In bài này
Tình báo điện tử Mỹ: Trong chiếc quần len của thiền sư (8)
Thứ Hai, 22/12/2014 - 9:26 AM
Trường Cơ yếu Quốc gia được thành lập trong cơ cấu của NSA vào năm 1965 để đào tạo các nhân viên có trình độ cho nhu cầu của NSA.
Trường Cơ yếu Quốc gia có một số khoá đào tạo - từ khoá đại cương về cơ yếu dài 8 tuần, trong đó học viên học cặn kẽ vị trí, vai trò  của NSA trong cộng đồng tình báo Mỹ, cho đến khoá cơ yếu 7 tuần giành cho cán bộ lãnh đạo. Việc đào tạo đội ngũ chỉ huy ở các khoá 7 tuần, ngoài những môn khác, còn có tiến hành “diễn tập” bằng cách mô phỏng tình hình chính trị và quân sự để các học viên chỉ huy thể hiện khả năng của mình.

Trang bị trình độ đào tạo cao nhất là khoá tập huấn 18 tuần giành cho các chuyên gia mã thám cao cấp. Trong giai đoạn này, 12 học viên phải nghiên cứu tổng cộng 60 cuốn sách, dự một số lượng lớn bài giảng và thảo luận, thực hiện hơn 400 bài tập thực hành. Những người tốt nghiệp khoá học này có cơ hội thăng tiến rất tốt. Ngoài ra, họ còn được gia nhập hội chuyên gia mật mã ưu tú trong NSA.

Một trong những biểu hiệu của hội viên hội này là những chiếc quần trắng bằng len lạc đà. Biểu tượng của hội là 4 chiếc bút chì nhọn hoắt - dụng cụ đầu tiên trên thế giới dùng để giải phá mật mã. Chúng được cắm trong một cái hộp mứt bằng sắt tây rỗng. Phương châm của hội này là: “Ai mở được chiếc hộp mới được nếm mứt”. Trong quá trình học tập ở các khoá 18 tuần, các hội viên tương lai của hội phải giải phá một mật mã của quốc gia tưởng tượng Zendia và đọc được điện tín mật mã của vị thủ tướng tưởng tượng Salvo Salazio.

Để thấy quy mô tổ chức đào tạo của NSA, có thể nêu ví dụ năm 1979. Khi đó gần 19.000 người đã được đào tạo ở 500 khoá khác nhau của Trường Cơ yếu Quốc gia. Trong số đó có 13.500 người là nhân viên dân sự, 2.500 là quan chức quân sự của NSA, số còn lại là nhân viên các bộ ngành chính phủ khác.

Trong NSA còn có một loạt các hội, nhóm sở thích có tên là hiệp hội... Chẳng hạn, có một hiệp hội làm việc xây dựng từ điển ngôn ngữ các dân tộc không có chữ viết, một hiệp hội khác thì nghiên cứu dịch từ giọng nói bằng các phương tiện kỹ thuật, còn một nhóm khác nữa thì nghiên cứu hoàn thiện ngôn ngữ giao tiếp với tinh tinh.

Chu Hà