In bài này
Tên lửa RVV-SD - tương lai của không quân chiến thuật Nga
Chủ Nhật, 05/04/2015 - 6:17 PM
Sắp tới, RVV-SD sẽ là một loại vũ khí không chiến chủ lực của tất cả các loại máy bay chiến thuật của Không quân Nga.
RVV-SD

Trong khi châu Âu đang ráo riết xúc tiến ra thị trường thế giới tên lửa không đối không vạn năng, tầm xa Meteor của hãng MBDA trang bị động cơ phản lực-không khí dòng thẳng, còn công ty Raytheon của Mỹ đang chào bán tên lửa tầm xa AIM-120C-7, Viện thiết kế chế tạo máy nhà nước GosMKB Vympel đang trau chuốt hoàn thiện “sản phẩm 170-1” (Izdelyie 179-1) và “sản phẩm 180” (Izdelyie 180) mà sắp tới sẽ là chủ lực trong kho vũ khí của tất cả các loại máy bay chiến thuật của Không quân Nga.

Nếu như Không quân Mỹ tiếp tục chỉ dựa vào các tên lửa lắp động cơ tên lửa nhiên liệu rắn (theo sơ đồ truyền thống), còn châu Âu thì chọn động cơ phản lực-không khí dòng thẳng tiến bộ và hiệu quả hơn, thì MKB Vympel chọn cả hai khái niệm tên lửa tầm xa.

Cả 2 mẫu tên lửa Izdelyie 179-1 và Izdelyie 180 đều được phát triển dựa trên tên lửa không đối không nổi tiếng R-77 (RVV-АЕ) mà đến nay vẫn là đối thủ chủ yếu của AIM-120B/C AMRAAM của Mỹ.

Chỉ riêng Không quân Ấn Độ, theo số liệu không chính thức, đã có gần 2.000 tên lửa R-77. Nhưng cả tên lửa châu Âu và tên lửa Mỹ trong quá trình nâng cấp đã tạm thời vượt lên phía trước khi đạt tầm bắn 150 km (Meteor) và 120-180 km (AIM-120C-7, 8).

RVV-SD
Năm 2010, Gos MKB Vympel phát triển biến thể nâng cấp của tên lửa sản xuất loạt RVV-SD (Izdelyie 170-1) và nó sẽ là biến thể phổ biến nhất trong tất cả các biến thể. Tên lửa sẽ được trang bị cho tất cả các tiêm kích của Nga trong 5 năm tới.

Khác biệt chất lượng của tên lửa này so với biến thể sản xuất loạt cũ là gì?

Sự hoàn thiện khí động của tên lửa được nâng cao cơ bản nhờ giảm chiều dài của cánh lái khí động dạng lưới từ 75 xuống còn 68 cm, ở tốc độ bay hành trình 3.800-4.500 km/h, điều đó giúp giảm mạnh lực cản khí động và tăng tầm bắn, ở RVV-SD, tầm bắn đã tăng 30 km (từ 80 lên đến 110 km); điều này không ảnh hưởng đến sức cơ động của tên lửa vì diện tích làm việc của các cánh lái vẫn như cũ.

Chiều dài thân tên lửa đã tăng thêm 110 mm (từ 3,6 lên 3,71 m), sải cánh của các cánh ổn định hình thang ở giữa thân cũng được giảm đi 34 mm (từ 454 xuống còn 420 mm). Izdelyie 170-1 nặng hơn 15 kg, điều đó đã làm giảm đôi chút mức độ chậm lại của tên lửa. Tầm bắn 110 km gần tương đương với biến thể áp chót của tên lửa Mỹ AIM-120C-7. Khả năng chịu quá tải của tên lửa tăng lên từ 35 lên đến 40 g.

RVV-SD

Khả năng bắn “qua vai” (lệch 90 độ so với hướng bay của tiêm kích) cho phép các tiêm kích Nga có được ưu thế hoàn toàn trước đối phương trong cận chiến và khi sử dụng hệ thống chỉ thị mục tiêu gắn trên mũ bay và có thực hiện các thao tác siêu cơ động (Hổ mang Pugachev...)). Tốc độ góc ngoặt của tên lửa có thể lên tới 150 độ/s.

Đầu tự dẫn radar chủ động 9B-1103M do Viện thiết kế Agat ở Moskva phát triển hoàn thiện hơn đầu tự dẫn trước đó 9B1348E, công suất và độ nhạy của thiết bị phát bức xạ, cũng như khả năng chống nhiễu của thiết bị thu tăng lên. Các mục tiêu có bề mặt tán xạ hiệu dụng 3m2 có thể bắt ở cự ly đến 20 km. Ngoài ra, cũng có các đầu tự dẫn bổ sung để trang bị cho tên lửa RVV-SD.

Đầu tự dẫn radar chủ động/thụ động 9B-1103M-200PS có mạn tanten kết hợp, bao gồm cả kênh dẫn chủ động, lẫn kênh dẫn thụ động. Đầu tự dẫn này cho phép bắt mục tiêu bức xạ vô tuyến tiêu chuẩn kiểu “tiêm kích” ở cự ly 200 km. Kênh thụ động có thể sử dụng để bổ trợ cho kênh thụ động khi phương tiện tiến công đường không đối phương có các thiết bị bức xạ (radar trên khoang, đầu tự dẫn hay thiết bị đo cao vô tuyến), ở chế độ đó, tên lửa có thể bí mật tiêu diệt mục tiêu và trạm cảnh báo chiều xạ radar đối phương sẽ không thể cảnh báo trước về việc bị bắt bám bởi kênh chủ động của đầu tự dẫn.

Khi phóng tên lửa từ độ cao 18-19 km vào mục tiêu như máy bay AWACS hay máy bay tác chiến điện tử, tên lửa bay lên tầng trên khí quyển (28-32 km), có thể bay xa đến 160-180 km và tiêu diệt mục tiêu theo quỹ đạo bay đi xuống tối ưu nhất. Nhờ có khả năng lọc tuyệt vời của máy tính trên khoang, tên lửa có thể dùng để chống tên lửa hành trình, tên lửa chống radar, tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không và thậm chí chống cả các tên lửa không đối không khác trong tình trạng nhiễu phức tạp.

RVV-SD

Trong catalogue mục tiêu có tất cả các mục tiêu có bề mặt tán xạ hiệu dụng tương đương 0,05m2, và các phương tiện gây nhiễu mạnh như máy bay tác chiến điện tử F/A-18G Growler, cần lưu ý rằng, tác chiến hiệu quả nhất chống máy bay này còn có các tên lửa R-27ET với đầu tự dẫn hồng ngoại.

Loại đầu tự dẫn thứ hai cũng là loại kết hợp. Đầu tự dẫn radar chủ động/thụ động 9B-1103M-200PA, ngoài kênh chủ động, còn sử dụng hệ dẫn bán chủ động (với sự hỗ trợ của radar chiếu xạ từ máy bay mang). Nó không thể hoạt động ở chế độ thụ động, nhưng có ưu điểm lớn là khi đồng thời sử dụng kênh chủ động/thụ động tại thời điểm bắt mục tiêu, mọi nhược điểm và chập chờn trong quá trình bám của đầu tự dẫn lập tức được hiệu chỉnh nhờ chiếu xạ radar từ máy bay mang, điều này tạo ra những cơ hội lớn để thực hiện thành công nhiệm vụ chiến đấu.

Tên lửa RVV-SD có thể tiêu diệt mục tiêu có tốc độ tối đa đến 5.200 km/h, phần chiến đấu kiểu thanh xuyên nặng 22,5 kg có nhiều phần tử sát thương đa lõm có bán kính văng mảnh. Loại phần chiến đấu này vẫn có độ chính xác cao của hệ dẫn tên lửa.

RVV-SD

Nhà sản xuất cũng đang xúc tiến RVV-SD để trang bị cho tiêm kích đa năng tàng hình thế hệ 5 Т-50 PAK FA. Để lắp tên lửa lên các mấu treo trong các khoang vũ khí nhỏ bé trong thân máy bay, Izdelyie 180 sẽ có các cánh lái phẳng không gấp được như tên lửa Astra và các tên lửa phương Tây thay vì các cánh lái dạng lưới.

Tên lửa sẽ được trang bị động cơ nhiên liệu rắn mới 542U, khác với động cơ tiêu chuẩn ở chỗ hoàn toàn không khói. Việc cung cấp động cơ này đã được đưa tin từ 9 năm trước, khi PAK FA đã chuyển sang giai đoạn phát triển cuối cùng.

Tiếp sau Izdelyie 180 (K-77М), Nga đang phát triển loại tên lửa không đối không tiên tiến hơn là RVV-BD (Izdelyie 180-PD). Tên lửa mới được trang bị động phản lực không khí dòng thẳng và sẽ có tầm bắn tối đa gần 200 km. Nó được thiết kế trên cơ sở tên lửa RVV-АЕ-PD, nhưng cũng cói các cánh lái khí động phẳng, không gấp được, mặc dù ban đầu nó được thiết kế với các cánh lái gấp dạng lưới.

Theo thông tin mới nhất, tất cả vũ khí của tiêm kích Т-50 sẽ là các biến thể RVV-SD với hệ dẫn chủ động/thụ động vì sự hiện diện của kiểu thụ động có thể mang lại ưu thế chiến thuật lớn thực sự trong không chiến vì không cho phép đối phương dễ dàng phát hiện máy bay ta theo bức xạ của hệ thống radar trên khoang. Tên lửa có thể phóng “mò”, chỉ theo thông tin chỉ thị mục tiêu của máy bay chỉ huy-báo động sớm hay radar mặt đất, còn tên lửa sẽ tực hoàn thành mục tiêu.

Izdelyie 170-1 dùng để lắp cho tất cả các loại máy bay tiêm kích, cường kích Su-25 cải tiến, cũng sẽ được trang bị tên lửa này còn có các máy bay trên hạm của Nga, bao gồm cả máy bay đánh chặn trên hạm cải tiến Su-33 và tiêm kích hạm đang được đưa vào trang bị MiG-29KUB. Tên lửa sẽ mang lại cho Không quân và Phòng không Nga sự linh hoạt lớn và hiệu quả cao.

Dĩ nhiên, các sản phẩm của Gos MKB Vympel là ví dụ của ý tưởng thiết kế độc đáo của Nga và trong tương lai sẽ vẫn duy trì được độ tin cậy và hiệu quả của máy bay tiêm kích của Không quân và Hải quân Nga.
Nam Xương