In bài này
Tình báo điện tử Anh: Bí mật - Có thể nghe lén ý nghĩ của kẻ thù không? (9)
Thứ Tư, 15/04/2015 - 2:16 PM
Thập niên 1970 đã hé lộ một bí mật được giữ kín nhất của chiến tranh thế giới thứ II. 30 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, người ta biết rằng, theo tướng Eisenhower, Ultra đã đóng góp "công lao quyết định vào chiến thắng".
Churchill cũng cho rằng, Ultra đó là cái mà "nhờ nó chúng ta đã thắng trong cuộc chiến". Khi đó nảy sinh câu hỏi hiển nhiên tại sao trong trường hợp đó, chiến thắng đã không đến sớm hơn, một trong những sử gia phương Tây tuyên bố rằng, nhờ có Ultra mà con đường đi đến chiến thắng đã ngắn hơn một, có khi đến hai năm cho các đồng minh Anh, Mỹ.

Để hiểu ý nghĩa thực sự của việc xâm nhập vào ý đồ của kẻ địch, điều đã diễn ra trong những năm chiến tranh thế giới thứ II và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chiến tranh, cần phải có thêm thời gian. Những đánh giá hứng khởi xuất hiện sau 30 năm im lặng đã cản trở việc đánh giá sáng suốt ý nghĩa của Ultra và che kín những khía cạnh quan trọng của nó. Liệu vai trò của Ultra đối với chiến thắng có lớn đến thế thật không? Nếu như các viên tướng Mỹ và Anh, những người đã được tán tụng hết lời về tài điều binh khiển tướng thần diệu, lại biết trước các kế hoạch của đối phương thì liệu hào quang chiến thắng của họ có vì thế mà bị mờ nhạt đi không? Và thêm một câu hỏi nữa: chả lẽ người Đức lại không biết rằng, các bức điện mật mã của họ bị kẻ thù chặn thu và giải mã?

Bây giờ có thể khẳng định chắc chắn rằng, trong chiến tranh thế giới thứ II, Ultra đã không có cái vai trò mà những người bảo vệ Ultra cố gán cho nó. Chỉ 5 đến 10% tin tức tình báo vô tuyến điện tử của Ultra được gửi đến nơi chiến sự được sử dụng. Không tin tức nào của Ultra được gửi đến cho cấp dưới bộ chỉ huy tập đoàn quân. Các cấp dưới tập đoàn quân chỉ nhận được thông tin này dưới dạng mệnh lệnh tác chiến. Người ta không thể tiến hành ngay lập tức các hoạt động chiến đấu dựa vào các tài liệu Ultra chứa tin tức về sự di chuyển của các đoàn xe tăng hoặc tàu Đức. Bởi vậy, ban đầu, người ta phải tiến hành quan sát từ trên không, đồng thời là ở hình thức lộ liễu mà người Đức nếu muốn thì không thể không thấy và chỉ sau đó mới có các đòn tấn công hoả lực vào xe tăng hay tàu địch.

Các viên tướng không thể hiểu tại sao các sĩ quan dưới quyền họ lại miễn cưỡng thực hiện các mệnh lệnh mà họ luôn cam đoan là đúng đắn như thế. Viên tướng Anh John Lucas, một tư lệnh quân đoàn khi đổ bộ quân Anh-Mỹ ở Tây Âu vào tháng 1 năm 1944, không được tiếp cận trực tiếp tin tức Ultra, còn các chỉ huy của ông ta lại có quyền đó. Họ biết quân Đức sẽ không kháng cự Lucas nếu ông ta nảy ra ý định tiến sâu vào bờ biển. Tuy nhiên, các thượng cấp của ông ta không có quyền nói thẳng điều đó cho viên tướng của mình. Họ bắt ông ta tấn công, nhưng sự lạc quan của họ có vẻ giả tạo khi đối chiếu với những số liệu mà bản thân Lucas đã có. Bởi vậy, ông ta quyết định thận trọng và trụ lại ở các vị trí chiếm lĩnh được. Quân Đức đã tập trung lựclượng và cầm chân được quân đồng minh đã đổ bộ lên bờ. Tướng Lucas, người đã nhanh chóng bị cách chức tư lệnh do thiếu cương quyết, đã viết trong nhật ký của mình: "Hình như tất cả đều biết ý đồ của quân Đức, ngoại trừ tôi". Một nhận xét xác đáng.

Mặt khác, còn có nguy cơ là việc phổ biến quá rộng rãi các tài liệu Ultra sẽ phản tác dụng. Ultra không thể thay thế cho công việc gian khổ cùng tất cả các tin tức có được và biến một vị chỉ huy thường thường bậc trung thành một thiên tài quân sự. Một thiên tài quân sự vẫn như trước phải soạn thảo các kế hoạch tác chiến chi tiết, động viên tinh thần của binh sĩ dưới quyền và thích nghi với điều kiện thay đổi. Các tài liệu Ultra thậm chí có thể bó chân bó tay một vị chỉ huy trong các hành động của ông ta. Cấp trên khi nhận cùng những thông tin bí mật như thế về địch giống như ông ta lại cho mình cái quyền không chỉ đưa ra lời khuyên mà còn loại bỏ cả những người cứng đầu. Điều đó đã xảy ra với hai viên tướng Anh xuất sắc mà Churchill đã cách chức vào đầu cuộc hành binh châu Phi vì nghĩ là nhờ Ultra, ông ta hiểu biết người Đức giống như các tướng và bởi vậy ông ta đã nghĩ rằng, các hành động của họ là sai.

Đôi khi có thể nghe thấy nói là qua các tài liệu Ultra, người Anh đã biết được tất cả những gì kẻ địch nói về chính mình. Nhưng các quân nhân cũng không tránh khỏi những điểm yếu của con người. Họ thường phóng đại, che giấu, khoe khoang, lừa dối chính mình và thay đổi ý kiến mà không có nguyên nhân rõ ràng. Ultra thì không chú ý đến cảm xúc. Chẳng hạn, Rommel thường vi phạm các mệnh lệnh từ thượng cấp hoặc y báo cáo cho Berlin một đằng, còn lại làm một nẻo. Viên tướng phát xít này có trực giác rất tốt và nếu gặp tình huống thuận lợi là gã liền thay đổi kế hoạch mà không đợi đến khi báo cáo xong với cấp trên. Nguyên nhân của thất bại nặng nề của quân Anh trong trận đánh ở Kasserine vào tháng 2 năm 1943 là do một mệnh lệnh của Đức truyền qua kênh Ultra hạ lệnh tấn công một hướng còn Rommel lại chống lệnh để tiến quân theo hướng khác.

Đánh giá của đồng minh Anh-Mỹ về sức mạnh quân sự của Đức mà họ phải đụng độ khi khai chiến ở Tây Ây có vẻ chính xác hơn đánh giá của Đức về sức mạnh của quân đồng minh. Bởi lẽ nhờ Ultra, người Anh trên thực tế đã biết rõ toàn bộ 50 sư đoàn Đức đóng ở Pháp. Quân Đức thì gán cho kẻ địch có 75 sư đoàn, trong khi con số đó chỉ là 50. ý nghĩ phải đánh nhau với lực lượng địch đông hơn thực tế đã phá vỡ khả năng phòng thủ của quân Đức, còn việc biết được phản ứng đó từ phía quân Đức lại hỗ trợ đáng kể cho quân Anh-Mỹ. Nhưng có phải tất cả đúng là như thế trên thực tế?

Sau chiến tranh, vào năm 1946, người Anh đã thẩm vấn một viên đại tá Đức, kẻ không hề biết tí gì về sự tồn tại của Ultra. Gã đại tá nói: "Cho đến cuối năm 1943, tôi cùng với xếp của tôi ít nhất tháng một lần bị triệu tập đi họp tại bộ tham mưu Bộ chỉ huy tối cao. Lần nào chúng tôi cũng kinh ngạc về sự đánh giá thấp một cách phi logic về nhu cầu lực lượng Đức để phòng thủ ở Pháp, Nauy và Bancăng. Các binh đoàn liên tục bị điều chuyển từ chiến trường này sang mặt trận khác. Cuối cùng, tôi và xếp của tôi quyết định phóng đại đánh giá số lượng sư đoàn của đồng minh để làm thế nào đó quân bình với những dự báo quá lạc quan tại bộ tham mưu Bộ chỉ huy tối cao. Bởi vậy, các đánh giá của chúng tôi cao hơn thực tế khoảng 12 sư đoàn".

Ban lãnh đạo tối cao Đức không phải không biết tí gì về trung tâm mã thám ở Bletchley Park. Bước đầu tiên trong một quy trình dài đưa các tài liệu Ultra đến bộ tham mưu bộ chỉ huy Anh chỉ có thể thực hiện được nếu người Đức dùng máy phát vô tuyến điện để liên lạc. Nhưng quân đội Đức phần nhiều vẫn duy trì truyền thống. Đầu chiến tranh thế giới thứ II, đa số các bức điện của quân đội Đức được truyền qua điện báo và ở Anh người ta không thể chặn thu được chúng. Đôi khi các mệnh lệnh được chuyển bằng bồ câu và chó. Thậm chí vào thời kỳ cao trào của cuộc chiến, người Đức ưu tiên sử dụng điện báo và điện thoại, và chỉ khi không có các phương tiện này, họ mới chuyển sang dùng vô tuyến điện. Chỉ có 1/4 đến 1/3 toàn bộ các điện tín của Đức được truyền qua vô tuyến điện, mà chủ yếu là không phải điện tín chiến lược cao cấp, mà chỉ là cấp chiến thuật trung bình hay cấp thấp. Chỉ có Abwehr là ngoại lệ khi vẫn sử dụng vô tuyến điện kể cả để truyền tin trong nước vì cho đây là kênh liên lạc an toàn hơn.

Có phải tất cả các bức điện mã chặn thu được đều có thể đọc được không? Dĩ nhiên là không. Thành công của các chuyên gia mã thám Anh với Luftwaffe không lặp lại với Wehrmacht. Trong toàn cuộc chiến, ở Bletchley Park, người ta đã đấu tranh gian khổ với những mật mã phức tạp đến khó tin của Đức dùng cho các tàu nổi lớn và tàu ngầm. Nhưng kể cả khi các các chuyên gia mã thám Anh đã có được máy mã Triton, Bộ Hải quân Anh vẫn không thể xử lý nổi với dòng thác thông tin tình báo vô tuyến điện tử ào ạt. Trưởng bộ phận phụ trách các bức điện mật mã từ tàu ngầm Đức nhanh chóng gục ngã vì kiệt lực về thể chất và tâm thần mặc dù bộ phận này chỉ xử lý các bức điện mật mã có ý nghĩa tác chiến khẩn cấp.

Bởi vì phải thực hiện nhiều thao tác cần thiết như giải mã, dịch, xử lý và mã hoá thông tin nhận được để chuyển cho những người dùng tin nên các nhân viên của Bletchley Park luôn phải làm việc căng thẳng để các tài liệu Ultra không mất tính thời sự. Bởi lẽ, chỉ cần để chậm một giờ cũng đủ để biến chúng thành vô dụng.

Ngoài dòng thác thông tin lớn, Bletchley Park còn phải xử lý vô số chữ viết tắt, chỉ dẫn của các bản đồ, cũng như các thuật ngữ chuyên môn. Đôi khi, các chuyên gia mã thám phải mất nhiều ngày đánh vật với các bức điện mật mã mà cuối cùng té ra chúng chỉ là chuyện tầm phào. Điển hình là trường hợp sau. Abwehr gửi một bức điện mật mã cho tổ trưởng tình báo của mình ở Madrid, một sĩ quan có mật danh Caesar. Sau khi đọc bức điện, ở Bletchley Park, người ta thu được bản rõ như sau: "Thận trọng với Axel. Nó cắn đấy". Đây là cái gì vậy - mã lặp chăng? Sau này mới biết là chuyện nói về con chó giữ nhà được gửi đến để bảo vệ. Xác nhận cho điều đó là câu trả lời từ Madrid được giải mã: "Caesar đang trong bệnh viện. Ông ấy bị Axel cắn".

Nhiều vị chỉ huy gạt quách các tài liệu Ultra nếu chúng không phù hợp với quan điểm và kế hoạch của họ. Chẳng hạn, qua tài liệu Ultra, người ta biết rằng các cuộc oanh tạc nước Đức đã không bẻ gãy được tinh thần của người Đức và không cản trở được họ sản xuất ra một số lượng lớn máy bay như trước. Điều đó có nghĩa là các cuộc tập kích đường không của đồng minh Anh-Mỹ trong năm 1943-1944 là vô ích bởi vì tổn thất họ gây ra cho người Đức không tương xứng với những tổn thất mà họ phải chịu. Tất cả tin tức đã được GCHQ chuyển kịp thời đến các cấp tương ứng, nhưng các cuộc tập kích đường không của Không quân Anh vẫn tiếp diễn. Thế là sự thật chứa đựng trong các tài liệu Ultra đã không làm vừa lòng những kẻ ủng hộ các cuộc oanh kích ồ ạt nước Đức.

Các vị chỉ huy khác, trái lại, quá ỷ vào Ultra đến mức nếu các tin tức này không được đưa đến thì họ nghĩ là không có gì quan trọng xảy ra. Điều nguy hiểm của cách tiếp cận này lập tức thể hiện khi quân Đức mở cuộc tấn công ở vùng Ardennes trong tháng 12 năm 1944 khi quân Đức thực hiện một nỗ lực chặn bước tiến của quân Anh-Mỹ. Cuộc tấn công của Đức thật bất ngờ. Ultra đã không thể cảnh báo về các hoạt động đang chuẩn bị của Đức vì Hitler đã hạ lệnh cấm điện đàm vô tuyến.

Một trong những nguyên nhân khiến người ta không thể đánh giá dứt khoát ảnh hưởng của Ultra đối với tiến trình chiến tranh thế giới thứ II là câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời là liệu người Đức có biết người Anh giải phá được Enigma hay không.

Tất nhiên người Đức thừa hiểu là Enigma có thể bị giải phá. Chuyên gia mã thám Đức George Schroeder đã thể hiện khả năng đó vào năm 1930, đồng thời nhận xét ngắn gọn: "Enigma chỉ là lớp da thôi". Bài học không phải là vô ích. Các chuyên gia mật mã Đức thường xuyên bổ sung những cải tiến vào Enigma bởi họ biết nó không tuyệt đối vững chắc, đặc biệt là nếu kẻ địch có trong tay dù là một chiếc máy như thế. Năm 1944, người Đức thậm chí còn tổ chức một hội nghị đặc biệt về vấn đề độ tin cậy của các loại mã của mình, tại đây đã nêu ra các nhược điểm của Enigma và đề ra các biện pháp khắc phục.

Cuối cùng, sự ưu ái rõ ràng mà người Đức giành cho liên lạc cáp dẫn ở khắp những nơi có thể buộc người ta phải phỏng đoán rằng, người Đức đã nhận thức được khả năng các bức điện mật mã của họ bị giải phá. Việc người Đức sử dụng các ký hiệu mật mã cũng khiến người ta nghĩ thế. Chẳng hạn, trong thời gian cuộc không kích thành phố Conventry, toàn bộ chiến dịch diễn ra với mật danh "Bản sonat ánh trăng", còn mục tiêu thì được đặt bằng số.

Người Đức đã nhiều lần cố tung tin giả cho kẻ địch về vị trí các đơn vị của mình trong các bức điện mật mã của mình để làm gì nếu họ không tin chắc là chúng sẽ bị chặn thu và đọc được? Nếu ngược lại thì các hành động kiểu đó sẽ hoàn toàn vô nghĩa.

Như vậy, có thể nói trong chiến tranh thế giới thứ II, Ultra đã giúp ích đắc lực chỉ trong những trường hợp đơn lẻ, còn trong các trường hợp còn lại, vai trò của nó là không đáng kể hoặc hoàn toàn chẳng có gì. Ultra đã không đánh thắng chiến tranh cả ở mặt trận phía Tây, lẫn mặt trận phía Đông. Và ý kiến cho rằng, nhờ nó người ta đã rút ngắn được chiến tranh là hoàn toàn đáng ngờ. Sức hấp dẫn của một bí mật chiến tranh được che giấu khá lâu và ngòi bút nhanh nhẹn của người đầu tiên kể về điều được che phủ bởi bí mật này đã ưu ái giành cho Ultra tầm quan trọng lịch sử mà nó không xứng đáng có được.

Chu Hà