In bài này
5 vũ khí mới hàng đầu của Nga năm 2015
Thứ Năm, 05/02/2015 - 10:37 PM
Năm 2015, Nga đã đưa vào ngân sách liên bang khoản kinh phí kỷ lục cho hiện đại hóa vũ khí.
PAK FA T-50

Ngay cả cuộc khủng hoảng nổ ra cũng không thể cản trở các kế hoạch này khi chính phủ Nga cắt giảm thoải mái những khoản chi phí nào đó, trừ chi phí quân sự.

Như vậy, vài năm tới sẽ có tính quyết định đối với việc đổi mới quân đội Nga. Dưới đây là những vũ khí mới chủ lực mà quân đội Nga chờ đón trong tương lai gần.

PAK FA (Т-50)

Hệ thống máy bay chiến thuật tương lai (PAK FA), tức là Т-50 là sản phẩm tối tân nhất của Viện thiết kế Sukhoi, tiêm kích thế hệ 5 dùng để thay thế tiêm kích huyền thoại Su-27 trong quân đội Nga. PAK FA sẽ là sự đáp trả của Nga đối với loại tiêm kích lừng danh F-22 Raptor của Mỹ. Và mặc dù thông tin chính xác về Т-50 vẫn được giữ bí mật, một số tính năng của nó ở nét chung vẫn được biết đến.

Giống như mọi tiêm kích thế hệ 5, PAK FA có khả năng cơ động cao và tốc độ hành trình siêu âm. Các động cơ phản lực tối tân AL-41F1 có điều khiển vector lực đẩy cho phép máy bay vượt qua hàng rào siêu âm mà không cần phải bật chế độ tăng lực. Ngoài ra, theo các công trình sư, Nga còn đang phát triển các động cơ hoàn thiện hơn nữa cho Т-50 mà xét về các tính năng tổng thể sẽ hiệu quả hơn 15% so với các động cơ hiện dụng.

PAK FA T-50

Dự kiến, các động cơ này sẽ sẵn sàng vào năm 2017. Một yêu cầu khác đặt ra đối với tiêm kích thế hệ 5 là tính tàng hình - các máy bay này sẽ ít sơ hở hơn nhiều trước radar so với các máy bay đời trước. Trong vỏ máy bay Т-50 sử dụng các vật liệu đặc biệt như vật liệu hấp thụ sóng vô tuyến và phản xạ sóng vô tuyến như lớp phủ buồng lái.

Tất cả các mép cánh máy bay đều được định hướng về hướng nhất định, còn các bề mặt hội tụ với nhau ở dải góc nhất định. Điều đó làm giảm hình ảnh máy bay ở dải sóng vô tuyến.

Máy bay cũng hoàn toàn không có các góc vuông, cho phép tránh hiệu ứng “phản xạ góc”. PAK FA cũng được trang bị thiết bị điện tử, vô tuyến điện và -điện tử tiên tiến, cũng như có dải chức năng rộng.

Xét về một số tham số, T-50 vượt trội đối thủ Mỹ, đồng thời lại có giá rẻ hơn nhiều. Điều đó sẽ cho phép biến thể quốc tế của máy bay vốn đang được hợp tác phát triển với Ấn Độ cạnh tranh thành công trên thị trường máy bay.

Il-476

Đây là biến thể hiện đại hóa sâu của máy bay vận tải lừng danh Liên Xô Il-76 mà đến nay vẫn được khai thác thành công ở nhiều nước. Máy bay mới của Viện thiết kế Ilyushin có kết cấu cánh gia cường hiện đại, bộ càng lớn hơn, cho phép tăng trọng lượng cất cánh, cũng như hệ thống lái-dẫn đường mới và các động cơ PS-90A sản xuất tại Perm, có lực đẩy mạnh hơn và tiết kiệm hơn so với thế hệ động cơ trước.

Il-476

Ngoài ra, trên cơ sở Il-476, Nga sẽ chế tạo một loại máy bay nữa là “radar bay” А-100. Nó sẽ thay thế các máy bay Liên Xô А-50 dùng để trinh sát. Việc chuyển giao А-100 dự định bắt đầu vào năm 2016.

Armata

Khung gầm xích Armata là con đẻ của hãng Uralvagonzavod nổi tiếng. Trên cơ sở bệ mạng này, dự định chế tạo cả một họ xe chiến đấu, gồm xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, pháo tự hành, khung gầm pháo phản lực...

Ý tưởng chính của Armata là khả năng thay thế các module chiến đấu, nhờ đó quân đội Nga có khả năng nhanh chóng thay pháo để chớp nhoáng biến một pháo tự hành thành xe tăng chẳng hạn. Ngoài ra, trên khung gầm này sẽ còn lắp các hệ thống phun lửa hạng nặng Buratino và Soltsepek bắn đạn nhiệt áp (mà báo chí hay gọi là bom chân không). Các loại đạn cỡ lớn này có uy lực tương tương với đạn hạt nhân chiến thuật siêu nhỏ.

Nhưng vũ khí mới được trông đợi nhất dùng khung gầm Armata là xe tăng chủ lực Т-14, xe tăng thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới. Dự kiến, các xe tăng T-14 sản xuất loạt đầu tiên sẽ được giới thiệu tại cuộc duyệt binh Chiến thắng ngày 9/5/2015.

Trước đó, báo chí Nga nhiều lần đưa ý kiến chỉ trích của quân đội Nga đối với tính năng của các xe tăng thử nghiệm và giá cả. Hiện chưa rõ điều đó có cảnh hưởng gì đến thời hạn phát triển và chuyển giao xe tăng hay không. Mặc dù chúng nhất định xuất hiện tại cuộc duyệt binh đã định. Т-14 sẽ là xe tăng Nga đầu tiên có tháp tự động hóa hoàn toàn, được kíp xe điều khiển nhờ thiết bị số từ buồng lái cách ly.


Buồng lái dành cho 3 người và sẽ nằm trong phần đầu xe, nơi có vỏ giáp vững chắc nhất. Cơ số đạn pháo sẽ được đưa khỏi khoang chứa người. Tất cả những yếu tố này sẽ nâng cao đáng kể khả năng sống còn của kíp xe.

Một niềm tự hào nữa của các công trình sư là trạm radar tối tân có khả năng theo dõi/bám ở chế độ tự động đến 40 mục tiêu động học và 25 mục tiêu khí động, kiểm soát một khu vực có bán kính 100 km và tự động tiêu diệt mọi tên lửa và đạn pháo bay về phía xe tăng có tốc độ không quá 3.000 m/s. Đa số các tính năng kỹ thuật của T-14 vẫn được giữ kín. Theo giới quân sự Nga, T-14 sẽ là xe tăng hiện đại nhất thế giới và đơn vị chiến đấu chủ lực của Lục quân Nga trong 30-40 năm tới.

S-500

Hệ thống tên lửa phòng không tối tân của Nga, dùng để bảo vệ chống tấn công đường không và hiện đang chuẩn bị cho các thử nghiệm đầu tiên trong năm 2015.


S-500 có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay, trong đó áp dụng nguyên tắc giải quyết riêng rẽ các nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu đường đạn (tê lửa) và khí động (máy bay và máy bay không người lái). S-500 sẽ có khả năng diệt mọi mục tiêu bay với tốc độ không quá 7.000 m/s trong bán kính 600 km, kể cả tên lửa hành trình siêu vượt âm.

Lần đầu tiên, hệ thống áp dụng nguyên tắc đánh chặn mục tiêu bằng động năng khi mà tên lửa địch bị tiêu diệt bằng cách cho đầu đạn không thuốc nổ va chạm chính xác vào mục tiêu. Trước đó, các hệ thống đánh chặn của Liên Xô dựa trên nguyên lý kích nổ đầu đạn hạt nhân trên đường bay của tên lửa địch. Khác với S-400, S-500 sẽ có khả năng bắn hạ mục tiêu trong vũ trụ gần, ở độ cao đến 250 km.

Ngoài ra, S-500 là hệ thống cơ động, gồm 1 đài điều khiển, 1 trạm radar và các bệ phóng lắp trên khung gầm bánh lốp đặc chủng. Nhờ đó, S-500 có thể được đi khắp nước Nga.
Nam Xương