In bài này
Từ T-14 Armata, Nga tiến gần đến xe tăng robot
Thứ Tư, 07/01/2015 - 10:13 PM
Năm 2015, Nga sẽ có xe tăng thế hệ mới T-14 Armata và tiến gần đến việc chế tạo ra xe tăng robot hóa hoàn toàn.
Khung gầm chiến đấu vạn năng Armata là khung gầm xích hạng nặng cải tiến thế hệ 4 của Nga. Dựa trên khung gầm tiêu chuẩn này, Nga dự kiến chế tạo xe tăng chủ lực, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân hạng nặng, xe chiến đấu yểm trợ tăng, xe cứu kéo bọc thép, cũng như một số loại pháo tự hành, vũ khí phòng không và hệ thống phòng chống vũ khí NBC.

Các xe tăng T-14 đầu tiên sẽ được chuyển giao cho quân đội Nga vào năm 2015, còn việc sản xuất loạt sẽ bắt đầu từ năm 2016. Đến năm 2020, Nga sẽ sản xuất 2.300 xe tăng này và qua đó hiện đại hóa 70% lực lượng xe tăng Nga.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Nga, tăng chủ lực thế hệ mới Armata sẽ tham gia duyệt binh Chiến thắng ngày 9/5/2015 và sẽ được thử nghiệm vào năm 2016.

Armata được phát triển như một khung gầm chiến đấu, module, vạn năng, có thể dùng làm cơ sở để chế tạo hàng loạt xe chiến đấu như tăng chủ lực, xe chi viện hỏa lực, xe gỡ mìn, hệ thống phun lửa hạng nặng và xe tăng bắc cầu.

Tăng Armata sẽ có pháo điều khiển từ xa và hệ thống tiếp đạn hoàn toàn tự động, cũng như có khoang riêng cho kíp xe làm bằng vật liệu composite và được bảo vệ bằng giáp phức hợp. Các chuyên gia cho rằng, bằng cách đó, cuối cùng Nga sẽ có được một xe tăng chiến đấu không người lái, hoàn toàn robot hóa.

Xe tăng Armata sẽ được trang bị module chiến đấu tháo pháo điều khiển từ xa và hệ thống điều khiển tự động, kíp xe được bảo vệ nhờ cáp-xun bọc giáp. Trên tháp sẽ lắp pháo 125 mm với 32 phát bắn. Ngoài ra, dự kiến còn chế tạo tên lửa mới dẫn bằng laser, có thể phóng qua nòng pháo có tầm bắn 5.000 m. Vũ khí bổ trợ sẽ gồm 1 pháo 30 mm và 1 súng máy 12,7 mm. Pháo 30 mm dùng để tiêu diệt xe không bọc thép và trang thiết bị quân sự như radar, cũng như khí tài bên ngoài của xe tăng, xe bọc thép chở quân.

Xe tăng Т-14 sẽ không cấp tiến và đồ sộ như mẫu Objekt-195 hay tăng Т-95 vốn đã bị đình chỉ, nó sẽ có trọng lượng nhỏ hơn và do đó mà có sức cơ động cao hơn. Xe tăng này cũng rẻ tiền hơn hai loại tăng đầy triển vọng kia.

Nga đang dự định chế tạo hàng loạt phương tiện chiến đấu robot, gọi là các hệ thống robot cơ động dùng cho các nhiệm vụ trinh sát bộ đội, chi viện hỏa lực, bảo vệ và phòng thủ các cơ sở quân sự, vị trí đóng quân, lắp đặt các loại sensor.

Robot mới nhất trong dòng sản phẩm này là MRK-002-BG-57 có tên Volk-2. Thực chất, đây là một xe tăng có kích thước như một ô tô nhỏ, lắp 1 súng máy 12,7 mm. Ở chế độ tự động, người điều khiển có thể lựa chọn đến 10 mục tiêu để sau đó robot nổ súng tiêu diệt. Volk-2 có thể hoạt động độc lập ở mức độ nhất định, nhưng quyết định nổ súng tiêu diệt mục tiêu vẫn hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của con người.
Long Xuyên