In bài này
Nga phóng sát thủ vệ tinh?
Chủ Nhật, 23/11/2014 - 10:38 PM
Phương Tây nghi ngờ Nga đã phóng vào vũ trụ một sát thủ vệ tinh.

Ở phương Tây, người ta đã nhớ lại chương trình “Tiêm kích diệt vệ tinh” (IS): trong vũ trụ, họ đã phát hiện một vật thể bí ẩn do Nga phóng lên mà nhiệm vụ của nó đã bắt đầu có vô số những đồn đoán. Trong thực tế, việc phóng các vệ tinh như vậy bị cản trở không chỉ bởi các hiệp ước quốc tế, mà cả tính hợp lý về quân sự.

Các cơ quan vũ trụ châu Âu và một số nhà thiên văn học đã phát hiện trên quỹ đạo chuyển động bí ẩn của một vật thể có mã hiệu 2014-28E. ban đầu, người ta cho đây là rác rơi vào vũ trụ do vụ phóng tên lửa đẩy Rokot của Nga mang các vệ tinh viễn thông Rodnik từ sân bay vũ trụ Plesetsk (chẳng hạn như một bộ phận chấm dứt hoạt động của tên lửa).

Theo tờ The Financial Times, trong vòng mấy tuần lễ, các nhà thiên văn học đã quan sát sự di chuyển của 2014-28E giữa các khí tài vũ trụ của Nga. Những sự dịch chuyển đã chấm dứt khi vật thể bí ẩn tiến gần đến các mảnh vỡ của tên lửa đẩy đã đưa nó lên quỹ đạo.

Vật thể này thu hút sự quan tâm đặc biệt vì Nga không thông báo gì về việc phóng nó. Bộ chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ NORAD đã đặt số hiệu 39765 cho vật thể này. “Dù sao chăng nữa, nó (vật thể 2014-28E) xem ra như một vật thể thí nghiệm. Nó có thể có nhiều chức năng dân sự, cũng như quân sự”, chuyên gia trong lĩnh vực an ninh vũ trụ, Giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế của Trung tâm Chatham House, bà Patricia Lewis nói.

Tờ báo Anh coi điều đang xảy ra là câu chuyện từ thời chiến tranh lạnh. “Vật thể bay bí ẩn mà quân đội Nga phóng lên và các cơ quan vũ trụ phương Tây quan sát được làm dấy lên những quan ngại về việc nối lại dự án vũ khí tiêu diệt vệ tinh đã bị vứt bỏ của Kremlin, - tờ báo viết và nhắc lại chương trình chế tạo “Tiêm kích diệt vệ tinh” (IS) của Liên Xô trước đây. - Không ai biết chức năng của nó. Nó có thể có tính dân sự - như một dự án thu gom rác vũ trụ chẳng hạn. Hoặc đây có thể là thiết bị dùng để bổ sung dự trữ nhiên liệu trên các vệ tinh đang hoạt động”.

Chương trình IS được phát động từ thời Liên Xô, nhưng đã bị dẹp bỏ không lâu sau khi bức màn sắt sụp đổ.

Vệ tinh tiêm kích diệt vệ tinh IS của Liên Xô

Theo thông tin từ các nguồn công khai, các dự án đầu tiên nhằm chế tạo hệ thống tiêu diệt vệ tinh đối phương đã xuất hiện ở Mỹ vào cuối thập kỷ 1950, ở Liên Xô vào đầu thập kỷ 1960. Các nhà khoa học và công trình sư Liên Xô đã xem xét một số phương án tiêu diệt vệ tinh, kể cả bằng cách phóng từ máy bay ở độ cao 30 km một tên lửa mang 50 kg chất nổ. Việc thử nghiệm đã được bắt đầu vào năm 1961 và kéo dài 2 năm. Hệ thống dẫn đã tỏ ra không hiệu quả, còn việc thử nghiệm bay không đáp ứng sự trông đợi của các nhà thiết kế vì thế, câu chuyện đã không đi đến việc triển khai thử nghiệm trong vũ trụ.

Một dự án khác dựa trên việc chế tạo một biến thể của tàu vũ trụ có người lái Soyuz (Liên hợp) là Soyuz-P (đánh chặn). Người ta đã trù tính việc các nhà du hành vũ trụ bước ra ngoài khoảng không vũ trụ để loại vệ tinh kẻ thù khỏi vòng chiến. Nhưng do phức tạp về kỹ thuật và nguy hiểm đối với các nhà du hành mà dự án cũng bị dẹp bỏ. Vệ tinh kẻ thù có thể được lắp hệ thống tự hủy và gây tổn hại cho các nhà du hành. Người ta cũng đã thảo luận ý tưởng lắp cho tàu vũ trụ các tên lửa nhỏ. Nhưng sự chậm trễ trong việc chế tạo tàu Soyuz đã khiến người ta từ bỏ cả các kế hoạch này.

Song song, Liên Xô cũng đã xem xét ý tưởng chế tạo vệ tinh cảm tử, đây cũng là cơ sở cho sự án IS. Bản chất của nó là đưa lên quỹ đạo một vệ tinh đánh chặn có thể tự tiếp cận mục tiêu và tiêu diệt nó. Vệ tinh gồm 1 động cơ, 300 kg chất nổ, hệ thống điều khiển và dẫn vào mục tiêu. Sau khi nổ, vệ tinh vỡ tung, bán kính tiêu diệt chắc chắn mục tiêu ước 1 km.

Việc nghiên cứu chế tạo IS bắt đầu vào năm 1961. Mẫu chế thử đầu tiên của vệ tinh đánh chặn Polyot được phóng lên quỹ đạo vào ngày 1/11/1963. Tháng 4/1964, mẫu chế thử Polyot-2 được phóng lên vũ trụ. Mùa thu năm 1967, vệ tinh đánh chặn Kosmos-185 đi vào quỹ đạo.

Ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vào năm 1972, Liên Xô và Mỹ đã ký hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược và hệ thống phòng thủ tên lửa, hiệp ước này cũng hạn chế cả các hệ thống chống vệ tinh. Do đó, chương trình thử nghiệm IS đã bị đình chỉ. Tuy vậy, bản thân hệ thống chống vệ tinh đã được nhận vào trang bị và được cải tiến nhiều.

Các chuyến bay thử nghiệm theo chương trình các hệ thống chống vệ tinh được nối lại vào năm 1976 và tiếp tục đến năm 1978. Sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ ba, đã diễn ra thêm mấy lần phóng vào năm 1980-1982 nhằm kiểm tra khả năng hoạt động của các hệ thống chiến đấu sau thời gian dài cất giữ. Sau năm 1982, các chuyến bay thử nghiệm theo chương trình IS không còn được tiến hành. Lần thử nghiệm cuối cùng diễn ra vào ngày 18/6/1982. Vệ tinh đánh chặn Kosmos-1379 đã được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur lên quỹ đạo. Nó đã tiêu diệt thành công vệ tinh Kosmos-1375 và được đưa khỏi quỹ đạo.

Năm 2007, Tư lệnh Bộ đội Vũ trụ Nga khi đó, Thượng tướng Vladimir Popovkin đã nói rằng, việc sử dụng vũ trụ vào mục đích quân sự có thể dẫn đến thảm họa. “Nếu như một nước nào đó bố trí vũ khí trên vũ trụ thì các quy luật đấu tranh vũ trang sẽ là vũ khí đáp trả sẽ xuất hiện”, ông Popovkin nói và cho biết thêm rằng, hiện nay có thể sử dụng đầy đủ vũ trụ trong lĩnh vực quân sự và dân sự chỉ có Nga và Mỹ, Trung Quốc đang tiến gần họ, còn trong tương lai là Ấn ĐỘ và châu Âu, đại diện là Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA.

Hoạt động của các nước nhằm chinh phục khoảng không vũ trụ được điều tiết bởi nhiều văn kiện quốc tế, mà chủ yếu là Hiệp ước về các nguyên tắc hoạt động của các nước nhằm nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ, trong đó có mặt trăng và các thiên thể khác, có hiệu lực từ ngày 10/10/1967. Tham gia hiệp ước này là gần 100 nước. Nga và Trung Quốc đã chuẩn bị xong hiệp ước cấm bố trí vũ khí trên vũ trụ. Trong năm 2014, dự thảo của nó đã được đưa thảo luận tại Hội nghị của LHQ về giải trừ quân bị.

Liên quan đến các vệ tinh Nga được đưa lên quỹ đạo trong tháng 5.2014, chúng có các ký hiệu Kosmos-2496, Kosmos-2497 và Kosmos-2498.

Chuyên gia Anh trong lĩnh vực vũ trụ Robert Christy, người theo dõi các vệ tinh trên quỹ đạo, đã phát hiện sự hiện diện trong vũ trụ vệ tinh chưa từng thông báo trước đó của Nga là Kosmos-2499, có các chức năng cơ động trên quỹ đạo. Chắc chắn, vệ tinh này đã được đặt mã hiệu 2014-28E. Theo ông Christy nhận định vào tháng 10.2014, bia tập cho vệ tinh này có thể là tầng khởi tốc của Briz-KM.

Lãnh đạo Câu lạc bộ Vũ trụ Moskva, ông Ivan Moyseyev cho rằng, sự hiện diện của vệ tinh tiêm kích Nga trên quỹ đạo là “hoàn toàn có thể”. “Lần phóng là phục vụ mục đích quân sự, thường là mang cả chùm vệ tinh. Ở đó có thể có thêm một vệ tinh nhỏ. Nó có thể có khả năng cơ động - lùi xa và tiếp cận một vệ tinh chính và tầng tăng tốc. Ở đây chẳng có gì quá kinh ngạc. Nhưng không thể nói chắc chắn đây là một vệ tinh chống vệ tinh quân sự”, ông Moyseyev nói.

Ông nhăc lại rằng, Liên Xô đã tiến hành gần 20 thí nghiệm như vậy. Hồi đó, một vệ tinh đánh chặn và một vệ tinh bia đã được phóng lên. Đã diễn ra việc tiếp cận và tiêu diệt bia bằng các phương pháp khác nhau. Các thí nghiệm đã bị đình chỉ do sự tốn kém của các diễn tập đó và “sự vô nghĩa về quân sự”.

“Việc có thể tiếp cận, đánh chặn một vệ tinh thì chẳng khiến ai nghi ngờ. Chương trình đó sẽ có ý nghĩa nếu như nếu như đó là sự kiểm nghiệm trang thiết bị thí nghiệm với triển vọng đưa các vệ tinh đó vào trang bị. Nếu như (các vệ tinh) đã được đưa vào trang bị thì chương trình đó đã có kết quả. Nhưng thời đó, trong thập kỷ 1960, việc này vẫn chỉ là thí nghiệm. Thí nghiệm hiện nay yếu hơn nhiều, nhưng nếu như giới quân sự muốn thì cứ để họ thích thú”, vị chuyên gia bình luận.

(Còn tiếp)

Nam Xương