In bài này
Tiêm kích đánh chặn MiG-25: 9 điều cần biết
Thứ Tư, 04/03/2015 - 9:21 PM
Ngày 3/3/1964 đã diễn ra chuyến bay đầu tiên của tiêm kích đánh chặn MiG-25. Trong nhiều năm dài, nó đã là “người hùng” của không quân tiêm kích.
MiG-25 Foxbat

1. Cuộc chiến với các máy bay ném bom Valkyrie

MiG-25 ra đời không chỉ do nhu cầu của công nghiệp hàng không Liên Xô phải sản xuất các máy bay ngày một mới có tính năng liên tục nâng cao. Nó là sự đáp trả với những mối đe dọa mới từ phía kẻ thù tiềm tàng Mỹ. Các mối đe dọa ấy chính là sự xuất hiện của máy bay ném bom siêu âm, tầm cao B-58 có khả năng đột phá phòng không và tấn công hạt nhân. Các tiêm kích đánh chặn mà Liên Xô có lúc đó không thể đối phó hiệu quả với B-58 về các tính năng tốc độ và độ cao bay.

Hơn nữa, chúng không thể làm gì trên trời với máy bay trinh sát siêu tốc SR-71 của hãng Lockheed vốn có tốc độ hành trình 2,8М. Còn máy bay ném bom chiến lược XB-70 Valkyrie (tốc độ 3.100 km/h, trần bay 23.000 m) không để cho các máy bay MiG-21 và Su-15 của Không quân Liên Xô hồi đó bất kỳ cơ hội nào. Quả thực là chưa từng xảy ra đụng độ với Valkyrie vì nó đã không được đưa vào sản xuất loạt và trang bị.

Các công trình sư MiG-25 đã “tăng tốc” được máy bay này lên tốc độ 3.000 km/h và độ cao 23.000 m.

2. Cánh đứng đuôi mới

Cấu trúc khung thân của máy bay này chưa từng gặp trong không quân tiêm kích thế giới. MiG-25 được trang bị các bộ hút khí phẳng bên sườn với nêm ngang, cánh đứng đuôi kép và cánh mỏng hình thang ngắn. Hai động cơ cũng được bố trí khác lạ, sát cạnh nhau ở đuôi. Hình dáng đó đã cho phép máy bay đạt tốc độ kỷ lục thời đó và đạt được sức cơ động chấp nhận được đối với các máy bay loại này.

3. Chống quá nhiệt

Việc sử dụng các vật liệu truyền thống để chế tạo vỏ MiG-25 là không thể. Bởi lẽ, ở tốc độ hơn 2,5М, diễn ra sự nung nóng mãnh liệt cấu trúc đến nhiệt độ 300-400 độ C.

Bởi vậy, người ta đã chọn thép không rỉ (80% tổng trọng lượng kết cấu), hợp kim titan (8%) và hợp kim nhôm chịu nhiệt (11%) làm các vật liệu kết cấu chính. Việc lắp ráp khung thân máy bay được thực hiện với sự hỗ trợ của hàn hồ quang tự động.

4. Những tổn thất trong quá trình hoàn thiện

Việc thử nghiệm nhà nước bắt đầu vào năm 1965 và kéo dài 5 năm. Đó là vì các mẫu chế thử liên tục phải hoàn thiện do những thiếu sót thiết kế. Và những thiếu sót này đã làm mất mấy mạng người.

Mùa thu 1967, phi công chính của Viện Nghiên cứu Không quân Liên Xô Igor Lesnikov hy sinh. Mùa xuân 1969, do turbine động cơ bị pha hủy trong khi bay và đám cháy bùng lên, Tư lệnh không quân Phòng không Liên Xô, Tướng Kadomtsev hy sinh. Sau đó, khi máy bay đã được đưa vào trang bị cho các đơn vị phòng không, còn xảy ra 4 tai nạn chết người nữa. Máy bay cũng đã đòi hỏi hoàn thiện kết cấu. Mức độ tai nạn cao như thế ở giai đoạn đầu có nguyên nhân trước hết là MiG-25 là loại máy bay mới, mọi hành vi của nó trên không về lý thuyết là không thể tiên liệu.

5. Sự đau đầu đối với các nghị sĩ Mỹ

Liên Xô phát triển và thử nghiệm MiG-25 trong điều kiện bí mật gắt gao. Nó công khai xuất hiện lần đầu vào ngày 9/7/1967 trong cuộc duyệt binh không quân nhân Ngày Không quân Liên Xô ở Demodedovo. Bốn chiếc tiêm kích đánh chặn đã bay thấp bên trên các khán đài. Phát thanh viên thông báo, máy bay mới này có khả năng đạt tốc độ bay 3.000 km/h.

Đối với phương Tây đây là một tin giật gân rất khó chịu. Vì thế, thậm chí đã diễn ra các cuộc điều trần khẩn cấp tại Quốc hội Mỹ. Các cuộc điều trần này đã giúp đẩy nhanh việc phát triển các tiêm kích đánh chặn mới F-14 và F-15. Cả 2 máy bay mới của Mỹ cũng đều áp dụng sơ đồ 2 cánh đứng đuôi như MiG-25, nhưng thua kém đôi chút cả về tốc độ và độ cao bay.

6. Hiệu quả răn đe tức thì

Việc trang bị MiG-25 cho các đơn vị không quân tiêm kích thường trực của Phòng không Liên Xô đã bắt đầu lập tức mang lại hiệu quả. Hoạt động của các máy bay do thám Mỹ ở biên giới phía bắc và phía đông Liên Xô giảm đột biến. Đó chính là các máy bay mà MiG-25 phải đối phó - SR-71A.

7. Sự đào thoát của Belenko

Tháng 9/1976, thượng úy Viktor Belenko đã chạy trốn trên chiếc MiG-25P từ một sân bay quân sự ở Viễn Đông sang Nhật, hạ cánh xuống đảo Hokkaido và ở đó y đã xin tị nạn chính trị.

Vụ này đã gây tổn hại lớn cho Liên Xô. Các chuyên gia Mỹ đã tháo dỡ máy bay và nghiên cứu kỹ nó. Sau 1,5 tháng, theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Liên Xô, máy bay được trả lại ở tình trạng tháo rời. Do Mỹ đã nắm được các bí mật hoạt động của các thiết bị điện tử, cụ thể là hệ thống nhận dạng địch-ta nên toàn bộ thiết bị điện tử trên các máy bay đã sản xuất đã buộc phải thay thế bằng thiết bị cải tiến. Liên Xô đã phải có những thay đổi đối với một số hệ thống khác của máy bay. Máy bay nâng cấp được đặt tên lả MiG-25PD.

Đồng thời, cần tính tới việc tên đào ngũ Belenko đã làm cũng giúp nâng cao khả năng chiến đấu của máy bay. Nó được trang bị các khí tài phát hiện và bám mục tiêu tiên tiến hơn, cũng như thiết bị định vị nhiệt mục tiêu bay. MiG-25PD còn được trang bị thêm tên lửa không chiến tầm gần R-60.

8. Cao hơn tất cả

MiG-25 đã lập 29 kỷ lục thế giới, trong đó có kỷ lục độc đáo chưa bị phá cho đến nay là độ cao bay trên máy bay lắp động cơ phản lực. Ngày 21/8/1977, phi công thử nghiệm А. Fedorov đã bay lên độ cao 37.650 m so với mặt đất.

9. Trên đất khách

Các tiêm kích đánh chặn MiG-25 bán sang nhiều nước trong thập niên 1960-1980 đã tham gia các cuộc chiến tranh ở Ai Cập, Syria, Libya và Iraq (chiến tranh Iran-Iraq). Phi công giàu thành tích nhất là phi công Iraq Mohommed Rayyan. Trên chiếc MiG-25PD của mình, ông đã bắn hạ 10 máy bay của Iran.

Trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, gần như toàn bộ máy bay của Iraq đã bị hủy diệt. Nhưng không phải là trong các trận chiến trên không mà trên mặt đất, trong các cuộc không kích ồ ạt của máy bay ném bom Mỹ cất cánh từ các tàu sân bay.
Nam Xương