In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: “Những con chuột chũi”
Thứ Sáu, 20/06/2014 - 9:39 AM
Những kẻ phản bội thì thời nào cũng có. Đó là một chân lý hiển nhiên cũng giống như nói nạn mại dâm là cái nghề đầu tiên và cổ xưa nhất trong lịch sử loài người.
Nhân danh cái gì?

Những kẻ phản bội thì thời nào cũng có. Đó là một chân lý hiển nhiên cũng giống như nói nạn mại dâm là cái nghề đầu tiên và cổ xưa nhất trong lịch sử loài người. Chỉ cần nhớ đến cô gái dâm đãng Rahab trong Kinh Thánh, người đã sau một đêm dài cuồng say với những tên gián điệp đã mở cổng thành phố quê hương cho giặc Judea tràn vào.

Đã có nhiều điều thay đổi kể từ thời viết ra các thánh kinh. Cũng giống hệt như những người Semites trầm trồ sự anh hùng của Rahab, phương Tây cũng đang nồng nhiệt vỗ tay hoan nghênh những công dân cũ của Liên Xô (và Nga) đã phản bội tổ quốc mình.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên ở đây cả. Vấn đề chỉ là ở chỗ: cái gì là nguyên nhân của sự phản trắc. Những kẻ được gọi là “các chiến sĩ đấu tranh với chế độ cực quyền” thường làm cho những người nước ngoài đặc biệt thống khoái. Lần đầu tiên, cái thuật ngữ “biện minh” cho sự phản bội ấy đã được áp dụng  cho đại tá GRU Oleg Penkovsky, kẻ đã trở thành người cung cấp tin chính cho Mỹ và Anh trong thời gian cuộc khủng hoảng Caribê. Khẩu hiệu của Penkovsky “chiến đấu với chủ nghĩa cộng sản bằng mọi cách sẵn có” đã được các nhân viên tình báo đối ngoại KGB Stanislav Levchenko (chạy trốn từ Tokyo sang Mỹ vào năm 1979, hiện này đang làm việc tại tờ báo “Tiếng nói Nga mới”) và Oleg Gordievski, kẻ làm việc cho người Anh ròng rã trong 10 năm trời, chớp lấy. Gordievski là kẻ đã đưa hình ảnh của cái gọi là “phản bội vì nền dân chủ phương tây” đến mức hoàn hảo bằng cách viết mấy cuốn sách và hàng trăm bài báo.

Trên thực tế thì đa số “những con chuột chũi” (cái tên mà nhà văn John Le Carré đã khoan dung đặt cho những tình báo viên phản bội) đã bước sang phía kẻ thù vì lý do kém thơ mộng hơn nhiều: chúng đã là nạn nhân của trò đe doạ tố giác của tình báo địch hoặc sự hám lợi của chính bản thân chúng.

Chẳng hạn như nhân viên trung tâm tình báo KGB ở Washington Sergey Motorin đã vấp ngã vì một phi vụ làm ăn cực kỳ ngớ ngẩn - anh ta đã đổi một thùng rượu Vodka mua từ cửa hàng của sứ quán lấy một trung tâm âm nhạc của người mua vốn là một nhân viên tình báo CHLB Đức. Các bức ảnh chụp vụ đổi chác đã được đưa cho Motorin xem đúng lúc và thế là viên thiếu tá bắt đầu làm việc cho CHLB Đức (sau này hắn đã bị xử bắn).

Đại tá GRU Aleksandr Filatov, thiếu tá KGB Boris Yuzhin, cán bộ Viện Mỹ và Canada Vladimir Potashov đã sa vào bẫy của người Mỹ và trong một hoàn cảnh cực kỳ gây cấn, họ đã bị “tóm gọn” trên bụng đàn bà.

Nhưng kể cả là nếu như tin vào những câu chuyện cổ tích nhàm chán về “cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản” thì cũng phải thừa nhận: sau năm 1991, bọn “chuột chũi” đã không còn bất cứ một lý do nào để biện minh cho sự phản bội nữa. Mẹ kiếp, còn quan điểm tư tưởng nào ở đây nữa nếu như tổng thống Yeltsin (Boris Nikolayevich Yeltsin (1931- ), cựu tổng thống Nga trong những năm 1991-1999, cùng với tổng thống Ucraina Leonid Makarovich Kravchuk và tổng thống Belarus Stanislau Shushkevich với tư cách đại diện 3 nước cộng hoà sáng lập Liên Xô đã ký thoả thuận chính thức giải thể Liên Xô năm 1991 - ND) hoá ra lại là một kẻ chống cộng điên cuồng đến nỗi ông già Reagan (Ronald Wilson Reagan (1911-2004), tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ (1981-1989), một nhân vật chống cộng khét tiếng thời chiến tranh lạnh, người đã đưa cuộc chạy đua vũ trang lên tột mức với Sáng kiến phòng thủ chiến lược SDI - ND.) đáng thương khi đứng cạnh chỉ đáng đeo huy hiệu đoàn viên Komsomol. Còn cái cơ quan KGB hùng mạnh và độc ác thì cả trên đất nước quê hương mình thì chỉ có những thằng lười mới không giẫm đạp, nguyền rủa.

“Những con chuột chũi” của những năm 90 không đưa ra những tuyên bố chính trị bởi lẽ những nguyên nhân phản bội ẩn giấu ở một nơi hoàn toàn khác.

Ở đâu? Chúng ta sẽ thử tìm hiểu xem thông qua việc xem xét số phận của vài “kẻ bán linh hồn mới người Nga “.
Chu Hà