In bài này
Đổi đất lấy khí đốt: Đức, Nga bí mật mặc cả về Ukraine
Thứ Năm, 31/07/2014 - 8:53 PM
Báo Anh The Independent tiết lộ đàm phán bí mật Nga-Đức về Ukraine.
Đức và Nga đang đàm phán một kế hoạch bí mật giải quyết hòa bình để chấm dứt những rạn nứt do Ukraine. Các nhiệm vụ chính là ổn định đường biên giới Ukraine và củng cố nền kinh tế của nước này, nhất là với sự hỗ trợ của một hiệp định khí đốt mới.

Theo các nguồn tin, sau thảm họa của chiếc Boeing của Malaysia bị bắn rơi trên bầu trời vùng Donbass, việc đàm phán đã bị đình trệ.

Berlin đã bác bỏ thông tin nêu trong bài báo đăng trên tờ Independent. “Thông tin  không có bất cứ cơ sở nào”, Thư ký báo chí của Thủ tướng Đức viết trên trang Twitter của mình. Phó phát ngôn viên nội các Đức Christiane Wirtz cũng phát biểu như vậy.

The Independent cho biết, kế hoạch của bà Merkel bao gồm việc thế giới công nhận nền độc lập của Crimea và sáp nhập khu vực này vào Nga. Tuy nhiên, một số nước thành viên LHQ có thái độ tiêu cực đối với kịch bản đó.

Các nguồn tin gần gũi với các cuộc đàm phán bí mật khẳng định: ở giai đoạn đầu, sẽ yêu cầu Nga dừng hỗ trợ tài chính và quân sự cho các nhóm ly khai ở miền đông Ukraine. Đổi lại, khu vực này “sẽ được trao một số thẩm quyền”. Tổng thống Ukraine sẽ không xin gia nhập NATO, còn Tổng thống Putin sẽ không cản trở các quan hệ thương mại mới của Ukraine với EU.

Ukraine sẽ được mời chào hiệp định dài hạn mới với tập đoàn Gazprom. Nga cũng sẽ đến bù cho Ukraine vì mất tiền thuê căn cứ hải quân ở Crimea bằng cách dành cho Ukraine “gói tài chính 1 tỷ USD”.

“Kế hoạch hòa bình của Đức vẫn đang được xem xét và đây là thỏa thuận duy nhất sẵn có. Việc đàm phán bị đình trệ do thảm họa MH17, nhưng dự kiến, ngay khi điều tra được tiến hành, đàm phán sẽ được nối lại”, các nguồn tin có quan hệ gần gũi với cuộc đàm phán cho hay.

“Đây là vụ làm ăn của bà Merkel. Bà ấy trực tiếp làm việc với Tổng thống Putin về việc này. Bà ấy cần giải quyết tranh chấp vì không ai quan tâm đến sự căng thẳng ở Ukraine, lẫn việc cô lập nước Nga”, một người trong cuộc nói.

Đóng vai trò chủ yếu trong đàm phán với Gazprom là doanh nhân Ukraine, ông Dmitri Firtash, người “đã làm vai trò trung gian hậu trường trong các giới cao cấp”. Tháng 5/2014, tài phiệt Firtash đã đề xuất mình làm người trung gian giữa Nga và Ukraine.

Tháng 3/2014, Dmitri Firtash đã bị bắt ở Viên, Áo trên cơ sở yêu cầu của Mỹ và lệnh của tòa án Mỹ. Ông này đã bị cáo buộc đưa hối lộ cho các quan chức Ấn Đô để được phép khai thác các mỏ titan ở Ấn Độ.

Sau đó, Áo đã thả tài phiệt này khoản tiền thế chấp 125 triệu euro, nhưng cấm ông Firtash rời khỏi Áo cho đến khi hoàn thành vụ việc yêu cầu dẫn độ. Bản thân doanh nhân này gọi những cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ và có động cơ chính trị.

Đại diện Bộ Ngoại giao Anh nói không biết gì về đàm phán bí mật giữa Nga và Đức, nhưng nhấn mạnh rằng, cả Anh và Mỹ chắc chắn sẽ không công nhận Crimea là lãnh thổ Nga.

Theo The Independent, Đức cực kỳ quan tâm giải quyết cuộc xung đột Ukraine: trong thời gian bà Merkel cầm quyền, quan hệ Đức-Nga đã được củng cố đáng kể, Nga là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Nước Đức đã phản đối đến cùng việc áp đặt trừng phạt chống Nga vì những lý do thương mại, lẫn ngoại giao.

Trước đó, Tổng thống Litva, bà Dalia Grybauskaitė đã nói rằng, Nga đang sử dụng tài nguyên năng lượng vào mục đích chính trị. Bà khẳng định rằng, một số nhà hoạt động ở các nước Baltic đang nhận được từ Nga các đề nghị cung cấp khí đốt và dầu mỏ rẻ hơn để đổi lấy việc rút khỏi NATO.

Một tờ báo uy tín khác của Nga là Financial Times thì không viết gì về đàm phán bí mật giữa Moskva và Berlin, mà chỉ nói rằng, lập trường của Đức thực sự cứng rắn lên sau thảm kịch MH17 làm gần 300 người chết.
Nhân Vũ