In bài này
Mỹ trừng phạt Triều Tiên vì tấn công mạng
Thứ Hai, 05/01/2015 - 9:34 AM
Không đưa ra chứng cớ nào, bất chấp ý kiến nghi ngờ của nhiều chuyên gia an ninh mạng về sự dính líu của Triều Tiên vào cuộc tấn công mạng Sony Pictures, Mỹ vẫn cứ trừng phạt Triều Tiên.
Ngày 2/1/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh áp đặt trừng phạt đối với các thành viên chính phủ CHDCND Triều Tiên để bổ sung cho những biện pháp đáp trả đầu tiên của Mỹ đối với các cuộc tấn công mạng mà Mỹ quy tội cho các hacker Triều Tiên vào hãng Sony Pictures Entertainment diễn ra vào tháng 11-12/2014.

Mặc dù các chuyên gia độc lập nghi ngờ khẳng định của FBI rằng, chính các hacker Bắc Triều Tiên đã tấn công các máy chủ của công ty Mỹ Sony Pictures, chính quyền Obama vẫn quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Bình Nhưỡng ".

“Chúng tôi có thái độ nghiêm túc đối với sự đe dọa từ phía Bắc Triều Tiên mà bằng hành động của mình họ đã mưu toan gây tổn thất kinh tế cho Mỹ, dọa dẫm các nghệ sĩ và tước đoạt quyền tự do ngôn luận và biểu đạt suy nghĩ của họ”, thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Ernest nói và cho biết thêm: “sự đáp trả của chúng tôi đối với cuộc tấn công cảu Bắc Triều Tiên vào Sony Pictures sẽ là tương xứng và sẽ diễn ra khi chúng tôi coi là cần thiết. Các biện pháp áp dụng hôm nay chỉ là bước đầu tiên”.

Josh Ernest cũng nói rằng, các hành động của Mỹ nhằm chống lại “các hành động khiêu khích, gây bất ổn và trấn áp của CHDCND Triều Tiên và chính sách của nước này”.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ đụng chạm đến không chỉ một số quan chức chính phủ mà cả một số cơ quan, tổ chức chính phủ Triều Tiên. Tên tuổi của các quan chức đó không được nêu ra, chỉ biết rằng đó là 10 quan chức chính phủ và Đảng Lao động Triều Tiên, một số trong đó đang làm việc ở Nga, Iran và Syria. Ngoài việc bị cấm vào Mỹ, những người và tổ chức này bị cấm sử dụng các tổ chức tài chính, kinh tế và bộ máy của Mỹ.

Trong số 3 tổ chức Triều Tiên bị Mỹ trừng phạt có Bộ Bảo vệ an ninh quốc gia, cơ quan cung ứng vũ khí quốc gia và tổng công ty thương mại Tangun phụ trách mua công nghệ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Mỹ không tin Bắc Triều Tiên đã tổ chức tấn công mạng hãng Sony. Ví dụ, các chuyên gia hãng bảo mật Norse (Mỹ), sau khi phân tích các tài liệu do FBI cung cấp, đã phỏng đoán rằng, cuộc tấn công trên thực tế được làm giả trên lãnh thổ Mỹ và dính líu vào nó có thể có cả các cựu nhân viên của SonyPictures.

Phó Chủ tịch công ty Norse, ông Kurt Stammberger khẳng định rằng, Norse đã chuyển cho FBI dữ liệu mà họ thu được trong thời gian xảy ra cuộc tấn công. Phân tích của Norse đối với số dữ liệu này cho thấy, để thực hiện cuộc tấn công quy mô như thế “kẻ xấu đã phải có thông tin nội gián về hoạt động của Sony chi tiết đến mức chỉ có các nhân viên công ty này mới có”.

Tuy nhiên, FBI đã phớt lờ tài liệu do các chuyên gia độc lập cung cấp và kết luận rằng, “không có chứng cớ quan trọng và đáng tin nào về sự dính líu của ai đó ngoài người Bắc Triều Tiên vào các cuộc tấn công này”.
RH