In bài này
Tình báo điện tử Mỹ: Vụ bê bối - Lời tuyên bố (9)
Thứ Bẩy, 10/01/2015 - 9:35 AM
“Trước khi rời Hoa Kỳ vào cuối tháng 6 năm nay, chúng tôi đã để lại bức thư vừa mới được đọc tại két gửi ký thác số 174 được thuê với tên Bernon F. Mitchell tại nhà băng ở thành phố Laurel, bang Maryland..."
Lời tuyên bố

“Trước khi rời Hoa Kỳ vào cuối tháng 6 năm nay, chúng tôi đã để lại bức thư vừa mới được đọc tại két gửi ký thác số 174 được thuê với tên Bernon F. Mitchell tại nhà băng ở thành phố Laurel, bang Maryland.

Trên phong bì đựng bức thư này, chúng tôi đã viết và ký tên dưới yêu cầu công bố nội dung của lá thư cho công chúng bởi vì chúng tôi muốn giải thích cho nhân dân Mỹ tại sao chúng tôi xin tị nạn chính trị ở Liên Xô.

Những tin tức trên báo chí Mỹ cho thấy, chính quyền Mỹ đã được phép tiếp cận chiếc két này và phát hiện ra thông điệp của chúng tôi. Nhưng họ đã không thực hiện yêu cầu công bố lá thư của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có thể lý giải chuyện đó là do chính quyền Eisenhower-Nixon không muốn nhân dân Mỹ biết đến một vài phương diện của chính sách của họ.

Tại cuộc họp báo được tổ chức theo yêu cầu của chúng tôi này, chúng tôi muốn giải thích, nhất là cho công luận Mỹ, những nguyên do để chúng tôi rời bỏ nước Mỹ.

Chúng tôi đã là nhân viên của Cục An ninh Quốc gia NSA tuyệt mật, cơ quan làm công tác thu thập tin tức gián điệp từ các kênh thông tin liên lạc của hầu như tất cả các nước trên thế giới để chính phủ Mỹ sử dụng. Tuy vậy, một thực tế đơn giản là Mỹ đang thu thập bí mật của các nước khác không có gì chung với quyết định ra đi của chúng tôi.

Về cơ bản, sự bất bình của chúng tôi liên quan đến một số phương pháp mà Hoa Kỳ sử dụng để thu thập tin tức do thám. Chúng tô lo lắng bởi đường lối của Hoa Kỳ cố ý vi phạm không phận các nước khác và sự lừa dối về những vi phạm đó mà chính phủ Hoa Kỳ thực hành nhằm đánh lừa công luận.

Hơn nữa, chúng tôi còn thất vọng bởi việc chính phủ Hoa Kỳ tổ chức chặn thu và giải mã các bức điện mật mã của các đồng minh của chính mình. Để kết luận, chúng tôi bày tỏ sự phản đối chống lại sự sẵn sàng của chính phủ Hoa Kỳ tuyển mộ điệp viên trong số nhân viên của các nước đồng minh của mình. Một ví dụ cho điều đó liên quan đến việc trả thù lao cho một nhân viên cơ yếu của một nước đồng minh của Hoa Kỳ, đã được nêu lên trong lá thư.

Còn bây giờ, chúng tôi muốn giải thích những nguyên nhân khiến chúng tôi rời bỏ nước Mỹ. Trước khi nhập ngũ vào Hải quân Mỹ, chúng tôi đã rất tin tưởng vào sự trung thực của chính phủ Hoa Kỳ và coi mình là những người ủng hộ trung thành của lối sống Mỹ. Nhưng những phương pháp đã nêu ở trên mà chính phủ Mỹ áp dụng trong những năm gần đây đã làm xuất hiện ở chúng tôi những nghi ngờ nghiêm trọng vào giá trị của sự nghiệp chung mà chúng được sử dụng để phục vụ.

Thật là khó khăn và đau đớn khi phải từ bỏ đất nước thân yêu, gia đình, bạn bè của mình. Tuy vậy, chúng tôi nhận thức được rằng, chính phủ Mỹ vốn đang tiến hành một đường lối chính trị nguy hiểm đối với thế giới không được phép lợi dụng những ràng buộc tình cảm này để bảo đảm sự trung thành của các công dân của mình.

Trong thư mà chúng tôi để lại nước Mỹ, chúng tôi đã bày tỏ ý kiến rằng, chiến tranh phòng ngừa là vô ích. Cần phải hiểu rõ rằng, kẻ nào toan tính gây chiến  mới là mối đe doạ đối với loài người. Nếu lại xảy ra một chiến tranh thế giới nữa thì sẽ không thể xây dựng chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản hay bất kỳ một xã hội nào khác.

Tuy vậy, tại Mỹ còn có những người có ý kiến khác về vấn đề này. Chẳng hạn, tướng Thomas Power, Tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ, đã đưa ra tuyên bố sau đây khi trả lời chất vấn tại uỷ ban ngân sách Hạ viện trong các cuộc tranh luận về ngân sách tài khoá 1958/1959.

Ông ta đã nói: “Tôi muốn tạm thời quên đi chiến lược kiềm chế và nói về hệ thống triết học sản sinh ra chiến tranh và về những ưu thế to lớn mà người gây ra nó có được. Các ông luôn có khả năng ra đòn trước bởi vì hoàn toàn rõ ràng là nếu như những người này cho rằng chúng ta không bao giờ bắt đầu chiến tranh thì họ có thể lấy hết phần này đến phần kia trên thế giới này của chúng ta bởi vì họ biết rằng, chừng nào họ không tấn công chúng ta thì chúng ta sẽ không làm gì chống lại điều đó”.

Tuyên bố của tướng Power dựa trên một giả thiết nguy hiểm là Hoa Kỳ đang thống trị thế giới và cho rằng, tranh đua với Liên Xô có nghĩa là dường như Liên Xô đang lấy mất cái gì đó của Hoa Kỳ. Đề xuất của ông ta tấn công trước để ngăn ngừa xu hướng chuyển dần sang chủ nghĩa xã hội nghe ra giống như một sự tự sát hơn là một đường lối chính trị hiệu quả.

Thượng nghị sĩ Barry Goldwater, chủ tịch uỷ ban của đảng Cộng hoà ở Thượng viện về chiến dịch tranh cử đã có bài diễn văn tại Chicago ngay trước đại hội toàn quốc đảng Cộng hoà, trong đó đã nói: “Chúng ta không phải đồng ý với bất kỳ việc cấm thử tiếp vũ khí hạt nhân, lẫn giải trừ quân bị trong tương lai sắp tới”.

Cũng trong bài diễn văn chôn vùi muôn đời dân tộc ta trong sự sỉ nhục này, ông ta đã nói rằng, “trong số chúng ta có những người sẽ thích quỳ gối lê tới với Moskva hơn là vững vàng gánh vác khả năng nổ ra chiến tranh nguyên tử”.

Chúng ta lập tức liên kết với nhóm người đã được nhắc đến trong diễn văn của thượng nghị sĩ Goldwater. Trên thực tế, chúng tôi còn muốn bò lên tới mặt trăng nếu như chúng tôi cho rằng, điều đó sẽ làm giảm bớt mối đe doạ chiến tranh hạt nhân.

Tướng Power và thượng nghị sĩ Goldwater giữ những cương vị quan trọng trong xã hội Mỹ, nhưng chúng tôi không cho rằng, họ đại diện cho quan điểm của đa số nhân dân Mỹ.

Sau vụ máy bay U-2, chính phủ Mỹ đã thú nhận đã cố ý thực hiện chính sách vi phạm không phận Liên Xô. Các quan chức Mỹ, nhất là phó tổng thống Nixon, đã cố biện minh cho chính sách này bằng cách gọi nó là con đường duy nhất có thể để ngăn ngừa cuộc tấn công bất ngờ từ phía Liên Xô. Phó tổng thống Nixon đã không nhắc đến việc thông tin thu được trong những chuyến bay này chỉ có thể có lợi trong trường hợp mưu toan xâm nhập qua hệ thống phòng thủ của Liên Xô.

Vì thế, những tuyên bố của tướng Power có tính chất độc địa. Chúng có thể chứng tỏ Mỹ đang có các kế hoạch ngăn chặn cuộc tấn công từ phía Liên Xô bằng cách giáng đòn đầu tiên. Liên Xô và các nước khác rất khó giả định rằng, tướng Power chẳng qua chỉ bày tỏ ý kiến cá nhân khi trả lời trước quốc hội Mỹ.

Thêm vào các mưu toan kiềm chế chủ nghĩa cộng sản ở Đông bán cầu, Hoa Kỳ mới đây đã tuyên bố họ sẽ không chấp nhận ảnh hưởng cộng sản ở Tây bán cầu. Có thể sự thù địch của Hoa Kỳ đối với chủ nghĩa cộng sản xuất phát từ sự không tin tưởng gây ra bởi những thành tựu của những người cộng sản trong khoa học, văn hoá và công nghiệp. Nếu điều đó là đúng thì những cảm giác không tin cậy đó là một sự thanh minh tồi cho việc đe doạ hoà bình trên toàn thế giới.

Vành đai các căn cứ quân sự Mỹ bao vây Liên Xô có nghĩa là chính phủ Mỹ cho rằng, họ sẽ có thể đối phó thành công với những tư tưởng cộng sản bằng các phương tiện quân sự.

Nếu như Hoa Kỳ và Liên Xô định cải thiện sự trao đổi tiếp xúc giữa hai dân tộc thì có lẽ đã không có sự đối kháng nhau ở mức độ mạnh mẽ như thế và có thể đã tạo ra những điều kiện để có thể phân phối lại trên quy mô lớn chi phí quân sự để phục vụ các nhu cầu hoà bình.

Bây giờ, cho phép chuyển sang xem xét những phương pháp thu thập tin tức tình báo bằng các anten mà chính phủ Mỹ đang áp dụng. Lần đầu tiên chúng tôi làm quen với chúng diễn ra trong thời gian chúng tôi phục vụ trong Hải quân Mỹ từ năm 1951 đến năm 1954. Trong thời kỳ này, cả hai chúng tôi đã phục vụ với tư cách các kỹ thuật viên thông tin ở một số trạm chặn thu vô tuyến điện.

Chính phủ Mỹ mới đây đã thú nhận rằng, các chuyến bay do thám dọc theo biên giới và trên lãnh thổ các nước cộng sản chỉ được thực hiện trong vòng 4 năm gần đây. Tuy vậy, chúng tôi khẳng định những chuyến bay này còn diễn ra trong thời kỳ từ năm 1952 đến 1954 khi chúng tôi phục vụ tại trạm chặn thu Kamisi, ở Nhật Bản, cách không xa Yokohama. Trước mỗi chuyến bay do thám của máy bay quân sự Mỹ dọc theo biên giới Trung Quốc hay biên giới Viễn Đông của Liên Xô người ta gửi tới Kamisi và các trạm chặn thu vô tuyến khác một bức điện tuyệt mật thông báo cho các trạm này biết thời gian và hành trình của chuyến bay.

Vào thời gian đã định, các thiết bị giám sát của các trạm này được đặt ở tần số mà các đài radar của mục tiêu trinh sát sử dụng, tức là của Liên Xô hoặc Trung Cộng. Cũng trong thời gian đó, các thiết bị dò điện tử cũng được chỉnh theo các tần số đó để định vị các đài radar đối phương. Những thông tin thu thập được bằng cách đó sau đó được chuyển tới Cục An ninh Quốc gia. Tại đó, các chuyên gia phân tích tiến hành nghiên cứu các hệ thống liên lạc và mã hoá mà các đài radar sử dụng. NSA có được khả năng đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu, độ chính xác và hiệu quả phòng thủ bằng radar của nước đối tượng trinh sát, cũng như có khả năng thu thập dữ liệu về tổ chức chỉ huy phòng thủ của nước đó.

Sau khi vào làm cho NSA, chúng tôi được biết về một loại nhiệm vụ khác có liên quan đến việc do thám bằng anten có kèm theo việc xâm nhập không phận nước khác. Những nhiệm vụ đó là các chuyến bay ngay sát các đài radar Liên Xô và của các nước khác nhằm thu thập tin tức về tính chất vật lý của các bức xạ radar. Các thông tin này được sử dụng để nghiên cứu tìm ra các cách thức vô hiệu hoá hệ thống bảo vệ bằng radar của đối phương, chẳng hạn bằng cách sử dụng các thiết bị chế áp các đài radar triển khai tại các căn cứ ở gần biên giới Liên Xô.

Các chuyến bay của máy bay Mỹ dọc biên giới và trên lãnh thổ Liên Xô được tiến hành đều đặn và số lượng các chuyến bay đó lớn hơn nhiều so với mức mà công luận Mỹ thường nghĩ.

Chúng tôi hy vọng công luận Mỹ sẽ gây áp lực nhằm chấm dứt chính sách của chính phủ Mỹ vi phạm không phận các nước khác. Chỉ cần một vụ rắc rối thôi hay một cách diễn giả sai mục đích các chuyến bay của các máy bay này có thể là nguyên nhân gây ra một cuộc chiến tranh.

Thật khó hiểu là làm sao các quan chức Mỹ có thể bày tỏ sự phẫn nộ khi Liên Xô áp dụng các hành động mang tính phòng thủ chống các máy bay Mỹ bay trên lãnh thổ của họ. Chính phủ Liên Xô đã tỏ ra rất kiềm chế đối với các chuyến bay này và nhiều lần kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt chúng. Hơn nữa, theo chúng tôi được biết, chính phủ Liên Xô đã tránh sử dụng các chuyến bay trả đũa ở gần nước Mỹ hay trên lãnh thổ Mỹ.

Chúng tôi đặc biệt dừng lại ở những chi tiết về các chuyến bay do thám của máy bay Mỹ trên lãnh thổ Liên Xô và các nước khác bởi vì việc đó có thể là nguyên nhân cho một thảm hoạ quy mô lớn.

Theo chúng tôi biết qua kinh nghiệm làm việc của mình ở NSA, Hoa Kỳ đang đọc được những bức điện mật của hơn 40 nước, kể cả các đồng minh của họ.

Ngoài những điều nói trên, trong số các nguyên nhân khác khiến chúng tôi đào tẩu là sự che giấu thông tin, hạn chế quyền tự do ngôn luận và hoạt động chính trị và sự phân biệt chống những người vô thần ở Mỹ.

Tại bang Maryland, nơi chúng tôi đã sống, để giữ bất kỳ cương vị nào trong chính quyền bang, cần phải tuyên thệ mà lời thề đó thực tế có nghĩa là người đưa ra lời thề đó là kẻ vô thần.

Những người có quan điểm chính trị không được những kẻ cầm quyền ở Mỹ ưa chuộng thường bị nguyền rủa khi họ đứng trước các uỷ ban điều tra, họ bị truy bức, bị phạt, tống vào tù, đuổi việc.

Bằng cách từ chối cấp hộ chiếu, Bộ Ngoại giao Mỹ cố ngăn không cho những công dân Mỹ có quan điểm chính trị không được hoan nghênh ra khỏi biên giới. Nạn nhân của sự đối xử này đã thắng một số vụ kiện tại toà, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đang thường xuyên gây áp lực đối với quốc hội Mỹ nhằm buộc quốc hội thông qua luật mới xiết chặt thủ tục cấp hộ chiếu.

Thực tế này có phù hợp với một xã hội công khai và tự do mà các quan chức Mỹ thường rêu rao là đã được thực hiện ở Mỹ không? Chúng tôi không nghĩ vậy.

Để kết luận, chúng tôi muốn nói mấy lời về tình trạng của bản thân chúng tôi hiện nay. Tất nhiên, chúng tôi đã từ bỏ quốc tịch Mỹ. Chúng tôi đã làm đơn gửi chính phủ Liên Xô xin cấp quốc tịch Liên Xô cho chúng tôi và giúp đỡ học tiếng Nga. Cả hai yêu cầu này đều được chấp thuận và thêm vào đó, chính phủ Liên Xô còn đề nghị chúng tôi tự chọn nơi cư trú. Hơn nữa, chúng tôi được đề nghị tiếp tục học tập và được hỗ trợ tìm việc phù hợp với trình độ toán học của chúng tôi với mức lương gần như tương tự mức lương chúng tôi được nhận ở Mỹ.

Mới đây, chúng tôi đã thực hiện một chuyến đi ở Liên Xô, thăm một loạt thành phố, nhà máy, nông trang, trung tâm văn hoá, trường đại học, triển lãm và khu điều dưỡng. Chúng tôi đã làm quen với lối sống Xô-viết, những thành tựu của nhân dân Xô-viết và những vấn đề mà họ đang đối mặt.

Chúng tôi sẽ vui mừng nhận được những lá thư của thân nhân và bạn vè, những người muốn viết thư cho chúng tôi hoặc đến thăm chúng tôi, và chúng tôi sẽ giành cho họ sự tiếp đón ân cần”.
Chu Hà