In bài này
Tình báo điện tử Mỹ: Xâm nhập - Nhân viên NSA trong “bệnh viện tâm thần” ở ngoại ô Moskva (12)
Thứ Sáu, 26/12/2014 - 8:02 AM
Có số phận không kém phần bi thảm là một nhân viên NSA khác - một người Mỹ gốc Libya Victor Norris Hamilton. Anh ta đã đổi tên cũ của mình là Hindali sau khi đến Mỹ cùng với cô vợ người Mỹ mà anh ta gặp ở Libya.
Là người tốt nghiệp trường đại học Mỹ ở Beirut năm 1940, Hamilton đã làm nhân viên tuỳ phái và người gác cửa ở Mỹ bởi vì anh ta không thể xin việc theo chuyên môn giáo viên của mình. Một viên đại tá Mỹ về hưu đã tuyển Hamilton vào làm việc cho NSA. Anh ta bắt tay thực hiện chức trách vào ngày 13 tháng 6 năm 1957 trong nhóm “G” của “Đơn vị sản xuất”, trong số các nước mà nhóm này phụ trách có vùng Cận Đông, Bắc Phi, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những người làm việc ở đây, theo lời kể sau này của Hamilton, tiến hành ghi vào băng và giải mã các bức điện mật mã quân sự của các nước nêu trên, cũng như các bức điện cơ yếu được gửi tử các cơ quan đại diện ngoại giao của họ trên khắp thế giới về các nước này. Nhằm mục tiêu đó, NSA đã có một trạm chặn thu đặc biệt ở đảo Sip. Ví dụ, trên bàn của Hamilton vào năm 1958 đã có toàn văn nội dung liên lạc mật mà Cairpp liên lạc với sứ quán Cộng hoà Arập Thống nhất ở Moskva trong chuyến thăm của phái đoàn chính phủ nước này đến Liên Xô.

Năm 1959, Hamilton bị xem là mắc bệnh tâm thần, nhưng do anh ta là một chuyên gia có giá trị nên người ta vẫn để anh ta làm việc. Bốn tháng sau, lãnh đạo của anh ta đã tuyên bố anh ta đang ở ranh giới cơn hoang tưởng-tâm thần phân lập nên không thể làm việc tiếp ở NSA. Trên thực tế, vào thời gian này, Hamilton đang cố móc nối với họ hàng mình ở Syria, điều đó làm ban lãnh đạo của anh ta rất không hài lòng và là một phần lý do cho những cáo buộc sau đó về bệnh tâm thần. Nhưng chỉ là một phần, những sự kiện tiếp theo đã chứng tỏ điều đó.

Tháng 6 năm 1963, một người tự xưng là cựu nhân viên NSA Victor Hamilton đã đến sứ quán Liên Xô ở Praha xin tị nạn chính trị. Hai sự kiện sau đây chứng tỏ Hamilton đặc biệt được chú ý: đó là việc ngày 14 tháng 7, những người có liên quan đã nói chuyện với anh ta ở Moskva, còn ngày hôm sau những đề xuất khẩn cấp nhằm khai thác kẻ đào ngũ vào mục đích tuyên truyền đã được gửi tới Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

Một trong những đề xuất đó đã được thực hiện ngày 23 tháng 7, đúng vào ngày Dunlap tự tử. Trong bản tin chiều của mình, tờ Izvestya đã đăng lá thư của Hamilton kể về những bí mật của tình báo vô tuyến điện tử Mỹ: “NSA giải phá các mật mã của khối Cận Đông, đó là kết quả trực tiếp của ngành mã thám. Đồng thời, NSA còn nhận được các bản mật mã gốc của các nước này từ những nguồn bí mật nào đó. Điều đó có nghĩa là có ai đó đang đánh cắp mật mã cho người Mỹ.

Cần đặc biệt nhấn mạnh: chính quyền Mỹ đang lợi dụng việc trụ sở Liên Hiệp Quốc nằm trên lãnh thổ Mỹ. Những chỉ thị được mã hoá của Hy Lạp, Jordanie, Libăng, Cộng hoà Arập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ cho các phái bộ của mình ở Liên Hiệp Quốc đã rơi vào tay Bộ Ngoại giao Mỹ còn trước cả khi chúng đến được tay người nhận đích thực”.

Theo khẳng định của Hamilton, đại diện Mỹ ở Liên Hiệp Quốc Henry Lodge thậm chí còn gửi đến NSA lá thư do ông ta đích thân ký tên trong đó tỏ lời cảm ơn về thông tin nhận được. Hamilton kết thúc lời tuyên bố trên tờ Izvestya của mình bằng câu: “Tôi muốn mọi người trên trái đất cuối cùng đều có được sự bình an và cân bằng tâm hồn mà tôi có được ở đây, ở nước Nga này”.

Không lâu sau, KGB đã có những bước đầu tiên để giúp Hamilton hoà nhập. Anh ta có tên mới và bí danh “Kir”. Dĩ nhiên, người ta phỏng đoán là người Mỹ sẽ ngày đêm truy tìm nhân viên NSA mất tích kia (sự phỏng đoán được khẳng định hoàn toàn) để xác định mức độ tổn thất gây ra cho Mỹ. Bởi vậy, KGB đã áp dụng các biện pháp bảo vệ Hamilton mà không làm phương hại đến quyền của anh ta. Tuy vậy, quyết định ở hẳn lại Liên Xô của Hamilton là do những lý do hoàn toàn khác.

Ngay từ đầu khi gặp Hamilton, các nhân viên KGB đã nhận thấy những điểm khác thường trong hành động của anh ta, phản ứng không tương ứng với hoàn cảnh. Kẻ được bảo trợ của họ từ NSA ban đầu “hát” về sự theo dõi toàn diện đối với anh ta của các cơ quan tình báo Mỹ, còn sau đó được thay thế bằng “KGB toàn năng” trong các câu chuyện của anh ta.

Những nhận xét của KGB đã được vợ của Hamilton xác nhận 30 năm sau, khi bà ta nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng, sau khi vào làm việc cho NSA, ông chồng trước khi chìm vào giấc ngủ đã làm bà ta sợ hãi bằng những câu chuyện về những chuyện lạ lùng, đáng nghi đang được thực hiện trong những bức tường của cơ quan bí mật này. Nhưng “quý bà Hamilton” không kể là ông chồng của bà ta trước khi chìm vào giấc ngủ đã kịp kể cho bà ta biết những gì cụ thể. Tuy vậy, từ lá thư của chính Hamilton đăng trên tờ Izvestya, người ta biết rằng, anh ta phát hiện ra mình bị theo dõi từ hồi còn ở Mỹ, ngay sau khi bị sa thải khỏi NSA: theo lời ông ta thì các nhân viên FBI đã bám theo ông ta từng bước, không để cho ông ta kiếm việc khác, dù là người quét sân.

Kết quả là Hamilton đã được phép tị nạn chính trị ở Liên Xô, nhưng khá là đặc biệt: ông ta sống trong các bệnh viện tâm thần Liên Xô trong gần 30 năm và cuối cùng, mãi tận tháng 6 năm 1992 mới lọt vào tầm chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng Nga.

Hamilton nhất quyết không tin các nhà báo thủ đô Moskva, những người đã tìm thấy ông ta tại một trong những bệnh viện tâm thần, nơi ông ta đã ở trong 20 năm cuối khi họ nói vợ và mấy con gái ông ta còn sống và vẫn đang tìm kiếm người cha mất tích. Hamilton nhất quyết là tất cả những người thân thích của ông ta ở Mỹ đã bị tống lên ghế điện để trả thù sự phản bội.

Công dân Mỹ Edward Artis, người làm công việc truy tìm các tù binh Mỹ mất tích, đi cùng các phóng viên truyền hình, đã mang đến cho Hamilton những lá thư của vợ và các con gái. Khi Artis định đưa chúng cho đích thân ông ta thì Hamilton như được mở máy liền bắt đầu lặp đi lặp lại bằng tiếng Anh “Cút! Cút xéo hết cả đi!”

Chu Hà