In bài này
Tại sao Ấn Độ chọn Rafale, không chọn Su-35?
Thứ Hai, 12/01/2015 - 8:29 PM
Ấn Độ dự định loại khỏi trang bị toàn bộ các tiêm kích MiG-21 và MiG-27 vào năm 2020-2023, cuộc đấu thầu MMRCA được tổ chức để tìm mua máy bay tiêm kích hạng trung thay thế chúng.
Rafale

Nhưng tại sao cần mua tiêm kích Pháp Rafale, chứ không mua Su-35 của Nga bởi vì Không quân Ấn Độ (IAF) hiện có 197 tiêm kích Su-30MKI (Flanker-H), điều sẽ có thể tạo thuận lợi cho việc làm chủ và khai thác Su-35.

Rafale có tín hiệu radar nhỏ hơn nhiều so với Su-35, cũng như có các tính năng bay tốt hơn. Nhờ có cánh ngang phía trước ở sát cánh, Rafale có thể vào góc tấn lớn nhanh hơn cũng như liệng nhanh hơn. Cánh ngang phía trước tạo ra vùng áp suất thấp trên phần trước của cánh, giúp máy bay cơ động tốt hơn. Tốc độ leo cao của Rafale là 305 m/s, cho thấy các tham số gia tốc cực cao, tải lên cánh chỉ là 275 kg/m2, tạo ra lực nâng đáng kể ở góc tấn lớn và cho phép Rafale thực hiện chớp nhoáng vòng ngoặt về bất cứ hướng nào. Tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng là 1,2, cho phép có tốc độ vòng ngoặt ổn định tốt.

Su-35

Tốc độ leo cao của Su-35 chỉ là 280 m/s, tức là kém Su-30, cũng như Typhoon, J-11 và J-10. Tải lên cánh là 377 kg/m2, cho thấy tốc độ vòng ngoặt khá thấp. Tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng là 1,24, cho thấy tốc độ thực hiện vòng ngoặt khá tốt. Nhưng máy bay này có tín hiệu radar và hồng ngoại lớn, nó không thể gây ngạc nhiên cho đối phương bằng cách xuất hiện bất ngờ, tầm phát hiện đối phương bằng radar trên máy bay với tín hiệu đó cũng không đủ lớn. Mặc dù Su-35 được trang bị các động cơ thay đổi vector lực đẩy, sức cơ động của nó không cao hơn Rafale.

Tại sao Ấn Độ lại cần chính Rafale? Công nghiệp hàng không Ấn Độ rất cần các công nghệ cao của tiêm kích Pháp. Ấn Độ hy vọng nhận được các công nghệ của radar anten mạng pha chủ động “nhỏ gọn” tối tân RBE2, chúng sẽ hữu dụng khi chế tạo radar của Ấn Độ cho tiêm kích nội địa Tejas MkII và AMCA. Từ chối Rafale sẽ dẫn tới việc các công nghệ tiên tiến sẽ không đến với Ấn Độ. Ngoài ra, Rafale có các công nghệ tương lai như máy tính trung tâm mạnh, có khả năng tự chọn thông tin quan trọng nhất để hiển thị lên các màn hình, giúp đơn giản hóa việc điều khiển máy bay và sử dụng vũ khí, và có hệ thống điều khiển bằng giọng nói theo kiểu người-máy.

Như vậy, việc hủy bỏ mua sắm Rafale sẽ dẫn đến việc, các kỹ sư Ấn Độ sẽ lại quay về với bảng vẽ để chế tạo các công nghệ có thể dễ dàng mua từ Pháp, toàn bộ quá trình mua sắm sẽ bị phá vỡ và sẽ buộc phải tái tổ chức đấu thầu xét đến các điều kiện hiện nay, điều đó lại làm mất thêm thời gian. Xuất phát từ những lý do này, Ấn Độ phải đi đến cùng trong quá trình mua sắm tiêm kích Pháp và tạo xung lực mới để phát triển các công nghệ quốc phòng trong nước trên cơ sở các sản phẩm tiên tiến của phương Tây.

Có tin, Ấn Độ dự định đưa ra quyết định cuối cùng (mua hay không mua) 126 chiếc Rafale trị giá 20 tỷ USD trước tháng 4/2015, tức là trước chuyến thăm Pháp và Đức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Rafale được chọn thắng thầu vào tháng 1/2012 sau khi đánh bại đối thủ Typhoon (do Anh, Đức, Tây Ban Nha và Italia hợp tác sản xuất). Công ty Dassault chào giá rẻ hơn Eurofighter. Ở giai đoạn 1, MiG-35 của Nga, F/A-18 Super Hornet và F-16 Super Viper của Mỹ đã bị loại trong cuộc đấu thầu MMRCA tiến hành từ năm 2007.

Các nguồn tin cho hay, 90% văn bản hợp đồng tương lai đã được thống nhất, các vấn đề nảy sinh do Dassault tìm cách tăng giá và từ chối các cam kết trước đó bảo đảm cho việc sản xuất theo giấy phép Rafale tại Ấn Độ và các yêu cầu giữ đúng tiến độ sản xuất. Bộ Quốc phòng Ấn Độ trước đó tuyên bố, “quả bóng đang ở bên phía Pháp” và họ vẫn chờ đợi phái đoàn Pháp được giao toàn quyền sẽ đến Ấn Độ vào cuối tháng 1/2015.

Phía Ấn Độ cho rằng, nếu Pháp vẫn tìm cách né tránh các cam kết đã đưa ra trước đó về chuyển giao công nghệ và trách nhiệm kiểm soát chất lượng lắp ráp máy bay tại Ấn Độ, New Delhi có thể xem xét khả năng từ bỏ thương vụ này để mua thêm Su-30MKI.

Tình thế đã trở nên nguy cấp đến nỗi Pháp buộc phải cử một phái đoàn toàn quyền đến Ấn Độ vào cuối tháng này để cứu vãn hợp đồng này.

Ban đầu, hợp đồng được ký trị giá 12 tỷ USD, nhưng Pháp tìm cách tăng giá. Năm 2012, Pháp thắng thầu chính là nhờ đưa ra giá thấp hơn hãng Eurofighter với tiêm kích Typhoon. Vấn đề tranh cãi khác là Pháp không muốn bảo đảm chất lượng cho các tiêm kích Rafale lắp ráp theo giấy phép tại nhà máy của hãng HAL. Nguồn tin tại Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, nếu Pháp đồng ý thực hiện các cam kết trước đây, hợp đồng có thể được ký kết trong thời gian sắp tới.
Nam Xương