In bài này
Nga tìm đối sách trị đòn đánh chớp nhoáng của Mỹ
Thứ Tư, 31/12/2014 - 6:37 PM
Trước các cơ quan sức mạnh và công nghiệp của Nga đặt ra nhiệm vụ tìm ra sự đáp trả các mối đe dọa từ phía chương trình “Đòn tấn công toàn cầu chớp nhoáng” (PGS) của Mỹ, Thứ trưởng Quốc phòng Nga phụ trách vũ khí trang bị, ông Yuri Borisov cho biết.
Chương trình PGS trù tính đưa vũ khí đến bất cứ đầu trên thế giới trong vòng 1 giờ bằng cách sử dụng các phương tiện mang phóng siêu vượt âm.

“Những mối đe dọa như thế xuất hiện trong quá trình tiến bộ KHKT. Những sự đáp trả tương xứng đối với các mối đe dọa đó cần tìm ra không chỉ từ phía các bộ sức mạnh, mà trước hết trong ngành công nghiệp, nơi đang tiến hành các dự án phát triển công nghệ mới”, ông Borisov nói.

Hồ sơ kỹ thuật: Đòn tấn công nhanh toàn cầu

Đòn tấn công nhanh toàn cầu (Prompt Global Strike, PGS), còn gọi là đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu là sáng kiến của quân đội Mỹ nhằm phát triển một hệ thống vũ khí cho phép thực hiện đòn tấn công bằng vũ khí thông thường vào bất cứ nơi nào trên thế giới trong vòng 1 giờ giống như tấn công hạt nhân bằng tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM).

Theo Tướng James Cartwright: “Hiện nay, nếu không nói đến đòn tấn công hạt nhân, có thể nhiều ngày, có thể hàng tuần trôi qua” trước khi quân đội Mỹ có thể bắt đầu một cuộc tấn công bằng lực lượng thông thường.

Nhiệm vụ của hệ thống PGS là đem lại khả năng tấn công nhanh và chính xác vào bất cứ khu vực nào trên thế giới một khi xảy ra xung đột hay các tình huống khẩn cấp. Phương án tên lửa đường đạn PGS có thể được phóng ngay từ lãnh thổ Mỹ. Hệ thống PGS sẽ bổ sung cho các binh đoàn thuộc các lực lượng triển khai phía trước, lực lượng không quân viễn chinh (vốn có thể triển khai trong vòng 48 giờ) và các cụm tàu sân bay chiến đấu (Carrier Strike Groups - CSG, vốn có thể phản ứng trong vòng 96 giờ). PGS sẽ cho phép tấn công trong vòng 60 phút bất cứ địa điểm nào trên trái đất hay vũ trụ gần.

Một số ý kiến, trong đó có chính quyền Obama, cho rằng, các lực lượng này sẽ là cách để cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, duy trì hệ thống răn đe và tiềm năng tấn công nhanh. Các kịch bản tiềm năng đòi hỏi phản ứng nhanh chỉ nhằm vào các nước sở hữu vũ khí hạt nhân hiện tại bao gồm Bắc Triều Tiên đe dọa và phóng tên lửa đường đạn hay khả năng Al Qaeda chiếm chính quyền ở Pakistan. Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu của các tên lửa đường đạn của hệ thống PGS là chúng có thể kích hoạt báo động các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga và thậm chí của Trung Quốc, vì thế mà Tổng thống George Bush đã đình hoãn kế hoạch chế tạo hệ thống này.

Hiện nay, không rõ Mỹ có cách thức nào để khiến Nga và Trung Quốc tin rằng, các tên lửa đó không mang đầu đạn hạt nhân. Các biện pháp có thể gồm cho tên lửa bay ở quỹ đạo thấp hay cho phép Nga, Trung Quốc thanh sát các căn cứ tên lửa.

Ngày 11/4/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói rằng, Mỹ đã có khả năng thực hiện đòn tấn công nhanh toàn cầu. Ngày 8/4/2010, hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới được ký kết, quy định những giới hạn thấp hơn về số lượng tên lửa đường đạn và đầu đạn hạt nhân của Mỹ và Nga.

Trong hiệp ước không phân biệt vũ khí thông thường và hạt nhân, có nghĩa là số lượng bất cứ tên lửa đường đạn PGS và đầu đạn nào cũng bị xác lập giới hạn. Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, điều đó không cản trở kế hoạch triển khai PGS vì hiện tại, họ không định vượt quá giới hạn. Đáp lại PGS, Nga bắt đầu phát triển hệ thống tên lửa đường sắt thế hệ mới.
Nhân Vũ