In bài này
Tình báo điện tử Anh: Bí mật - Phục vụ cho NKGB (7)
Thứ Hai, 13/04/2015 - 2:10 PM
Những thông tin tuyệt mật mà các chuyên gia mã thám Anh thu được thời chiến tranh thế giới thứ II từ các kênh liên lạc của Đức đã lọt cả vào tay Moskva.
Điều đó diễn ra theo hai cách.

Một là thông qua các điệp viên Liên Xô ở Anh được tiếp cận các thông tin này. Đã có hai điệp viên như vậy. Một trong số đó, Leo Long, nhờ kiến thức tiếng Đức tuyệt vời mà được nhận vào Phòng MI-14 của Bộ Quốc phòng Anh vào tháng 12 năm 1940. Phòng này làm nhiệm vụ đối chiếu và phân tích thông tin tình báo về đội hình chiến đấu của quân Đức. Tại đây Long đã tiếp cận các tin tức thu được nhờ các thành tựu của các chuyên gia mã thám Anh. Sau chiến tranh, Long chuyển từ MI-14 của Bộ Quốc phòng Anh sang Uỷ ban Kiểm soát của Anh ở Đức, thoái thác công việc và bắt đầu né tránh những nỗ lực nối lại quan hệ của tình báo Liên Xô. Việc Long từ chối hợp tác chủ yếu là do những thay đổi trong đời sống gia đình. Cuộc hôn nhân đầu với một nữ đảng viên cộng sản đã không thành công. Long lại cưới vợ và công việc gia đình choán hết anh ta khiến không còn thời gian để làm việc cho tình báo Liên Xô nữa.

Hai là chính London đã cung cấp tin tức thu được bằng tình báo vô tuyến điện tử cho Liên Xô ở dạng giấu giếm. Về kế hoạch Barbarossa (mật danh của kế hoạch tấn công Liên Xô) của Đức, người Anh đã biết rất lâu trước khi nó được thực hiện. Sĩ quan Anh Barclay là một trong một số ít nhân viên sứ quán Anh ở Moskva được biết về sự tồn tại của GCHQ. Không để lộ nguồn tin, ông ta đã cảnh báo một đại diện của bộ chỉ huy quân sự tối cao của Liên Xô về cuộc xâm lược đang được chuẩn bị của Đức. Còn việc người ta có chú ý đến lời cảnh báo này không và cái giá cho sự coi thường đối với tin tức tình báo vô tuyến điện tử được cung cấp một cách thiện chí như thế cho Liên Xô là thế nào thì ai cũng biết rõ.

Sau khi Đức tấn công Liên Xô, các khoá mã của Enigma giải phá được bắt đầu liên quan đến việc mã hoá các bức điện của Đức không chỉ ở mặt trận phía Tây mà cả mặt trận phía Đông. Chẳng hạn, người ta đã xác định được cách đặt khoá mã Enigma của Wehrmacht ngày 27 tháng 6 năm 1941 được sử dụng ở mặt trận Xô-Đức. Sau đó, đã tìm ra được khoá mã của Enigma mà Wehrmacht và Luftwaffe áp dụng khi tiến hành các hoạt động hiệp đồng tác chiến chống quân đội Xô-viết. Nhưng người Anh không vội chia xẻ các thành tựu đạt được với đồng minh phía Đông của mình trong liên minh chống Hitler. Vấn đề là ở chỗ Mỹ và Anh đã có quyết định chung mà họ kiên quyết trung thành trong suốt cuộc chiến.

Quyết định đó là không thông báo gì về Ultra cho Liên Xô. Một trong những nguyên nhân là do họ lo ngại các mật mã mà Liên Xô sử dụng kém vững chắc. Stewart Menzies người lãnh đạo GCHQ trong thời gian chiến tranh đã kiên quyết khuyên Churchill không chuyển cho Moskva các tin tức thu được nhờ đọc được điện mật mã của Đức bởi vì các mật mã của Liên Xô không tin cậy. Theo ông ta, thông báo cho phía Liên Xô biết rằng Anh đã giải phá được Enigma cũng có nghĩa là nói chính điều đó cho Đức. Đến cuối tháng 6 năm 1941, GCHQ đã phát hiện ra quân Đức đọc được một phần điện tín mật mã của các tàu và tập đoàn không quân số 17 của Liên Xô, và chúng biết rõ hệ thống tín hiệu của không quân Liên Xô triển khai gần Leningrad. Không có gì bảo đảm các mật mã của Liên Xô dùng để bảo mật các tin tức chiến lược không chịu cùng số phận đó.

Các cuộc thanh trừng trước chiến tranh đối với giới chỉ huy cao cấp Hồng Quân với cớ họ làm gián điệp cho Đức đã khiến phương Tây lo sợ rằng, các gián điệp Đức đã chui vào ban lãnh đạo Liên Xô. Hơn nữa, ban đầu Mỹ và Anh không chắc là Liên Xô có thể đứng vững trước sức mạnh vũ bão của cỗ máy quân sự Đức. Khi người ta bắt đầu hiểu rõ Liên Xô không chỉ có thể đứng vững mà còn có mọi cơ hội để chiến thắng trong cuộc chiến với Đức thì sự mất tin tưởng và cạnh tranh lẫn nhau giữa các nước đồng minh lại có vai trò của nó. Tuy nhiên, họ cũng không thể bỏ qua Liên Xô hoàn toàn nên ngay ngày 24 tháng 7 năm 1941, bất chấp mọi phản đối, Churchill đã hạ lệnh cho Menzies chuyển cho Liên Xô các tin tức thu được nhờ tình báo vô tuyến điện tử ở dạng không mã hoá thông qua phái bộ quân sự Anh ở Moskva với điều kiện loại trừ mọi khả năng làm lộ nguồn tin. Sau đó, mỗi khi thấy có tin tức chặn thu quan trọng liên quan đến các sự kiện ở mặt trận phía Đông, Churchill luôn hỏi: "Cái này đã chuyển cho người Nga chưa?"

Nguồn gốc của các tin tức tình báo đó, người Anh luôn che giấu bằng những câu dạng: "theo báo cáo của một nguồn tin cao cấp ở Berlin" hay "theo báo cáo của một nguồn tin rất tin cậy", hay "theo tin báo của một nhân viên Bộ Quốc phòng Đức". Số hiệu các đơn vị địch và các chi tiết khác có thể làm lộ ra là thông tin thu được bằng tình báo vô tuyến điện tử đều bị bỏ đi.

Chẳng hạn, ngày 11 tháng 7 năm 1942, GCHQ đã giải mã được bức điện mã sau đây của Đức:

"1. Cần phải chờ đợi địch áp lực gia tăng lên tập đoàn quân số 2. Cố gắng chống trả các lực lượng mạnh của địch trên mặt trận của tập đoàn quân có xét đến các chiến dịch của tập đoàn quân phía Đông nói chung.

2. Trong cụm quân của von Weichs có nhiệm vụ cùng với tập đoàn quân Hungary số 2 giữ vững mặt trận Donets giữa các cửa sông Potudan và Voronezh và cùng với tập đoàn quân 2 giữ vị trí bàn đạp Voronezh theo tuyến Olkhovatka-Ozersk-Borsk-ga đường sắt Kotysh". Hai ngày sau, bức điện này đã được chuyển tới phái bộ quân sự Anh ở Moskva ở dạng sau: "Thông báo cho Bộ Tổng tham mưu Nga. Theo các tin tức thu từ nhiều nguồn khác nhau, chúng tôi thông báo: người Đức, gồm cả các đơn vị Hungary, có ý định kìm chân quân Nga trên mặt trận Livna-Voronezh-Svoboda, trong khi đó các lực lượng xe tăng sẽ tiến về phía Đông Nam giữa các con sông Don và Voronezh". Đối với những người mong muốn thì đây một trắc nghiệm về sự nhanh trí và chú tâm khá độc đáo và họ sẽ tìm thấy không dưới 10 điểm trùng lặp trong hai văn bản được trích dẫn này.

Mùa hè năm 1941, viên sĩ quan Anh đã chuyển cho Moskva các mật mã tác chiến, các giáo trình hoa tiêu và tín hiệu gọi của Luftwaffe. Ông ta cũng nhận được những tài liệu trao đổi tương tự. Sau ông này, một sĩ quan Anh khác đã cung cấp tài liệu về liên lạc vô tuyến của Wehrmacht và hướng dẫn giải mã các mật mã bằng tay của cảnh sát Đức và nhận được một số tài liệu lấy được của Đức để trao đổi. Theo người Anh, những tài liệu này không đáng quan tâm lắm. ở London, người ta lo sợ kiểu trao đổi một chiều những thông tin hữu ích như vậy. Ngoài ra, GCHQ cũng cho rằng, Moskva đã sử dụng không hiệu quả các tin tức họ cung cấp. Một trong các chuyên gia mã thám Anh đã nhớ lại: Trong thời kỳ các trận đánh xe tăng lớn năm 1942, chúng tôi đã cảnh báo người Nga về cái bẫy của người Đức mà họ đang đưa sinh lực và binh khí kỹ thuật vào. Thật khó tin là họ đã tin vào những lời cảnh báo này bởi nếu không họ đã tránh được những tổn thất to lớn mà họ đã phải chịu".

Từ mùa hè năm 1942, luồng thông tin tình báo tác chiến thu được nhờ giải mã Engima đưa đến Moskva đã giảm đáng kể. Chỉ có các bức điện quan trọng đặc biệt là ngoại lệ. Tháng 12 năm 1942, vào thời điểm gay cấn của trận đánh Stalingrad, bản hướng dẫn giải phá mật mã bằng tay của Abwehr đã được chuyển đến Moskva với hy vọng đổi lấy cái gì đó có giá trị tương đương. Nhưng sự trông đợi đã không thành hiện thực. Các liên hệ với tình báo Liên Xô trở nên lỏng lẻo hơn nữa, còn sau khi mặt trận thứ hai được mở thì hoàn toàn chấm dứt. Và điều đó cũng dễ hiểu. Các đồng minh Anh, Mỹ dĩ nhiên là sợ ảnh hưởng của Liên Xô gia tăng ở châu Âu sau chiến tranh, còn Liên Xô thì ngay từ đầu chiến tranh cũng đã có đủ lý do để không quá tin vào các đồng minh trong liên minh chống phát xít của mình.

Thế là vào mùa hè năm 1942, đồng thời với việc cắt giảm số lượng thông tin tình báo vô tuyến điện tử được cung cấp chính thức từ London cho Moskva thì thông tin này bắt đầu được John Cairncross, một điệp viên mà Liên Xô tuyển được năm 1935, bí mật chuyển cho Moskva. Tháng 3 năm 1942, Cairncross đã vào làm việc cho GCHQ. Và mặc dù ông chỉ làm ở đó dưới một năm, nhưng sự tồn tại của ông trong dinh luỹ tình báo vô tuyến điện tử Anh lại trùng với sự khởi đầu của một thời kỳ quyết định trong chiến sự ở mặt trận phía Đông.

Chức trách chuyên môn của Cairncross tại GCHQ chủ yếu là phân tích thông tin liên lạc vô tuyến của Luftwaffe chặn thu được. Theo ý kiến của riêng ông, giờ phút chói sáng với ông bắt đầu vào mùa hè năm 1943, trước trận đánh Kursk khi quân Đức bắt đầu chiến dịch Citadel chống lại Hồng Quân Liên Xô. Ngày 30 tháng 4, người Anh gửi đến Moskva những lời cảnh báo về cuộc tấn công đang chuẩn bị của Đức, cũng như các tài liệu của tình báo Đức về binh lực của Liên Xô tại khu vực Kursk mà người Anh thu được nhờ giải phá Enigma. Cairncross còn chuyển bản rõ nguyên bản các bức điện mật mã chặn thu được, trong đó nói rõ số hiệu các đơn vị, binh đoàn Đức, yếu tố luôn bị người Anh cắt bỏ trong các tài liệu họ gửi cho Moskva.

Thu hút nhiều nhất sự chú ý của Moskva là những thông tin của Cairncross về tình hình bố trí các phi đoàn Đức. Bộ chỉ huy quân sự Liên Xô trong vòng hai tháng trước khi Đức bắt đầu cuộc tấn công ở vòng cung Kursk đã thực hiện ba cuộc oanh tạc phủ đầu vào 17 sân bay của Đức trong một dải rộng hơn 1000 km từ Smolensk đến biển Azov. Loạt oanh kích với ba trận ném bom ồ ạt này trở thành chiến dịch lớn nhất của Không quân Liên Xô thời chiến tranh thế giới thứ II. Họ đã thực hiện 1500 phi vụ xuất kích, tiêu diệt 500 máy bay địch, tổn thất của Liên Xô là 122 máy bay. Cairncross đã nhận được sự cảm ơn của Moskva vì những tin tức mà ông đã cung cấp. Tuy vậy, đến lúc này, khó khăn trong việc chuyển tin tức từ địa điểm đóng trụ sở GCHQ đến Moskva đã gia tăng nhiều đến mức Cairncross không thể vượt qua được nữa và ngay trước trận đánh Kursk, ông đã thay đổi chỗ làm.

Do Long từ chối cộng tác, sau đó là Cairncross đổi chỗ làm việc, tình báo Liên Xô đã mất không chỉ những nguồn tin giá trị, mà còn không còn khả năng đánh giá độ tin cậy của các dữ liệu mà phái bộ quân sự Anh ở Moskva chia xẻ với họ. Thêm vào đó là việc Liên Xô khó tìm ra lý do để thôi thúc các chuyên gia mã thám của mình bằng cách lôi ra các thành tích của các đồng nghiệp Anh của họ, như tin tức do Long và Cairncross cung cấp chứng tỏ, để chê bai họ.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, bí mật che phủ Ultra đã dẫn tới sự xuất hiện nhiều chuyện hoang đường. Theo một trong những chuyện hoang đường đó, người Anh rất muốn thu lợi từ các tài liệu Ultra liên quan đến mặt trận phía Đông. Nhưng điều đó phải làm bằng cách nào đó để giữ an toàn cho nguồn tin của họ và đồng thời thuyết phục được Liên Xô tin vào tầm quan trọng và độ tin cậy của thông tin. Vấn đề dường như đã được giải quyết bằng cách bơm tin tức Ultra qua nhóm tình báo Lucy của Liên Xô hoạt động chủ yếu trên lãnh thổ Thuỵ Sĩ. Như vậy, nguồn tin đã được giữ kín, mà ban lãnh đạo Liên Xô cũng đã hành động như mong muốn vì tin vào tin tức mà các điệp viên của mình thu được. Như vậy cần tung hô tình báo vô tuyến điện tử Anh vì họ đã chiến thắng cuộc chiến không những ở mặt trận phía Tây mà cả ở mặt trận phía Đông ư?

Trong giả thiết này không có lấy một ly sự thật. Vấn đề là ở chỗ việc chặn thu thông tin từ mặt trận phía Đông luôn là điều nan giải đối với GCHQ. Đức thường xuyên sử dụng các đường liên lạc ngầm dưới đất để liên lạc và không phải toàn bộ liên lạc được thực hiện qua vô tuyến điện. Nhưng kể cả trong những trường hợp quân Đức phải dùng đến vô tuyến điện để phát các bức điện mật mã thì cự ly và các yếu tố khách quan khác đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng thu của các trạm chặn thu của Anh. Các bức điện mật mã với điện văn bị bóp méo đòi hỏi mất nhiều thời gian để xử lý. Khó khăn còn tăng thêm bởi yêu cầu phải giải mã chúng.

Tình hình đơn giản hơn với các bức điện mật mã của Luftwaffe. Với các mật mã của các đơn vị Wehrmacht ở mặt trận phía Đông thì GCHQ chỉ có thể giải phá từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1941 và vào tháng 10, tháng 12 năm 1942. Hơn nữa, GCHQ không bao giờ coi việc đọc điện mật mã từ mặt trận phía Đông là nhiệm vụ hàng đầu của mình. Trước hết, họ quan tâm đến các tin tức có ý nghĩa tác chiến đối với bộ chỉ huy Anh. Bởi vậy, thông tin mà GCHQ thu được từ mặt trận phía Đông chỉ có thể là định hướng chung về quy mô, mục đích và kết quả của các cuộc tấn công của Đức mà cũng bị chậm 2-3 ngày. Tiếp đó, nó lại phải đưa từ Bletchley Park đến London, sau đó đưa đến tay báo vụ viên của nhóm Lucy ở Thuỵ Sĩ, còn sau đó được mã hoá và gửi về Moskva.

Tuy vậy, tất cả các chuyên gia về lịch sử tình báo vô tuyến điện tử thời chiến tranh thế giới thứ II đều nhất trí cho rằng, giá trị thông tin của Lucy chính là ở tính kịp thời của nó. Trong đa số các trường hợp, thông tin này đến được Moskva trong vòng 24 giờ sau khi nó được biết đến ở Berlin. Rõ ràng là Ultra không thể nào là nguồn tin cho nhóm Lucy. Các tin tức tình báo có tầm quan trọng và độ chính xác cao là do tướng Fritz Tile, trưởng phòng cơ yếu bộ tổng tư lệnh Wehrmacht, cung cấp cho nhóm Lucy. Là người số hai trong ngành thông tin liên lạc của quân đội Đức, khi cần, ông ta sử dụng những khả năng sẵn có của mình để móc nối liên lạc qua vô tuyến điện với liên lạc viên của mình.

Hai phần ba sức mạnh quân sự Đức tập trung ở mặt trận phía Đông. Tuy nhiên, vai trò của Ultra ở đây lại vẫn là một bí mật. Có thể việc giữ kín lâu dài vai trò này là nhằm che giấu ý nghĩa chính trị sau chiến tranh của Ultra. Mà đó là việc người Anh không mong muốn chia xẻ thành quả của các chiến dịch tình báo vô tuyến điện tử thành công của mình với Liên Xô, nước đã phải gánh vác gánh nặng chủ yếu của cuộc chiến với Đức, đã làm tăng thêm sự không tin tưởng đối với phương Tây và là một trong những nguyên nhân khai diễn cuộc chiến tranh lạnh. (Một số sĩ quan Anh làm việc cho tình báo Liên Xô còn tức giận hơn nữa nên từ đó họ hoàn toàn tin tưởng vào sự đúng đắn của lựa chọn mà họ đưa ra trước đó).

Chu Hà