In bài này
Đá Chữ Thập và âm mưu của Trung Quốc đối với Biển Đông
Chủ Nhật, 19/04/2015 - 8:03 PM
Trong trận chiến giành Biển Đông, cán cân đang ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc.

Các chuyên gia quân sự nhất trí rằng, không quân là công cụ chủ yếu để kiểm soát bất cứ vùng biển nào. Chính là để đảm bảo hoạt động của không quân mà Trung Quốc hiện đang làm và làm rất ráo riết.

Các bức ảnh vệ tinh cho thấy, tại đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, việc thi công xây dựng đường băng cất/hạ cánh bằng bê tông đang diễn ra hết tốc lực. Các chuyên gia khẳng định rằng, sau khi hoàn thành xây dựng, đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef , Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Thử) sẽ có thể tiếp nhận các máy bay quân sự. Đường băng có chiều dài gần 3 km cho thấy kích thước khá lớn của đá ngầm này và sẽ có khả năng tiếp nhận tiêm kích và máy bay trinh sát.
 
Dĩ nhiên là các máy bay dân dụng cũng có thể sử dụng đường băng trên đá Chữ Thập. Để Airbus 380, một trong những máy bay chở khách lớn nhất, hạ cánh, cần có đường băng dài 2.950 m.

Các chuyên gia tin rằng, với thời gian, Bắc Kinh sẽ lắp đặt các radar và tên lửa trên đá Chữ Thập. Nhiều khả năng, cũng tại đảo đá này, Trung Quốc sẽ bố trí sở chỉ huy quân sự của họ tại quần đảo Trường Sa mà họ tuyên bố là của họ.

Các bức ảnh cho thấy hoạt động xây dựng ráo riết tại khu vực tranh chấp được vệ tinh chụp ngày 23/3/2015 và mới được tạp chí quân sự Anh Jane’s Defense Weekly công bố bên cạnh những bức ảnh chụp 1,5 tháng trước đó. Ngày 6/2, trên các bức ảnh cũ, tại nơi hiện đường băng đi qua chỉ có cát.

Rõ ràng là sự xuất hiện tại đá Chữ Thập một căn cứ không quân sẽ mang lại ưu thế lớn cho Trung Quốc trong cuộc đấu với Mỹ và đồng minh tranh giành Biển Đông nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng vốn đang tranh chấp giữa nhiều nước.

Tại Biển Đông, trong 15 năm qua thường xuyên xảy ra những lần chạm trán giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc, cả ở trên biển và trên không, hoàn toàn có khả năng dẫn đến xung đột vũ trang. Chúng bắt đầu từ vụ va chạm giữa máy bay trinh sát Mỹ EP-3 và một tiêm kích Trung Quốc vào năm 2001 ở bắc Biển Đông.


Các cơ sở quân sự trên các đảo nhỏ của quần đảo Trường Xa, vốn cách đảo Hải Nam của Trung Quốc gần 2.000 km sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của không quân và củng cố các yêu sách của họ đối với các đảo tranh chấp.

Bắc Kinh hiện đang tiến hành chương trình mở rộng rất mạnh ở ít nhất 5 đảo san hô và đá ngầm tại quần đảo Trường Sa bằng hàng chục tàu hút cát lấy cát từ đáy biển lên bồi đắp mở rộng các đảo, đá. Trung Quốc đang biến những đảo san hô và đá ngầm tí hon, trước đây gần như không thể trông thấy và thậm chí chìm dưới nước thành các hòn đảo thực sự có diện tích đủ để triển khai vũ khí trang bị tại đây. Các bức ảnh vệ tinh xác nhận rằng, Trung Quốc đang mở rộng các đảo rất nhanh và đang biến chúng thành các cứ điểm quân sự.

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS ở Washington đã công bố các bức ảnh vệ tinh của một đảo san hô khác của quần đảo Trường Sa là Đá Vành khăn (Mischief reef). Hiện nay, hoạt động thi công đang sôi động trên đá chìm một phần này. Đá Vành khăn đang thay đổi và lớn lên trông thấy.

Các nước láng giềng của Trung Quốc và Mỹ đang lo lắng theo dõi hoạt động xây dựng mạnh mẽ của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Washington đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về vấn đề này. Trong chuyến thăm làm việc đến Hàn Quốc và Nhật Bản mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tuyên bố rằng, hoạt động của Trung Quốc đang gây tổn hại nghiêm trọng cho việc cải thiện quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định công việc xây dựng ở quần đảo Trường Sa mang tính chất hòa bình và dùng để bảo đảm và tiến hành các hoạt động cứu hộ đường biển. Nhưng tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng, khi cần, chúng có thể được sử dụng cả để ngăn chặn cuộc tấn công vào các lãnh thổ thuộc về Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh ngang ngược đưa ra yêu sách chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược và giàu tài nguyên khoáng sán, hải sản.