với các đồng nghiệp ở GCHQ là cần đưa máy phát hiện nói dối vào sử dụng trong hệ thống kiểm tra nhân viên. Sau khi nghiên cứu kết quả điều tra vụ Prime, tháng 4 năm 1984, chính phủ Anh cuối cùng đã thông qua quyết định muộn màng cho sử dụng máy phát hiện nói dối trong các cơ quan tình báo Anh. Phải kiểm tra trắc nghiệm trên máy phát hiện nói dối trước hết là các nhân viên GCHQ .

Chu Hà