In bài này
GCHQ đào tạo gián điệp mạng cho sinh viên tài năng
Thứ Bẩy, 03/01/2015 - 4:38 PM
GCHQ dự định mở chương trình đào tạo gián điệp mạng cho sinh viên tốt nghiệp tài năng và doanh nhân trẻ trong lĩnh vực IT.
Cơ quan tình báo GCHQ (Government Communications Headquarters) phụ trách tình báo điện tử và bảo mật thông tin của Anh đang dự định mở chương trình đào tạo gián điệp mạng cho những sinh viên tốt nghiệp tài năng nhất của các trường đại học và các doanh nhân trẻ trong lĩnh vực IT, tờ The Independent viết.

GCHQ dự định tìm ra “những phù thủy công nghệ” mà khi được đào tạo tại kỹ năng không gian mạng tại GCHQ, trong tương lai sẽ có thể sử dụng các kỹ năng có được để lập ra các công ty chuyên về an ninh mạng của mình. Việc đào tạo sẽ được tiến hành theo chương trình cấp tốc

Các quan chức chính phủ Anh khẳng định rằng, bằng cách đó mối liên hệ giữa khu vực tư nhân với các cơ quan tình báo sẽ được củng cố, tuy vậy, việc thực tập như vậy hoàn toàn không có nghĩa là những người tham gia học sẽ bắt buộc phải là điệp viên của GCHQ.

Bộ trưởng Nội các Anh Francis Maude nói rằng, ý tưởng lập chương trình giáo dục này là học theo Israel, nơi mà nhiều nhà sáng lập các công ty Internet địa phương ban đầu từng phục vụ trong Đơn vị tình báo điện tử 8200 (Unit 8200) của quân đội Israel. Các cựu binh của đơn vị này đã lập ra nhiều công ty làm ăn thành công như Palo Alto hay ICQ.

GCHQ của Anh có thể trở thành một phòng thí nghiệm vườn ươm tài năng cho các doanh nhân công nghệ tài năng nhất của nước Anh theo một kế hoạch của chính phủ mở chương trình đào tạo mới cho sinh viên tốt nghiệp.

Ý tưởng này không chỉ dành cho những người muốn dành cả đời để trở thành điệp viên. Các quan chức chính phủ Anh đang nghiên cứu xem việc tuyển dụng người cho GCHQ có thể mở ra cho sinh viên tốt nghiệp, những người cuối cùng sẽ muốn lập ra công ty riêng của họ hoặc làm việc trong lĩnh vực IT thương mại.

Chương trình đang được phỏng theo chương trình Teach First rất thành công, nơi sinh viên tốt nghiệp đồng ý làm việc trong các trường học đầy thách thức trong ít nhất hai năm sau khi rời khỏi trường đại học với triển vọng có được công việc thương mại cấp cao khi kết thúc nếu họ quyết định bỏ nghề.

Chính phủ Anh cũng đang xem xét liệu có tài sản trí tuệ nào của GCHQ có thể ứng dụng trong lĩnh vực dân sự và thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng hay không.

Sáng kiến này được đưa ra sau khi các vị bộ trưởng nghiên cứu, đánh giá thành công của Israel trong việc nuôi dưỡng các doanh nhân công nghệ cao từng làm việc trong Đơn vị 8200, một cơ quan tình báo điện tử tương tự như GCHQ, của quân đội Israel. Một số cựu binh của Đơn vị 8200 đã thành lập các công ty IT hàng đầu của Israel, trong đó có các công ty an ninh mạng Palo Alto Networks mà trị giá hiện giờ là khoảng 10 tỷ USD  và công ty nhắn tin nhanh ICQ được bán vào năm 2010 cho Digital Sky Technologies với giá gần 200 triệu USD.

Bộ trưởng Nội các Anh Francis Maude vừa đi thăm Israel, nơi ông đã gặp các cựu binh của Đơn vị 8200 đã lập ra các doanh nghiệp công nghệ cao của riêng họ. “Tôi đã từ lâu ngưỡng mộ quốc gia “khởi nghiệp” Israel, nơi có tỷ lệ công ty công nghệ cao khởi nghiệp trên đầu người cao hơn bất kỳ nước nào khác”, ông nói với các đại biểu tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế ở London khi ông trở về.

Trong khi Israel có những lợi thế của chế độ nghĩa vụ quốc gia để chọn các chuyên gia mạng hứa hẹn nhất, các quan chức chính phủ Anh và và các nhà lãnh đạo của GCHQ tin rằng, có những yếu tố của mô hình Israel có thể áp dụng thành công ở Anh.

Đặc biệt họ tin rằng, một biến thể của chương trình Teach First của Israel có thể áp dụng - đó là khuyến khích các sinh viên tốt nghiệp triển vọng nhất dành một thời gian để làm việc cho GCHQ trước khi chuyển sang khu vực tư nhân.

“Chúng tôi có vô số người tài năng làm việc cho GCHQ nên không có tình trạng thiếu tài năng học thuật xuất sắc”, một nguồn tin tại Văn phòng Nội các Anh cho biết.

“Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể tạo ra một không gian an toàn nơi mà doanh nghiệp có thể làm việc với GCHQ và xây dựng một hệ sinh thái giữa hai bên. Giữa Teach First và chúng tôi không phải là xa đến 1 triệu dặm nên chúng tôi đã nghĩ về liên kết đó.

Ý tưởng là nói với sinh viên tốt nghiệp rằng, bạn không cần phải ký hợp đồng làm việc cho GCHQ trong suốt sự nghiệp của bạn, và có những lựa chọn cho bạn trong khu vực tư nhân. Cần suy nghĩ nhiều hơn và tranh luận về chuyện nó sẽ hoạt động ra sao, nhưng chúng tôi muốn tận dụng chuyên môn trong GCHQ về mặt thương mại hóa IT”.

Một nguồn tin của GCHQ nói thêm rằng, họ cũng được “quan tâm” đến mô hình Israel cùng với các quan hệ đối tác khác với ngành công nghiệp và nhà trường để giải quyết sự thiếu hụt kỹ năng kỹ thuật ở Anh.

Họ nói thêm rằng, việc nước Anh không có chế độ nghĩa vụ (quân sự) đã làm cho nước này khó khăn để làm theo chính xác mô hình Israel, nhưng có thể vẫn có các khía cạnh trong cách tiếp cận của Israel mà Anh có thể học hỏi.

Chuẩn tướng Hanan Gefen, cựu chỉ huy trưởng Đơn vị 8200 và hiện là chuyên gia tư vấn cho các công ty công nghệ cao, gần đây đã nói với tạp chí công nghệ Wired rằng, nhiều lĩnh vực công nghệ của Israel có thể đã suy yếu nghiêm trọng nếu không cho các công nghệ đến từ Đơn vị 8200.

“Ví dụ, Nice, Comverse và Check Point là ba trong số các công ty công nghệ cao lớn nhất, đều đã chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi công nghệ của Đơn vị 8200", ông Gefen nói.

“Check Point được thành lập bởi các cựu binh của Đơn vị 8200. Sản phẩm chính của Comverse, thiết bị Logger, chính là dựa trên công nghệ của đơn vị này. Nhìn vào Metacafe (một trong các trang video lớn nhất thế giới). Eyal Herzog, một trong những người sáng lập, cũng là một cựu binh của Đơn vị 8200 và ông đã tích lũy được vô số kinh nghiệm liên quan trong Đơn vị”.

Roni Einav, một cựu binh khác của Đơn vị 8200, người từng bán công ty của mình là New Dimension Software, cho một hãng công ty công nghệ của Mỹ với giá 675 triệu USD vào năm 1999 và kể từ đó đã đầu tư vào hàng chục công ty công nghệ khởi nghiệp Israel, nói với The Independent rằng, đó là tất cả là nhằm đưa những người xuất sắc nhất đến với nhau.

“Cách tiếp cận của Israel là lựa chọn những người cực kỳ xuất sắc (theo chế độ nghĩa vụ quân sự) và sau đó tạo cho họ cơ hội làm các dự án lớn trong quân đội Israel.

Tôi nghĩ rằng, nếu bất kỳ tổ chức lắng nghe và đem lại những cơ hội cho những người thông minh trong độ tuổi 20 của họ thì họ đang chuẩn bị tốt cho tương lai. Thực chất của vấn đề là những người tài năng là những người xuất sắc và bạn có thể có được những gì tốt nhất của họ khi họ còn trẻ.

Nó chỉ là một giả định, nhưng sau tuổi 40, họ có thể mất đi sức mạnh của mình”.

Ông nói thêm: “Văn hóa ở đây là khuyến khích người ta chấp nhận rủi ro. Không giống như nước Anh, chúng tôi không có một thị trường nội địa đáng kể, vì vậy nếu bạn là một doanh nhân công nghệ cao, bạn phải nhìn ra bên ngoài biên giới Israel và đặc biệt là hướng sang Mỹ nếu bạn đang muốn đi đến thành công”.

Động thái này là một phần nỗ lực rộng lớn hơn của Anh để đảm bảo khu vực công khai thác được hết những cơ hội công nghệ để cung cấp các dịch vụ cho công chúng và cắt giảm chi phí.

Tháng 12.2014, Anh đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của nhóm các quốc gia gọi là D5 nhằm trao đổi kinh nghiệm về phát triển kỹ thuật số và thương mại.

Ứng dụng công nghệ của GCHQ

Tháng 12/2014, GCHQ đã phát hành ứng dụng giáo dục đầu tiên của mình dùng để dạy cho mật mã cơ bản cho học sinh trung học.

Ứng dụng này là một phần nỗ lực của cơ quan tình báo của Anh này nhằm đáp ứng các yêu cầu của Chiến lược An ninh mạng quốc gia (National Cyber Security Strategy), được thiết kế để giúp các doanh nghiệp và khu vực công đối phó với các mối đe dọa như cuộc tấn công mạng được cho là do Bắc Triều Tiên thực hiện vào Sony.

Ứng dụng Cryptoy dạy người dùng cách tạo ra các thông điệp mã hóa có thể được chia xẻ trên phương tiện truyền thông xã hội và được giải mã bằng cùng ứng dụng.

Nó được thiết kế bởi các sinh viên làm việc trong 1 năm tại GCHQ và có thể tải về miễn phí trên Android; một phiên bản dành cho Apple dự kiến ra đời vào cuối năm nay.

GCHQ cũng đã thành lập 11 trung tâm ở các trường đại học và 2 viện nghiên cứu ảo.
RH