In bài này
Tình báo điện tử Anh: Trung tâm - 'Venona' (1)
Thứ Bẩy, 25/04/2015 - 5:53 PM
Cách không xa thành phố Darwin của Australia, từ năm 1939, đã có một đài vô tuyến điện của Anh hoạt động và chủ yếu tiến hành chặn thu điện tín của Nhật Bản.
Sâu trong lồng ngực nào
cũng đều có con rắn

K. Prutkov. "Những trước tác"



Cách không xa thành phố Darwin của Australia, từ năm 1939, đã có một đài vô tuyến điện của Anh hoạt động và chủ yếu tiến hành chặn thu điện tín của Nhật Bản.

Năm 1945, việc Nhật Bản đầu hàng đã cho phép nhân viên đài này hoàn toàn chuyển sang các mạng lưới thông tin liên lạc của Liên Xô mà ở vùng ngoại ô Darwin có thể thu được rất tốt tín hiệu của chúng. Người Anh đã biết điều đó từ lâu. Nhưng người ta bất ngờ phát hiện ra là có thể đọc được phần lớn điện mật mã chặn thu được từ các kênh liên lạc mật của Liên Xô.

Các bức điện mật mã của Liên Xô chặn thu được ở Australia chủ yếu là điện rất dài, hơn nữa độ dài của chúng lại phản ánh vị thế của người gửi trong cơ quan Đảng. Vị thế này càng cao thì bức điện càng dài. Những đoạn lặp đi lặp lại nhiều trong bản rõ của bức điện mật mã, độ dài lớn của nó, việc sử dụng các lối nói tiêu chuẩn và sự khoác lác quá đáng của các báo vụ viên Xô-viết trên làn sóng đã giúp  người ta dễ dàng chặn thu và đọc các bức điện mật mã này. Tuy nhiên, nội dung các bức điện này cũng chả có ý nghĩa mấy.

Đáng quan tâm hơn nhiều là điện tín mật mã mà đại bản doanh NKGB (Một trong những tên gọi của KGB) ở Moskva liên lạc với điệp viên và các tổ tình báo ngoài nước trong khu vực. Tại GCHQ, các điện tín mật mã này có mật danh "Venona". Nhưng ở đây, để mã hoá các bức điện, người ta áp dụng các loại mật mã rất vững chắc mà nếu sử dụng đúng thì trên thực tế không thể giải phá nổi.

Có hai yếu tố làm tăng độ vững chắc của các mật mã. Một là tình báo Liên Xô hiển nhiên đã nhận được những lời khuyên của các chuyên gia tài ba của các cơ quan tình báo Anh kiêm điệp viên của mình. Hai là một loạt các nhóm tình báo Xô-viết đã chịu những đổ vỡ lớn trong thời chiến tranh thế giới thứ II do không chấp hành tốt các biện pháp an toàn liên lạc.

Chỉ xin nêu hai ví dụ điển hình nhất về các vụ đổ vỡ đó - đó là việc bại lộ của lưới tình báo "Dàn hợp xướng đỏ" (Rote Kapelle) và việc thu được ba điện đài phát của nhóm tình báo Lucy ở Geneva và Lausanne, sau đó các báo vụ viên đã khai cặn kẽ công việc của mình.

Kết quả là các tình báo viên Xô-viết bắt đầu được trang bị các loại mật mã vững chắc hơn và được yêu cầu không chuyển báo cáo của mình qua vô tuyến điện mà qua các phái bộ ngoại giao. Như vậy, tình báo Liên Xô đã tránh được việc sử dụng các báo vụ viên được huấn luyện tồi, các điện đài phát công suất thấp và các anten không định hướng phát tín hiệu có chất lượng như nhau về mọi hướng. Trong điều kiện này, yếu tố quyết định là chất lượng của các quyển mã vốn là phương tiện chính để bảo mật các bức điện của các tình báo viên Xô-viết. Tuy vậy, sau nhiều vụ, nội dung các quyển mã này đã bị lộ.

Độc giả đã biết một trường hợp như vậy: Năm 1944, Cục Hoạt vụ Chiến lược OSS (tiền thân của CIA) của Mỹ đã mua 1500 trang sách mã của NKGB mà người Phần Lan chiếm được. Bản thân chúng không làm các chuyên gia mã thám phương Tây quan tâm lắm. Các điệp viên của NKGB đã sử dụng các quyển mã để thay thế mỗi từ hay chữ cái của bức điện bằng một con số gồm 5 ký tự. Sau đó nhân viên cơ yếu ở tổ tình báo NKGB mà báo cáo mã hoá của điệp viên đi qua đó, lại bổ sung thêm vào mỗi nhóm 5 ký tự đó 5 ký tự nữa từ cái gọi là "quyển vở sử dụng một lần" mà anh ta có trong tay và thực chất là một thứ quyển mã khác.

Bản thứ hai của nó chỉ có ở Moskva. Nếu như "quyển vở sử dụng một lần" thực sự chỉ dùng một lần như quy định đòi hỏi thì mật mã này không thể giải phá. Nhưng trong những năm gần đây, lượng thông tin mà các tổ tình báo Liên Xô ở Mỹ chuyển về nhiều quá nên một số "quyển vở sử dụng một lần" đã bị sử dụng lại lần thứ hai. Những người phạm lỗi đã bị xử bắn khi sau này việc đó bị phát hiện.

Trường hợp thứ hai xảy ra cũng vào năm 1944 khi FBI bí mật xâm nhập văn phòng của Công ty Thương mại Cổ phần Xô-Mỹ Amtorg ở New York và đánh cắp một quyển mã ở đó. Dĩ nhiên các trang đã sử dụng, theo quy định, đã bị huỷ. Tuy nhiên, do thiếu thận trọng, các nhân viên Amtorg đã để lại bản sao một số bức điện cả ở dạng đã mã hoá lẫn bản rõ. Các bản sao này đã bị đánh cắp cùng với quyển mã.

Chu Hà