In bài này
Tình báo điện tử Mỹ: Chặn thu - Sự non dại (6)
Thứ Sáu, 06/03/2015 - 8:39 AM
Cho đến giữa thập niên 1970, giới chuyên gia kỹ thuật NSA vốn quá tự mãn về năng lực của mình trong lĩnh vực chặn thu chỉ bĩu môi khinh bỉ khi nghe những lời khẳng định rằng nước nào đó có thể che giấu hay lừa dối họ về những ý đồ của mình.
Tuy vậy, vào nửa cuối thập niên 1970, họ đã buộc phải thay đổi chút ít ý kiến của mình. Hoá ra là trong tình báo vô tuyến điện tử cũng có những phương pháp bóp méo mà tin giả trong lĩnh vực điệp báo chỉ là trò trẻ con khi so với nó.

Trong nhiều năm, NSA ngày đêm chặn thu kết quả các vụ thử tên lửa đường đạn của Liên Xô. Cơ quan này thường xuyên báo cáo cho những người dùng tin này về bán kính hoạt động và độ chính xác dẫn của các tên lửa này. Dựa trên những thông tin này, vào cuối thập niên 1960-đầu thập niên 1970, Mỹ đã đưa ra những quyết định rất quan trọng về số lượng, địa điểm triển khai và các hệ thống bảo vệ cho các tên lửa Mỹ. Tuy vậy, mấy năm sau, người ta đã phát hiện ra là dữ liệu mà NSA thu được có những sai sót nghiêm trọng.

Chỉ sau khi các phương tiện hiện đại hơn để theo dõi các vụ thử tên lửa Liên Xô xuất hiện vào giữa thập niên 1970, người ta mới hiểu bản chất của những sai lầm này. Liên Xô đã khôn khéo làm giả các kết quả thử nghiệm tên lửa của mình. Khi biết các vệ tinh và các anten của Mỹ nhăm nhe chặn thu mọi bức xạ từ các tên lửa được thử nghiệm, các chuyên gia Liên Xô đã tìm ra cách đánh lừa kỹ thuật Mỹ để khiến nó thông báo rằng, các tên lửa Liên Xô kém chính xác hơn trên thực tế.

Người ta thừa hiểu là trong thế giới gián điệp thì những thất bại giúp cho các cơ quan tình báo trưởng thành hơn. Bởi vậy, tại các sào huyệt của cộng đồng tình báo Mỹ lập tức xuất hiện một nhóm người nói rằng, cần thành lập một đơn vị chống gián điệp đặc biệt để ngăn ngừa những thất bại như thế trong tương lai.

Đơn vị này có nhiệm vụ theo dõi toàn bộ hoạt động tình báo vô tuyến điện tử và nghiên cứu xem tại sao các phương tiện kỹ thuật theo dõi của NSA rơi vào tầm kiểm soát của Liên Xô. Những người ủng hộ ý tưởng này khẳng định chỉ có thể chế ngự được những thông tin giả mà Liên Xô loan truyền thông qua các vệ tinh “bị tuyển lại” để và qua việc phát các tín hiệu vô tuyến giả bằng đơn vị đặc biệt đó với quyền tiếp cận mọi nguồn thông tin mà NSA thu được.

Chống lại ý tưởng thành lập một đơn vị như vậy là những nhân viên NSA tin tưởng hệ thống theo dõi của NSA hoàn toàn không thể bị đánh lừa. Về phe với họ còn có những người về nguyên tắc tuy thừa nhận khả năng đánh lừa, nhưng khẳng định việc thành lập một tổ chức chống gián điệp rộng lớn sẽ gây ra thái độ chế giễu từ phía công luận rộng rãi: “Ra thế đấy! Họ lại còn truy tìm điệp viên Liên Xô trong số các vệ tinh của chúng ta nữa cơ đấy”.

Trong cộng đồng gián điệp Mỹ đã xuất hiện những bất đồng quan điểm sâu sắc. Bất ngờ cựu giám đốc NSA B. Inman từ chức phó giám đốc CIA. Kết quả là đã không có quyết định cho phép thành lập tổ chức chống gián điệp đó.


Chu Hà