In bài này
Tình báo điện tử Mỹ: Vụ bê bối - Năm 1960 (1)
Thứ Sáu, 02/01/2015 - 4:12 PM
Đầu thập niên 1960 có thể coi như thời kỳ cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ đã đạt đến đỉnh điểm. Cả hai nước đã lao sâu vào cuộc xung đột.
Nếu thấy trên chuồng voi lại ghi dòng chữ “Con trâu” thì đừng tin vào mắt mình

K. Prutkov “Những trước tác”


Đầu thập niên 1960 có thể coi như thời kỳ cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ đã đạt đến đỉnh điểm. Cả hai nước đã lao sâu vào cuộc xung đột. Cuộc đấu tranh được tiến hành bằng mọi phương tiện của kho vũ khí tuyên truyền và gián điệp, nhưng có nguy cơ dễ dàng biến thành xung đột vũ trang có sử dụng vũ khí hạt nhân. Năm 1960 rất điển hình về mặt này.

Ngày 5 tháng 5 năm 1960, lãnh tụ Liên Xô N. Krushchev tuyên bố đã bắn rơi máy bay do thám quân sự U-2 của Mỹ trên không phận Liên Xô. Mỹ thừa nhận việc này và tổng thống D. Eisenhower đã tuyên bố rằng, các chuyến bay đó đã được tiến hành với sự cho phép và tán thành của ông ta và chúng chỉ là một bộ phận của “chính sách có tính toán” của Mỹ. Chính phủ Mỹ đã xác nhận điều đó trong công hàm gửi chính phủ Liên Xô ngày 12 tháng 5.

Trong khi những hồi ức về vụ bê bối xung quanh đường hầm gián điệp từ Tây Berlin sang Đông Berlin vẫn còn tươi rói thì Mỹ đã bắt tay thực hiện tột độ chương trình quy mô lớn nhằm kìm giữ Liên Xô trong một vành đai phong toả bằng những trạm chặn thu cố định và cơ động để theo dõi lãnh thổ Liên Xô. Dĩ nhiên, Liên Xô cũng ăn miếng trả miếng kẻ thù chính của mình trong chiến tranh lạnh.

Tại phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc diễn ra cuối tháng 5 năm 1960, đại diện Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Lodge đã tuyên bố Liên Xô đang nuôi dưỡng “hàng trăm gián điệp và các phần tử phá hoại khác” trên khắp thế giới. Với tư cách một bằng chứng, ông ta đã đưa ra một bản sao quốc huy Mỹ khắc gỗ tăng cỡ được tặng nhân dân Mỹ nhân danh nhân dân Liên Xô và treo trong phòng làm việc của đại sứ Mỹ ở Moskva, sau đó bỗng phát hiện ra là trong món quà lưu niệm này có chôn giấu một máy nghe lén độc đáo. Theo lời Lodge, thiết bị này là một trong hơn 100 máy tương tự được tìm thấy trong các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ ở các nước đồng minh của Liên Xô.

Để kết luận điều kể trên, có thể khẳng định rằng, vào năm 1960, Mỹ và Liên Xô đang tiến hành một cuộc chiến bí mật không ngơi nghỉ chống lại nhau nhằm chiếm giữ bí mật của phía bên kia. Hơn nữa, cả hai siêu cường đều không từ một thủ đoạn nào để đạt mục đích chính của mình trong cuộc chiến này - đó là xâm nhập vào các cơ quan tình báo đối phương.
Chu Hà