In bài này
Tên lửa phòng không mang vác: Verba ăn đứt Stinger
Thứ Bẩy, 29/11/2014 - 8:45 PM
Quân đội Nga đã nhận được lô tiếp theo các hệ thống tên lửa phòng không mang vác (MANPADS) tối tân nhất Verba.
Theo tin từ hãng KBM, họ đã chuyển giao một cơ số hệ thống Verba cấp trung đoàn cho Lục quân Nga và cấp sư đoàn cho Bộ đội đổ bộ đường không.

Cơ số trang bị bao gồm các phương tiện chiến đấu, các khí tài điều khiển, phát hiện và chỉ thị mục tiêu, thiết bị nhận dạng địch-ta và thiết bị phục vụ bảo dưỡng kỹ thuật.

Verba

- Nguyên tắc cung cấp cả bộ trang bị, khi mà quân đội nhận được tất cả các bộ phận thành phần cần thiết để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, khai thác, kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật và huấn luyện, cho phép bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu đầy đủ cho các đơn vị quân đội, hình thành và duy trì các kỹ năng sử dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng các hệ thống tên lửa, các nguồn tin tại KBM cho biết.

Theo các nhà thiết kế, xét về hiệu quả chiến đấu, Verba hiện không có đối thủ trên thế giới. Khả năng của hệ thống tối tân này vượt trội các tham số không chỉ tất cả các biến thể của hệ thống Igla của Nga, mà cả các loại tương tự của Nga - hệ thống FIM-92 Stinger (Mỹ), Starstreak (Anh), RBS 70 (Thụy Điển), Mistral (Pháp), QW-1 và QW-2 (Trung Quốc), trong đó QW-2 thực tế là sao chép Igla-1 của Liên Xô.

Verba

Ưu thế chính của Verba là khả năng diệt với xác suất cao các mục tiêu bức xạ nhỏ như tên lửa hành trình và máy bay không người lái, vốn là các mục tiêu khó phát hiện và bắn hạ thì còn khó hơn nữa. Hệ thống có được khả năng đó nhờ tên lửa 9М336 với đầu tự dẫn hồng ngoại 3 dải tần (3 phổ), cho phép tiêu diệt các mục tiêu bay với tốc độ đến 500 m/s bất kể đối phương sử dụng các mồi bẫy. Tầm tiêu diệt mục tiêu của Verba là 500-6.400 m, độ cao diệt mục tiêu từ 10-4.500 m. Các công trình sư Verba đã tăng được mấy lần độ nhạy của đầu tự dẫn, đồng thời nâng cao được khả năng chống nhiễu của nó.

Hệ thống điều khiển tự động hóa (ASU) biên chế cho hệ thống tên lửa Verba cũng giúp tăng xác suất diệt mục tiêu. Đây không phải là nhiệm vụ chính của ASU. Nó cho phép tìm kiếm mục tiêu bay, xác định các tính năng của nó, cũng như phân phối mục tiêu giữa các xạ thủ và phương tiện hỏa lực căn cứ vào vị trí họ. Đồng thời, yếu tố con người bị loại trừ nên cũng có tác động tích cực đối với hiệu quả, kể cả sự tiêu hao đạn dược. Chẳng hạn, cho đến gần đây, từ thời điểm chỉ huy đơn vị phát hiện mục tiêu cho đến khi xạ thủ phóng tên lửa thường mất từ 3-5 phút. Với Verba, việc đó chỉ mất khoảng 8 giây, tức là giảm đi hơn 10 lần.

Ngoài các tính năng chiến đấu, các nhà thiết kế còn tập trung đơn giản hóa công tác bảo dưỡng kỹ thuật hệ thống tên lửa. Yêu cầu định kỳ làm lạnh đầu tìm tên lửa bằng nitơ vốn làm khổ sở các xạ thủ tên lửa thì nay không cần thiết nữa. Điều đó đã tạo điều kiện để không chỉ bỏ bớt các máy móc bổ sung, mà còn tiết kiệm nhân lực.

Stinger của Mỹ

Là hệ thống MANPADS phổ dụng nhất thế giới, FIM-92 Stinger (đang được sử dụng ở 20 nước) có khả năng chiến đấu kém hơn. Mặc dù, Stinger có khá nhiều biến thể, các tính năng kỹ-chiến thuật của nó hầu như vẫn không thay đổi. Các nhà thiết kế chỉ nâng cao độ nhạy của đầu tự dẫn. Biến thể cuối của tên lửa là POST làm việc ở 2 dải tần cực tím và hồng ngoại hoạt động trong một mạch với 2 bộ vi xử lý. Chúng mang lại khả năng quét dạng hoa hồng, bảo đảm khả năng lọc mục tiêu cao trong điều kiện có nhiễu mạnh. Độ cao mà Stinger có thể với tới mục tiêu đối phương là 3.500 m, tức là thấp hơn Verba 1.000 m. Tầm bắn là 500-1.000 m khi bắn đón và 5.200 m khi bắn đuổi. Xác suất diện mục tiêu bay ở tốc độ đến 400 m/s của Stinger là 0,4-0,6. Việc chỉ huy các khẩu đội hỏa lực diễn ra ở chế độ “thủ công” - việc đó do chỉ huy đơn vị tại sở chỉ huy thực hiện.

Starstreak của Anh

Hệ thống MANPADS Starstreak được nhận vào trang bị quân đội Anh vào năm 1997, sử dụng loại tên lửa khá độc đáo Starstreak HVM. Phần chiến đấu của nó là 3 mũi lao hình tên, mỗi cái có mạch điều khiển và dẫn theo tia laser, pin nhiệt, lõi xuyên giáp và lượng nổ riêng. Các mũi lao này sau khi bắn đi tạo thành đội hình chiến đấu hình tam giác xung quanh tia laser. Nhờ có tốc độ cao, mũi lao xuyên qua vỏ mục tiêu bay và nổ bên trong nó, gây tổn hại tối đa cho mục tiêu. Tuy vậy, hệ thống MANPADS của Anh đòi hỏi xạ thủ phải có kỹ năng rất tốt. Ví dụ, xạ thủ từ khi bấm cò cho đến khi tiêu diệt mục tiêu cần giữ vững điểm ngắm.

Theo nhiều nguồn tin, biến thể thiết bị điện tử mới cho phép Starstreak bám theo mục tiêu tự động hiện còn đang được phát triển. Khả năng của hệ thống này cũng không cao: tầm bắn 300-6.000 m, độ cao diệt mục tiêu 5.000 m khí bắn đuổi và 1.000 m khi bắn đón.

Mistral của Pháp

Các nhà thiết kế hệ thống MANPADS Mistral của Pháp đã cố gắng tính đến các nhược điểm của các hệ thống khác và phần nhiều họ đã làm được. Tên lửa có thiết kế kiểu vịt, bảo đảm khả năng cơ động cao với độ chính xác dẫn cao ở giai đoạn bay cuối.

Đầu tự dẫn hồng ngoại nằm ở bên trong nắp rẽ dòng hình kim tự tháp có ưu điểm so với nắp rẽ dòng hình cầu về mặt giảm lực cản. Các nhà chế tạo Mistral và biến thể cải tiến Mistral 2 quả thực đã ứng dụng hàng loại giải pháp mới và rõ ràng đó là nguyên nhân 25 nước đã mua hệ thống này.

Tuy vậy, khả năng chiến đấu của nó vẫn thua kém hệ thống mới nhất của Nga. Ví dụ, vùng sát thương của hệ thống của Pháp là từ 500-6.000 m về tầm, còn về độ cao sát thương tối đa chỉ là 3.000 m. Ngoài ra, Mistral khó có thể gọi là hệ thống cơ động. Để sử dụng hệ thống, phải dùng đến giá 3 chân chuyên dụng, trên đó là xạ thủ và toàn bộ máy móc cần thiết.
Nam Xương