In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Vụ phản bội thế kỷ
Thứ Ba, 08/07/2014 - 1:09 PM
Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ những ngày phập phồng lo âu và không thể quên được đối với cơ quan phản gián quân sự Liên Xô, khi một sĩ quan cơ yếu của cơ quan tuỳ viên quân sự ở Canada là trung uý quân đội Xôviết đào ngũ.
Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga GRU là cơ quan tình báo đối ngoại lớn nhất của Liên bang Nga. Năm 1997, GRU có số điệp viên ở nước ngoài nhiều hơn gấp 6 lần so với Cục Tình báo Đối ngoại Nga SVR, hậu thân của Tổng cục I/KGB
Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ những ngày phập phồng lo âu và không thể quên được đối với cơ quan phản gián quân sự của chúng ta ấy, khi mà một nhân viên cơ yếu của cơ quan tuỳ viên quân sự ở Canada là trung uý quân đội Xôviết, 26 tuổi chạy sang phía người Canada và hắn hiểu rõ nếu đi tay không thì chả ai thèm cần đến hắn. Các tài liệu mà hắn trao cho Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada (Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada (Royal Canadian Mounted Police) - cơ quan chịu trách nhiệm về phản gián và an ninh ở Canada cho đến khi chuyển giao trách nhiệm này cho Cục Tình báo An ninh Canada (Canadian Security Intellgence Service CSIS) được thành lập vào tháng 7 năm 1984 - ND) đã làm bại lộ hoàn toàn hoạt động của tình báo quân sự Liên Xô ở Canada và xét về ý nghĩa và giá trị, điều này là chưa từng có trong lịch sử các vụ phản bội của những tên đào ngũ.

Và hắn đã làm được điều đó trước hết là do sự bất cẩn tuỳ tiện không thể chấp nhận được, sự ngớ ngẩn và hành động nông nổi của tuỳ viên quân sự Liên Xô tại Canada, đại tá Zabotin và ba trợ lý của ông - đại tá Motinov, thiếu tá Rogov và thiếu tá Sokolov. Họ đã hoàn toàn tin tưởng giao phó cho Gouzenko cất giữ và tiêu huỷ tất cả giấy tờ của mình. Còn tên này thì đã sao các tài liệu mà hắn  được lệnh cất giữ, hắn đã thu thập và cất giấu ở nơi chắc chắn (từ năm 1943 đến năm 1945) những tài liệu phải tiêu huỷ.

Thêm vào đó, Motinov và Rogov đã bất chấp mọi quy tắc bảo mật sơ đẳng nhất đã chủ động lập hồ sơ cá nhân chi tiết của tất cả những ai họ đang cùng làm việc hoặc đang nghiên cứu/điều tra. Trong các hồ sơ có tên tuổi, địa chỉ, nơi làm việc và các thông tin khác. Tất cả chúng được cất giữ trong két của Motinov, còn chìa khoá thì theo nguyên tắc chỉ anh ta mới có quyền giữ. Chiếc chìa khoá thứ hai để phòng khi có “hoả hoạn” nên đã được niêm phong trong một phong bì đặc biệt và cất giữ ở chỗ trưởng phòng mật mã, không được đưa cho ai. Motinov đã ngây thơ một cách ngu ngốc khi không nghĩ rằng, Gouzenko đã từ lâu sử dụng chiếc chìa khoá thứ hai ấy để đọc và sao lại tất cả các tài liệu.

Igor Gouzenko
Ngoài ra, theo các nguyên tắc hiện hành, cán bộ cơ yếu phải sống trong khu vực có đặc quyền ngoại giao. Thời gian đó, Gouzenko có đứa con nhỏ đêm nào cũng quấy khóc, mà vợ Zabotin, cũng sống trong ngôi nhà đó, lại không chịu được tiếng khóc trẻ con. Kết quả là Zabotin buộc Gouzenko chuyển sang căn hộ riêng.

Chuyện chạy trốn của hắn khá là khác thường. Ngay từ cuối tháng 9 năm 1944, Tổng cục trưởng đã ra quyết định triệu hồi Gouzenko, còn trước đó thì đã hạ lệnh đưa anh ta vào ở trong nhà của tuỳ viên quân sự. Đại tá Zabotin do bị vợ phản đối đã không chấp hành lệnh. Một năm sau, vào tháng 8 năm 1945, Tổng cục trưởng GRU khi đó là thượng tướng F.F. Kuznetsov đã gửi một bức điện với mệnh lệnh nghiêm khắc bắt Zabotin phải lập tức đưa Gouzenko và gia đình hắn về Moskva. Sau đó, Kuznetsov đã tự hào cho tôi xem nội dung bức điện - tôi đã phải đưa tay ôm đầu. Vấn đề là ở chỗ bức điện ấy lại do chính Gouzenko giải mã. Nó ẩn chứa đựng những đe doạ rõ rệt với hắn và đã đẩy nhanh cuộc chạy trốn của hắn.

Hắn thu nhặt các tài liệu và bí mật rời khỏi căn hộ của mình vào chiều tối ngày 5 tháng 9 năm 1945. Gouzenko đã đến các báo, các cơ quan để chào bán “món hàng” của mình. Nhưng trong hai ngày trời, chả ai thèm tin hay nghe hắn. Cuối cùng, mãi đến ngày 7 tháng 9, hắn mới lọt vào vòng tay tin cậy của Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada. Những điều mà các chuyên viên tình báo Canada trông thấy trong các tài liệu của Gouzenko đã làm cho họ bị sốc. Danh sách điệp viên đã bao gồm cả nhiều người đã biết ở Canada và cả những người ở bên ngoài Canada - đó là các nghị sĩ Canada, một nhà bác học về nguyên tử, các nhà lãnh đạo đảng cộng sản và một số nhân vật ở các nước khác.

Thủ tướng Canada lập tức sang Washington để thông báo tình hình và tham vấn tổng thống Mỹ. Do các mối liên hệ của lưới tình báo Liên Xô ở Canada trải rộng cả sang Mỹ và Anh nên cảnh sát Canada đã thông báo cho các cơ quan phản gián hai nước này biết. Các chuyên gia nổi tiếng về tình báo Xôviết lập tức tới Canada.

Gouzenko, sau khi nhanh chóng khai báo hết thông tin có trong các tài liệu ăn cắp, bắt đầu nghĩ ra những cái tên, những câu chuyện không có trên thực tế. Những chuyên gia sừng sỏ như Wright  của Anh và Angleton  của CIA Mỹ vốn hay nghi ngờ tất cả không trừ một ai thế mà lại đã tin và mất thời gian, tiền bạc để kiểm tra những lời khai láo của Gouzenko.

Để tưởng tượng và hiểu điều gì đã xảy ra lúc đó ở Moskva và ở đó người ta phản ứng thế nào đối với vụ chạy trốn của Gouzenko, ta cần trở lại phía trước một chút thời gian, về với năm 1944.

***

Mùa xuân năm đó, người ta quyết định cử tôi sang Mỹ, Canada và Mehico với tư cách Phó cục trưởng Cục 1 tình báo quân sự chiến lược để làm quen và tiếp xúc với các nhân viên của chúng tôi đang làm việc công khai trong bộ máy tuỳ viên quân sự hoặc dưới “bình phong” của các cơ quan công khai. Tôi được chỉ đạo là không được gặp bất cứ điệp viên bất hợp pháp nào của ta.

Vấn đề đi với tư cách nào đã được bàn khá ngắn gọn. Tôi được cử làm giao thông viên ngoại giao thứ nhất, còn giao thông viên ngoại giao thứ hai đi cùng với tôi là Grigori Kosarev, một giao thông viên ngoại giao thứ thiệt của Bộ Ngoại giao Liên Xô. Tôi đi với họ giả là Milsky vốn từng được tôi dùng khi lần đầu sang Mỹ cùng với gia đình vào năm 1934. Vấn đề khó nhất là chọn tuyến đường đi Mỹ bởi vì đang có chiến tranh. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi đã dừng ở tuyến đường có lẽ là ngắn nhất vào lúc đó nhưng rất kỳ dị và dích dắc: Moskva - Cairô - Lidda - Alger - Casablanca - Quần đảo Azores - Preskyle (Mỹ) - New York - Washington - Mexico city - San Francisco - Los Angeles - Ottawa - New York - Nome (Alaska) - Welcal (Chukotka) - Yakustk - Krasnoyarsk - Kazan - Moskva. Tôi không biết là liệu có thể tìm thấy một ai vào một lúc nào đó đã phải đi theo một tuyến đường phức tạp và hấp dẫn đến như thế.

Tôi đến Ottawa cùng với Kosarev đâu đó trong khoảng 10 ngày đầu tháng 6 năm 1944, còn 16 tháng 6 thì tôi lên đường đi New York.

Sau khi đã bàn giao thư tín ngoại giao, tôi bắt tay vào việc và mau chóng gặp Zabotin. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông ấy. Ông có vẻ rất hấp dẫn: cân đối, trông còn khá trẻ, với mái tóc xoăn đã bạc rất đẹp. Chúng tôi nói chuyện trong khuôn viên sứ quán vì tôi ngại vào nhà của tuỳ viên quân sự.

Tôi hỏi han ông ấy về từng cán bộ hoạt động và không dự tính hỏi về Gouzenko vì hắn thuộc nhóm cán bộ kỹ thuật. Nhưng bất ngờ Zabotin lại khơi chuyện về hắn với vẻ rất khen ngợi: nào là trẻ, nhưng rất cần cù, cố gắng. Hắn xin gặp tôi. Tôi rất ngạc nhiên khi biết Gouzenko đang sống ở căn hộ riêng, chứ không phải trong toà nhà của tuỳ viên quân sự. Thoạt tiên tôi đã không tin và hỏi Zabotin là ai cho phép làm thế. Ông ấy giải thích và tôi nói phải lập tức chuyển Gouzenko về ở tại nhà của bộ phận tuỳ viên quân sự. Zabotin có vẻ buồn phiền vì điều đó nhưng không phản đối. Sau cuộc nói chuyện này, trong lòng tôi còn đọng lại một ấn tượng khó chịu.

Sau đó, tôi trò chuyện với Motinov, trợ lý trưởng về nghiệp vụ của Zabotin. Lần này, cuộc nói chuyện diễn ra trong phòng đặc biệt mà chỉ có rất người có quyền vào, trong đó có Motinov và Gouzenko.

Căn phòng nằm cạnh phòng mật mã. Đây là địa điểm cẩn mật nhất của sứ quán. Motinov đã chỉ cho tôi thấy chiếc két cất giữ tài liệu của anh ta. Khi tôi hỏi ai có quyền tiếp cận két thì anh ta trả lời là chỉ có anh ta chứ không còn ai khác. Tôi chẳng có thời gian nên đã không kiểm tra những thứ cất trong két. Đến lượt Gouzenko. Chúng tôi nói chuyện trong sứ quán. Cũng giống như trong các trường hợp tương tự khác, tôi bắt đầu hỏi han vòng vo từ xa: gia đình thế nào, vợ làm gì vào lúc rỗi, bản thân làm gì vào những ngày nghỉ, điều kiện căn hộ thế nào, có muốn trở về Liên Xô không, có gặp khó khăn gì về ngôn ngữ không - và không một lời đề cập đến công việc.

Bất ngờ, hắn nói về nguyện vọng muốn tham gia hoạt động nghiệp vụ. Điều đó thật kỳ lạ và bất ngờ đối với tôi
- Anh biết gì cụ thể về công việc của chúng tôi? - tôi hỏi hắn.

Hắn chột dạ, mặt mũi trở nên căng thẳng, hắn đánh mắt sang một phía và nói về chuyện lương thấp, căn hộ tồi tàn, nhưng nói chung thì hài lòng với công việc và muốn được trò chuyện với tôi khi nào tôi rỗi.

Tôi cũng quyết định tiếp tục làm quen với Gouzenko. Vấn đề là ở chỗ, khi tôi ra nước ngoài để thanh sát, tôi luôn sử dụng mật mã riêng mà chỉ tôi và Trung ương biết. Lần này cũng thế. Một lần, tôi mã một bức điện của mình và đưa nó cho Gouzenko để gửi đi. Hắn nhìn bức điện khá lâu và bỗng thốt lên:

- Thưa đồng chí đại tá, đồng chí tốn công vào việc này mà làm gì? Đồng chí chỉ cần đưa văn bản cho tôi và tôi sẽ làm hết vừa nhanh hơn, vừa tốt hơn. Đồng chí không có việc này thì cũng đâu có nhiều thời gian.

Tôi trả lời là lần sau sẽ làm thế.

Khi phân tích cuộc nói chuyện của mình với Gouzenko, tôi dần dần tự đặt ra câu hỏi: “Liệu anh ta có được quyền tiếp cận chiếc két của Motinov không nhỉ?” Và tôi đã quyết định làm một phép kiểm tra: tôi gọi Motinov tới, bỏ một phong bì vào két của anh ta và bảo anh ta sáng hôm sau đi Toronto và không trở về trước 6 giờ chiều. Tôi cũng không giải thích cho anh ta là cần phải làm thế để làm gì.

Hôm sau, vào lúc 10 giờ sáng, tôi vào phòng đặt chiếc két và ngồi sau chiếc bàn trống. Gouzenko lượn lờ qua mặt tôi mấy lần và tò mò liếc nhìn tôi. Cuối cùng, hắn lại gần và lịch sự hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không. Tôi hỏi hắn có biết Motinov đi đâu không. Hắn trả lời là không biết nhưng nếu tôi cần gì hắn sẵn sàng giúp. Sau đó, hắn đi hỏi và báo cho tôi là Motinov sẽ trở về không trước 6 giờ chiều và lại đề nghị giúp đỡ tôi.

- Vấn đề là ở chỗ - tôi nói - chiều hôm qua tôi gửi một tài liệu vào két của anh ta mà bây giờ thì tôi lại cực kỳ cần nó. Anh có chìa khoá két của anh ấy không?

- Sao lại thế được, - hắn trả lời. - Chỉ có Motinov có chìa khoá thôi.

- Thế thì phải đợi Motinov chứ còn biết làm sao, biết đâu anh ta sẽ về sớm hơn.

Hết giờ này sang giờ khác trôi qua, tôi tiếp tục ngồi chờ. Gouzenko đi lại có vẻ bồn chồn ra vẻ không thể làm gì được.

Thời gian trôi chậm chạp và tôi đã ngồi đợi được gần 4 giờ, tôi đã bắt đầu mất hy vọng. Đột nhiên, hắn lại gần khi tôi nhẫn nại ngồi chờ được gần 6 tiếng đồng hồ.

- Đây, đồng chí thử xem, chiếc chìa khoá này may ra mở được, - hắn nói.

Và chìa khoá đó vừa khoá két. Tôi im lặng mở két, cầm phong bì của mình, cảm ơn, trả lại chìa khoá và ra khỏi phòng.

Hôm sau, tôi báo cho Motinov biết Gouzenko có thể mở được két của anh ta. Anh ta chẳng lấy gì buồn phiền và ngạc nhiên vì điều đó mà còn nói thêm là Gouzenko được tiếp cận các tài liệu tuyệt mật. Trước khi lên đường đi tiếp, tôi một lần nữa bảo Zabotin về viẹc cần phải chuyển chỗ ở của Gouzenko và quyết định gặp lại Gouzenko một lần nữa. Tôi lắng nghe Gouzenko, đặt những câu hỏi khác nhau mà thường là những câu hỏi không quan trọng - một linh cảm lo âu và khó giải thích trong suốt cuộc trò chuyện cứ đeo đẳng giày vò tôi. Không hiểu sao mà tôi cứ thấy cái gì đó không trung thực ở anh ta. Một tiếng nói trong tôi mách bảo rằng có điều gì không ổn với anh ta. Anh ta đang ấp ủ một mưu đồ gì đó mà anh ta rất sợ để lộ nó ra. Và lúc đó, vào tháng 6 năm 1944, tôi đã đi đến kết luận là hắn đang chuẩn bị đào ngũ. Hắn đang chuẩn bị nhưng chưa quyết định dứt khoát. Tất nhiên tôi hiểu là dự đoán của tôi chẳng có cơ sở nào cả, do đó nói điều đó ra là không công bằng và nguy hiểm. Với cảm giác phức tạp ấy, tôi đã rời Canada vào ngày 16 tháng 6 năm 1944 và cuối tháng 7 đã trở về Moskva.

Khi đến báo cáo với đại tá tình báo quân sự khi đó là Ivan Ilichev, tôi cũng có nó về Gouzenko: “Tôi không có những tin tức và cơ sở cụ thể nào mà chỉ có phỏng đoán. Tôi có cảm tưởng là Gouzenko đang chuẩn bị chạy trốn và hắn đang trên con đường đi đến sự phản bội”. Ilichev bản thân vốn chẳng tin ai và lúc đó cũng đã không chấp nhận ý kiến của tôi.

Tôi đã kịp thời khẳng định nhận định của mình với Cục trưởng Cục cán bộ, đại tá S. Yegorov. Ông ấy cũng tỏ thái độ rất nghi ngờ phỏng đoán của tôi. Dù sao chăng nữa, như sau này cho thấy, thi chính những ý kiến này đã cứu tôi. Nếu tôi không nói ra những ý kiến ấy thì sau khi Gouzenko chạy trốn có lẽ tôi đã bị túm cổ, bị kết án và tống giam.

Từ tháng 8 năm 1944 cho đến tháng 9 năm 1945, tôi hoàn toàn bận bịu với những công việc khác. Cả Canada cũng lùi xuống hàng thứ yếu. Thực ra thì trung uý Kulakov đã được chọn và cử tới Ottawa để thay Gouzenko. Vào lúc đó, chúng tôi cũng được biết Zabotin vậy là cũng vẫn không thay đổi chỗ ở của Gouzenko. Cũng chính khi đó xuất hiện một bức điện đầy hăm doạ của Fedor Kuznetsov, người đã thay thế Ilichev trên cương vị tổng cục trưởng tình báo. Có thể chính bức điện ấy đã đẩy nhanh vụ chạy trốn của Gouzenko.

Chúng tôi đã nhận được tin Gouzenko chạy trốn còn trước cả khi hắn lọt vào tay Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada. Lập tức đã xuất hiện câu hỏi phải làm gì với hắn.

Tại Tổng cục Tình báo quân sự khi đó có một ban đặc biệt gọi là ban X. Ban này cực kỳ bí mật, trực thuộc chỉ một mình Tổng cục trưởng và thực hiện các hành động đặc biệt, trong đó có việc tiến hành trả thù những kẻ phản bội hoặc vi phạm các nghĩa vụ. Việc này chỉ có thể được tiến hành khi cấp trên cao nhất cho phép, mà thường là chính Stalin.

Igor Gouzenko (giữa) tại phòng khách sạn ở Toronto, 11/4/1954

Stalin yêu cầu Tổng cục trưởng GRU và Beria phải có báo cáo chi tiết và kế hoạch thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả của vụ Canada. Ông cấm tiến hành bất cứ hành động nào chống Gouzenko khi nói như sau: “Chiến tranh đã chấm dứt tốt đẹp cho ta. Tất cả đang khâm phục những việc làm của Liên Xô. Người ta sẽ nói gì về chúng ta nếu như chúng ta làm việc đó? Cần phải tìm hiểu tất cả và lập một uỷ ban đặc biệt có uy tín. Cứ để cho Malenkov đứng đầu uỷ ban đó”. Trong ban còn có Beria, Abakumov, Kuznetsov và Merkulov - trợ lý của Beria.

Uỷ ban họp hầu như hàng ngày từ 12 giờ đến tối muộn trong văn phòng của Beria ở Lubyanka. Tôi được gọi đến ngay vào ngày đầu tiên. Chắc các bạn cũng chả khó khăn để đoán ra tôi có cảm giác gì khi đến đó. Khi vào phòng, tôi, giống như bất kỳ một quân nhân nào, liền tiến mấy bước, dập gót đứng nghiêm và báo cáo: “Tôi... có mặt theo lệnh của đồng chí”. Trong phòng ngự trị một bầu không khí im lặng. Tôi tiếp tục đứng. Bên trái tôi, ở góc xa là chiếc bàn viết, còn trên chiếc bàn đứng tách riêng gần đó là cả một đại đội máy điện thoại đủ màu. Giữa phòng có một chiếc bàn họp lớn hình chữ nhật với ghế xếp dọc hai bên và ghế chủ toạ ở đầu bàn. Ngồi trong chiếc ghế ấy là Beria mặc đồ đen và áo sơ mi trắng, đeo cà vạt. Ông ta ngồi như một hoàng đế Trung Hoa, chiếc đầu thụt vào trong vai và liếc nhìn tôi qua cái kính kẹp mũi đáng sợ. Có cảm tưởng ánh mắt ấy xuyên thấu người tôi. Ngồi bên phải ông ta là Malenkov mặc đồ áo varơi dày sụ, thờ ơ, mệt mỏi với đôi túi mắt nặng trĩu. Điều kỳ là là Malenkov, chủ toạ phiên họp, lại ngồi ở góc bàn còn Beria thì lại ngồi ở chỗ chủ trì. Và rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà uỷ ban làm việc trong văn phòng của Beria. Ngồi phía bên kia bàn là các thành viên còn lại của uỷ ban, tất cả đều bệ vệ trong quân phục cấp tướng. Trong số họ, tôi nhận ra Kuznetsov, còn tất cả những người khác đều mặc quân phục KGB.  Họ nhìn tôi cau có, thù nghịch và lập tức trở nên khúm núm khi Beria nói với họ.

Cuộc thẩm vấn bắt đầu. Tôi tiếp tục đứng. Beria dồn tôi tới tấp bằng những câu hỏi. Tất cả đã bắt đầu từ chuyến đi của tôi vào năm 1944. “Đã nói với ai về những nghi ngờ của mình?”, “Còn nói với ai nữa?”, “Tại sao không đến gặp chúng tôi?”, tức là đến Lubyanka. Tôi nói đã báo cáo cho cấp trên của mình. Kuznetsov xác nhận.

Sau đó, ông ta lại tới tấp tung ra những câu hỏi về những người có dính dáng đến vụ việc. Lúc đó, Beria không gọi những tên họ mà chỉ gọi những bí danh. “Alec là người thế nào?”, “Lamont là người thế nào?”... Nhưng họ không bắt bẻ được gì tôi, các câu trả lời đều chuẩn.

Uỷ ban tiếp tục làm việc và tôi gần như ngày nào cũng bị gọi vào những giờ khác nhau cả ngày lẫn đêm. Thường thì Kuznetsov gọi tôi đến gặp ông vào lúc 2 gờ đêm và chỉ thị tôi cần phải chuẩn bị cái gì cho ông trước 11 giờ sáng, còn bản thân ông ấy thì đi ngủ. Tôi có mặt ở chỗ ông ấy vào giờ đã định, mệt mỏi và thiếu ngủ. Ông ấy đã được nghỉ ngơi và lúc này ngồi uồng trà chanh và ngoạm những miếng to bánh sữa nào đó. Sau khi nghe xong và nhận được các tài liệu cần thiết, ông ấy để cho tôi đi. Một lần, vào khoảng gần 1 giờ chiều, ông gọi điện và bảo tôi không được đi đâu mà phải ngồi bên điện thoại.

Sau mấy đêm không ngủ, tình trạng tôi đã quá thảm hại và tôi quyết định nghỉ ngơi một chút. Để không ngủ quên và bỏ qua cuộc gọi điện thoại, tôi uống một viên thuốc đặc biệt. Tôi nằm lên chiếc đivăng trong phòng và lập tức ngủ say như chết. Trong giấc ngủ, tôi cảm thấy vang lên tiếng chuông chán ngấy của chiếc đồng hồ báo thức. Tôi cố không để ý đến nó cho đến khi tôi hiểu ra đó là tiếng chuông máy điện thoại chính phủ. Tôi bật dậy, toát mồ hôi lạnh. Cầm lấy ống nghe và nói với giọng cố ra vẻ thật bình tĩnh. Trong ống nghe vang lên nào là tiếng quát tháo, mắng chửi bằng những từ ngữ khó hiểu nào đó. Tôi cố biện bạch, nhưng vẫn tiếp tục ăn mắng, cuối cùng Kuznetsov nói: “Đến ngay Lubyanka”.

Khi bước vào văn phòng của Beria, tôi hiểu rằng, uỷ ban đang hoàn tất công việc. Không ai thèm để ý đến tôi. Người thực tế chủ toạ lại là Beria. Một lần nữa người ta lại chẳng mời tôi ngồi. Sau đó, Beria nhìn tôi qua chiếc kính kẹp mũi và hỏi Gouzenko có thể biết gì về các nước khác. ở Mỹ, hoạt động dưới họ Witchuck là nhân viên của chúng ta Z. Litvin, người giỏi ngôn ngữ và đã thu xếp được việc làm ở Đại học tổng hợp Nam California. Beria hỏi chúng tôi đang làm gì để đưa ngay anh ta về. Nghe xong, Beria không nói gì - thế đã là tốt rồi. Người Mỹ đã tổ chức theo dõi từng bước Witchuck, nhưng cuối cùng thì anh ấy cũng an toàn thoát về được Liên Xô.

Ngày hôm sau buổi thẩm vấn ấy, vào buổi sáng, Kuznetsov lại gọi tôi lên. Ông ngồi sau chiếc bàn của mình, rầu rĩ và đang bực mình vì cái gì đó.

- Uỷ ban đã chấm dứt công việc, - ông cau có nói.

Tôi không nói gì. Ông ấy cũng im lặng cúi đầu.

- Cơn bão đã đi sượt qua ngay trước mặt, - ông nói. - Zabotin, vợ và con trai ông ấy đã bị bắt, số còn lại người ta quyết định không trừng phạt.

Đối với tôi thì việc bắt giữ vợ Zabotin và con trai ông ấy là điều khó hiểu và không hợp lẽ. Chán chường và buồn bã, tôi từ chỗ Kuznetsov ra về.

Zabotin và gia đình ông ngồi tù không lâu. Khi được thả, Zabotin đã ly dị và cưới một phụ nữ nông thôn chất phác, rời Moskva về tỉnh lẻ và mất ở đó không lâu sau. Cuộc đời của con trai ông đã bị hỏng hẳn.

Vụ Gouzenko đã kết thúc đối với chúng ta như vậy đấy. Nhưng số phận của hàng chục con người mà hắn tố giác đã bị tan nát. Họ mất việc làm, không còn phương tiện để sống, bị phân biệt đối xử suốt đời.

Số phận của chính Gouzenko cũng chả may mắn gì. Hắn cũng chẳng tìm thấy hạnh phúc. Dần dần, mối quan tâm đối với hắn nhạt đi và điều đó làm cho hắn tức giận. Hoá ra, dự trữ hiểu biết về tình báo Liên Xô của hắn là rất hạn hẹp. Hắn bắt đầu kiện tụng và đòi tiền ở tất cả những ai có bài báo hay sách có tham khảo các tài liệu của hắn. Hắn chết trong cô đơn và lãng quên.

Tất nhiên, Gouzenko cũng đã giải thích hành động của mình bằng những động cơ cao thượng. Nhưng có tên đào ngũ hay phản bội nào lại thú nhận thói hám lợi, ham muốn sống sung sướng, xa hoa, muốn có lắm tiền?
Không tên nào và không bao giờ.
Chu Hà