In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Pháp luật che chở bọn phản bội
Thứ Hai, 23/06/2014 - 8:31 AM
Trên thực tế, đại tá tình báo Nga Vladimir Konoplev là kẻ đã khai trương “tài khoản Hamburg” của những tên đào ngũ từ cơ quan tình báo Nga.
Giống như Oshchenko, Konoplev giữ chức vụ phó trung tâm tình báo phụ trách về tình báo khoa học kỹ thuật (hắn đã làm việc ở Bỉ sau thời gian hoạt động tình báo ở Thuỵ Sĩ). Cũng giống như Oshchenko, hắn đã bắt đầu cộng tác với đối phương không lâu trước khi chạy trốn. Theo ý kiến của một cán bộ công tác tại Cục Tình báo Đối ngoại Nga SVR thì hắn đã bị CIA tuyển vào khoảng cuối năm 1991-đầu năm 1992 và tháng 3 năm 1992 đã chạy sang Mỹ. Cùng với hắn “lựa chọn thế giới tự do” còn có vợ hắn Lyudmila và đứa con gái út. Cô con gái lớn không hề biết gì đã ở lại nước Nga.

Giống như Oshchenko, Konoplev không bao giờ khiến ai nghi ngờ. Hắn không dính vào rượu chè, không máu gái, không mua vàng trang sức cho vợ. Với dáng người không cao, chỉnh tề và chững chạc, đi giày đế cao, luôn quàng khăn cổ thay cho cà vạt, tên đại tá này không có gì nổi bật trong cộng đồng Xô kiều. Cùng với mọi người, hắn sôi nổi bàn luận về cuộc chạy trốn của tình báo viên Igor Cherpinsky của trung tâm tình báo ở Brussels vào năm 1990 và còn tỏ ra phẫn nộ. Thế mà chỉ đúng hai năm sau, hắn đã đi theo vết xe đổ của đồng chí trẻ tuổi ấy.

Nguyên nhân chạy trốn cũng vậy: lo sợ cho ngày mai. Theo các nguồn tin nghiệp vụ, tên đại tá đào ngũ 46 tuổi này đã nhận được một khoản ngoại tệ lớn cho những thông tin hắn trao cho CIA. Mà cũng là đáng đồng tiền bát gạo vì Konoplev đã bán cho Mỹ lưới tình báo khoa học kỹ thuật của Nga ở Tây Âu. Trong số đó có 5 công dân Bỉ (Guido Clindt, bình luận viên của tờ báo Standaard; Francois Collart, nhân viên hãng Union Chemics Belgie; Rene Moonens, thanh tra giáo dục; và Emile Eliar, người hầu của Gianfranco Calcinini) cộng tác với KGB đã bị phản gián Bỉ bắt. Để nói lên giá trị của lưới tình báo này, ta có thể đơn cử phóng viên Clindt thậm chí đã được tặng thưởng huân chương chiến công của Liên Xô vì hoạt động tích cực.

Dưới thời xã hội chủ nghĩa, tất cả các sĩ quan đào ngũ hiện thực đều bị xử vắng mặt. Khoảng trước năm 1985, chúng đều bị nhất loạt bị kết án tử hình. Sau đó thì các vụ án bị tạm hoãn vì vắng mặt bị can. Thực ra thì thanh gươm công lý như vậy là vẫn chưa bổ xuống một cái đầu phản bội nào. Nhưng sống trong sự nơm nớp chờ đợi trả thù của KGB cũng chả phải dễ chịu gì.

Những tên đào ngũ ngày nay cảm thấy khá thoải mái. Chúng đã không còn sợ những viên gạch táng vào đầu, không còn sợ những nhát đâm bằng kim tẩm độc giấy trong những chiếc ô và những sát thủ giết thuê nữa. Mà chúng cũng chẳng còn bị kết án tử hình vắng mặt nữa. Vladimir Konoplev và Viktor Oshchenko là bằng chứng hùng hồn cho điều đó.

Dưới đây là đoạn trích cuộc nói chuyện với thượng tướng Vyacheslav Vyacheslav Trubnikov, Giám đốc SVR của Nga:

- Ông có nắm được có bao nhiêu nhân viên đã đào ngũ trong suốt thời gian tồn tại của SVR không?

- Tôi nghĩ đâu đó quãng một chục tên. Chủ yếu là vào năm 92-93. Aimes  (Aldrich Ames, nguyên là trưởng ban phản gián của phòng Liên Xô-Đông Âu của CIA trong những năm 1983-1985. bị FBI bắt và xử tù chung thân năm 1994 vì tội làm gián điệp cho Liên Xô, sau đó là Nga, và tội trốn thuế. Vợ chồng Ames bị kết tội đã bán cho Liên Xô/Nga đổi lấy 1,5 triệu USD) đã công khai cho biết những nỗ lực chính của CIA là nhằm vào việc tố giác bôi nhọ, bóp chết và huỷ diệt tình báo Xôviết, kể cả bằng cách mượn tay các nhà lập pháp Nga. Nhân thể cũng phải nói rằng, thời đó báo chí nước nhà viết về các cơ quan tình báo của chúng ta còn ác độc hơn cả báo chí nước ngoài. Nhiều khi, việc làm đó thậm chí là thực hiện theo đơn đặt hàng của nước ngoài.

Thông tin để suy ngẫm:

Từ ngày 20 tháng 12 năm 1995, việc chạy trốn ra nước ngoài và từ chối trở về Nga không còn coi bị đánh giá như là tội phản bội tổ quốc nữa. Theo quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga thì khoản a, điều 64 của Bộ luật hình sự đã mất hiệu lực pháp lý và những người phạm tội này sẽ không bị truy tố theo luật.
Chu Hà