In bài này
Hải quân Nga trang bị ngư lôi Fizik
Thứ Sáu, 17/04/2015 - 7:21 PM
Hải quân Nga đã nhận vào trang bị ngư lôi tự dẫn lặn sâu Fizik có tầm bắn tối đa 50 km, tốc độ gần 60 hải lý/h, động cơ sử dụng nhiên liệu một thành phần, một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Ngư lôi Fizik
“Cuối năm ngoái, sau khi hoàn thành tốt đẹp thử nghiệm quốc gia, ngư lôi tự dẫn nhiệt lặn sau Fizik đã được nhận vào trang bị. Ngư lôi này trước hết sẽ được trang bị cho tất cả các tàu ngầm các lớp Projekt 955 [Borey], 885 [Yasen] và các biến thể của chúng, cùng với việc tăng sản lượng ngư lôi, các tàu ngàm khác của Hải quân Nga cũng sẽ được trang bị ngư lôi này”, nguồn tin tiết lộ.

Nguồn tin cho biết thêm, Fizik đã bắt đầu được sản xuất loạt và nó sẽ thay thế ngư lôi cũ USET-80 tầm bắn 18 km trang bị từ thời Liên Xô, trong thập kỷ 1980. “Ngay cả các tàu ngầm nguyên tử hiện đại nhất bàn giao cho Hải quân Nga gần đâu, kể cả chiếc Borey đầu tiên là Yuri Dolgoruky và Yasen đầu tiên là Severodvinsk cũng đều được trang bị USET-80. Nay chúng sẽ loại bỏ ngư lôi này”.

Viện nghiên cứu Morteplotekhnika phát triển ngư lôi Fizik từ năm 1986.

Fizik có chiều dài 7,2 m, trọng lượng 2.200 kg, trọng lượng phần chiến đấu 300 kg. Động cơ piston hướng trục không giảm tốc chủ trình hở DP4 công suất 460 kW dùng nhiên liệu một thành phần “pronit” có buồng đốt quay và giúp ngư lôi đạt tốc độ 30-55 hải lý/h ở tầm 40-50 km và độ sâu hành trình đến 500 m. Động cơ DP4 phần nhiều được chế tạo nhờ sử dụng các giải pháp kỹ thuật của ngư lôi Mỹ Мk 46.

Mẫu chế thử đầu tiên với tên gọi Fizik ra đời ở Liên Xô vào năm 1990 và sử dụng nhiên liệu tương tự nhiên liệu một thành phần Otto-2 của Mỹ. Để dẫn đến mục tiêu, ngư lôi sử dụng hệ tự dẫn thủy âm với hệ thống nhận dạng vệt nước đuôi tàu với cự ly phản ứng của hệ tự dẫn là từ 1,2-2,5 km và cự ly phản ứng của ngòi nổ không tiếp xúc là từ 2-8 m tùy thuộc chủng loại và kích thước mục tiêu. Có trù tính khả năng điều khiển từ xa với độ dài dây dẫn gần 30 km. Để giảm ồn, ngư lôi sử dụng bộ dẫn tiến phụt nước với cánh lái thò ra.


Biến thể xuất khẩu của ngư lôi nhiệt này có ký hiệu UGST (ngư lôi vạn năng lặn sâu tự dẫn) tầm xa mới. Ngư lôi UGST 533 mm trang bị đầu đạn 300 kg và dùng để tiêu diệt tàu nổi và tàu ngầm địch ở cự ly đến 50 km. Ngư lôi được trang bị hệ tự dẫn âm thanh kết hợp, ngoài ra còn có chế độ điều khiển từ xa từ tàu ngầm.

Tiếp đó, người ta trù tính sử dụng biến thể tiên tiến của ngư lôi này dùng động cơ turbine chu trình hở 19D công suất 800 kW chạy nhiên liệu 2 thành phần (hydrazide và dầu hỏa Т1) với tên Fizik-2 hay Fizik-2000 (tên xuất khẩu là UGST-М). Nhờ động cơ mới, dự kiến ngư lôi sẽ đạt tốc độ tối đa khoảng 65 hải lý/h. Ngoài các ngư lôi này, cơ số đạn tiêu chuẩn của tàu ngầm Projekt 885 sẽ gồm cả ngư lôi điện vạn năng USET-80KM thế hệ trước (biến thể này trang bị vào năm 1993).

Hồ sơ

Ngư lôi UGST (Fizik) là ngư lôi nhiệt (khí-hơi nước) vạn năng, tầm xa, tự dẫn, lặn sâu 533 mm dùng để tiêu diệt tàu nổi và tàu ngầm. Ngư lôi được trang bị hệ tự dẫn thủy âm kết hợp với khả năng điều khiển từ xa từ tàu mang. Ngư lôi có thể sử dụng ở chế độ điều khiển từ xa qua dây dẫn, tự tìm mục tiêu theo vệt nước đuôi tàu, bám theo hướng với ố lượng thao tác cơ động cho trước theo tình huống.

UGST có thể lắp hệ tự dẫn âm thanh chủ động/thụ động (của Liên hiệp Region) với mạng anten thu-phát phẳng, sector quan sát có thể thay đổi và các bộ sonar chủ động đa kênh hay hệ tự dẫn âm thanh chủ động/thu động (của Viện Gidropribor). Bán kính phản ứng của hệ tự dẫn với tàu mặt nước (tàu ngầm) tương ứng là 1.200 m và 2.500 m và cự ly kích hoạt ngòi nổ không tiếp xúc tương ứng là 6-8 m và 2 m. Thời gian nhận dạng vệt nước đuôi tàu sau khi tàu nổi đi qua là đến 350 s. Ngư lôi có thể điều khiển qua cáp dẫn dài 30 km.

Dưới tác động của dòng nước, dây dẫn điều khiển từ xa có thể bị xoắn và đứt. Vì thế mà loại trừ việc sử dụng ngư lôi ở độ sâu nhỏ và bắn loạt nhiều ngư lôi (khác với các hệ thống hiện đại của phương Tây và Trung Quốc).

Động cơ ngư lôi kiểu piston hướng trục khí-hơi nước có công suất 350 kW (Viện Morteplotekhnika) với liều phóng gắn trực tiếp với bộ dẫn tiến phụt nước. Khi lắp động cơ chu trình hở 19D công suất 800 kW, tốc độ có thể đạt khoảng 65 hải lý/h.

Tùy thuộc tốc độ chuyển động, tầm bắn của ngư lôi có thể đạt 40, 50 và 60 km và tốc độ tối đa có thể là 50, 40 và 65 hải lý/h. Độ sâu hành trình tối đa 500 m, độ sâu phóng tối đa từ tàu ngầm 400 m.

Các biến thể: Mẫu cơ sở UGST dùng để phóng từ các ống phóng lôi tiêu chuẩn Nga; UGST NATO là biến thể dùng cho ống phóng lôi tiêu chuẩn NATO; UGST-M là biến thể lắp động cơ turbine 19DT, trang bị năm 2004.

Thông tin công khai trước đây cho biết, ngư lôi được Hải quân Nga nhận vào trang bị vào năm 2002. Sau lần triển lãm UGST đầu tiên vào năm 2003 tại Nga, ngư lôi được chào bán xuất khẩu. Năm 2008, Bộ Quốc phòng Nga bắt đầu mua các lô phụ tùng, linh kiện dự trữ nhỏ cho ngư lôi UGST.

Nga dự trù chi 1 tỷ rúp để sản xuất loạt ngư lôi Fizik trong năm 2015 tại Nhà máy Dagdizel ở Kaspyisk, Daghestan. Vấn đề linh kiện mua từ Ukraine và Kyrgyzstan dự kiến khắc phục bằng cách chuyển sang dùng linh kiện nội. Hiện nay, nhà máy nằm trong Công ty cổ phần nhà nước Tập đoàn “Vũ khí ngầm hải quân - Gidropribor”.
Nam Xương