In bài này
Pakistan sẽ nhập trực tiếp động cơ tiêm kích Nga
Thứ Ba, 17/02/2015 - 12:03 PM
Pakistan sẽ nhập khẩu trực tiếp từ Nga động cơ để sản xuất tiêm kích JF-17 Thunder; trước đây, các động cơ này được chuyển giao từ Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh giao thiệp với Pakistan diễn ra bất lợi cho quan hệ đối tác Nga-Ấn Độ.

Theo các nguồn tin ở Bộ Sản xuất quốc phòng Pakistan, Trung Quốc mới đây đã cấp chứng chỉ chính phủ cho phép Pakistan nhập khẩu động cơ tiêm kích thẳng từ Nga.

Pakistan trước đây đã sản xuất tiêm kích tại liên doanh với Trung Quốc. JF-17 Thunder được trang bị một động cơ Klimov RD-93, nhưng trước đó Trung Quốc mua các động cơ này từ Nga và cung cấp cho Pakistan.

Chỉ thị của chính phủ Trung Quốc “sẽ cho phép không chỉ giảm giá thành sản xuất tiêm kích, mà còn sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Nga và Pakistan”, nguồn tin nói.

Islamabad và Moskva mới đây đã thỏa thuận thúc đẩy hợp tác ở một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng trong chuyến thăm Pakistan mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu. “Đây là bước tiến quan trọng vì Pakistan chưa từng ký các hợp đồng quốc phòng trực tiếp với Nga”, các nguồn tin nói.

“Người Ấn đang đa dạng hóa quan hệ kỹ thuật quân sự của mình. Nên Moskva cũng cho rằng, họ có thể hành động như vậy mà không đe dọa sự hợp tá với Ấn Độ”
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh giao thiệp với Pakistan diễn ra bất lợi cho quan hệ đối tác Nga-Ấn Độ. 

“Sự hợp tác của chúng tôi với Ấn Độ vẫn tiếp tục và đang diễn ra với nhịp độ rất tốt. Nhưng người Ấn Độ đang rất tích cực đa dạng hóa quan hệ kỹ thuật quân sự của mình và họ nói thẳng về điều đó. Họ kết hợp các hợp đồng mua sắm từ Nga, Mỹ và Israel. Vì thế, cả Moskva cũng cho rằng, họ có thể hành động như vậy mà không thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực và không đe dọa sự hợp tác của chúng tôi với Ấn Độ”, ông Vyacheslav Belokrenitsky, Phó Giám đốc Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, chuyên gia về Pakistan, chia xẻ.

Chuyến thăm có tính dấu ấn của ông Shoigu đến Pakistan vào tháng 10/2014 đã mang lại kết quả, vị chuyên gia nhấn mạnh và nói: “Đây là bước tiến rất lớn. Rất quan trọng đối với chúng tôi lúc này là các thị trường tiêu thụ mới”.

Gần đây, Hải quân Nga đã tiến hành tập trận chung với Hải quân Pakistan. “Hợp tác quân sự của chúng tôi rất chậm, nhưng dẫu sao vẫn có. Những thương vụ có tính kỹ thuật quân sự nhất định giữa Nga và Pakistan cũng đã có trong quá khứ, ví dụ Islamabad nhập khẩu trực thăng từ Nga vào cuối thập niên 1990”, ông Belokrenitsky nhấn mạnh và cho rằng, việc mở rộng hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Pakistan trở nên rõ ràng trong năm 2014.

Nam Xương