In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Điệp viên “Con gấu” bị bại lộ
Thứ Bẩy, 21/06/2014 - 9:49 AM
Vào tháng 3 năm 1994, trên báo chí Nga thoáng có tin: các cơ quan phản gián đã bắt một công dân bị buộc tội làm việc cho cơ quan tình báo Đức BND.
Chẳng hề có tên tuổi của tên gián điệp ấy, cũng chẳng có những “thông tin nhận dạng” nào. Tuy nhiên, cơ quan tình báo Đức không có gì phải nghi ngờ về nhân thân của kẻ bị bắt.  Ở Bonn, người ta biết khá rõ điệp viên Bear (con gấu) của mình, thiếu tá Cục An ninh Liên bang FSB Vladimir Lavrentev.

Việc kẻ bị tạm giữ và Bear cũng chính là một người cuối cùng đã trở nên hoàn toàn sáng tỏ vào tháng 8 năm 1995 khi Viện tổng công tố quân sự chính thức tuyên bố hồ sơ cáo trạng buộc tội công dân Liên bang Nga Vladimir Aleksandrovich Lavrentev theo điều 64, khoản a của Bộ luật hình sự Liên bang Nga (tội phản bội tổ quốc) đã được chuyển cho Toà quân sự-Toà án tối cao.

Vladimir Lavrentev bắt đầu phục vụ trong các cơ quan của KGB vào những năm 70. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc Trường Cao đẳng KGB (nay là Học viện FSB), hắn đã lọt được vào cơ quan tình báo quân sự. Số phận đã đưa Lavrentev đến với Cụm quân Xôviết đóng tại Đức và công tác tại một trong vô số các phòng đặc vụ.

Hiển nhiên là chẳng cần giải thích cho những độc giả đã trải qua quân ngũ ai là các nhân viên đặc vụ nữa. Những nhân viên đặc vụ ở nước ngoài khác với những đồng nghiệp Nga có chăng là ở chỗ họ có ý thức cảnh giác cao hơn và tiền lương trả bằng ngoại tệ cao hơn.

Khi trở về nước, Lavrentev đã tiếp tục làm việc theo chuyên môn ở Cục 3 của KGB Liên Xô (nay là Cục Phản gián quân sự của FSB Liên bang Nga), còn năm 1988 lại được cử đến địa bàn đã quen thuộc, thị trấn Eberswald ở Cộng hoà Dân chủ Đức.

Theo giả thiết chính thức của KGB, lần tiếp cận đầu tiên nhằm tuyển mộ Lavrentev đã được thực hiện vào đầu năm 1991 khi nước Đức đã thống nhất và cơ quan tình báo sở tại BND đã cảm thấy mình khá thoải mái trên vùng lãnh thổ phía Đông của nước Đức mới. Sau khi phân tích qua tình hình, người Đức biết điểm yếu của nhân viên phản gián Nga kia - đó là tiền, tiền lương sĩ quan không đủ cho mọi chi tiêu.

Người đã “đưa đường chỉ lối” đến Lavrentev là một người quen cũ của hắn, một nhân viên Stasi (Bộ An ninh quốc gia Cộng hoà Dân chủ Đức). Anh nhân viên Cheka này dĩ nhiên là không viết “người đồng nghiệp” đã từ lâu cộng tác với BND bởi vậy “cuộc gặp gỡ tình cờ” đã không gây ra cho anh ta chút nghi ngờ nào. Chúng mê mải chuyện trò. Qua nói chuyện mới biết rằng cả hai đều hoảng sợ trước những gì đang diễn ra ở Liên Xô, sợ sự tan rã của các cơ quan, bộ máy.

Nhanh chóng người Đức đã mời người bạn cũ đến nhậu. Là một dân trong nghề dày dạn kinh nghiệm, Lavrentev đáng ra đã phải lập tức thận trọng: vì đâu mà lại có sự quan tâm đến thế đối với một cá nhân bé nhỏ như anh ta. Nhưng anh ta vẫn nhận lời mời.

Tiếp đó trò chơi diễn ra rất chóng vánh. Lavrentev lập tức được đề nghị bán tài liệu mật an ninh quốc gia cho BND để lấy ngoại tệ mạnh.

Trong ba năm, Bear đã cung cấp cho các sĩ quan chỉ đạo của mình hàng đống giấy tờ mật và những tin tức về nhiều cán bộ an ninh quốc gia ở Đức, đã thực hiện mười cuộc gặp bí mật với các nhân viên tình báo Đức.

Sau khi trở về Moskva, hắn vẫn không mất liên lạc với những ông chủ mới. Hắn đã gửi tin tức sang Cộng hoà Liên bang Đức bằng những đường khác nhau, kể cả bằng đường bưu điện thông thường. Theo khẳng định của một trong những sĩ quan của Viện tổng công tố quân sự, sự việc còn đi đến mức Leavrentev còn thực hiện chuyến đi riêng đến Pribaltik để gặp các sĩ quan tình báo chỉ đạo mình.

Điều gì đã giúp các nhân viên phản gián Nga lần ra dấu vết của Bear? Chính họ đã đề nghị chúng ta tin vào giả thiết “tính toán sai về logic”. Nghe nói hình như BND đã mắc một sai lầm nào đó mà lập tức Moskva túm được. Tuy nhiên, bất kỳ học trò nào của Lubyanka cũng thừa hiểu để chộp được một tính toán sai của cơ quan tình báo đối phương thì cần phải có nguồn cung cấp tin trong nội bộ cơ quan đó.

Còn có một giả thiết khác: Lavrentev đã bắt đầu lao vào uống rượu và khi đã đã say tít cung thang, hắn đã mang khỏi cơ quan các tài liệu tuyệt mật. Các tài liệu bị giữ, hắn đã thanh minh nhưng vẫn dính theo dõi.

Các nhân viên Cheka cũng là con người. Nhiều người trong số họ còn nghiện thuốc. Có lẽ cũng phải có dăm ba anh bị đồng tính. Có cả những người mê thích chai rượu. Nhưng chỉ một việc đó chưa chắc đã buộc FSB tiến hành điều tra Lavrentev.

Dù sao thì vào tháng 3 năm 1994, viên thiếu tá của Cục Phản gián quân sự thuộc FSB đã bị các đồng nghiệp của mình bắt giữ. Cuộc khám xét tại căn hộ của anh ta đã xác nhận mọi nghi ngờ. Tại nhà Lavrentev, đã tìm thấy các bức ảnh chụp các bản sao tài liệu mật, tài liệu hướng dẫn phương tiện kỹ thuật điệp báo, cả các phương tiện kỹ thuật như các cuốn sổ viết mật, các đĩa ghi chương trình mã, các khoá mã, máy ảnh vi hình. Và tiền. Rất nhiều tiền.

“Tên gián điệp hai mang” này không ngoan cố lắm - hắn đã ngoan ngoãn hợp tác với cán bộ điều tra, thành khẩn kể lại tất cả và khai ra những cái tên.

Thái độ thành khẩn, giúp đỡ đối với cơ quan tư pháp đã được tính đến - ngày 16 tháng 8 năm 1995, Toà quân sự-Toà án tối cao đã kết án công dân V.A. Lavrentev 10 năm tù, tịch thu một nửa gia sản, tước quân tịch và các phần thưởng nhà nước. Những người chứng kiến đã nhận xét là Bear cư xử tại toà khá bình tĩnh. Người ta có cảm giác hắn đã biết trước phán quyết của toà.

Mười năm là quá nhẹ đối với một tên phản bội đeo quân hàm. Và cả cái nguyên nhân được nại ra cho sự giảm khinh đó cũng là quá vớ vẩn - do có con trai chưa đến tuổi vị thành niên. Những người như hắn thì lúc nào mà chả sẵn lòng giúp đỡ điều tra, nhất là khi chúng chả còn con đường nào khác.

Dưới đây là đoạn trích cuộc nói chuyện với thượng tướng Aleksandr Molyakov, Cục trưởng Cục Phản gián quân sự (UVKR) của FSB:

- Trong năm 1992, cơ quan phản gián quân sự đã phát giác 11 điệp viên của các cơ quan tình báo nước ngoài trong các quân nhân Nga. Khả năng tuyển mộ của các cơ quan tình báo đã gia tăng mạnh. Cùng với sự hoàn thiện các phương tiện kỹ thuật, các cơ quan tình báo nước ngoài đang đẩy mạnh sử dụng các kênh thu tin truyền thống. Số lượng các chuyến đi với mục đích tình báo của các nhà ngoại giao nước ngoài đến những khu vực có mục tiêu quân sự quan trọng cũng tăng lên nhiều lần.

Trích báo cáo nghiệp vụ:

Trong năm 1994, hiệu quả hoạt động của cơ quan an ninh nhằm đối phó với các hoạt động tình báo-lật đổ của các cơ quan tình báo nước ngoài đã tăng đột biến. Đã khám phá 22 điệp viên trong các công dân Nga, trong đó có cựu chủ nhiệm tổng cục của Bộ Công nghiệp quốc phòng Sintsov và cán bộ Viện Nghiên cứu khoa học Hải quân Finkel. Đã ngăn chặn được mưu toan của 18 công dân Liên bang Nga chủ động giao các tài liệu mật cho các nhân viên tình báo nước ngoài.

Trong năm 1993, các cơ quan của FSB đã bắt giữ 20 công dân Nga vì tội làm gián điệp.
Chu Hà