In bài này
Nhật chế tạo ‘F-22’, mua Osprey, E-2D và Global Hawk
Thứ Ba, 25/11/2014 - 9:08 PM
Nhật Bản dự định chế tạo tiêm kích cùng cỡ với F-22.
Nhiều khả năng, Nhật Bản đang có kế hoạch chế tạo tiêm kích hạng nặng chế hệ mới cùng cỡ với F-22 Raptor. Người Nhật đã kết luận rằng, tầm bay xa và tải trọng chiến đấu là những tham số quan trọng hơn của máy bay tương lai so với tốc độ và khả năng cơ động. Nhật đang để ngỏ cửa cho hợp tác quốc tế theo chương trình này (Bộ Tài chính Nhật ủng hộ cách làm này để giảm chi phí tài chính), nhưng Bộ Quốc phòng Nhật lo ngại, nước này sẽ có ít hơ khả năng kiểm soát chương trình khi có sự tham gia của các công ty nước ngoài.


Các kỹ sư của Viện Nghiên cứu và phát triển kỹ thuật TRDI (Technical Research & Development Institute) và hãng IHI Corp. dự kiến chế tạo tiêm kích hai động cơ hạng nặng F-3 vào khoảng năm 2030. Tham gia chương trình còn có nhà thầu quốc phòng lớn nhất Mitsubishi Heavy Industries (sản xuất khung thân) và Mitsubishi Electric (nhà cung cấp thiết bị điện tử quân sự hàng đầu Nhật bản). Từ năm 2010, Nhật đã chi cho chương trình 120 tỷ yên (1 tỷ USD), năm 2015, xin cấp 41,2 tỷ yên. Trong khi mẫu trình diễn công nghệ ATD-X đã được chế tạo sẽ bay thử trong tài khóa này.

Năm 2012, người ta đã thông báo rằng, máy bay sẽ có 2 động cơ có lực đẩy 33.000 bảng mỗi động cơ (khoảng 15 tấn). Mẫu chế thử đầy đủ của động cơ sẽ được giới thiệu vào năm 2018. Các yêu cầu chính đối với động cơ turbine phản lực lưỡng mạch có buồng tăng lực này là nhiệt độ làm việc của khí cao trước turbine (1800 độ C) và phần giữa động cơ nhỏ hơn để đạt tốc độ hành trình siêu âm.

Việc phát triển máy bay cỡ F-22 sẽ tốn hàng chục tỷ đô la Mỹ và có thể các yêu cầu về lực đẩy động cơ sẽ được giảm đi.

Năm 2011, 2012 và 2013, đã đưa ra các khái niệm 23DMU, 24DMU và 25DMU (xem hình vẽ). Dự kiến, khái niệm 26DMU sẽ được xây dựng, nhưng ít khả năng nó sẽ khác với 25DMU (6 tên lửa không chiến bố trí trong khoang thân, có thể lắp thêm các tên lửa trên các mấu treo ngoài để tác chiến với “địch thủ đông đảo”). Sải cánh của 25DMU đã tăng gần 20%. Rõ ràng, mục tiêu của thiết kế mới này là tăng tầm bay và bố trí nhiều nhiên liệu bên trong hơn, cũng như tăng lực nâng của khung thân.

E-2D
Nhật Bản đã chính thức thông báo kế hoạch mua máy bay cánh quạt lật V-22 Osprey, máy bay không người lái trinh sát chiến lược Global Hawk và máy bay chỉ huy/báo động sớm E-2D Hawkeye.

Việc mua 17 chiếc Osprey được thông báo từ tháng 4.2014, máy bay này không có đối thủ cạnh tranh. Thủy quân lục chiến Mỹ hiện có hơn 360 chiếc Osprey, Lực lượng đặc nhiệm Không quân Mỹ có 32 chiếc.

Việc mua sắm V-22 đã gây tranh cãi ở Nhật bản do máy bay này có tiếng là không tin cậy, nhưng sự tham gia của các máy bay cánh quạt lật trong các cuộc tập trận và công việc cứu trợ trong thời gian sóng thần đã thay đổi thái độ của những người phản đối.

Công ty Northrop đã giành thắng lợi trong cuộc đấu thầu với máy bay Е-2D, sau khi đánh bại đề xuất của Boeing, hãng dự định cung cấp cho Nhật các máy bay chỉ huy/báo động sớm 737 AEW&C. Northrop cũng thắng thầu cung cấp UAV lái trinh sát với Global Hawk, đánh bại General Atomics với UAV Guardian ER.

PM