In bài này
Tình báo điện tử Mỹ: Xâm nhập - Tự sát lần thứ ba (11)
Thứ Năm, 25/12/2014 - 8:57 AM
Trung sĩ Jack Dunlap gây ra tổn thất nghiêm trọng hơn 30-40 lần so với bất kỳ vụ phản bội nào trong lịch sử NSA.
Trung sĩ Jack Dunlap đã là nhân viên tuỳ phái không lâu hơn, không ít hơn so với John Kennedy trên cương vị tổng thống Mỹ.  Nhưng tổn thất mà anh ta gây ra cho NSA, theo đánh giá của các quan chức Lầu Năm góc, lớn hơn 30-40 lần so với bất kỳ vụ phản bội nào trong lịch sử NSA.

Trong thời cuộc chiến Triều Tiên, Dunlap đã được tặng thưởng Huân chương quân công Purple Heart và huy chương Bronze Star vì lòng dũng cảm và trung thành với nghĩa vụ người lính. Năm 1958, anh ta trở thành lái xe của thiếu tướng Harrison Coverdale, trưởng ban thư ký của NSA và có được khả năng hiếm có là được ra khỏi Fort Meade mà không bị kiểm tra. Khi biết chuyện này, một số nhân viên NSA đã lợi dụng nhờ anh ta chở từ cơ quan về nhà các máy chữ công vụ và đồ gỗ văn phòng. Chuyện này còn làm cho quan hệ của Dunlap ở tổng hành dinh NSA rộng hơn nữa. Sau đó, khi Dunlap bị chuyển sang làm giao thông viên, chức trách của anh ta là đưa các tài liệu mật đến các đơn vị của NSA.

Mùa xuân hay đầu hè năm 1960, Dunlap đã tới sứ quán Liên Xô ở Washington và đề nghị bán tài liệu của NSA. Trong số đó có các tài liệu điều lệ, hướng dẫn sửa chữa và khai thác các máy mã bí mật nhất của Mỹ, cũng như các bản mô tả chi tiết các máy này.

Động cơ đã thúc đẩy Dunlap phản bội không được công bố chính thức. Nhưng thù lao cho anh ta đã được xác định chính xác: 60.000 đô la. Anh ta đã tiêu xài sạch số tiền này để mua du thuyền máy, tàu lượn có cánh quạt, một chiếc ôtô Jaguar màu xanh, hai chiếc ôtô Cadillac, cho vô số đồ những cuộc nhậu nhẹt tại các nhà nghỉ đắt tiền và các câu lạc bộ bơi thuyền trên bờ biển Mỹ từ New Jersey cho đến Florida.

Vụ mua sắm lớn đầu tiên của Dunlap là vào giữa thập niên 1960 khi anh ta mua một du thuyền máy. Cô nhân tình của Dunlap chỉ biết anh ta đều đặn đến gặp một “nhân viên kế toán” nào đó và trở về sau những chuyến thăm này với những túi tiền bự. Dunlap đã kể cho những người quen biết những câu chuyện khác nhau để lý giải nguồn gốc tài sản của mình.  Đối với một số người, anh ta là một chủ đất, nơi tìm thấy khoáng sản cần để sản xuất đồ mỹ phẩm. Đối với người khác, anh ta là kẻ thừa kế giàu có. Với những người thứ ba, anh ta nói rằng cha anh ta (trên thực tế là một người gác cầu) có một trang trại lớn ở bang Lousiana.

Mặc dù Dunlap đi làm bằng chiếc Jaguar hay bằng một trong mấy chiếc Cadillac và định kỳ xin phép rời cơ quan để tham gia cuộc đua bằng chiếc tàu lượn của mình, sự gia tăng đột biến mức sống của anh ta không hề làm ai ở NSA nghi ngờ. Điều trớ trêu là chính bệnh xá của NSA đã cử xe “cấp cứu” để đưa Dunlap đến bệnh viện ở Fort Meade khi anh ta bị gẫy lưng trong cuộc đua thuyền buồm, cũng với nguyên nhân đó, tại bệnh viện địa phương anh ta đã được cấp thuốc an thần và do tác động của nó, tay nhân viên NSA này đã có thể vô ý tiết lộ tin tức bí mật. Nhưng chưa ai để tâm đến việc Dunlap lấy đâu ra tiền để ghé câu lạc bộ bơi thuyền đắt tiền kia.

Trong một thời gian dài, người ta cho rằng, những nghi vấn đầu tiên đối với Dunlap đã nảy sinh ở những đồng bào anh ta chỉ vào năm 1963, khi viên trung sĩ quyết định chuyển sang làm nhân viên dân sự vì sợ là khi hết hạn quân dịch, anh ta sẽ bị điều khỏi NSA đi nơi khác. Khi kiểm tra trên máy phát hiện nói dối, anh ta đã thú nhận có trộm cắp lặt vặt và không thành thật. Cuộc điều tra tiếp theo cho thấy sai lệch giữa thu nhập và chi tiêu của anh ta.

Ngày 14 tháng 6 năm 1963, khi cảm thấy thòng lọng xung quanh anh ta đang xiết lại, Dunlap đã toan tự tử bằng thuốc ngủ nhưng không thành. Ngày 20 tháng 7, anh ta lặp lại mưu toan này nhưng bằng khẩu súng ngắn ổ quay. Sự can thiệp của bạn bè lại cứu sống anh ta lần nữa.

Cuối cùng, ngày 23 tháng 7, mưu toan tự tử lần thứ ba đã thành công. Anh ta đấu một đoạn ống cao su vào ống xả xe ôtô của mình, đầu kia của nó được nhét vào khe cửa kính xe phía trước bên phải, nổ máy và tự đầu độc bằng khí xả. Ba ngày sau anh ta, cũng giống như Tổng thống Kennedy 4 tháng sau đó, được chôn cất với đầy đủ nghi lễ quân sự tại nghĩa trang quốc gia Arlington. Có lẽ không có cái gì lộ ra nếu như bà vợ goá của Dunlap một tháng sau lễ tang không đem từ nhà đến cả một gói tài liệu mật phát hiện được trong đống đồ đạc của chồng.

Tuy nhiên, đúng hơn là Dunlap đã bị điệp viên của Mỹ trong GRU Dmitri Fedorovich Polyakov, kẻ đã móc nối với các nhân viên FBI năm 1961 trong chuyến đi thứ hai của hắn đến Mỹ, cáo giác. Chuyến đi đầu tiên Polyakov đến Mỹ đầu thập niên 1950 khi được cử tham gia phái đoàn Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc ở New York, nơi anh ta đã chỉ đạo khá lâu các điệp viên Liên Xô không có vỏ bọc ngoại giao ở Mỹ. Trong số đó có cả trung sĩ Jack Dunlap.
Chu Hà