In bài này
Tình báo điện tử Anh: Bí mật - Máy mã Triton từ chiếc tàu ngầm Đức (6)
Thứ Hai, 13/04/2015 - 7:59 AM
Đối với nước Anh, một quốc đảo, biển luôn có ý nghĩa sống còn. Không có lương thực, dầu mỏ và vũ khí nhập khẩu, nước Anh sẽ không thể đứng vững và người Đức hiểu rõ điều đó. Đô đốc Doenitz, tư lệnh Hải quân Đức, đã tuyên bố "cuộc chiến trọng tải" với nước Anh.
Những đoàn tàu vận tải ít ồn và chậm chạp của Anh đã trở thành miếng mồi ngon cho tàu ngầm đối phương. Đến mùa thu năm 1940, các tàu ngầm Đức hàng tháng đánh chìm xuống đáy biển gần 200.000 tấn hàng hoá đường biển của Anh. Từ một biệt thự ở bờ biển miền Tây nước Pháp, Đô đốc Doenitz duy trì liên lạc qua vô tuyến điện với hạm đội tàu ngầm của mình bằng các bức điện mật mã Enigma tinh quái.

Từ kênh liên lạc vô tuyến điện này, người Anh đã khai thác được nhiều tin tức có lợi. Bộ Hải quân Anh đã nhận được từ GCHQ tin tức về vị trí các tàu ngầm Đức, sau đó liên lạc bằng vô tuyến điện với các tàu Anh và hạ lệnh cho chúng khi gặp nguy hiểm thì thay đổi hướng đi hoặc chỉ dẫn phải đi theo đường nào. Điều đó luôn được thực hiện với cớ hợp lý, mà làm lộ nguồn tin. Thận trọng là hoàn toàn dễ hiểu bởi các máy mã chính của Hải quân Anh từ lâu đã bị lộ. Tuy nhiên, Đức nhanh chóng chú ý tới hiệu quả hoạt động ngày càng giảm của hạm đội tàu ngầm của họ.

Tháng 9 năm 1941, Đức thay đổi khoá mã ở tất cả các máy mã của hạm đội, còn trên các tàu ngầm thì họ bắt đầu thay các mã Enigma cũ bằng kiểu mới có 4 rotor thay vì 3 rotor. Máy Enigma 4 rotor đã đi vào lịch sử tình báo vô tuyến điện tử với tên gọi Triton. Trong đoạn đầu của mỗi bức điện mã gửi đi bằng máy mã này có tiền tố "BETA BETA". Và thế là từ đầu năm 1942, trong các đoạn đầu các bức điện mã của Đức, người Anh bắt đầu thấy xuất hiện những tiền tố "khủng khiếp" (đối với GCHQ và hạm đội Anh) này. Chỉ trong tháng 11 năm 1942, Hải quân Đức đã đánh đắm 190 tàu của Anh và đồng minh với tổng lượng giãn nước 729.000 tấn và tất cả chỉ vì người Anh không thể đọc được các bức điện mã của tàu ngầm Đức.

Người Anh đã có được các khoá mã của máy Triton nhờ một số hoàn cảnh. Một là người Đức đã vi phạm quy định an toàn khi để một số bức điện mã chặn thu được có độ dài trùng với các bức điện đã gửi trước đó bằng máy Enigma kiểu cũ, nhưng cũng phải cần tới 6 chiếc máy Bombes làm việc không nghỉ trong 17 ngày để đọc các bức điện này. Hai là người ta phát hiện ra rằng, để mã hoá một số bức điện mật mã chẳng hạn các thông báo thời tiết thì rotor thứ tư không được sử dụng bởi vì người ta dùng tổ hợp 3 chữ cái để chỉ vị trí của các rotor.

Thế là sau khi chọn ra những bức điện được mã hoá bằng máy Triton chỉ bằng 3 rotor, việc đọc các bức điện mã bằng cả 4 rotor trở nên dễ dàng hơn. Nhưng kể cả khi trục rotor số 4 không thể đặt lại cùng với các rotor khác (tức là vị trí của nó được phép coi là cố định) thì việc đưa rotor thứ tư vào sơ đồ máy Enigma đã tăng số lượng hoán vị khác nhau tăng lên 26 lần!

Một điều an ủi đối với người Anh là hạm đội tàu nổi Đức không sử dụng Triton. Trong cuộc chiến chống hạm đội tàu nổi Đức, người Anh đã sử dụng đề xuất mà viên sĩ quan trẻ Ian Fleming đưa ra từ năm 1941. Nó cũng phiêu lưu như tất cả những gì ông ta nghĩ ra sau này khi nổi danh là tác giả của các cuốn tiểu thuyết trinh thám về James Bond (Điệp viên 007). ý tưởng của Fleming thật đơn giản: nếu khó giải phá mật mã thì phải đánh cắp nó.

Các tàu của cơ quan khí tượng Đức thường trực ở Đại Tây Dương theo ca ba tháng. Mỗi tàu có một máy Enigma trên boong với bộ khoá mã cho thời kỳ ba tháng đó. Thế là các tàu khu trục Anh được phái tới Bắc Đại Tây Dương để đánh bắt lấy một chiếc tàu khí tượng Đức đi lẻ nào đó. Một trong các khu trục hạm đó, tàu Somalia, ngày 7 tháng 5 năm 1941, đã phát hiện được ở mạn trái một cột khói nhỏ của tàu biển - đó là tàu khí tượng Đức Mỹnchen. Sau khi tàu Somalia khai hoả vào chiếc Mỹnchen, báo vụ viên Đức đã vứt xuống biển chiếc máy Enigma trên tàu, nhưng lại quên huỷ bảng các vị trí đặt khoá cho máy cho tháng sau và nó đã bị người Anh lấy được.

Hai ngày sau đã diễn ra một cuộc đụng đầu mới, lần này là không dự kiến: gần bờ biển Greenland, một tàu ngầm Đức tấn công đoàn tàu Anh và sau khi bị phản công quyết liệt đã buộc phải nổi lên mặt nước. Một nhóm đánh bắt từ chiếc khu trục hạm đi hộ tống đoàn tàu đã tìm thấy trên boong chiếc tàu ngầm bị đắm một máy Enigma và các tài liệu hướng dẫn sử dụng máy. Kết quả là từ tháng 7 cho đến tháng 12 năm 1941, bất cứ khoá mã tháng nào của tàu ngầm Đức cũng bị Bletchley Park giải phá chỉ trong vòng 2 ngày đêm. Thông tin thu được lập tức được chuyển về London, tới trung tâm theo dõi di chuyển của tàu ngầm Đức. Các đoàn tàu Anh liền đi vòng tránh xa các tàu ngầm Đức, còn các khu trục hạm thì theo dõi và đánh đắm chúng. Nhưng Triton đã thay đổi tận gốc tình thế.

Mỹ đã nêu với nước Anh những tổn thất lớn lao mà hạm đội liên hợp của họ phải gánh chịu. Về việc này, giám đốc GCHQ lạc quan tuyên bố rằng, trong số 50 khoá mã của Luftwaffe và Wehrmacht, 26 khoá mã đã bị giải phá và rằng điện tín mật mã bảo mật bằng Triton cũng sẽ đọc được. Sự lạc quan của ông đã thành hiện thực ngay vào ngày 13 tháng 12 năm 1942 nhờ các tài liệu tìm thấy trên một tàu ngầm Đức bị đắm ở Địa Trung Hải. Trong vòng 6 giờ, người Anh đã truy đuổi tàu ngầm này cho đến khi nó nổi lên rất gần chiếc chiến hạm Anh đang săn lùng nó. Thuyền trưởng chiếc tàu ngầm Đức đã hạ lệnh cho thuỷ thủ đoàn rời tàu. Lúc đó, ba thuỷ binh Anh đã cởi quần áo và nhảy xuống nước.

Khi các thuỷ thủ bơi đến chiếc tàu ngầm Đức bị bỏ lại, đèn trên tàu vẫn sáng. hai thuỷ binh Anh chui vào trong và kịp tìm ra chiếc máy Triton cùng cặp tài liệu chính là các bảng khoá mã cho chiếc Triton và đưa tất cả cho thuỷ binh thứ ba đang đứng gần cửa ra vào. Mang theo số chiến lợi phẩm, anh này khó khăn lắm mới rời khỏi được chiếc tàu ngầm. Trước khi rời tàu ngầm, các lính tàu ngầm Đức đã mở các van thoát nước và không lâu sau hai thuỷ binh Anh lại được phái vào tàu để cố tìm xem còn gì nữa đã bị chôn sống cùng chiếc tàu ngầm dưới đáy biển. Cả hai người này đã được truy tặng huân chương, còn người thứ ba còn sống sót thì khi làm giấy tờ khen thưởng đã phát hiện ra là anh ta nói dối về tuổi khi nhập ngũ. Bởi vậy, anh ta bị sa thải khỏi Hải quân Anh và không lâu sau đã chết trong một cuộc không kích London của Đức khi cố cứu chị gái mình khỏi đám cháy. Đúng là người có số chết cháy thì không thể chết đuối!

Từ cuối năm 1942, người Anh đã lại đọc được thường xuyên các điện mật mã của tàu ngầm Đức nhờ chiếc máy Triton và giấy tờ lấy được trên chiếc tàu ngầm bị đắm ở Địa Trung Hải. Những tổn thất của Anh ở Bắc Đại Tây Dương đã giảm hai lần, các đoàn tàu buôn đến được đích nhiều hơn là bị đánh đắm trên đường đi. Tiếp đó, tiềm năng trí tuệ của các chuyên gia mã thám Anh đã được tăng cường bằng tiềm lực công nghiệp của nước đồng minh của Anh - nước Mỹ. Những con tàu và máy bay mới, được chế tạo chuyên dùng để chống tàu ngầm Đức nhanh chóng giành thắng lợi hoàn toàn với tàu ngầm Đức: ngày 24 tháng 5 năm 1943, trước những tổn thất lớn lao phải gánh chịu, Đô đốc Doenitz đã hạ lệnh cho các tàu ngầm của mình rút khỏi Bắc Đại Tây Dương. Công lao không nhỏ trong chiến thắng trên biển này thuộc về các chuyên gia mã thám Anh, nhưng người đã làm việc cực kỳ táo bạo và sáng tạo, khôn khéo giăng bẫy kẻ thù và không dung thứ cho những sai lầm của kẻ địch.

Nếu người Đức chọn và đặt một khoá mã nào đó không thể giải phá thì người Anh liền áp dụng thủ đoạn sau. Không quân Anh dùng máy mã kém vững chắc để chuyển một số bức điện mật mã nào đó. Hành động này chỉ có một mục đích: các bức điện mật mã sẽ bị người Đức đọc được. Ngay khi bản rõ của dù chỉ một trong các bức điện đó được phát lên mạng lưới liên lạc của Đức và được bảo mật bằng máy Enigma bằng khoá mã không thể phá giải đó thì bản rõ này được các chuyên gia mã thám Anh chọn ra trong toàn bộ luồng điện tín mật mã chặn thu được và theo đó tìm ra khoá mã "khó xơi" kia. Từ tháng 6 năm 1943 đến tháng 2 năm 1944, bằng cách đó, người Anh đã bẻ được 15 khoá mã Enigma mà Luftwaffe sử dụng.

Tháng 12 năm 1943, GCHQ được trang bị máy Bombes mới cải tiến có tên gọi Colussus. Đó là máy tự động có lập trình thực hiện các phép tính số học và logic trên những con số nhị phân. Nó được trang bị máy dò lại từ băng đục lỗ, làm việc với tốc độ 5000 ký tự/giây và máy chữ điện bảo đảm tốc độ đánh chữ đạt tới 15 ký tự/giây. Việc lập trình được thực hiện từ bảng đảo mạch. Cũng phải nói thêm là từ khi chế tạo được Colussus, GCHQ luôn được trang bị kỹ thuật tính toán hiện đại nhất. Ví dụ, trong thập niên 1980, ở đó đã sử dụng các siêu máy tính dòng Cray mặc dù theo các chuyên gia GCHQ, chúng có một nhược điểm lớn - độ tin cậy kém - chúng hỏng chỉ sau 300 giờ làm việc.

Để hiểu được quy mô tình báo vô tuyến điện tử của Anh chống nước Đức, ta phải biết rằng, trên thực tế trước khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, người Anh biết rõ phong cách, thói quen và đặc điểm của tất cả các báo vụ viên Đức. Với mỗi mạng thông tin liên lạc Đức, GCHQ cử một nhân viên đặc trách theo dõi toàn bộ liên lạc điện tín của mạng lưới đó để lập bức tranh chi tiết có liên quan đến nhân sự, cơ cấu, vị trí và ý định của từng bộ ngành dân sự và quân sự hay của các đơn vị quân đội Đức sử dụng mạng thông tin liên lạc đó.

Kết quả chủ yếu của chiến tranh thế giới thứ II đối với tình báo vô tuyến điện tử là nó đã tạo cơ hội chứng minh trên thực tế hiệu quả các phương pháp của nó  được áp dụng lần đầu tiên từ trước chiến tranh. Người ta đã bắt đầu sử dụng kỹ thuật máy tính để đẩy nhanh quá trình giải phá khoá mã. Các phần tử thông tin nhỏ có trong tay các cơ quan tình báo vô tuyến điện tử đã được tính cực bổ sung bằng tin tức của điệp viên. Kẻ địch thường xuyên bị nhồi cho những bức điện để truyền đi trong các kênh liên lạc cơ yếu để sau đó lọc chúng ra từ luồng thông tin chặn thu nói chung và sử dụng thông tin thu được bằng cách đó để giải mã các bức điện mật mã khác. Tất cả những thay đổi và các biện pháp mới trong tổ chức liên lạc cơ yếu của đối phương bị theo dõi chặt chẽ. Các hoạt động chiến sự được tiến hành với mục đích chỉ để chặn lấy các máy mã hay khoá mã của chúng. Kinh nghiệm có được thời chiến tranh rất có ích cả cho thời bình.

Chu Hà