In bài này
Tình báo điện tử Anh: Bí mật - Boniface giành cho Winston...(5)
Chủ Nhật, 12/04/2015 - 8:55 AM
Tháng 9 năm 1940, Churchill đã hạ lệnh cung cấp cho ông tất cả các bức điện của Đức giải mã được, chứ không chỉ những phần trích của chúng. Được đưa đến bàn ông còn có dữ liệu về các bức điện mật mã bị chặn thu nhưng chưa giải mã được. Tại sao vậy?
Một là vì Boniface cho đến lúc đó đã chứng minh được hoàn toàn giá trị của mình - đó là đã khám phá ra mật danh chiến dịch đổ bộ quân Đức lên Anh quốc (chiến dịch Hải Sư) và làm rõ vai trò của Luftwaffe trong chiến dịch này. Hai là Churchill đã rất hài lòng được đích thân xem các bức điện mật mã của Đức giải mã được, sau đó là dựa vào "nguồn tin siêu mật" để đè bẹp sự chống đối đối với các quyết định chiến lược và chiến thuật của mình. Bởi lẽ theo yêu cầu của ông, chỉ có 6 người trong số gần 40 thành viên chính phủ Anh được biết về "những quả trứng vàng" từ Bletchley Park. Churchill đã kiên quyết cho rằng, kinh nghiệm chính trị phong phú của ông cho phép ông đánh giá đúng hơn và sử dụng thông tin mà GCHQ cung cấp. Điều thú vị còn là việc các chuyên gia của GCHQ với mục đích bảo mật phải lập các báo cáo tóm lược tin thu được sao cho người ngoài không biết được nguồn tin.

Churchill đã trở thành vị thủ tướng Anh đầu tiên đến thăm GCCS-GCHQ. Khác với các vị tiền nhiệm, ông biết cách thuyết phục các chuyên gia mã thám Anh tin rằng, bản thân ông quan tâm đến thành công của họ. Tháng 10 tháng 1941, khi mà người ta bắt đầu cảm thấy thiếu nhân lực, vật lực cho Bletchley Park, việc đề đạt thẳng với Churchill đã giúp giải quyết mọi khó khăn.

Sự chú ý đặc biệt mà Churchill giành cho các tin tức của GCHQ cũng còn có mặt trái, kém dễ chịu đối với các chuyên gia mã thám Anh. Vị đứng đầu chính phủ Anh nhiều lần phê phán GCHQ do những sai sót trong công việc. Chẳng hạn, lãnh đạo GCHQ đáng bị khiển trách vì họ đã không kịp thời chú ý đến mối quan tâm bền bỉ của Hitler đối với một chiến dịch cụ thể của một tập đoàn quân của hắn. GCHQ cũng mắc những sai sót khác.

Không được nói rằng, việc Churchill đọc cẩn thận các bức điện mật mã Đức đã giải mã hiển nhiên cho phép ông ta đánh giá khách quan và không sai lầm tình hình diễn biến trên các mặt trận. Tất nhiên là các tin tức thu được bằng cách đọc các bức điện mật mã của bộ chỉ huy quân sự Đức các cấp đã cho phép Churchill nhìn nhận các sự kiện đang diễn ra bằng con mắt của người Đức. Tuy nhiên, con người không thể tránh khỏi sai lầm và đánh lừa người khác (vô tình hay cố ý). Chẳng hạn, các bức điện giải mã của tướng Rommel, tư lệnh quân đoàn viễn chinh châu Phi của Đức gửi về Berlin yêu cầu tăng viện, lương thực và trang bị vẫn được đưa tới bàn của Churchill.

Khi nghiên cứu chúng, Churchill đã hình dung sai về sức mạnh của quân đoàn Rommel và điều đó đã khiến người Anh phải trả giá đắt. Tổn thất này đã có thể tránh khỏi nếu như người ta tiến hành kiểm tra tin tức tình báo vô tuyến điện tử bằng các thông tin về địch thu được bằng các  phương pháp khác. Tình báo vô tuyến điện tử, cũng như đồ ngọt, là cái ta không được lạm dụng - đó là một bài học của lịch sử tình báo vô tuyến điện tử.

Một bài học khác là các tin tức tình báo vô tuyến điện tử thường đặt các chính trị gia trước sự lựa chọn khó khăn. Đầu tháng 11 năm 1940 (một giả thiết khác nói là vào lúc 2 giờ ngày 14 tháng 11) từ nguồn tin Ultra, Anh đã biết được kế hoạch ác độc của Đức: Đêm 14, rạng ngày 15 tháng 11, các máy bay Đức sẽ không kích thành phố Coventry của Anh và quét sạch nó khỏi mặt đất. Churchill đã đưa ra một quyết định khó khăn: đó là không cảnh báo chính quyền thành phố Coventry về cuộc không kích để bảo vệ bí mật cho Ultra. Vào ngày đã định, điều mà thành phố Conventry để lại chỉ là một hồi ức. Hành động khủng khiếp này thậm chí còn đi vào từ điển chiến tranh - đã xuất hiện trong đó một thuật ngữ mới "Coventrize".

Nhờ nắm được chi tiết nội dung tất cả các điện tín liên lạc của Đức mà người Anh giải mã được, Churchill là một trong những người đầu tiên chú ý tới sự sai khác rõ ràng giữa các kế hoạch hành binh của Đức với lý luận tác chiến. Đầu chiến tranh thế giới thứ II, có cảm tưởng rằng, về phía Đức, việc chỉ huy các trận đánh ;à do những kẻ không chuyên thực hiện bởi vì các bước đi của bộ chỉ huy tối cao Đức là hoàn toàn không thể đoán trước. Thậm chí dù có biết được ý đồ của Đức trong thời kỳ sắp tới cũng không giúp cho người ta có cơ sở để dự báo tương lai.

Tình báo Anh không đủ sức xâm nhập các bí mật hoạch định chiến lược của Đức. Điều đó tiếp diễn cho đến khi Churchill biết được là trong đám cận thần của Hitler có một nhà chiêm tinh. Một nhà chiêm tinh nổi danh của Anh đã được triệu gấp tới gặp thủ tướng. Trả lời câu hỏi của Churchill rằng, tên thầy bói riêng của Hitler có thể nói cho hắn dự báo nào về địa điểm đòn đánh tiếp theo của người Anh trên chiến trường Tây Âu, ông kia đáp gọn lỏn: "Bancăng". Thế là theo lệnh của Churchill, người ta bắt đầu dồn dập tung tin giả về chiến dịch đang chuẩn bị của quân Anh ở Bancăng. Hitler đã tin như thế và hạ lệnh rút quân từ các khu vực khác của mặt trận để tăng cường cho các tuyến phòng thủ ở Bancăng. Tháng 7 năm 1943, quân Anh-Mỹ bất ngờ đổ bộ lên miền Nam Italia mà hầu như không gặp sự kháng cực và tiến thẳng đến tận Roma.

Trước tháng 12 năm 1941, điện tín của Đức bị chặn thu đã nhiều lên, nhưng tỷ lệ điện mật mã đọc được vẫn ít. Trong giai đoạn chiến sự đầu tiên, một phần lớn các khoá mã Enigma mà GCHQ giải phá được có liên quan đến Bắc Phi. Tháng 12 năm 1941, tướng Kesselring của Luftwaffe đã được cử làm tư lệnh chiến trường này. Không lâu sau, GCHQ đã chặn thu được một bức điện của Kesselring được xếp loại đặc biệt quan trọng. Người Anh đã tập trung mọi sức lực để đọc bức điện này và họ nhanh chóng phát hiện ra bức điện mật mã chứa mệnh lệnh đưa đến bản doanh của Kesselring bộ pigiama yêu thích bằng lụa của y. Cứ như là để bảo đảm khả năng chiến đấu của quân Đức ở Bắc Phi thì việc ăn mặc của viên tư lệnh Đức có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không bằng!

Đến cuối năm 1941, người Anh không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong việc nghiên cứu các phương pháp giải phá các khoá mã Enigma, mặc dù việc Liên Xô tham chiến đã mở ra những cơ hội mới để GCHQ nâng cao chất lượng chặn thu của mình. Chính phủ Liên Xô đã đồng ý xây dựng một trạm chặn thu do nhân viên Anh vận hành ở Murmansk. Người đứng đầu GCHQ đã đề phòng khả năng để lộ các bí mật của tình báo vô tuyến điện tử Anh. Tuy nhiên, trạm chặn thu vẫn được thiết lập, nhưng vào năm 1943 đã phải đóng cửa theo yêu cầu của chính phủ Liên Xô bởi vì các nhân viên Anh không chỉ chặn thu các bức điện của Đức mà còn không tha cả các kênh liên lạc của các đồng minh đang cưu mang họ.

Trong cả năm 1941, GCHQ đã tiếp tục lớn mạnh về số lượng, tuy nhiên đã cảm thấy thiếu những ý tưởng mới để cải thiện hướng hoạt động chính của nó - đọc điện mã Enigma của Đức. Những ý tưởng đó chỉ xuất hiện vào năm 1942 khi Turing nghiên cứu ra sơ đồ chiếc máy điện từ dựa trên máy Bombes của Ba Lan để xác định vị trí đặt các rotor của Enigma. Chức năng của nó là mô phỏng tác động của các rotor máy Enigma bằng các trống tự quay. Các trống này tái lập mọi vị trí đặt có thể của các rotor máy Enigma trong vài giây thay vì mấy giờ như trước kia và nhận dạng ra trong số đó các vị trí có thể dịch các đoạn của điện văn bức điện mã chặn thu được thành những câu có nghĩa bằng tiếng Đức. Sau khi xác định được vị trí đặt các rotor, máy tự dừng lại và khoá mã tìm được có thể được kiểm tra thêm trên các bức điện mã khác.

Thuật toán bẻ khoá mã Enigma của Turing mà ông áp dụng để chế tạo máy Bombes cải tiến dựa trên việc đối chiếu các phương án giải mã bức điện mật mã chặn thu được với điện văn chuẩn nào đó. Để thực hiện thuật toán trên thực tế, đòi hỏi phải tiến hành "tua qua" mấy lần các điện văn chuẩn và điện văn mã hoá. Do băng đục lỗ dùng để in các điện văn đó không bền và không thể để chịu được biện pháp dò lại bằng cơ khí nhiều lần nên người ta đã chế tạo thiết bị rơle để lưu giữ các điện văn. Thiết bị này cùng với những trống điện từ đấu với nó đã trở thành máy tính điện tử đầu tiên trên thế giới.

Mẫu máy này với tên Agnes đã được chế tạo trong vòng sáu tuần. Lập tức nảy sinh vấn đề về nhân sự bởi vì các máy này đòi hỏi phải coi sóc liên tục. Và điều đó đã được bảo đảm bởi các nữ tình nguyện viên từ Hải quân Anh: họ trực theo ca 8 tiếng. Người ta vẫn còn giữ được tài liệu hướng dẫn, trong đó quy định cách đặt các trống và lau các tiếp điểm bằng cồn để chống đoản mạch. Sau khi máy khởi động, 32 chiếc trống bắt đầu quay với tiếng ồn lớn và tốc độ khác nhau. Sau đó, chúng đột nhiên dừng lại. Từ mỗi chiếc trống tính ra một giá trị mà nhờ đó nhân viên vận hành máy tiến hành đặt rotor trên máy khác là máy kiểm tra.

Giúp người Anh xác định khoá mã không chỉ có các cỗ máy thông minh mà còn có cả bản thân người Đức. Chẳng hạn, người Đức đã sử dụng không đúng một trong các mẫu máy Enigma tối tân nhất. Thay vì thay đổi hàng ngày vị trí đặt của toàn bộ 4 trục rotor, họ chỉ xoay 2 rotor ngoài cùng vào các ngày chẵn, còn vào các ngày lẻ họ chỉ thay đổi tư thế góc của cặp rotor bên trong.

Chu Hà