In bài này
Xu hướng tên lửa không chiến
Thứ Tư, 05/11/2014 - 9:20 PM
Tại Nhật Bản mới đăng tải bài báo có tiêu đề “Các xu hướng công nghệ phát triển tên lửa không chiến”.
Máy bay cường kích Tornado phóng tên lửa không đối không Meteor
Tên lửa không chiến có điều khiển đầu tiên lắp đầu tự dẫn radar chủ động là AIM-120 (AMRAAM) của Mỹ, được chế tạo trên cơ sở tên lửa AIM-7 vào năm 1987.

Một tiêm kích được trang bị các tên lửa này có thể bắn đồng thời mấy mục tiêu và đây chính là ưu thế trước các tên lửa lắp đầu tự dẫn radar bán chủ động.

Đáp lại, Liên Xô đã bắt đầu phát triển tên lửa tương tự có tên R-77 mà NATO gọi là АА-12. Tên lửa này được trang bị cho quân đội Nga vào năm 1992.

Năm 1985, Liên Xô đã nhận vào trang bị tên lửa không đối không có điều khiển, tầm ngắn R-73 (АА-11) với động cơ có điều khiển vector lực đẩy để tăng sức cơ động, cho phép tên lửa tiêu diệt mục tiêu ở góc ± 75 độ so với trục dọc đường bay của tên lửa.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, các tên lửa này đã lọt vào tay Đức (năm 1992) và được các chuyên gia Đức thừa nhận là siêu việt hơn các tên lửa phương Tây.

Đáp trả, phương Tây đã phát triển các tên lửa có điều khiển Python 4 (Israel, trang bị năm 1993), AIM-9X (Mỹ, sản xuất loạt từ năm 2000), ASRAAM (Anh, trang bị năm 2002).

Hiện nay, Mỹ đã bắt đầu sản xuất loạt biến thể tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120D. Tên lửa được trang bị máy thu GPS và phần mềm nâng cấp, ngoài ra, còn có đường truyền dữ liệu 2 kênh, cho phép phi công chuyển ngắm tên lửa sang mục tiêu khác khi cần. Mỹ đã chế tạo biến thể đơn giản hơn AIM-120-7C để xuất khẩu.

Việc trang bị biến thể tối tân nhất AIM-9X Block 2 được dự định vào năm 2010, nhưng quá trình này đã bị chậm trễ. Tên lửa có khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay ở góc ± 90 độ so với trục dọc đường bay. Ngoài ra, tên lửa cũng được trang bị kênh truyền dữ liệu, nhờ vậy tầm bắn hiệu quả đã tăng mạnh.

Mỹ cũng đã tiến hành phát triển tên lửa đa nhiệm theo chương trình JDRADM, nhưng việc chế tạo đã dừng vào năm 2012 vì tốn kém và rủi ro kỹ thuật lớn. Tên lửa này lẽ ra sẽ trở thành vũ khí không chiến thế hệ mới thay cho AIM-120 và AIM-9, đồng thời đóng vai trò một tên lửa chống radar giống như AGM-88 HARM.

Anh đã phát triển tên lửa không đối không có điều khiển Meteor với động cơ phản lực-không khí dòng thẳng, giúp tăng đáng kể tốc độ bay cho tên lửa. Meteor có tầm bắn tối đa trên 100 km. Có tin, một biến thể của Meteor có đường kính thân nhỏ hơn để treo trong khoang vũ khí bên trong tiêm kích thế hệ 5 F-35B Block 3 (2 tên lửa) của Anh sẽ được chế tạo và trang bị vào năm 2020.

Tên lửa không đối không Meteor

Nhật Bản cũng có dòng tên lửa không chiến tầm ngắn và tầm trung của mình. Tên lửa ААМ-4 và ААМ-5 ở đẳng cấp những mẫu xuất sắc nhất thế giới.

Tên lửa ААМ-4 được chế tạo vào năm 1999 và có tầm bắn không thua kém AIM-120. Năm 2014, Nhật quyết định chế tạo biến thể cải tiến của AAM-4 có sức cơ động cao hơn và hệ dẫn nâng cấp.

ААМ-5 là sự phát triển của ААМ-3 với mục đích chế tạo một tên lửa không chiến xuất sắc hơn R-73 của Nga và AIM-9X của Mỹ. AAM-5 được trang bị động cơ có điều khiển vector lực kéo và đầu tự dẫn hồng ngoại có tính năng vô song, cho phép đánh chặn hiệu quả các mục tiêu trên phông nền mặt đất.

Nga đang tiếp tục nghiên cứu nâng cao hiệu quả tên lửa không chiến. Họ đang nghiên cứu chế tạo tên lửa RVV-SD có tầm bắn xa hơn mẫu cơ sở R-77/RVV-АЕ, cũng như RVV-MD trên cơ sở R-73 với đầu tự dẫn hồng ngoại cải tiến. Các tên lửa RVV-MD đang được đưa vào trang bị của Không quân Nga và có thể được xuất khẩu.

Biến thể của tên lửa R-77 với động cơ phản lực-không khí (RVV-АЕ-PD) cũng đang được phát triển. Nhưng do khó khăn tài chính nên dự án tiến triển chậm và đang nằm trong số các vũ khí có số phận chưa rõ ràng.

Trung Quốc đã nhận được từ Nga và Ukraine các công nghệ cho phép chế tạo tên lửa PL-12 (SD-10A), PL-9С và các loại khác. Tuy nhiên, tính năng chiến-kỹ thuật của chúng không cao hơn tính năng của các tên lửa của phương Tây và Nga. Trung Quốc đã nhập khẩu gần 1.500 quả R-77 và 3.300 quả R-73 từ Nga. Có tin Trung Quốc đang nghiên cứu tên lửa tầm trung lắp động cơ phản lực-không khí dòng thẳng và tên lửa tầm ngắn có động cơ điều khiển vector lực kéo, nhưng thông tin thực sự vẫn chưa có.
Nam Xương