In bài này
Tình báo điện tử Mỹ: Chặn thu - Trên khắp hành tinh (1)
Chủ Nhật, 01/03/2015 - 6:21 PM
Mạng lưới các trạm chặn thu toàn cầu của tình báo vô tuyến điện tử phương Tây đã được thành lập không lâu sau chiến tranh thế giới thứ II khi Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand vào năm 1947 bắt đầu phối hợp hoạt động tình báo vô tuyến điện tử sau khi phân chia thế giới thành nhiều khu vực (theo hiệp định UKUSA).
Mùa hè, dưới bóng râm của cây keo,
Thật dễ chịu mơ màng về sự biến vị.

K. Prutkov. “Những trước tác”





Mạng lưới các trạm chặn thu toàn cầu của tình báo vô tuyến điện tử phương Tây đã được thành lập không lâu sau chiến tranh thế giới thứ II khi Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand vào năm 1947 bắt đầu phối hợp hoạt động tình báo vô tuyến điện tử sau khi phân chia thế giới thành nhiều khu vực (theo hiệp định UKUSA).

Trước đó, trong lịch sử nhân loại, chưa từng có ai làm được điều gì đó tương tự như việc phổ biến các phương tiện nghe lén ra khắp trái đất. Chính phủ Mỹ hàng năm đã chi nhiều tỷ đô la để không bỏ sót một tín hiệu, một mệnh lệnh và một cuộc nói chuyện nào trên đại dương mênh mông của sóng điện dù là chúng chỉ mơ hồ dính dáng đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Trong số nhiều căn cứ tình báo vô tuyến điện tử lớn nhất thế giới, căn cứ Menwis Hill (tỉnh Yorkshire, Vương quốc Anh), nằm trên diện tích hơn 200 hecta, đã và đang giữ một vị trí quan trọng. Hơn một chục chiếc anten parabol đang hướng tới các quỹ đạo địa tĩnh của các hệ thống vệ tinh thông tin. Phục vụ cho các trang bị kỹ thuật tối tân này là hơn 1200 chuyên gia, 2/3 là người Mỹ. Để điều khiển các phương tiện kỹ thuật chặn thu vô tuyến, chọn lọc và giải mã tin tức thu thập được, người ta sử dụng hơn một chục chiếc siêu máy tính. Các máy tính này tự động phân tích tất cả cuộc gọi điện thoại và bức điện báo, cũng như dữ liệu lưu hành trong các mạng máy tính để chọn ra những thông tin đáng quan tâm. Tại căn cứ còn có một mạng lưới trạm kiểm soát để thu nhận dữ liệu chặn thu vô tuyến của các vệ tinh do thám Mỹ. Nhưng rõ ràng điều đó là chưa đủ. Theo các kế hoạch hiện đại hoá căn cứ, tại khu vực căn cứ sẽ lắp đặt thêm 4 tháp vô tuyến cao 30 mét và 7 anten che bằng nắp rẽ dòng, 3 trong số đó cao gần 30 mét. Căn cứ sẽ được trang bị nhiều máy tính hơn. Cho đến năm 1993, riêng tiền chi cho hiện đại hoá căn cứ đã là hơn 40 triệu đô la.

NSA cũng coi khu sa mạc ở Australia, thị trấn Pine Gap là địa điểm lý tưởng để chặn thu. Căn cứ này chủ yếu dùng để chặn thu các cuộc điện đàm và thông tin viễn trắc có nguồn gốc là các trường thử quân sự của Liên Xô ở khu vực biển Caspi. Cho đến nay, dữ liệu từ các vệ tinh do thám bay trên lãnh thổ Nga và Trung Quốc vẫn được gửi tới đó.

Không nước phương Tây nào khác thích hợp hơn Tây Đức để tiến hành nghe lén các nước Đông Âu. Và ở đâu mạng lưới gián điệp Mỹ lại dày đặc như ở CHLB Đức và Tây Berlin. Tại đây có hơn 350 trung tâm của các cơ quan tình báo, các bộ tham mưu và chi nhánh các cơ quan khác nhau của Mỹ. Các gián điệp Mỹ ngồi trong các sứ quán và lãnh sự quán, ở các kho quân cụ và doanh trại. Trong khi chỉ có 60 người trong số đó làm việc cho CIA, thì số người làm cho NSA là hơn 600. Những người đàn ông và phụ nữ là nhân viên của các cơ quan gián điệp và phản gián của quân đội Mỹ, ngồi sau các máy ghi âm và máy thu vô tuyến trên núi Thaufelsberg ở Tây Berlin, cũng như ở các doanh trại Sheridan ở Augsburg. Binh sĩ của phi đội số 7406 được triển khai ở căn cứ không quân Rhein-Mein gần Frankfurt-am-Mein trực chiến trên khoang các máy bay C-130 Hercules lèn chặt máy móc nghe lén. Các trạm chặn thu trên không này có khả năng chặn thu toàn bộ những thông tin được truyền đi bên trên và bên dưới mặt đất dưới dạng các sóng điện từ đi qua các vệ tinh và các kênh liên lạc vô tuyến điện định hướng, qua các kênh dây đồng và sợi quang. “Cái tai” điện tử khổng lồ của Mỹ hoạt động hiệu quả và rộng khắp đến mức có thể thu được những tiếng động nằm ở xa ngoài phạm vi nhu cầu bảo đảm an ninh của Mỹ. Từ lãnh thổ CHLB Đức, Mỹ không chỉ chặn thu tín hiệu của các đài radar phòng không Liên Xô. Các anten và máy thu dù là ở Tây Berlin, Braunlag hay ở Bahd-Eibling rất dễ chỉnh vào bất kỳ tần số nào của các kênh liên lạc tiếp sức mà qua đó ngành bưu điện liên bang Đức chuyển đi gần như 1/3 số cuộc gọi điện thoại ở CHLB Đức.

Nhân viên các cơ quan tình báo Đức thừa hiểu bí mật các cuộc gọi điện thoại vốn được pháp luật bảo đảm thực ra không bao giờ tồn tại ở Đức. Bất kỳ ai nhấc máy điện thoại trên lãnh thổ Đức, từ biển Bắc đến dãy Alpơ không nên ngạc nhiên khi trên đường dây, ngoài người đối thoại của mình, còn có cả NSA. Chẳng hạn, Herman Herschell, ngoại trưởng CHLB Đức trong nội các Adenauer, biết rõ việc làm này của người Mỹ. “Người ta nghe lén ư? Người Đức chúng tôi ư? Nhưng chúng tôi đâu có cần làm chuyện đó, Herschell nói. - Nếu chúng tôi muốn biết cái gì thì chúng tôi có thể hỏi người Mỹ mà”. Và trong thập niên 1990, cả Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Liên bang BfV (Bundensamt für Verfassungsschutz), lẫn Cảnh sát Hình sự Liên bang BKA (Bundeskriminalalmt) vẫn tiếp tục tận dụng hệ thống nghe lén hùng hậu này của Mỹ đang giống như một máy hút bụi khổng lồ “hút” mọi thông tin từ các kênh liên lạc vô tuyến điện của Bưu điện Liên bang Đức. Thông tin thư từ về các âm mưu và kế hoạch khủng bố thường được gửi tới Cologne và Wiesbaden. Tại đó, người ta nhận được từ NSA các băng ghi, nhưng chúng không bao giờ chứa đựng nội dung nguyên văn các cuộc đàm thoại mà chỉ là những câu nói dạng gián tiếp. Chỉ người trong cuộc mới biết dòng chữ ghi chú kèm theo “nguồn tin tuyệt đối tin cậy” là chỉ các cuộc gọi điện thoại nghe lén.

Nhưng dĩ nhiên là từ khi ra đời, NSA đã tập trung chú ý chủ yếu vào việc tạo lập hệ thống chặn thu nhằm vào Liên Xô. ở gần lãnh thổ Liên Xô nhất là các trạm chặn thu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Có vẻ như Mỹ có thể chặn thu thoải mái! Nhưng không phải mọi thứ đều đơn giản như thế trong quan hệ của Mỹ với nước đồng minh NATO này. Năm 1975, sau các sự kiện ở Sip, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Để trả đũa, Thổ Nhĩ Kỳ cấm người Mỹ tiến hành chặn thu từ lãnh thổ của mình. Năm 1978, lệnh cấm vận của Mỹ bị bãi bỏ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ cho phép Mỹ nối lại hoạt động tình báo vô tuyến điện tử với điều kiện họ phải được tiếp cận các thông tin Mỹ chặn thu được. Mỹ đã phải miễn cưỡng đồng ý. Các nước giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ thừa hiểu rằng, tiềm năng tình báo vô tuyến điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ đã lớn mạnh thế nào.

Tháng 6 năm 1993, khi Tổng thống Azerbaijan chạy khỏi Baku vì nguy cơ thực sự đối với ông ta khi các đơn vị vũ trang đối lập tiến về thủ đô Baku, toàn quyền của tổng thống đã được chuyển cho quốc hội. Một trong các nguyên nhân của việc chuyển giao là do không thể bảo đảm an toàn chống nghe lén cho kênh liên lạc giữa Baku và ngôi làng gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan, nơi tổng thống đang trú tạm. Trong các cuộc tranh luận ở nghị viện Azerbeijan về vấn đề phế truất tổng thống, Thổ Nhĩ Kỳ không bị nêu thẳng ra là nước tiến hành hoạt động tình báo vô tuyến điện tử thực sự đe doạ Azerbaijan, nhưng sự ám chỉ tới sự tò mò quá mức của nước láng giềng phía Nam nêu ra trong các cuộc tranh luận này là rất rõ ràng.

Thêm một khu vực giá trị nữa để lập các trạm chặn thu là Iran. Sau khi quốc vương Pahlevi bị lật đổ vào năm 1979 và biết chắc là Mỹ đã tháo dỡ tất cả các trạm chặn thu của mình ở Iran, tổng tham mưu trưởng quân đội Iran đã vội vàng tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn báo chí rằng, nước ông ta không chấp nhận các sào huyệt gián điệp Mỹ trên lãnh thổ của mình. Hậu quả của tuyên bố hoàn toàn nhằm mục đích tuyên truyền này lập tức xuất hiện. Những người Iran cấp tiến từng làm việc với các công dân Mỹ ở trạm chặn thu mà người Mỹ đã “quên” sơ tán đã bắt giữ các chuyên gia Mỹ làm con tin. Trong 8 tháng trước khi chính họ trở thành tù binh, các nhân viên sứ quán Mỹ ở Tehran đã trả 200 ngàn đô la để giải thoát cho những người đồng bào đó của mình.

Ngoài các trạm nghe lén bố trí trên mặt đất, trên không, trên biển và trên vũ trụ, làm công việc chặn thu cho NSA còn có nhiều nghị sĩ Mỹ. Họ luôn thông báo cho NSA đầy đủ chi tiết nội dung các cuộc trao đổi của mình với các nhà hoạt động nhà nước và các nhà ngoại giao nước ngoài đến thăm Washington. Đối với NSA, thông tin này có tầm quan trọng hàng đầu bởi vì thông tin này rất có thể sẽ được truyền qua các kênh liên lạc bảo mật của các sứ quán nước ngoài sau các cuộc gặp gỡ của các nhà ngoại giao và các nhà hoạt động nhà nước của các nước này với các nghị sĩ Mỹ.
Chu Hà