In bài này
Đi tìm diện mạo tiêm kích thế hệ 6
Thứ Sáu, 06/02/2015 - 3:35 PM
Tiếp sau Mỹ và Nhật Bản, Nga cũng đã tính toán nghiên cứu chế tạo tiêm kích thế hệ 6, trong khi tiêm kích thế hệ 5 đang tiến hành bay thử. Có thể tiêm kích thế hệ 6 đầu tiên của Nga sẽ cất cánh sau 10 năm nữa.

Máy bay chiến đấu của tương lai sẽ ra sao ta có thể hình dung ngay từ bây giờ: những tính năng chính cần có hoàn toàn có thể xác định được.

“Tập đoàn “Các công nghệ vô tuyến điện tử” (KRT, Nga) đang phát triển các hệ thống trên khoang cho tiêm kích thế hệ 6”, Phó Tổng giám đốc KRT Vladimir Mikheyev cho hay hôm 3.2.2015. Theo ông, các phương án có và không người lái của máy bay này đang được xem xét. Các công việc của dự án tương lai đang được tiến hành khi mà các máy bay thế hệ 5 mới chuẩn bị được đưa vào biên chế không quân các cường quốc hàng đầu thế giới, mà cũng chỉ là một số ít nước.

Vì vậy mà diện mạo của loại tiêm kích ra đời vào giữa thế kỷ XXI vẫn còn khá mờ nhạt.

“Hiện thời người ta chưa từ bỏ con người (máy bay có người lái - ND). Bộ Quốc phòng Nga đang lên nhiệm vụ kỹ thuật”, ông Mikheyev cho biết thêm.

Ngoài Nga, thì Mỹ và Nhật Bản cũng có các kế hoạch phát triển tiêm kích thế hệ 6. Các nước EU tuy dường như từ chối ngay cả chế tạo thế hệ 5 những cũng thừa nhận sự cần thiết trang bị các máy bay này. Theo lãnh đạo Tổng công ty Chế tạo máy bay thống nhất OAK (Nga), mẫu chế thử của tiêm kích thế hệ 6 của Nga sẽ sẵn sàng sau năm 2025. Về thời hạn, nó cũng gần như trùng với thời hạn hoàn thành chương trình tương tự của Mỹ.

Cần lưu ý là việc chia máy bay tiêm kích thành các thế hệ là thứ khá ước lệ. Chẳng hạn, trong số các nét đặc trưng của tiêm kích thế hệ 5 có các yếu tố sau: đặc tính tàng hình ở các dải sóng radar và hồng ngoại, bố trí vũ khí bên trong thân máy bay, khả năng siêu cơ động ở các chế độ bay dưới âm và khả năng cơ động cao ở tốc độ siêu âm, tốc độ bay hành trình siêu âm ở chế độ không tăng lực của các động cơ, tính đa năng (nghĩa là có hiệu quả chiến đấu cao khi tiêu diệt mục tiêu trên không, mặt đất và mặt nước), có hệ thống thông tin nhìn vòng, khả năng tiến hành tác xạ mọi góc độ các mục tiêu trong không chiến tầm gần, cũng như tấn công đa kênh bằng tên lửa khi không chiến tầm xa.

Ví dụ, không một tiêm kích thế hệ 5 nào của Mỹ dù là F-22A Raptor hay F-35 Lightning II có được tính năng siêu cơ động (khác với Т-50 của Nga). Người Mỹ trong rằng, trong bối cảnh một mặt là nắm giữ độc quyền tiêm kích thế hệ 5, và mặt khác là việc hoàn thiện các hệ thống tên lửa và chỉ thị mục tiêu thì việc ai bám được đuôi ai (bán cầu sau) trong không chế tầm gần không còn quá quan trọng nữa. Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu giữa 2 máy bay thế hệ 5 thì tiêm kích siêu cơ động sẽ có ưu thế.

Nếu xem xét các tiêm kích Trung Quốc J-20 và J-31 thì ở trường hợp đầu tiên với kích thước đó của máy bay thì hoàn toàn không cần nói đến khả năng siêu cơ động. Cùng với sơ đồ khí động của loại tiêm kích bất hạnh MiG 1.44, J-20 cũng nhận lấy cả những vấn đề của mẫu tiêm kích Nga mà Trung Quốc sẽ phải tự lực khắc phục.

Sơ đồ khí động với cánh ngang phía trước đối với một máy bay có ước vọng tàng hình là sai lầm ngay từ đầu. Cánh ngang phía trước bản thân nó tạo ra vấn đề cho tính năng tàng hình, ngoài ra còn làm tăng lực cản không khí, giảm tầm bay. Việc sử dụng các đường gờ lớn dưới thân chỉ làm lợi cho các radar đối phương vì chúng cũng làm tăng độ bộc lộ radar của máy bay. Điều đặc biệt kỳ khôi là sử dụng các thiết bị hút khí của tiêm kích F-35 của Mỹ có tốc độ thấp và không hề được thiết kế cho tốc độ siêu âm cao cho tiêm kích hạng nặng J-20 dự kiến sẽ là sức mạnh tấn công chủ lực của không quân Trung Quốc.

Tiêm kích đa năng hạng trung J-31 được trang bị động cơ RD-93 của Nga hay động cơ tương tự của Trung Quốc cũng không thể vượt qua tốc độ âm thanh nếu không sử dụng chế độ tăng lực.

Trong khi đó thì ngay tiêm kích đánh chặn MiG-31 của Nga cũng đã có khả năng bay siêu âm ở chế độ không tăng lực và khả năng cơ động tuyệt vời ở tốc độ siêu âm. Còn Su-35S thì còn có thêm cả khả năng siêu cơ động. Hơn nữa, cả MiG-31 và Su-35S còn được trang bị radar anten mạng pha, vốn cũng được xem là dấu hiệu của tiêm kích thế hệ 5. Cả 2 loại máu bay này đang có mặt trong Không quân Nga, còn J-20 và J-31 chỉ là đang thử nghiệm.

Có lẽ khi nghiên cứu chế tạo “các máy bay tương lai”, mỗi nước sẽ đi theo con đường của mình. Chẳng hạn, người châu Âu, qua các tin bài của các ấn phẩm về hàng không, sẽ tập trung trước hết vào việc chế tạo biến thể không người lái, còn Nga và Mỹ lúc đầu sẽ chế tạo cả biến thể có người lái. Khả năng hoạt động ở dạng có hay không người lái tùy thuộc vào tình hình có lẽ sẽ là khác biệt chính của tiêm kích thế hệ 6 so với thế hệ 5.

Đặc điểm quan trọng thứ hai sẽ là độ bộc lộ radar được giảm thiểu hơn nữa của máy bay. Khả năng của khí động học ở mặt này gần như đã cạn kiệt: sơ đồ thiết kế duy nhất có thể cho phép giảm hơn nữa chỉ số này là “cánh bay” hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng xuất hiện trong tương lai gần của các vật liệu kim loại đặc biệt với các đặc tính sóng đặc biệt thích hợp để sử dụng trong ngành hàng không. Có thể những vật liệu đó sẽ cho phép nới rộng đôi chút các khuôn khổ hạn chế hiện có. Theo những tuyên bố trước đây của ban lãnh đạo OAK, máy bay thế 6 của Nga phần nhiều sẽ được chế tạo bằng composite.

Vai trò đặc biệt cũng được dành cho các loại vũ khí của tiêm kích mới. Đa số các hệ thống phòng không hiện đại có thể đối phó với gần như tất cả các loại bom đạn hàng không, từ bom không điều khiển cho đến tên lửa đường đạn hàng không. Vì thế, có 2 con đường: giảm độ bộc lộ của chính các bom đạn hay là không để đối phương có thời gian có các hành động giáng trả.

Từ năm 2010, các công ty Raytheon và Boeing đã bắt tay phát triển tên lửa siêu âm tàng hình DRADM với đầu tự dẫn T3 (Triple Target Terminator). Mẫu chế thử của vũ khí vạn năng này sẽ sẵn sàng vào năm 2015. Tên lửa mới sẽ thay thế các tên lửa không đối không AIM-120, chống radar AGM-88E và các vũ khí khác của tiêm kích hiện đại. Với DRADM, các tiêm kích sẽ có thể tiêu diệt các mục tiêu cơ động, máy bay không người lái, tên lửa hành trình, xe tăng, bộ binh, xe bọc thép nhẹ, tàu nhỏ, nói chung là gần như tất cả, trừ các boongke kiên cố và tàu lớn.

Hướng thứ hai là chế tạo tên lửa hàng không siêu vượt âm mà Không quân Mỹ đã đưa ra các yêu cầu then chốt. Chúng đã được nêu danh trong lộ trình (kế hoạch) High Speed Weapon Roadmap về vũ khí tên lửa vốn đang ở giai đoạn hoàn tất xây dựng. Các dự án tương tự cũng đang được tiến hành ở Nga.

Theo Tổng giám đốc Tổng công ty “Vũ khí tên lửa chiến thuật” (KTRV) Boris Obnosov, tên lửa siêu vượt âm sẽ bắt đầu được trang bị ồ ạt cho quân đội Nga sau 15-25 năm. “Chương trình được chia thành các phân đoạn. Tôi nghĩ rằng, chỉ trong thập kỷ tới, nó sẽ thể hiện mình, còn việc chuyển ồ ạt sang siêu vượt âm - đó là việc của những năm 30-40 của thế kỷ này”, ông Obnosov nói. Tổng giám đốc KTRV cũng cho hay, những khó khăn chính trong chế tạo vũ khí siêu vượt âm là ở việc phát triển cac vật liệu hoàn toàn mới vì khi bay ở tốc độ đó nhiệt độ tăng rất cao. Các nhiệm vụ then chốt khác nằm trong lĩnh vực các động cơ mới và thiết bị trên khoang.

Theo các nguồn tin công khai, chương trình Next Generation Tactical Aircraft (Máy bay chiến thuật thế hệ mới) của Mỹ cũng trù tính trang bị tiêm kích thế hệ 6 vũ khí laser hoặc vũ khí chùm tia khác. Tuy nhiên, nội dung này chỉ có thể xem như một mong muốn tốt đẹp. mặc dù, các mẫu chế thử vũ khí laser đã vượt qua các cuộc thử nghiệm thành công ít nhiều trên mặt đất, tàu chiến và trên không (phòng thí nghiệm bay YAL-1), nhưng hiện thời các thiết bị này còn rất cồng kềnh và chưa phù hợp để sử dụng. Và đến nay, vẫn chưa rõ triển vọng giảm đáng kể kích thước và trọng lượng của vũ khí laser.

Trên máy bay thế hệ 6 dự kiến không chỉ có các màn hình đa năng tinh thể lỏng hay các hệ thống chỉ thị mục tiêu trên mũ bay, mà cả các thiết bị thay thế hoàn toàn các bộ hiển thị chính diện trên kính buồng lái được đưa lên kính mũ bay. Việc phát triển các hệ thống đó được tiến hành nhiều năm nay, ví dụ, màn hình trên mũ bay của Mỹ dành cho F-35. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm “buồng lái trong suốt”... Hệ thống ngắm-dẫn đường của tiêm kích thế hệ 6 thậm chí có thể có một số yếu tố trí tuệ nhân tạo. Ít ra, nó sẽ có khả năng phân biệt mục tiêu, xác định mức độ ưu tiên của chúng và chỉ cung cấp cho phi công những thông tin quan trọng nhất để phi công không mất công cho những cái mà hệ thống tự động có thể làm. Ở mức độ lý tưởng, hệ thống ngắm-dẫn đường sẽ hiển thị lên màn hình các tham số chính của mục tiêu: cự ly đến mục tiêu, độ cao, chủng loại..., cũng như khuyến nghị vũ khí dùng để tiêu diệt mục tiêu. Tức là phi công sẽ chỉ còn việc chấp nhận đề xuất của máy tính trên khoang và tiến hành phóng tên lửa hay thả bom. Hoặc là không chấp nhận và tự chọn vũ khí tấn công mặc dù hệ thống ngắm-dẫn đường lúc đó cũng vẫn hỗ trợ phi công. Nhiều khả năng, bất chấp sự phát triển của kỹ thuật điện tử thì quyền quyết định cuối cùng ở thế hệ 6 và thậm chí ở thế hệ 7 cũng vẫn thuộc về con người.

Còn một nét bắt buộc khác của thiết bị điện tử trên máy bay chiến đấu tương lai là việc tích hợp với các hệ thống điều khiển và chỉ thị mục tiêu khác nhau. Máy bay tiêm kích khi sục sạo mục tiêu và tấn công cần phải phối hợp cả với các máy bay khác, cả với các hệ thống mặt đất. Ví dụ, nếu như một trong các tiêm kích của biên đội hay là một radar mặt đất phát hiện được mục tiêu thì tất cả phải lập tức nắm được thông tin mục tiêu, kể cả trên mặt đất và trên không. Các hệ thống như vậy hiện nay đã có, nhưng trong tương lai chúng phải tự động hóa hoàn toàn, thệm chí đến mức, phi công tiêm kích sẽ đồng thời nhận thông tin về mục tiêu và về phương pháp tối ưu tấn công mục tiêu, nếu chính máy bay của anh ta sẽ thuận lợi hơn các máy bay khác trong tiêu diệt mục tiêu đã định.

Một vấn đề phụ khác ở đây sẽ là nhu cầu bảo vệ tiêm kích chống các cuộc tấn công mạng. Không loại trừ hệ thống đó sẽ là loại chủ động, tức là có khả năng chặn thu các luồng dữ liệu của các hệ thống phòng thủ của địch và sau đó truyền chúng đi ở dạng bóp méo.

Đó là hình dung vắn tắt hiện tại khái niệm tiêm kích thế hệ 6 với tư cách sự tiến hóa kế thừa của thế hệ 5. Ngoài ra, còn nhiều thành tựu và công nghệ mới từ trước khi sử dụng trên các máy bay mới cũng có thể được áp dụng cho các tiêm kích các thế hệ trước trong quá trình nâng cấp và tăng hạn sử dụng. Còn đến khi ra đời các phương tiện bay hàng không-vũ trụ có tốc độ siêu vượt âm, được trang bị vũ khí laser, maser (vũ khí điện từ) và các loại vũ khí thuộc diện vũ trụ viễn tưởng chúng ta sẽ phải đợi 50 năm nữa, còn đến máy bay thế hệ 7 mà có thể là thế hệ 8, còn phải đợi 100 năm.
Nhân Vũ