In bài này
Lá chắn tên lửa cơ động S-300V4
Thứ Sáu, 26/12/2014 - 10:04 PM
Tập đoàn Phòng không Almaz-Antei bắt đầu chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-300V4 cho quân đội Nga.
Lục quân Nga trang bị ‘S-400’ cơ động.

Đây là cú đột phá thự sự trong việc trang bị lại các hệ thống phòng không lục quân bằng các hệ thống hiện đại để đối phó với mọi loại tiến công đường không.

Vào Ngày duy nhất tiếp nhận sản phẩm quân sự vốn đã là truyền thống, Bộ Quốc phòng Nga sẽ được bàn giao bộ trang bị cấp lữ đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-300V4. Dự kiến, ngày 19.12.2014, tại Trung tâm Chỉ huy quốc phòng, văn bản giao nhận sẽ được Tổng giám đốc Tập đoàn Yan Novikov và Tư lệnh Lục quân Nga, Thượng tướng Oleg Salyukov ký.

“Hệ thống S-300V4 so với các hệ thống thế hệ trước có diện tích bảo vệ chống tấn công đường không mở rộng gấp 2-3 lần và tầm bắn mục tiêu bay lớn hơn. Các tham số này cho phép đánh chặn chắc chắn đầu đạn tên lửa tầm trung”, ông Yan Novikov nói.

Ông lưu ý rằng, hợp đồng 3 năm cung cấp S-300V4 cho quân đội Nga được ký vào năm 2012 và đang được thực hiện tốt đẹp.

Về mặt lịch sử, Liên Xô/Nga đã có 2 dòng tên lửa phòng không S-300 khác nhau. Lực lượng phòng không Liên Xô/Nga được trang bị S-300P - chúng dùng để bảo vệ các mục tiêu công nghiệp và hành chính lớn, còn Lục quân Liên Xô/Nga thì được biên chế S-300V dùng để bảo vệ các binh đoàn, kể cả khi hành quân.

Xét theo các tính năng kỹ thuật chính thì chúng giống nhau, nhưng S-300V dẫu sao vẫn trội hơn hệ thống S-300P, đơn giản là vì ngay từ ban đầu nó được chế tạo để hoạt động trong các điều kiện khắc nghiệt. Họ tên lửa phòng không của lục quân đã và vẫn sử dụng khung gầm xích, cho phép đi trên bất kỳ địa hình không đường sá nào.

Bởi vì S-300V bảo vệ các đoàn quân, kể cả khi hành quân, nên tên lửa được đưa vào trangk thái chiến đấu ngay trong khi di chuyển và gần như lập tức sau khi dừng, hệ thống đã có khả năng phóng đạn. S-300P không thể làm điều đó. S-300V còn có các tên lửa uy lực cực mạnh nữa.

Chính các tên lửa này là cơ sở để chế tạo tên lửa cho S-400 và thậm chí S-500.

Song mặt khác, S-300P lại có thể trực chiến trong thời gian dài, còn dự trữ làm việc của các hệ thống S-300V lại không cho phép làm thế.

Trong những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đã chủ trương tiêu chuẩn hóa tất cả các hệ thống chiến đấu. Những khác biệt giữa 2 dòng S-300 có chức năng khác nhau bắt đầu bị xóa mờ. S-400 đang thay thế S-300P. Còn biến thể thứ 4 của S-300 dành cho lục quân được đặt tên lửa S-300V4. Về các tính năng kỹ-chiến thuật, chúng gần như tương đồng.



Lục quân Nga trang bị ‘S-400’ cơ động.

Hệ thống tên lửa phòng không lục quân mới S-300V4 là hệ thống hoàn toàn số hóa, tuổi thọ tăng lên đáng kể và nay chúng có thể trực chiến thời gian dài để bảo vệ các mục tiêu dân sự. Cũng chính S-300V4 đã bảo vệ bầu trời Thế vận hội mùa đông ở Sochi vừa qua chống mọi mối đe dọa đường không.

S-300V4 có khả năng tiêu diệt không chỉ mọi loại mục tiêu khí động như máy bay, trực thăng, máy bay không người lái mà cả tên lửa chiến thuật. Các tên lửa tầm ngắn và tầm trung thậm chí phóng từ cự ly 2.500 km lập tức bị bắt bám, các thông số của chúng được nạp vào hệ thống thông tin-chỉ huy chiến đấu.

Và từ tầm 400 km, một hệ thống S-300V4 có khả năng đồng thời bắn và tiêu diệt chắc chắn 24 mục tiêu khí động, trong đó có các mục tiêu có độ bộc lộ thấp như máy bay tàng hình, hay 16 tên lửa đường đạn bay với tốc độ đến 4.500 m/S. NATO đặt tên cho hệ thống này cái tên Giant/Gladiator.

Đồng thời với việc bàn giao S-300V4 cho Lục quân Nga, hãng Almaz-Antei còn đang chuẩn bị chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung thế hệ mới S-350Е Vityaz mà hiện chưa có đối thủ tương đương trên thế giới. S-350Е có thể bắn đồng thời với xác suất tiêu diệt cao 16 mục tiêu khí động và 12 mục tiêu đường đạn ở tầm đến 60 km và độ cao từ 10-30.000 m.

Cùng với các hệ thống tên lửa tối tân nói trên, Lục quân Nga cũng đang nhận được các hệ thống tên lửa đã nổi danh nhưng đã được hiện đại hóa sâu là Tor-М2U và Buk-M2.
Nam Xương