In bài này
Tình báo điện tử Anh: Trung tâm - Gián điệp ở khắp nơi (6)
Thứ Năm, 30/04/2015 - 9:13 AM
Vụ xì căng đan liên quan đến Martin và Mitchell, và các nhân viên NSA khác đã buộc người Anh cũng phải suy nghĩ nghiêm túc.
GCHQ với khả năng của mình đã tham gia săn tìm các điệp viên Liên Xô. Cùng với việc giải mã các bức điện hiện tại từ các kênh liên lạc của Liên Xô, các chuyên gia mã thám Anh còn nghiên cứu nội dung các bức điện mật mã chặn thu được trước đây. Công việc đó đã đem lại những kết quả nhất định.

Nhờ đọc Venona, họ đã phát hiện ra Liên Xô còn có một điệp viên thạo tin, được đề cập đến lần đầu tiên từ hơn 10 năm trước các sự kiện được mô tả. Những người bị tình nghi nhất là Kim Philby, nguyên sĩ quan MI-6 (ông bị sa thải khỏi cơ quan phản gián Anh này sau khi Maclean chạy trốn vào năm 1951) và John Cairncross, cựu nhân viên của MI-5 và GCHQ thời chiến tranh.

Nhân đây, cũng phải nói là Philby từng có mọi cơ hội để làm việc cho GCHQ. Ngay từ năm 1940, ông đã nói chuyện với Frank Berch, cựu giáo sư lịch sử ở Cambridge, người làm công tác tuyển chọn nhân viên cho GCHQ. Cuộc gặp của Philby với Berch diễn ra ở bản doanh GCHQ, nhưng Berch, theo lời Philby, không thể lôi kéo ông vào làm việc cho cơ quan tình báo vô tuyến điện tử chỉ vì Berch  không thể đề nghị mức lương mà ông đáng được hưởng.

Nói chung, cho đến giữa thập niên 1960, GCHQ đã khôn khéo tránh được các vụ phản bội và phát giác chấn động như đã xảy ra với NSA. Vụ xì căng đan xảy ra muộn hơn khi tờ báo Anh Daily Express, vào ngày 21 tháng 1 năm 1967, đã đăng một bài báo viết về các hoạt động phi pháp của Bộ Quốc phòng Anh. Bộ này thường xuyên nhận được bản sao tất cả các điện tín nhận và gửi qua các kênh của hai công ty truyền thông lớn nhất của Anh.

Trước khi đăng bài báo này, toà soạn Daily Express đã lần lượt gọi điện đến phòng báo chí Bộ Quốc phòng và Bộ Truyền thông Anh. Tờ báo nhận được hai câu trả lời trái ngược cho cùng một câu hỏi. Bộ Quốc phòng thì kiên quyết bác bỏ, còn Bộ Truyền thông trái lại thì thú nhận là các hoạt động đó diễn ra thường xuyên. Phản ứng với việc này, chính phủ Harold Wilson liền viện dẫn Luật Bí mật Nhà nước thông qua năm 1920, theo đó chính phủ có quyền chặn thu điện tín từ các kênh truyền thông liên lạc ra ngoài biên giới Anh quốc, còn sau đó đã ban hành thông cáo "D" yêu cầu các phóng viên không bình luận về vấn đề này nữa.

Hệ thống thông cáo "D" chỉ là phát minh của người Anh. Theo hệ thống này, một nhóm đại diện liên hợp của chính phủ và báo chí có tên là Uỷ ban về các vấn đề quốc phòng, báo chí và phát thanh tổ chức đưa ra những lời cảnh báo dưới dạng thông cáo. Các thông cáo này thông báo rằng, một số loại thông tin liên quan đến bí mật quân sự, mật mã và tình báo vô tuyến điện tử là thuộc phạm vi hiệu lực của Luật Bí mật Nhà nước. Phớt lờ thông báo đó cũng có nghĩa là vi phạm Luật Bí mật Nhà nước.

Vụ xì căng đan liên quan đến những cáo giác của tờ Daily Express chưa yên thì một vụ mới lại bùng lên. Douglas Britten, kỹ thuật viên trưởng tại một đơn vị Không quân Anh có nhiệm vụ chặn thu cho GCHQ đã bị MI-5 bắt vào tháng 9 năm 1968. Vấn đề là ở chỗ các nhân viên MI-5 thường xuyên theo dõi lãnh sự quán Liên Xô ở London. Họ nói đã "chộp được" Britten khi anh ta cố móc nối với tổ trưởng tình báo Liên Xô hoạt động tại lãnh sự quán.

Britten khai nhận mình đã bị tuyển mộ vào năm 1962. Việc đầu tiên anh ta làm là bán cho các điệp viên KGB một máy phát vô tuyến điện đã lạc hậu từng được sử dụng trong Không quân Anh. Tiếp đó, khi phục vụ tại các đơn vị chặn thu ở Anh và ngoài nước Anh, anh ta đã thường xuyên cung cấp cho tình báo Liên Xô những thông tin giá trị hơn. Britten đã bị kết án 21 năm tù. Điều thú vị là phòng an ninh của căn cứ không quân, nơi anh ta công tác, không lâu trước khi anh ta bị phát giác, đã nhận xét Britten là "một diễn viên không tồi và kẻ lừa dối chính cống" và tiên đoán: "Nếu một người như vậy quyết ý phản bội thì các cơ quan an ninh sẽ hoàn toàn không dễ vạch trần".

Nói chung, lãnh đạo GCHQ rất lo lắng về vấn đề chấp hành chế độ bảo mật. Không phải vô cớ khi cuốn sách của David Kahn "Những người mã thám" tập hợp mọi thông tin chính của lịch sử tình báo vô tuyến điện tử của phương Tây cho đến giữa thập niên 1960, nhưng lại tuyệt nhiên không nói gì về GCHQ.

Tác giả các cuốn sách tương tự về tình báo vô tuyến điện tử nhiều lần nhắc đến cam kết tự nguyện của họ không để lộ những sự việc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan tình báo vô tuyến điện tử của nước mình và đồng minh. Một ví dụ cho "chủ nghĩa yêu nước" đó là khi cuốn sách "Vụ máy bay U-2" được xuất bản ở Anh năm 1962 thì tính năng của máy bay do thám này đã được cố ý hạ thấp .

Chu Hà