In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: “Những con chuột chũi” chuyển hướng hoạt động
Thứ Bẩy, 28/06/2014 - 3:18 PM
Mikhail Butkov luôn luôn và trong bất cứ việc gì đều cố là người đứng đầu. Sinh ra trong gia đình một sĩ quan trong biên chế của GRU, từ nhỏ hắn đã quen giành được thành công.
Sự hối tiếc cay đắng muộn màng

Mikhail Butkov luôn luôn và trong bất cứ việc gì đều cố là người đứng đầu. Sinh ra trong gia đình một sĩ quan trong biên chế của GRU, từ nhỏ hắn đã quen giành được thành công. Hắn tốt nghiệp Đại học phiên dịch quân sự với bằng đỏ. Trong quân đội mà hắn gia nhập khi đã là sĩ quan, hắn là một người xuất sắc trong huấn luyện chiến đấu và học tập chính trị và đã có phẩm chất chói sáng đến mức một cán bộ đặc vụ trong đơn vị đã giới thiệu Mikhail vào cơ quan an ninh quốc gia. Thế là Butkov lọt vào cơ quan tình báo đối ngoại.

Việc học hành ở Đại học Tình báo Cờ Đỏ mang tên Andropov cũng thật nhẹ nhàng. Là một bí thư chi bộ của lớp, hắn đã tốt nghiệp trường này cũng với bằng đỏ và nửa năm sau đã được cử đi công tác ở Nauy với vỏ bọc là phóng viên báo “Diễn đàn công nhân” (Rabochaya tribuna) (Khác với nhiều “phóng viên” đồng nghiệp, hắn liên tục đăng bài ở báo của mình). Hoạt động trên hướng tình báo chính trị, Butkov đã đi khắp nước Nauy, mở mối các quan hệ hữu dụng. ở Nauy, tiền đồn phía Bắc của NATO, có khá nhiều thứ khiến cho tình báo Xôviết quan tâm.

Các bạn bè đều đoán Mikhail có một tương lai sáng sủa, nhưng...

Hắn đến Oslo với vợ và hai con gái. Tuy nhiên, đã có cái gì đó không thuận hoà trong cuộc sống chung với Marina. Có lẽ nguyên nhân là ở chỗ Butkov lấy vợ không phải vì tình. Vợ hắn là cô gái cũng xuất thân từ cùng tầng lớp xã hội ấy, là con gái của một sĩ quan GRU và hơn nữa cuộc hôn nhân của họ là do các bậc cha mẹ xếp đặt.

Nhưng vợ chồng họ không vội ly dị ngay. Đối với Butkov thì chia tay với Marina cũng có nghĩa là sẽ bị cấp trên khiển trách và bị triệu về nước. Marina thì muốn các con còn có bố. Và lúc đó ở chân trời đã xuất hiện ONA.

Tại đất nước Nauy xa xôi ảm đạm, nơi mà các cửa hiệu thì đắt đỏ, còn con người thì quá đỗi lạnh lùng, các Xô kiều thì bám chặt lấy biệt thự. Trước hết tất nhiên là đám thanh niên. Rồi thì Butkov bắt quen với vợ chồng Gremitskikh. Ông chủ gia đình ấy làm việc tuỳ viên ở sứ quán, Maria thì làm việc ở văn phòng đại diện hãng du lịch quốc tế Inturist của Liên Xô. Nhưng nếu như trong cặp vợ chồng Butkov người cầm trịch là chính Mikhail thì ở cặp nhà Gremitskikh, người ra lệnh tất cả Maria. Đứa con gái của viên đại tá KGB này vốn lớn lên ở nước ngoài, ả đã quen với một cuộc sống dễ chịu, và về bản chất cũng là một người đàn bà mạnh mẽ và rất ý chí mà như người ta gọi là “người đàn bà tính nết đàn ông”.

Rất nhanh quan hệ giữa Maria và Mikhail đã không còn chỉ là quan hệ bạn bè thuần tuý. Trong khi đó thì lãnh đạo sứ quán và trung tâm tình báo cũng ngoảnh mặt làm ngơ vì chẳng ai muốn làm gãy đổ số phận người khác, hơn nữa thời hạn ở Nauy của vợ chồng Gremitskikh cũng sắp hết...

Maria bay về Liên Xô vào năm 1990. Nhưng họ vẫn tiếp tục thư từ, gọi điện cho nhau. Trong mỗi lá thư, “người bạn gái” đều không quên nói cuộc sống ở tổ quốc khủng khiếp ra sao: thiếu thốn mọi thứ, tội phạm hoành hành... Như người ta nói, nước chảy đá mòn. Và thiếu tá Mikhail Butkov một lần bỗng chợt hiểu rằng, tất cả những gì mà nhân danh nó anh ta sống và làm việc đều là chuyện hoang đường. Còn Maria thì luôn cổ suý cho cái tâm trạng ấy.

Giọt nước cuối cùng có lẽ là cuốn sách xuất bản ở phương Tây “KGB: Lịch sử các điệp vụ đối ngoại” của tên phản bội Oleg Gordievski. Sau khi đọc cuốn sách, Butkov đã đau khổ chua chát về sự dính líu của mình vào cái tổ chức của “Feliks gang thép” (tức Feliks Dzerhinsky, ở đây chỉ KGB - ND). “Giờ X” đã điểm vào tháng 5 năm 1991. Theo kế hoạch đã bàn bạc trước, Maria đã ly dị với chồng và bay đến Stckholm. Butkov thì sau khi xin phép trưởng trung tâm tình báo đã lên đường thực hiện “chuyến đi thực tế” của phóng viên ở Nauy. Nhưng bất ngờ, ba ngày sau khi đi, viên thiếu tá đã gọi điện cho vợ Marina: “Em mang các con và đến đây! Anh không muốn trở về Moskva nữa”. Nhưng Marina Butkova đã giữ vững khí tiết và kiên quết bác bỏ lời đề nghị ấy của chồng rồi lao như tên vào sứ quán Liên Xô. Nhưng KGB đã không thể làm gì được nữa rồi. Lúc đó đang là năm 1991, thời gian mà áp lực đối với Liên Xô từ phía phương Tây mạnh khác thường, còn chủ tịch KGB Kryuchkov lại đang cố hết sức thể hiện một hình ảnh mới, văn minh của cơ quan tình báo này.

Từ thời điểm đó, không ai còn nhìn thấy Butkov. Người ta chỉ biết là sau khi đi “công tác”, hắn đã tới trung tâm tình báo Anh và xin cư trú chính trị. Nhưng tự do nó cũng có giá của nó. Kẻ mà chỉ mới đây còn là bí thư chi bộ đã buộc phải khai báo ra một số bí mật nhà nước, khai ra họ tên tất cả các cán bộ của trung tâm tình báo Liên Xô.

Các tình báo viên cho rằng, Butkov khó mà được tuyển trước khi chạy trốn. Có thể điều đó xảy ra một cách tự phát, dưới áp lực của người đàn bà anh ta yêu. Ngoài ra, còn có nghi ngờ Maria Gremitskikh là điệp viên của SIS. Nhưng có lẽ ả ta đơn thuần chỉ là một phụ nữ hiện đại.

Cựu nhân viên Cheka đã nhanh chóng nhận thức được điều hắn vừa làm. Ngay đêm sau hôm chạy trốn, hắn đã định cắt đứt ven, nhưng người Anh đã cứu sống hắn - người ta còn cần đến hắn. Mấy tuần sau, Butkov cùng cô vợ mới và thằng con trai có với người vợ đầu đã có mặt ở Anh.

Trong các cuộc trả lời phỏng vấn của mình, quả thực hắn cũng đã cố chơi trò “cao thượng” bằng cách khẳng định chỉ khai với người Anh những điều họ đã đoán ra mà chả cần có hắn, nhưng không ai thèm tin hắn. Bằng chứng của điều đó là việc trục xuất 5 “nhà ngoại giao” Liên Xô. Tất cả họ đều bị tên đào ngũ phản bội tố giác.

Số phận hôm nay của hắn vẫn bao phủ bởi màn bí mật. Nghe nói thì hắn cũng đã ly dị Maria và bây giờ đang cay đắng hối tiếc về phút giây yếu lòng ấy. Nhưng tiếc thay không ai có thể thay đổi được quá khứ nữa.

Dưới đây là đoạn trích cuộc nói chuyện với thiếu tướng Vladimir Galkin, Cục trưởng Cục Điều tra của FSB Liên bang Nga:

- Đã xảy ra những trường hợp vượt biên trái phép, nhất là ở Viễn Đông, ở Siberia. Có cả bọn gián điệp nữa. Các cơ quan tình báo vẫn chưa thôi quan tâm tới nước Nga.
Chu Hà