In bài này
Ấn Độ dẫn đầu về phòng vệ tích cực cho xe tăng
Thứ Bẩy, 30/08/2014 - 9:24 PM
Ấn Độ sẽ vượt qua cả thế giới về chế tạo ác hệ thống phòng vệ tích cực dành cho xe tăng.
Trung tâm phát triển xe chiến đấu CVRDE (Combat Vehicles Research & Development Establishment) ở thành phố Chennai, Ấn Độ sắp tới sẽ phát triển loại xe tăng chiến đấu tương lai, có khả năng tự bảo vệ chống tên lửa địch bằng hệ thống phòng vệ kết hợp tích cực/tiêu cực.

Giám đốc CVRDE, TS P. Sivakumar cho hay, phòng thí nghiệm của ông đã bắt đầu phát triển xe tăng có khả năng bắn hạ loại vũ khí động năng chống tăng uy lực nhất là đạn xuyên giáp dưới cỡ thoát vỏ FSAPDS (Fin Stabilized Armour Piercing Discarding Sabot).

Loại đạn này bay với tốc độ trên 1.700 m/s, xuyên suốt vỏ giáp đầu xe và chưa nước nào trên thế giới chế tạo được hệ thống phòng vệ đối phó được với vũ khí động năng nguy hiểm chết người này.

“Các nước như Israel, Nga, Đức và Thụy Điển đã chế tạo được hệ thống phòng vệ chống đạn pháo bay với tốc độ 1.000 m/s, nhưng chúng tôi là nước đầu tiên đã bắt đầu nghiên cứu vô hiệu hóa đạn pháo bay với tốc độ trên 1.700 m/s”, Giám đốc CVRDE tiết lộ.

Ông cho biết, CVRDE đã phát triển được các công nghệ phòng vệ tiêu cực cho tăng Arjun Mark 2, khi hệ thống hồng ngoại phá vỡ việc dẫn tên lửa lắp đầu tự dẫn hồng ngoại.

Ông Sivakumar cũng nói rằng, họ đã chế tạo được hệ thống kết hợp tích cực/tiêu cực bảo vệ được xe tăng chống tên lửa dẫn bằng tia laser. Ban đầu, xe tăng ẩn mình trong đám mây khói tạo ra bằng đạn lựu khói, sau đó phóng tên lửa để tiêu diệt tên lửa địch.
Nam Xương