In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Nhà văn, tên gián điệp và nhà ngoại giao
Chủ Nhật, 06/07/2014 - 7:49 AM
Các kho tư liệu tình báo vẫn nhớ đến những gián điệp thuộc nhiều nghề nghiệp khác nhau, trong đó có các quân nhân, kỹ sư, nhà ngoại giao, nhà báo, nhà thiết kế, các tướng lĩnh, diễn viên. Nhưng không ai có thể nhớ ra có một điệp viên viết những tiểu thuyết trinh thám ly kỳ.
Sớm hay muộn thì câu chuyện về cuộc đời của con người này nhất định sẽ là cốt truyện của một tác phẩm bán chạy nào đó. Bất kể đó là một cuốn sách hay là một phim truyện dựng khéo thì thành công của nó vẫn được đảm bảm chắc chắn như nhau.

Các kho tư liệu tình báo vẫn nhớ đến những gián điệp thuộc nhiều nghề nghiệp khác nhau, trong đó có các quân nhân, kỹ sư, nhà ngoại giao, nhà báo, nhà thiết kế, các tướng lĩnh, diễn viên. Nhưng không ai có thể nhớ ra có một điệp viên viết những tiểu thuyết trinh thám ly kỳ.

Platon Alekseyevich Obukhov sinh năm 1969 trong gia đình một nhà ngoại giao thành đạt. Cha anh ta bắt đầu sự nghiệp ở Thái Lan, sau đó làm cho đến khi lên đến cương vị thứ trưởng ngoại giao. Trong những năm gần đây, ông đã giữ chức vụ đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga ở Đan Mạch.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Platon quyết định tiếp tục “nghề nghiệp gia truyền”. Những giọng lưỡi cay độc ở quảng trường Smolensk còn khẳng định chả cần cái ô của ông bố thì Obukhov vẫn có thể leo cao vùn vụt như thế.

Chưa đầy 28 tuổi, nhân vật của chúng ta đã tốt nghiệp Đại học Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moskva (MGIMO), đã kịp làm việc tại lãnh sự quán ở Spitzbergen (nơi mà hắn rất mê săn gấu trắng), tại sứ quán Liên Xô ở Nauy. Cha hắn cũng yểm trợ để hắn được chuyển từ vùng vĩ độ Bắc đến bán đảo Sandinavơ phồn vinh.

Nhưng thật là đáng ngạc nhiên với nhiều người, cái đem lại sự thoả mãn thực sự cho nhà ngoại giao này chẳng phải là công việc chuyên môn. Hắn thích viết.

Các phóng viên báo “Thể thao xôviết” nhớ lại là Obukhov khi còn công tác ở Nauy, gần như ngày nào cũng gửi tới toà soạn những bài báo đồ sộ. “Tài viết” của hắn khiến cho tất cả phải kinh ngạc. Thậm chí có người còn cho là Platon là người chập cheng.

Thời đó, báo “Thể thao xôviết” không có đại diện thường trú chính thức của mình ở nước ngoài nên ban lãnh đạo báo quyết định tổ chức các bộ phận đó. Về hình thức, theo thông tin của chúng tôi, Obukhov cũng được coi là một phóng viên của một bộ phận đại diện đó.  

Khi trở về Moskva, nhà ngoại giao trẻ không muốn dừng lại ở những gì đã đạt được. Hắn bắt đầu sáng tác các tiểu thuyết trinh thám và cho đến thời điểm bị bắt, hắn đã đưa in được những 4 cuốn sách. Điều thú vị là cuốn đầu tiên, “Cuộc gặp gỡ bất thành....” lại hoàn toàn viết về hoạt động của các cơ quan tình báo Xôviết và cuộc đấu tranh chống gián điệp nước ngoài.

Platon đã không kịp nhìn thấy bản in của tác phẩm cuối cùng, tiểu thuyết “Trong vòng tay của con nhện” vì ngày 27 tháng 4, Obukhov đã bị các nhân viên của Cục Hành động phản gián UKRO thuộc FSB bắt giữ. Theo tiết lộ của FSB, Obukhov đã bắt đầu hợp tác với Cục Tình báo Anh SIS khoảng một năm rưỡi trước khi bị bại lộ. Với tư cách một bí thư thứ hai Bộ Ngoại giao Nga phụ trách vấn đề giải trừ quân bị, tất nhiên hắn rất có giá trị đối với các ông chủ phương Tây.

Hắn có giá trị đến nỗi vào những thời gian khác nhau có tới... 9 nhân viên của trung tâm tình báo Anh ở Moskva đã tham gia liên lạc với hắn. Đây là con số khó tưởng tượng theo chuẩn mực của các cơ quan tình báo.
Không lâu trước khi bị bắt, tại chỗ làm của Obukhov đã xảy ra một chuyện không hay. Trong tiểu thuyết tiếp theo, hắn đã xấu chơi vạch mặt trưởng phòng của mình. Do hắn viết rõ đến mức (gần như viết tên thật), người ta không ngại ngần gì ông bố đại sứ của hắn mà kỷ luật thẳng cánh nhà văn không may bằng cách tống vào lực lượng dự bị của Bộ Ngoại giao.

Nhưng giá trị của tên gián điệp đã không vì thế mà giảm đi. Hàng tháng hắn vẫn nhận được tiền công 2.000 đô la. Toàn bộ tiền được hắn gửi ở tài khoản cá nhân trong một nhà băng nước ngoài. Thêm vào đó, Obukhov còn nhận được các khoản nhuận bút viết sách không nhỏ. Nghĩa là hắn sống không tồi tí nào.

Mà nói chung thì không phải cái nghèo đã thúc đẩy con trai một vị đại sứ đi đến sự phản bội. Bản thân hắn trong những buổi hỏi cung đầu tiên đã cố giải thích sự phản bội là do sự tò mò thuần tuý. Nghe nói hắn lý luận rằng vì là một nhà văn thể loại trinh thám nên hắn cần phải thử cái cảm giác làm gián điệp lên chính mình.

Lý do đó không ổn. Lúc đó, Obukhov bắt đầu giả điên. Có thể đúng là hắn hoàn toàn không bình thường về mặt tâm lý. Nhưng các nhân viên phản gián cho rằng, hắn đã được tuyển làm gián điệp một cách hoàn toàn có ý thức.

Theo giả thiết của uỷ ban điều tra, nhà ngoại giao này đã bị tuyển mộ bằng biện pháp hăm doạ tố giác. Quả thực, tình báo Anh đã “bẫy” được hắn cụ thể là bằng cái gì thì chúng tôi vẫn chưa biết. Không loại trừ hắn đã bị cài bẫy bằng một nữ điệp viên. Nhiều người thừa biết Obukhov hoàn toàn không hề thờ ơ với phái yếu. Biết làm sao được, một anh chàng trẻ trung, đầy triển vọng, độc thân. Có gì là trái tự nhiên ở đây chứ?

Bọn Anh đã “xích” được Platon sau một quá trình nghiên cứu, điều tra dài và khôn khéo. Các nhân viên Cheka sau khi nhận được, bằng cách nào cho đến nay vẫn chưa rõ, những tín hiệu báo động, đã tiến hành theo dõi ngoài hắn. Hắn bị phản gián dùng máy ảnh bí mật chụp ảnh, các cuộc gọi điện thoại bị ghi âm.

Tại bản doanh cơ quan tình báo Anh, người ta thực sự bàng hoàng khi biết FSB thậm chí đã định vị và ghi được toàn bộ các báo cáo tin tình báo mà tên gián điệp “bắn lên” làn sóng điện. Thật là những kẻ đáng thương. Chắc là họ cứ tưởng là các cơ quan tình báo Nga đang ở trình độ của thời kỳ đồ đá!

Sự tinh ma của người Anh là ở chỗ không bao giờ có một nhân viên tình báo Anh nào ở Moskva liên lạc trực tiếp với Obukhov. Hắn được cung cấp một thiết bị vô tuyến đặc biệt để truy cập làn sóng điện. Kẻ nào đó trong số các nhân viên của trung tâm tình báo Anh ở trong bán kính mấy kilômet vào thời điểm tiến hành phiên liên lạc đã lặng lẽ dùng máy thu nhận lấy các báo cáo đã mã hoá (nhân đây cũng nói thêm là nhiều tình báo viên Anh thậm chí không hề biết mình đang liên lạc với ai).

Cho đến thời điểm bắt giữ Obukhov, FSB đã có đủ chứng cứ về hoạt động gián điệp của hắn. Cuộc khám xét căn hộ của hắn ngay sau khi bắt đã xác nhận nhận định đúng dắn của các nhân viên Cheka: họ đã thu được các thiết bị gián điệp, sổ mật mã.

Bản thân Obukhov cũng đã không to mồm chối cãi. Ngay trong buổi hỏi cung đầu tiên, hắn đã thú tội là điệp viên nước ngoài (theo điều 64, khoản a - tội này có thể bị mức án cao nhất).

Việc chặn thu các bức điện cũng có tác dụng lớn. Không lâu sau, Bộ Ngoại giao Nga đã gửi cho đại sứ Anh Andrew Wood yêu cầu trục xuất khỏi Moskva 9 nhân viên sứ quán đã có những hành động không phù hợp với quy chế ngoại giao.

Thực tế, chỉ có 4 người Anh rời khỏi Nga. Đáp lại, Foreign Office (Bộ Ngoại giao Anh) yêu cầu 4 “nhà ngoại giao” Nga rời khỏi London.

Như sự xếp đặt của lịch sử mà quan hệ Xô-Anh phát triển không phải lúc nào xuôi chèo mát mái. Chính nước Anh đã là vô địch tuyệt đối về số lượng công dân Xôviết bị họ trục xuất. Kỷ lục này được lập vào năm 1971 khi mà sau khi nhân viên KGB Oleg Lyapin phản bội, Anh quốc đã tuyên bố coi... 105 người là persona non grata. Tiếp đó thì đường cong “những người bị từ chối” đã đi xuống. Vào năm 1985, bị buộc phải tạm biệt xứ sở Albion sương mù là 31 công dân Liên Xô. Vào năm 1989 - 14 người.

Từ khi Liên Xô tan rã, chỉ có 1 công dân Nga bị trục xuất là trưởng trung tâm tình báo đối ngoại Nga, mà cũng là để trả đũa việc trục xuất trưởng trung tâm tình báo Anh, ngài John Scarlett (năm 1994). Còn một người, phóng viên thường trú của đài truyền hình Ostankino Aleksandr Malikov đã buộc phải tự rời Anh vào đầu năm 1995...

Như ta thấy, bâu giờ thì bánh lái đã xoay về hướng ngược lại. Tuy nhiên điều đó chắc là chẳng quan trọng gì đối với tên Obukhov đã bị xích.

Hiện nay, hắn đang tiếp tục ngồi tù tại Lefortovo và bị thẩm vấn. Cha hắn bị triệu hồi từ Đan Mạch. Việc sửa chữa căn hộ của Platon (hắn “bị tóm” đúng vào đang rất bận rộn với việc dán giấy bồi tường) đã phải đình lại.

Chắc chắn là chỗ ở của nhà văn, gián điệp kiêm nhà ngoại giao này còn lâu mới có dịp làm các khách khứa kinh ngạc thán phục vì sự sạch sẽ và tiện nghi.
Chu Hà