In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Sự không may khó tin
Thứ Ba, 24/06/2014 - 9:22 AM
Trong số tất cả các cơ quan tình báo Nga hiện hữu (mà hiện nay đã trên một chục), Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu GRU có lẽ là “văn phòng” khép kín nhất.
Chỉ cần biết rằng, trong cơ cấu tổ chức của GRU không có một bộ phận nào giống như phòng báo chí, còn vị chỉ huy của nó thượng tướng Fedor Ladygin trong cả đời chỉ trả lời phỏng vấn có mỗi một lần. Mà đó cũng là do áp lực của các vấn đề nảy sinh.

Mưu toan hầu như duy nhất nhằm nói về hoạt động của GRU lại thuộc về một con người có cuộc đời chả lấy gì làm vẻ vang - tên đào ngũ đã chạy khỏi trung tâm tình báo quân sự ở Geneva là Vladimir Rezun, kẻ được biết đến dưới bút danh Suvorov. Cuốn sách “Bể cá” của hắn được viết, như các cán bộ an ninh quốc gia thường thích nhấn mạnh, bằng tiền của các cơ quan tình báo Anh, đã được phát hành khá nhiều ở Nga.

Trong nhiều thập niên dài tồn tại của mình, GRU cũng đã có những tên phản bội và đào ngũ: đại tá Oleg Penkovsky (bị xử bắn năm 1963), Pyotr Popov (bị xử bắn năm 1963), Gennady Smetanin (bị kết án năm 1986), Aleksandr Filatov (được thả năm 1992), Sergey Bokhan (do Aimes báo cho Nga, nhưng đã chạy trốn từ Hy Lạp sang Mỹ vào cuối những năm 1980). Gia nhập vào cái “đội ngũ vinh quang” này còn có cả đại tá Vyacheslav Maksimovich Baranov...

Câu chuyện của Baranov cứ như là “đồ làm nhái” những tiểu thuyết quen thuộc của Yulian Semyonov. Hắn làm việc tại thủ đô Dhaka của Bangladesh dưới vỏ bọc một trưởng đoàn chuyên gia. Thời hạn công tác 4 năm đang sắp kết thúc khi vào mùa thu năm 1989, tình báo viên này nhận được lời mời ăn trưa của một đồng nghiệp mà hắn quen khi chơi bóng chuyền, đúng hơn là lời mời của nhân viên CIA Bradford. Baranov thừa hiểu ai đang ở trước mặt hắn, nhưng bất chấp tất cả các nguyên tắc hiện hành, hắn đã không báo cáo cho trưởng trung tâm tình báo biết. Thực ra thì Baranov cũng có từ chối lời mời. Nhưng Bradford là một kẻ khá kiên trì.
Như thườmg lệ, cuộc gặp đầu tiên là để tìm hiểu, thăm dò. Tên CIA quan tâm tìm hiểu các quan điểm của Baranov, các ý kiến đánh giá của hắn về tình hình chính trị hiện tại, tình hình tài chính. Hai gián điệp chia tay mà trong lòng khá thoả mãn về nhau.

Cuộc hẹn tiếp theo đã là hoàn toàn cụ thể. Bradford đề nghị Baranov làm việc cho Langley (Langley, bang Virginia - địa điểm đóng trụ sở của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA. Trụ sở CIA được xây dựng năm 1959 và được đổi tên là Trung tâm Tình báo George Bush (George Bush Center for Intelligence) theo đạo luật do Tổng thống Bill Clinton ký năm 1998 để tôn vinh cựu Tổng thống George Bush, người từng là Giám đốc CIA trong những năm 1976-1977 - ND) và để đổi lại hắn hứa đưa toàn bộ gia đình Baranov sang Mỹ. Chúng đã thoả thuận cả mức lương: “con chuột chũi” này được nhận tức thì 25.000 đô la, còn sau đó là 1.000 đô la một tháng. Nếu hoạt động tích cực thì lương sẽ được tăng lên đến hai chục”vé”.

Mấy ngày sau, viên đại tá GRU với bí danh mới là Tony đã về đến Moskva. Vào tháng 6 năm 1990, hắn đã phát tín hiệu hoàn toàn sẵn sàng hoạt động: tại bốt điện thoại quy định gần ga tàu điện ngầm Kirovskaya (nay là Chistye prudy) hắn đã dùng dao khắc lên điện thoại một số điện thoại giả.

Ngoài việc phá hoại các máy điện thoại tự động kiểu như thế, tên gián điệp này còn có những tín hiệu quy ước khác. Chẳng hạn như trên tường nhà trên phố Plyushchikh, hắn phải đánh tín hiệu màu đỏ chót bằng son môi phụ nữ (lời chào của Trianon mà!). Nhưng đã xảy ra sự nhầm lẫn không lường trước: đúng sau khi hắn vạch son, tường đã được quét vôi lại cẩn thận.

Baranov đúng là quá không may. Lần khác, khi hắn bỏ hộp thư chứa tin tình báo thì các công nhân xây dựng đã láng lớp nhựa đường mới bên trên mặt đường có hộp thư mật. Những thông tin mà hắn phải liều mạng mới lấy được thì nay đã bị chôn vùi vĩnh viễn.

Phải đến tháng 7 thì trung tâm tình báo CIA ở Moskva mới bí mật đưa được phó trưởng trung tâm Michael Salick ra ngoài sứ quán. Cuộc diện kiến diễn ra ngày 11 tháng 7 năm 1990 tại sân ga Malenkovskaya.

Tony đã được chuyển các tài liệu hướng dẫn giữ liên lạc, 2.000 rúp để mua máy thu thanh và được giao yêu cầu thu tin về các loại chế phẩm vi trùng, virus và vi khuẩn mà GRU có trong tay.

Lần gặp tiếp theo diễn ra vào tháng 4 năm 1991. Viên đại tá đã bắt đầu hoảng sợ, thậm chí còn bỏ vào hộp thư mật lá thư bày tỏ sự phân vân và xin tiền chữa xe ôtô riêng. Người ta đã thanh toán khoản vay nợ cho hắn, nhưng yêu cầu hắn không được dùng hộp thư mật nữa mà chỉ nhận chỉ thị qua đài phát thanh.

Là một tình báo viên chuyên nghiệp, hắn bắt đầu hiểu rằng, tất cả những lời hứa hẹn đưa gia đình hắn sang phương Tây đều là trò giả dối hứa hươu hứa vượn và hắn thể không chịu đựng nổi sự lo sợ, căng thẳng.

Đến thời điểm đó, trong tài khoản của hắn tại một nhà băng Áo đã có khoảng 60.000 đô la. Tận dụng hai ngày nghỉ không đi làm (tại Moskva, tên gián điệp này làm việc dưới “bình phong” Bộ Ngoại thương), hắn mua một vé máy bay đi Viên và làm một hộ chiếu nước ngoài giả - bởi vì là một người có quyền tiếp cận các bí mật quốc gia, nên Baranov bị cấm tự ý ra nước ngoài.

Viên đại tá GRU dã bị bắt giữ khi qua cửa kiểm soát biên phòng ở sân bay Sheremetyevo-2. Ngay trong buổi hỏi cung đầu tiên ở cơ quan tình báo quân sự, hắn đã “lộ tẩy” và thú nhận toàn bộ tội lỗi của mình.

Có một số giả thiết về việc làm thế nào phản gián Nga đã lần ra Baranov. Giả thiết thứ nhất và đơn giản nhất là do chính các nhân viên Cheka đưa ra. Trong quá trình điều tra theo dõi trung tâm tình báo CIA ở Moskva, lực lượng “theo dõi ngoài” đã nhận thấy sự quan tâm thái quá của “các đối tượng” đối với chiếc bốt điện thoại gần bến tàu điện ngầm Kirovskaya. Máy điện thoại tự động đó liền bị theo dõi và không lâu sau tại đây người ta đã bắt gặp Baranov. Một tuần sau hắn lại bị chụp ảnh được ở chỗ bốt điện thoại. Khi đối chiếu thời gian xuất hiện của nhân viên GRU này với thời điểm các chuyến đi vào thành phố của các nhân viên trung tâm CIA, thì KGB liền quyết định cho theo dõi Baranov.

Một giải thiết khác thì có tính đời thường hơn. Nghe nói thì các nhân viên hải quan phát hiện ra hộ chiếu nước ngoài của hắn là giả do đó đơn thuần là họ chỉ giữ kẻ vi phạm. Khi lọt vào tay phản gián, Baranov nhát gan liền thú nhận tất cả.

Không kém phần đáng tin còn có cả giả thiết thứ ba: tên gián điệp lọt vào tầm nhìn của KGB khi hắn bán chiếc xe ôtô Zhiguli của mình lấy 2.500 mác Tây Đức. Lúc đó mới là năm 1990 và những hành động đó dễ dàng bị coi là phạm vào điều 88 bộ luật hình sự.

Còn có cả cách lý giải thứ tư: Baranov bị điệp viên của chúng ta trong CIA là Aldrich Ames tố giác.

Nhưng chả lẽ nguyên nhân lại quan trọng đến thế ư? Điều chủ yếu là ở chỗ vào tháng 12 năm 1993, Vyacheslav Maksimovich Baranov đã phải đứng trước Toà quân sự-Toà án tối cao. Hắn đã bị kết án 6 năm tù có tính cả thời gian tạm giam. Thời hạn tù đã hết vào ngày 11 tháng 8 năm 1998.

Chủ toạ phiên toà là thiếu tướng quân pháp V. Yaskin. Ông cũng chính là người mà hai năm sau đã xử “đồng nghiệp” Vladimir Lavrentev của Baranov.

Trích từ báo cáo nghiệp vụ: Vào năm 1994, do kết quả của tổ hợp các biện pháp nghiệm vụ, tham tán sứ quán Mỹ tại Moskva, trưởng trung tâm CIA J. Morris; tham tán sứ quán Anh tại Moskva, trưởng trung tâm SIS J. Scarlett đã bị trục xuất khỏi Liên bang Nga; nhân viên BND B. Plank đã bị bắt quả tang hoạt động gián điệp. Các nhân viên và điệp viên của các cơ quan tình báo Iran, Jordanie, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và một số nước khác cũng đã bị vô hiệu hoá. Do hoạt động gián điệp trên lãnh thổ Liên bang Nga và Cộng hoà Belarus, hai tình báo viên Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị tuyên bố là những người không được hoan nghênh (persona non grata). Các hành động trái pháp luật của 5 nhân viên tình báo Gruzia và 3 nhân viên tình báo Armenia cũng đã bị ngăn chặn.
Chu Hà