In bài này
Tình báo điện tử Mỹ: Vụ bê bối - Cú sốc (10)
Chủ Nhật, 11/01/2015 - 8:39 AM
Ngày hôm sau cuộc họp báo, tờ báo Krasnaya Zvezda (Sao Đỏ - cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Liên Xô) đã in một tranh biếm hoạ trên đó có mấy gã gớm ghiếc mang trang bị gián điệp...
Cú sốc

Ngày hôm sau cuộc họp báo, tờ báo Krasnaya Zvezda (Sao Đỏ - cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Liên Xô) đã in một tranh biếm hoạ trên đó có mấy gã gớm ghiếc mang trang bị gián điệp và với dấu hiệu nhận biết trên quần áo là các biểu tượng $ của đồng đô la đang cố dứt thân mình đang bị dính vào một tờ giấy có tiêu đề “Tuyên bố của Bernon Mitchell và William Martin”. Chữ ký ngắn ngủn dưới bức biếm hoạ viết là “Gặp hạn”.

Đáng chú ý nhất trên bức biếm hoạ là một kẻ quái gở sau lưng thò ra một cái đuôi máy bay, còn hai tay thì dang rộng ra hai bên như đôi cánh. Trên tay áo  lễ phục có viết dòng chữ “National Security Agency” (Cục An ninh Quốc gia).

Vụ chạy trốn của Martin và Mitchell, nhất là sau cuộc họp báo, đã trở thành chủ đề tranh luận rộng rãi ở Mỹ. Điều không thể tưởng tượng được là hai người Mỹ “100%” lại rời bỏ tổ quốc và cung cấp những bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất cho kẻ thù. Cú sốc lan khắp đất nước. Điều có ý nghĩa đặc biệt là vấn đề tại sao điều đó lại xảy ra.

Tại NSA, người ta cố hết sức để giảm thiểu cái được gọi là “sự cố bi thảm” này. Dĩ nhiên NSA không muốn quảng cáo “thành tích” của mình, nhất là cái liên quan đến các nước khác. Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra một số tuyên bố. Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ gọi những phát biểu của Martin và Mitchell nói rằng Mỹ tiến hành do thám cả kẻ thù, lẫn các nước đồng minh là hoàn toàn lừa dối mà cộng sản lợi dụng để gây chia rẽ giữa các dân tộc tự do.

Trong một tuyên bố khác, Bộ Quốc phòng Mỹ buộc tội Liên Xô đã lợi dụng vụ chạy trốn của hai kẻ đào tẩu vào mục đích tuyên truyền của mình. Tuyên bố này còn gọi một trong hai người (không nói cụ thể là ai) là bệnh nhân tâm thần và cả hai là những kẻ đã phản bội tất cả những gì mà người Mỹ và các công dân khác của “thế giới tự do” trân trọng. Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói rằng, Martin và Mitchell làm việc tại NSA với cương vị “các nhà toán học cấp thấp” và không có quyền tiếp cận thông tin có thể đe doạ an ninh quốc gia Mỹ.

Các nghị sĩ quốc hội Mỹ trái lại không hề muốn bỏ qua vụ Martin và Mitchell. Thủ lĩnh phe đa số Dân chủ ở Hạ viện John MacCormick, nghị sĩ bang Massachusetts, đã tuyên bố có trích dẫn nguồn thạo tin nói rằng, vụ chạy trốn của Martin và Mitchell là sự rò rỉ thông tin nghiêm trọng nhất kể từ khi xảy ra việc bí mật chế tạo bom nguyên tử lọt vào tay Liên Xô. MacCormick đã hứa lập tức bắt đầu điều tra bối cảnh vụ chạy trốn.

Nghị sĩ bang Pensylvania là Francis Walter, thuộc đảng Dân chủ và là chủ tịch uỷ ban điều tra hoạt động chống Mỹ thuộc Hạ viện Mỹ, đã bị các phóng viên vây hãm, đòi cung cấp thêm thông tin làm sáng tỏ vụ chạy trốn. Ngày 16 tháng 9 năm 1960, Walter đã ra tuyên bố báo chí nói rằng, dưới sự chủ toạ của ông ta, uỷ ban đã bắt đầu các phiên điều trần kín về tất cả các khía cạnh của vụ chạy trốn của Martin và Mitchell.

Walter cũng bổ sung rằng, uỷ ban của ông ta sẽ tập trung chú ý vào công tác tuyển người vào làm việc không chỉ ở NSA, mà cả ở tất cả các cơ quan chính phủ Mỹ. Ông ta nói rằng, “nhiều người không được nhận vào làm việc ở đó hoặc bị sa thải vì những vi phạm có thể của họ đối với chế độ bảo mật bằng cách nào đó vẫn luồn lách và kiếm được chỗ ở đó”.

Người đầu tiên phải ra điều trần là Bộ trưởng Quốc phòng Thomas Gates.

Ngay từ đầu, uỷ ban điều tra hoạt động chống Mỹ thuộc Hạ viện đã gặp phải những khó khăn lớn. Uỷ ban thậm chí còn không thể gửi được cho các nhân viên NSA giấy triệu tập thông báo họ cần phải có mặt tại phiên họp của uỷ ban để khai báo do không thể xâm nhập vào khu vực tổng hành dinh NSA được bảo vệ cẩn mật ở Fort Meade.

Sau một loạt vận động hậu trường và các cuộc họp kín, uỷ ban đã không giữ lời và thôi không dò hỏi gắt gao về các chi tiết đặc thù về cơ cấu tổ chức và tính chất hoạt động của NSA. Thay vào đó, Bộ Quốc phòng Mỹ và NSA đồng ý hợp tác trong cuộc điều tra có tên “Công tác bảo mật ở NSA”.

Uỷ ban quốc hội Mỹ phải mất hơn một năm để viết báo cáo kết luận. Ngày 13 tháng 8 năm 1962, hàng ngàn giờ đã biến thành bản báo cáo.

Việc trích dẫn chi tiết báo cáo không có ý nghĩa lắm. Một là bởi vì nó chủ yếu là một kết luận buộc tội về vụ Martin và Mitchell, hơn là một điều tra khách quan nguyên nhân họ chạy trốn sang bên kia “bức màn sắt”. Hai là báo cáo phần nhiều lặp lại những điều đã nói ở trên và tạo cho nó một sắc thái tình cảm hoàn toàn không cần thiết. Tình cảm đáp lại tình cảm nhưng tiếng khóc hình thức không thể lấy lại cái đã mất.

Hơn nữa, bản báo cáo là cái thúc đẩy một loạt bước đi cụ thể. Một trong số đó là đạo luật do Hạ viện Mỹ thông qua ngày 9 tháng 5 năm 1963, theo đó bộ trưởng quốc phòng được quyền sa thải bất kỳ nhân viên nào của NSA bị nghi là không trung thành mà không cần phải giải thích lý do và không được khiếu nại.
Chu Hà