In bài này
Bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba: Phúc hay họa?
Thứ Năm, 22/01/2015 - 2:50 PM
Xích lại gần Mỹ và nguy cơ cách mạng màu đối với Hòn đảo Tự do.

Thứ ba, ngày 21/1/2015, phái đoàn Bộ Ngoại giao Mỹ đã đến La Habanaв nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ. Đoàn do Trợ lý ngoại trưởng Robert Jacobson dẫn đầu. Trong nghị trình của chuyến thăm hai ngày có việc mở các sứ quán Mỹ ở La Habana và của Cuba ở Washington, vấn đề di cư và các chuyến thăm Mỹ ngắn ngày của người Cuba, cũng như thảo luận khả năng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Cuba.

Trước đó, trong tháng 12/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã bất ngờ thông báo về việc khôi phục quan hệ ngoại giao song phương. Từ đó, chính quyền Mỹ đã hủy bỏ yêu cầu công dân Mỹ phải xin phép mới được đến Cuba, nâng cao hạn ngạch nhập hàng hóa Cuba và bỏ lệnh cấm cung cấp dịch vụ thẻ của các ngân hàng Mỹ trên lãnh thổ Cuba. Chuyến thăm của phái đoàn Bộ Ngoại giao Mỹ là một bước mới trong việc củng cố quan hệ hữu nghị Cuba-Mỹ.

Đương nhiên, quan hệ hữu nghị đó chưa chắc có lợi cho Nga. Nga chỉ vừa mới thỏa thuân với Cuba về việc trở lại Lourdes, nơi có trung tâm tình báo vô tuyến điện tử từng cung cấp cho Liên Xô 75% lượng tin tình báo về Mỹ hoạt đông từ năm 1967. Quyết định nguyên tắc trao cho Nga quyền sử dụng trung tâm tình báo vô tuyến điện tử đã đạt được trong chuyến thăm Cuba của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2014. Hồi đó, người ta thông báo, Moskva đã xóa 90% khoản nợ 32 tỷ USD của Cuba. Quyết định trở lại Cuba được các chuyên gia liên hệ với sự lạnh nhạt đi của quan hệ Nga-Mỹ. Còn nay thì La Habana đã quyết định kết bạn cả với Mỹ.

Moskva đã cho Washington hiểu rằng, Nga sẽ không dễ dàng rời bỏ Hòn đảo Tự do. Ngày 21/1/2015, tàu trinh sát SSV-175 Viktor Leonov đã bất ngờ tiến vào và bỏ neo trên bến cảng La Habana. Mục đích đến của con tàu không hề được thông báo, nhưng dù không có thông báo chính thức nhưng ai cũng hiểu rằng: cuộc đấu tranh giành Cuba giữa Mỹ và Nga đã bắt đầu.

Liệu Moskva có thể đối phó được với trò chơi của Washington trên hướng Cuba và có thể giữ được Hòn đảo Tự do không?

- Cuba đang tìm cách giảm căng thẳng chính trị trong quan hệ với Mỹ, nhà phân tích quân sự, Chủ tịch Học viện Các vấn đề địa-chính trị Konstantin Sivkov nhận định. - Washington, tôi xin nhắc, sẽ không từ bỏ cấm vận thương mại đối với La Habana, đây chỉ nói đến những nới lỏng ở những hướng đơn lẻ, không hơn.

Sở dĩ có sự xích lại gần đó là vì Cuba đang đi theo con đường của Nga. Ban lãnh đạo Cuba hiện nay đang có những đổi mới để xem xét cho phép tồn tại trên lãnh thổ Cuba những yếu tố quan hệ TBCN. Điều đó cũng khiến Mỹ coi Cuba như một đất nước đang bắt đầu quay về hướng xã hội TBCN. Washington đang tìm cách củng cố và tăng cường xu hướng này bởi lẽ việc chuyển hóa Cuba theo con đường TBCN cũng có nghĩa là tách Cuba khỏi Nga.

Đồng thời, Washington cũng thừa hiểu rằng, La Habana với giới tinh hoa chính trị hiện nay sẽ không bám đuôi chính sách của Mỹ. Nhưng chính là để có cơ hội lật đổ chế độ Cuba, Mỹ cần có quan hệ ngoại giao tốt với Hòn đảo Tự do - để mở được sứ quán Mỹ và chỉ đạo các tổ chức phi chính phủ gây rối tình hình ở Cuba. Hiện giờ, Washington đang hành động chính là theo phương hướng này.

SP: Vì sao Cuba muốn xích lại gần Mỹ?

- Cuba đang cố gắng tạo các điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của mình. Vấn đề là ở chỗ, họ không thể toàn tâm toàn ý hướng sang Nga. Nước Nga thời Yeltsin đã đặt Cuba vào những điều kiện sống sót kinh tế rất ngặt nghèo. Nên nay La Habana cho rằng, tình thế đó có thể lặp lại nếu như một Boris Yeltsin khác lên nắm quyền ở Nga. Chính vì vậy mà Cuba tìm cách đa dạng hóa các quan hệ chính trị và kinh tế, kể cả với Mỹ.

SP: Liệu điều đó có nghĩa là nay Nga không thể xem Cuba như bàn đạp ngay sát nách Mỹ?

- Tại sao không? Hiện thời, chúng ta có thể: những nới lỏng đối với từ phía Mỹ, tôi nhắc lại, là không đáng kể. Nhưng cần đấu tranh vì Cuba, và để làm việc đó thì phải tiến hành chính sách đối ngoại tích cực. Vị thế của Nga ở Cuba tốt hơn nhiều so với Mỹ và Nga đơn giản là cần bảo vệ vị thế đó một cách đúng đắn…

- Điều rất quan trọng là ở Washington và La Habana người ta đồng thời, trong cùng một ngày, tuyên bố về việc nối lại quan hệ, Tổng biên tập tạp chí “Mỹ Latinh” (Nga) của Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Vladimir Travkin đánh giá. - Đây không phải là kết quả của một quyết định bất ngờ nào đó mà là sự tiếp tục của quá trình diễn ra trong suốt 15 năm qua của thế kỷ XXI. Trên thực tế, sự xích lại giữa Cuba và Mỹ là quá trình từ hai phía và xảy ra do những lý do tự nhiên: hai nước là các láng giềng gần.

Từ quan điểm của Washington, việc thông báo nối lại quan hệ - như Barack Obama nói - đó là sự thừa nhận rằng, chính sách gây áp lực bằng sức mạnh và kinh tế đối với Cuba đã thất bại. Cuba đã đứng vững như một quốc gia độc lập và giữ vững được hệ thống chính trị của mình.

Ngoài ra, đó cũng là sự thừa nhận rằng, Cuba đã giành được một thắng lợi quan trọng. 50 năm trước, Mỹ đã buộc được Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) mà thành viên là tất cả các nước ở Tây bán cầu khai trừ Cuba khỏi hàng ngũ của mình. Và đa số các nước thành viên OAS, ngoại trừ Mexico, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba. Hiện nay, trái lại, gần như tất cả các nước Tây bán cầu có quan hệ ngoại giao với Cuba và đang tiến hành các cuộc gặp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo của mình mà không hề mời Mỹ và Canada.

SP: Vậy quan hệ của Nga với Cuba ra sao?

- Chúng ta hiểu rằng, Cuba có quyền có quan hệ với bất kỳ quốc gia nào. Người Cuba đã chứng tỏ rằng, họ có khả năng phát triển thành công đất nước mình mặc dù sau nhiều năm hợp tác tích cực với Liên Xô, họ đã bị nước Nga hậu Xô-viết phó mặc cho số phận. Tôi coi đó là sự phản bội Cuba từ phía các nhà lãnh đạo đầu tiên của nước Nga hậu Xô-viết.

Người Cuba cũng đã đứng vững qua thử thách đó. Mặc dù, tất cả các chuyên gia Nga trước đây đã làm việc ở đó - trong quân đội, các ngành nông nghiệp, giáo dục - đã bị triệu hồi khỏi Cuba. Ngoài ra, chúng ta còn bỏ mặc các cơ sở sản xuất đã xây dựng ở Cuba thời Liên Xô và đóng cửa căn cứ trinh sát vô tuyến điện tử nhằm vào Mỹ ở Lourdes.

Sau đó, người Cuba đã bắt đầu hướng vào không chỉ Nga mà cả các nước khác vốn sẵn sàng phát triển quan hệ với họ. Đó là Venezuela, quốc gia XHCN khổng lồ Trung Quốc và đất nước XHCN phát triển mạnh mẽ Việt Nam. Người Cuba đang theo dõi chăm chú các quá trình cải cách ở các nuwocs này cũng như đã từng chú ý theo dõi công cuộc cải tổ ở Liên Xô. Họ biết rõ rằng, cải tổ đã khiến Liên Xô mất đi một phần đáng kể dân cư và lãnh thổ rộng lớn. Nên họ cố không lặp lại những sai lầm đó.

Ở Cuba có nền giáo dục tuyệt vời, ngành công nghiệp dược phẩm thần kỳ và dịch vụ chăm sóc y tế rất tốt. Các đội bác sĩ Cuba đang làm việc trên khắp thế giới, trước hết là ở Mỹ Latinh để cung cấp trợ giúp y tế công nghệ cao. Cuba cũng là nơi có tuổi thọ cao nhất Tây bán cầu.

Có thể nói rằng, La Habana sẽ gặp phải tình huống người Mỹ “súng ống đầy mình” có mặt chính thức tại Cuba.

SP: Người Mỹ tính chuyện gì khi trở lại Cuba, nhanh chóng thay đổi các nhà lãnh đạo và cơ hội tổ chức cuộc cách mạng màu?

- Không ai biết khi nào sẽ bắt đầu thời kỳ hậu Castro. Anh em Castro - đó không chỉ là Fidel 88 tuổi, và không chỉ là Raul ngoài 80 tuổi. Họ còn có người anh cả Ramon gần 90 tuổi. Bởi vậy, tính toán trông đợi vào sự thay thế tự nhiên các nhà lãnh đạo là không thật xác đáng.

Còn về phần cách mạng màu… Để tiến hành nó, cần phải dựa vào lực lượng đối lập trong nước. Ở Cuba không có lực lượng đó.

SP: Sự hiện diện của Mỹ làm phức tạp quan hệ Nga-Cuba đến mức nào?

- Đời sống quốc tế là thứ phức tạp. Hiện tại, quan hệ của Nga với Cuba đang phát triển tốt đẹp. Có những dự án thú vị, chẳng hạn như xây dựng tại Cuba căn cứ sửa chữa cho các tàu quân sự Nga hoạt động gần bờ biển Mỹ trên Đại Tây Dương. Tôi sẽ không nói rằng, người Mỹ đang đến Hòn đảo Tự do thay cho chúng ta …
Nhân Vũ