In bài này
Tình báo và mạng xã hội (Full)
Thứ Ba, 10/03/2015 - 10:21 PM
Các cơ quan tình báo đang nghiên cứu các mạng xã hội để dự báo tương lai.
Binh sĩ Mỹ tại quán cà phê Internet ở Iraq, ngày 15/1/2004 (Julie Jacobson / AP) 

Theo các số liệu mới nhất, 42% dân cư trên trái đất đang tích cực sử dụng Interet, riêng trong năm qua, số lượng người dùng Internet đã tăng 500 triệu người.

Theo đánh giá của các chuyên gia, 29% dân cư trái đất đang duy trì các account của mình trên mạng xã hội - đó là hơn 2 tỷ profile hoạt động. Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook tính đến tháng 10/2014 có lượng công chúng 1,35 tỷ người.

Năm 2014 đánh dấu sự phát triển bùng nổ của mạng Instagram khi số lượng người dùng tăng đến 300 triệu. Dịch vụ này về độ phổ dụng đã vượt qua Twitter (khoảng 280 triệu người tham gia).

Tại Nga, phổ biến nhất là các mạng xã hội VKontakte với 54,6 triệu người đăng ký (tính đến tháng 11/2014) và Odnoklassniki với 40,1 triệu. Số lượng người dùng Facebook và Instagram ở Nga tương ứng là 24,2 và 13,3 triệu.

Năm 2014, dịch vụ bộ đàm Internet Zello bất ngờ trở nên phổ biến. Ứng dụng này chiếm vị trí thứ nhất về số lượng tải xuống ở Ukraine, Venezuela và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước đang diễn ra các hoạt động biểu tình đường phố. Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro thậm chí đã cấm sử dụng Zello, ứng dụng ban đầu được phát triển để đàm thoại tại các công trường xây dựng và các nhà máy lớn, nhưng bất ngờ tỏ ra hiệu quả để điều phối các hành động trong thời gian thực.

Vậy mạng xã hội là cái gì theo ý kiến của các nhà phân tích phương Tây? Andreas M. Kaplan, Michael Haenlein từ Đại học bang Indiana, Mỹ đưa ra định nghĩa: “Nhóm ứng dụng Internet dựa trên các cơ sở tư tưởng và công nghệ Web 2.0. Điều đó cho phép tổ chức xây dựng và trao đổi nội dung do người dùng tạo ra”. Web 2.0 là giai đoạn phát triển mới của Intenet - sự chuyển đổi từ hiển thị thông tin tĩnh đến trao đổi tập thể. Các ví dụ về các chủng loại mạng xã hội: các blog; các sản phẩm xây dựng tập thể (Wikipedia); các site mạng xã hội (ví dụ Facebook); các cộng đồng trao đổi nội dung (ví dụ YouTube); các thế giới xã hội ảo (ví dụ Second Life); các thế giới trò chơi ảo (ví dụ World of Warcraft).

Một tay súng của “Quân đội Syria Tự do” đang dùng điện thoại di động chụp ảnh ở Aleppo, ngày 18/9/2013 (Molhem Barakat / Reuters) 

Các mạng xã hội đã làm thay đổi tận gốc việc phát tán thông tin. Mà nó thì lại làm thay đổi vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng thông thường. Thông tin giờ đây được loan truyền gần như tức thì - một người chứng kiến sự kiện có thể gần như lập tức tung đi khắp thế giới một bức ảnh hay đoạn video thực hiện bằng camera trên điện thoại di động.

Các nhà phân tích nước ngoài chỉ ra rằng, trong thế kỷ XXI, một trong những yếu tố chủ yếu của an ninh toàn cầu hiện đang là và sẽ là các công cụ do Internet cung cấp. Trong những năm 2001-2004, các yếu tố mạng xã hội phát triển bùng nổ: Wikipedia, các mạng Friendster, Myspace. Ngay đến năm 2007, các mạng xã hội gần như đã hình thành vững chắc, trong đó có Flickr, del.icio.us, YouTube, Facebook, Twitter. Đã xuất hiện các blog, bảng thông báo, chat và nhiều thứ khác.

Theo Viện Brookings, hiện nay có khoảng 100 quốc gia đã xây dựng và đang phát triển các bộ chỉ huy không gian mạng của mình; trong đó có 20 thuộc dạng đấu thủ nặng ký. Ở đây có thể nêu ra 2 xu hướng lớn: (1) Thu thập thông tin để tổ chức hoạt động chiến đấu; và (2) Tổ chức chiến tranh thông tin.

Nói về tổ chức chiến tranh thông tin thì ví dụ mới nhất là các hành động của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS), tổ chức đang sử dụng tích cực các mạng xã hội đê phát tán thông tin, thao túng thông tin theo góc độ có lợi cho chúng, quyên góp tài chính và nhiều việc khác. Mức độ sáng tạo của chúng thật đáng kinh ngạc, ví dụ như phát tán các tin nhắn trên mạng Twitter gửi cho những người yêu thích mèo.
Một ví dụ kinh điển về chiến tranh thông tin là sự đối kháng giữa Israel và phong trào Hamas trên mạng Twitter. Theo nhiều chuyên gia nước ngoài, quân đội Israel sử dụng tích cực nhất là các mạng xã hội vào mục đích quân sự - thông tin về các mối đe dọa đối với quốc gia, phát tán thông tin nhằm giành thiện cảm của độc giả, tuyên truyền quảng bá về hiệu quả các hành động quân sự của mình. Phong trào Hamas phát tán tin tức về thương vong của quân đội Israel ở quy mô khiêm tốn hơn nhiều

Tài khoản Twitter chính thức của Bộ Quốc phòng Belarus 

Gần như tất cả các bên tham gia các cuộc xung đột quân sự ở Cận Đông đều tích cực sử dụng mạng xã hội để liên tục đưa thông tin, hoặc là với tư cách người quan sát, hoặc với tư cách người tham gia chiến sự.

Các ví dụ cho điều đó là những bức ảnh trên Instagram và Facebook. Tuy nhiên, mỗi tin nhắn đó đều chứa các siêu dữ liệu, qua đó có thể xác định được tọa độ của người đăng tải.

Trong quân đội của các nước phương Tây trong những năm gần đây, người ta đã bắt đầu chú ý hơn đến mạng xã hội. Việc theo dõi sát các tài liệu trên mạng xã hội cho phép thu nhận được bức tranh đầy đủ về những gì đang diễn ra tại một khu vực, dự báo diễn biến các sự kiện.

Các vị chỉ huy của những đơn vị tiền tiêu đang được huấn luyện đặc biệt và đưa hoạt động trên mạng xã hội vào kế hoạch truyền thông chiến lược. Hiển nhiên là để thực hiện các mục tiêu đó, người ta đang tuyển chọn nhân lực được đào tạo đặc biệt, có thể biết và hiểu kẻ địch tiềm tàng, cũng như biết ngôn ngữ của đối phương. Người ta dành sự chú ý đặc biệt cho việc giám sát các mạng Facebook, Twitter, YouTube, các dạng mạng xã hội và blog cục bộ hóa.

Vậy việc thu thập thông tin từ các mạng xã hội hiện nay, trong thời bình đang được thực hiện như thế nào? Có thể dẫn ra ví dụ là dự án nghiên cứu Minerva của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong khuôn khổ đó, hàng loạt trường đại học đang phân tích sự năng động xã hội của các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook; chương trình “Truyền thông xã hội trong truyền thông chiến lược” để theo dõi ảnh hưởng lên các trào lưu hoạt động xã hội trên các mạng Reddit, Twitter, Facebook, Pinterest, Kickstarter; chiến dịch Earnest Voice, trong đó phát tán thông tin tuyên truyền thân Mỹ dưới các những cái tên giả trên các mạng không phải của Mỹ...

Cũng có nhiều sáng kiến khac, trong đó có thể nêu hoạt động của công ty Recorded Future do CIA và Google thành lập mấy năm trước. Trên trang mạng của công ty mô tả như sau về hoạt động của nó: “Chúng tôi tiến hành phân tích ở thời gian thực 635.675 nguồn trên 7 thứ tiếng để xác định sự xuất hiện của các mối đe dọa không gian mạng. Internet hàng ngày được cập nhật bởi hàng triệu người dùng thông tin về những gì đang xảy ra trên thế giới. Nền tảng phục vụ cho việc tiến hành hoạt động tình báo Internet của chúng tôi tập hợp vào một chỗ tất cả những trang tin, blog, mạng xã hội… Sau đó, chúng tôi xác định, các sự kiện có thể xảy ra khi nào và như thế nào…”.
2ndBattalion