In bài này
Tên lửa hành trình NCM của Pháp
Thứ Sáu, 24/10/2014 - 8:06 PM
Pháp đang hoàn tất phát triển tên lửa hành tiên tiến NCM mà nhờ nó Ba Lan có thể tăng mạnh tiềm lực quân sự của mình.
Tên lửa hành trình tầm xa phóng từ biển NCM (Naval Cruise Missile) mà Pháp gọi là MdCN (Missile De Croisière Naval)  sắp được đưa vào trang bị của quân đội Pháp và sẽ được xuất khẩu.

Theo Navy Recognition, một số mẫu của tên lửa tối tân này đã được lắp ráp tại nhà máy của hãng phát triển tên lửa là MBDA ở Selles-Saint-Denis.

NCM là biến thể dành cho hải quân của tên lửa hàng không Anh-Pháp-Italia Storm Shadow/SCALP (tên lửa hành trình đa nhiệm, tầm xa, chính xác dẫn tự hoạt) dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt đất.

Biến thể mới có tầm bắn ít nhất xa hơn 4 lần SCALP (250 km), còn theo Missile Threat, bán kính bay của NCM  là từ 1.000-1.400 km. NCM có chiều dài 6,5 m, trọng lượng 1.400 kg, trong đó 300 kg là trọng lượng phần chiến đấu. NCМ được trang bị hệ tự dẫn, khối quán tính, thiết bị đo cao vô tuyến điện và anten GPS. Tên lửa có độ chính xác khó tin khi tấn công các mục tiêu ở tầm xa - đây là một trong những yêu cầu then chốt đối với thiết kế tên lửa này khi phát triển.


Tổng biên tập tạp chí “Xuất khẩu vũ khí” (Nga), Andrei Frolov xác nhận, đây là vũ khí chính xác cao, tầm bắn rất lớn, dự đoán là hơn 1.000 km. “Các tên lửa mới của Pháp là vũ khí vạn năng: chúng sẽ được sử dụng bởi cả tàu mặt nước và tàu ngầm”, ông Frolov.

Hải quân Pháp chuẩn bị trang bị NCM cho các tàu frigate đa nhiệm lớp FREMM và các tàu ngầm hạt nhân tương lai lớp Barracuda. NCM được phóng từ frigate bằng bệ phóng thẳng đứng, còn biến thể phóng từ tàu ngầm được cải tiến để phóng từ ống phóng lôi tiêu chuẩn NATO.

NCM tại nhà máy MBDA (Daniel Lutanie /
Bộ Quốc phòng Pháp đã có đơn hàng ban đầu mua 150 tên lửa cho tàu mặt nước và 50 tên lửa cho tàu ngầm có tổng trị giá 1,2 tỷ euro. Việc sản xuất loạt biến thể tên lửa tiêu chuẩn sẽ bắt đầu vào năm 2015, sản xuất biến thể phóng từ ống phóng lôi - vào năm 2018.

NCM trang bị cho tàu ngầm còn có thể lắp cho các tàu ngầm điện-diesel lớp Scorpène. Do Pháp dự định xây dựng hạm đội tàu ngầm trang bị toàn bằng tàu ngầm hạt nhân, nên các tàu ngầm thông thường đang được Pháp-Tây Ban Nha đóng trước hết là cho hải quân nước ngoài.

Trong số các nước mua Scorpefnee có Chile, Malaysia, Ấn Độ và Brazil. Các tàu ngầm trang bị hệ thống tên lửa NCM có thể bán cả cho Ba Lan khi Ba Lan đang lựa chọn giữa tàu ngầm Pháp và tàu ngầm Đức lớp Type 214.

Bản thân nhà sản xuất cũng đang ráo riết xúc tiến xuất khẩu tên lửa này. Họ hứa với các khách hàng trao quyền kiểm soát hoàn toàn đối với vũ khí. Pháp sẽ không giữ lại bất kỳ “chìa khóa” nào của NCM có thể ngăn cản nó phóng vào một mục tiêu được lựa chọn, hãng MBDA khẳng định.

Tuy vậy, các tên lửa xuất khẩu vẫn có tính năng bị “cắt xén”, nhưng ngay cả như thế, chúng vẫn là đối thủ đáng gờm đối với các hệ thống tên lửa xuất khẩu tương tự của Nga, ông Frolov nói.

Theo ông Frolov, nếu như Ba Lan mua NCM, điều đó sẽ đổi mới mạnh mẽ trang bị vũ khí tên lửa của nước này. “Người Ba Lan hiện giờ có các frigate cũ của Mỹ và may lắm thì chúng được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon với tầm bắn hơn 100 km một chút, cũng như các tên lửa chống hạm của Nauy, nhưng chúng được sử dụng cho nhiệm vụ bảo vệ bờ biển. Các tên lửa Pháp - đó là hệ thống tẫn công mà người Ba Lan về nguyên tắc không có các loại tương tự”.
Nam Xương