In bài này
Không quân Nga trong cuộc chiến 5 ngày chống Gruzia (2)
Thứ Tư, 15/04/2015 - 9:03 AM
Nhìn chung, Không quân Nga đã hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, gây tổn thất lớn cho quân đội Gruzia, tiêu diệt được đa số các mục tiêu hạ tầng quân sự Gruzia.
>> Không quân Nga trong cuộc chiến 5 ngày chống Gruzia (1)

Kết quả tác chiến của Không quân Nga trong cuộc chiến 5 ngày như sau:

Cường kích Su-25 của Không quân Nga
- Nhìn chung, Không quân Nga đã hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, gây tổn thất lớn cho quân đội Gruzia, tiêu diệt được đa số các mục tiêu hạ tầng quân sự Gruzia. Đã phá hủy các đường băng cất/hạ cánh của gần như tất cả các sân bay Gruzia, kể cả đường băng cất cánh của Nhà máy hàng không Tbilisi. Chỉ có đường băng cất/hạ cánh của sân bay ở Tbilisi là không bị đánh bom. Gần như tất cả các căn cứ quân sự và mục tiêu quân sự của Gruzia đều bị oanh kích, phần lớn hạ tầng quân sự của Gruzia đã bị tiêu diệt. Mặc dù có hiệu quả chiến đấu khá cao, hệ thống phòng không Gruzia đã hoàn toàn không thể ngăn cản đáng kể Không quân Nga hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình.

- Không quân Nga, kể cả không quân vận tải, đã thực hiện gần 2.500 phi vụ. Trong 3 ngày đầu chiến tranh, không quân chiến thuật đã thực hiện trung bình 3 lượt xuất kích cỡ trung đoàn, trong 2 ngày cuối là 2 lượt xuất kích cỡ trung đoàn. Nga tổn thất 6 máy bay - 1 Tu-22M3, 4 Su-25, 1-2 Su-24М. Mức tổn thất này là rất nhỏ, còn xa mức nguy hiểm.

- Một phần đáng kể tổn thất gây ra do “hỏa lực quân nhà”. Đáng tiếc là Không quân Nga đã không áp dụng các dấu hiệu “nhận biết nhanh” (ví dụ trong tác chiến, Không quân Israel sơn lên các đuôi đứng máy bay các dải màu chói đặc biệt). Do Gruzia cũng có các cường kích như Nga và cũng sơn ngụy trang như vậy nên trong trận chiến hỗn loạn, điều đó đã dẫn đến những hậu quả bi thảm như thế.

Nhìn chung, có thể đánh giá kết quả hoạt động của Không quân Nga trong cuộc chiến 5 ngày là đạt yêu cầu.

Bây giờ hãy nói về chuyện so sánh hiệu quả của Không quân Nga với không quân NATO, điều mà nhiều người rất thích làm. Một là, điều đó không hoàn toàn xác đáng, vì không quân NATO trong các cuộc chiến tranh trong các thập kỷ gần đây và Không quân Nga đã thực hiện một số nhiệm vụ khác nhau.

Nhiệm vụ chính của không quân NATO là tiêu diệt hạ tầng dân sự và quân sự đối phương. Trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991 chống Iraq, trước khi bắt đầu cuộc tấn công trên bộ của liên quân là một tháng không kích dữ dỗi Iraq, sau đó lục quân chỉ còn việc đánh bồi quân đội Iraq lúc đó đã rối loạn, tan nát. Trong chiến dịch chống Nam Tư của NATO, các đòn không kích gần như hoàn toàn nhằm vào các mục tiêu hạ tầng dân sự.

Trong cuộc chiến 5 ngày năm 2008, Không quân Nga làm các nhiệm vụ chi viện lục quân và vào trực tiếp tiếp xúc với quân đội đối phương khi hoạt động trong vùng sát thương của tên lửa phòng không mang vác và tên lửa phòng không tầm ngắn. Ngoài ra, mật độ tên lửa phòng không mang vác trong quân đội Iraq thưa hơn nhiều lần so với trong quân đội Gruzia, trong khi hoàn toàn không có các hệ thống tên lửa phòng không lục quân tương đối hiện đại.

- Không quân Nga đã vấp phải các phương tiện phòng không ở cùng trình độ (cùng chủng loại). Không quân NATO không gặp sự kháng cự mạnh từ phía các phương tiện phòng không đối phương. Tất cả các phương tiện phòng không đối phương mà các địch thủ của họ có về thực chất chỉ là các vật trưng bày bảo tàng, từ lâu đã bị loại bỏ khỏi trang bị các nước phát triển và hoàn toàn không có khả năng tác chiến chống không quân hiện đại.

Tiếp theo là về chuyện “ngu ngốc” trong chỉ huy. Ở các nước NATO, người ta cũng “biết” đánh nhau, nói nhẹ ra, là không thật ngon lành. Ví dụ, trong chiến dịch Bão táp sa mạc, quân Anh ngay trong tuần đầu chiến tranh đã ăn đòn đau khi mất 6 chiếc Tornado, trong vòng chỉ có 300 lần chiếc. Đây là mức độ tổn thất nguy hiểm - 2% trên 1 lần chiếc. Mức độ tổn thất nguy hiểm của không quân Anh bị gây ra bởi các vũ khí phòng không sau - hệ thống tên lửa phòng không S-75, các hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-57-2, ZSU-23-4 Shilka, cũng như các pháo phòng không “tiền sử” S-60 và KS-19 (pháo phòng không mẫu 1947 mm). Trong cuộc xâm lược Iraq, một phần đáng kể tổn thất của các lực lượng NATO, kể cả không quân, là do “hỏa lực quân nhà”. Ví dụ, hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ đã bắn rơi 1 máy bay Tornado của Anh (vì kíp chiến đấu Patriot nhận nhầm nó là tên lửa chiến thuật Scud!!!).

Nhược điểm của Không quân Nga

Trong chiến tranh ở Nam Ossetia, có thể chỉ ra các nhược điểm sau đây của Không quân Nga:

- Tập trung mọi nỗ lực trong những ngày đầu tiên chỉ vào tấn công đối phương mà coi nhẹ việc chế áp các phương tiện phòng không Gruzia.

- Đánh giá thấp khả năng của các phương tiện phòng không Gruzia.

- Trình độ hiệp đồng, phối hợp yếu giữa lục quân và không quân. Thực chất, cả Lục quân và Không quân Nga đều đã riêng rẽ tiến hành cuộc chiến tranh “của mình”.

- Tại thời điểm đó, tỷ lệ máy bay mới và hiện đại hóa trang bị cho Không quân Nga là rất thấp (trong những năm gần đây, các nhược điểm này đang được khắc phục ráo riết).

- Không quân cường kích Nga không có các vũ khí hiệu quả, chính xác cao, ví dụ như tên lửa chống tăng có điều khiển, để tác chiến chống tăng-thiết giáp đối phương, nên buộc phải dùng bom không điều khiển, do đó buộc phải bay vào vùng sát thương hiệu quả của tên lửa phòng không mang vác đối phương. Điều rất bức thiết đối với cường kích Su-25 là hệ thống avionics tồi tệ. Trên Su-25SM, tình hình khá hơn nhiều về mặt này.

Rõ ràng là cuộc chiến tranh 5 ngày năm 2008 chống Gruzia đã bộc lộ nhiều nhược điểm của Không quân Nga và cho thấy rằng, Không quân Nga vẫn là lực lượng đáng gờm và có khả năng hoàn thành rất hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra.

>> Không quân Nga trong cuộc chiến 5 ngày chống Gruzia (1)
Nhân Vũ