In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Vụ giết người không bằng chứng (1)
Thứ Hai, 09/06/2014 - 10:34 AM
Sự phản bội và chạy trốn tai hại sĩ quan cơ yếu Victor Sheymov là một trong những thất bại đau đớn nhất của KGB Liên Xô.
Chạy trốn

Victor Sheymov hiện là một chuyên gia an ninh mạng, nhà văn...
Varsava, ngày 31 tháng 10 năm 1979.

Vào lúc 16 giờ, thiếu tá KGB Victor Sheymov vào thành phố để mua sắm cùng với viên sĩ quan an ninh - theo quy định các nhân viên cơ yếu không được đi một mình ra khỏi toà nhà sứ quán.Trong cửa hàng, Victor mua một chiếc mũ bêrê và một chiếc khăn dài, nhận ở hiệu thuốc cặp kính râm mới nói là đặt mua cho bố. Trong túi anh ta đã có chiếc kìm dẹt và chiếc dũa.

Anh ta nói với người đi cùng là định vào rạp chiếu bóng. Thật kinh hoàng với anh ta là viên sĩ quan an ninh cũng nói là có ý muốn ấy.

Điều này làm cho chiến dịch thêm phức tạp, nhất là khi nhân viên bảo vệ của cộng đồng Xô kiều này là một chuyên gia bậc thầy đối với những kẻ không trở về: một lần ở Geneva, một giáo sư cả tin nào đó ngồi với anh ta trong ôtô đã lịch sự chào tạm biệt và tuyên bố có ý định xin tị nạn chính trị. Anh chàng ngốc nghếch tội nghiệp tất nhiên là không nghi ngờ rằng người anh ta tin tưởng lập tức nện chiếc cờ lê vào đầu, sau đó trói chặt anh ta lúc này đã đẫm máu và lôi cổ về sứ quán; sau đó cùng với các đồng nghiệp lôi xềnh xệch hắn lên máy bay để bay về tổ quốc thân yêu. Thực ra, người Thuỵ Sĩ không chịu được điều đó nên người ta buộc phải đưa nhân vật có tinh thần cảnh giác cao kia đi xa khỏi vụ xì xăng đan - đến nước Ba Lan anh em, nơi mà chỉ những thằng điên mới xin cư trú chính trị...

Sheymov làm động tác chuẩn bị nho nhỏ - hắn phàn nàn với viên sĩ quan an ninh là bị đầy bụng vì thức ăn ôi. Anh này lập tức hồ hởi hưởng ứng: bọn Ba Lan đểu cáng này lúc nào cũng cho chúng ta ăn đồ ôi thiu!

Victor đến trung tâm văn hoá thuộc sứ quán Liên Xô trước hết, tìm cách chường mặt để cho ai cũng trông thấy hắn.

Vào lúc 17 giờ 25 phút, đám đông đang lũ lượt vào phòng chiếu. Victor tìm cách trò chuyện với một đồng nghiệp, cũng là một nhân viên cơ yếu của sứ quán để cho viên sĩ quan an ninh đi lên phía trước và giả đò vô tình đánh rơi chiếc bật lửa. Tìm ra nó trong đám đông như thế thì thật là ngu ngốc và vô vọng nên anh ta nói với người đồng nghiệp: “Tôi sẽ quay lại chỗ anh ngay đây!”. Hắn cứ giẫm chân tại chỗ rồi khi không một bóng người thì chạy vào toalet. Đóng cửa phòng toalet, dùng dụng cụ, Victor mở cửa sổ ra. Anh ta gặp may vì trên phố, ngay gần đấy cómột chiếc xe tải đang đỗ cửa đóng kín để tránh con mắt tình cờ và Sheymov không chậm trễ môi giây đã nhảy lên trotuar, đầu đã napyalit mũ bêrê, cổ quấn kín khăn, mắt đeo kính râm.

Victor Sheymov là ai?

Sau đó là chuyển sang taxi. “Đại sứ quán Mỹ?” - anh tài xế hỏi lại bằng mấy từ tiếng Anh kinh hoàng mới học được.

Sheymov cố giữ vẻ bình tĩnh và xấc xược (điều này luôn luôn có tác dụng): đưa một món tiền lớn cho tài xế, liếc nhìn anh cảnh sát đứng bên cổng vào như nhìn một thằng bù nhìn - anh này lập tức giơ tay lên mũ chào - và hắn đi vào trong với đầy vẻ quan trọng.

Sheymov dắt người trực ra xa các máy điện thoại. Hắn tuyên bố xin cư trú chính trị và viết lên giấy là anh ta làm việc trong KGB.

Lập tức có một số nhân viên CIA đến gặp hắn và dẫn hắn xuống phòng ở tầng ngầm. Hắn còn gặp một phen lo sợ nữa khi đi ngược chiều hắn có các công nhân Ba Lan đang sửa chữa trong sứ quán Mỹ mà có lẽ đến nửa số họ là nhân viên phản gián Ba Lan! Hắn buộc phải quay lưng lại để tránh.

Người Mỹ dẫn dắt câu chuyện rất lành nghề: ông có bao nhiêu thời gian? Đồng hồ đã chỉ 18 giờ 15 phút, mà 19 giờ 10 phút đã phải quay lại rạp chiếu phim với các đồng nghiệp. Ai là chỉ huy hướng “x” - tình báo khoa học kỹ thuật? Ông làm gì ở Moskva?

Khi Sheymov nói chức vụ của mình thì mấy tên CIA ngây người vì mừng rỡ, rồi nhanh chóng chụp lại hộ chiếu, ghi lại địa chỉ nhà và điện thoại của hắn và đề nghị đi Mỹ ngay lập tức.

Sheymov không muốn điều đó, hắn trao quy ước liên lạc ở Moskva: gặp riêng bên tượng đài Griboedov ở khu Chistye prudy.
Tiếp đó, mọi chuyện tiến triển theo những nguyên tắc khắt khe của tình báo: Sheymov được chở ra khỏi sứ quán Mỹ trên xe ôtô “sạch sẽ”, tức là của một nhà ngoại giao chứ không phải là của nhân viên tình báo, trên đường có tiến hành kiểm tra chống theo dõi và đưa đến khu vực trung tâm văn hoá. Đến nơi, hắn lại chui qua cửa sổ vào toalet, chờ cho đến khi buổi chiếu kết thúc và nhập bọn với các đồng nghiệp mà miệng vẫn than phiền chuyện đau dạ dày, còn họ thì không thể nghĩ là hắn vừa vắng mặt đi đâu đó...

Victor Sheymov - hắn là ai?

Sinh năm 1946 ở Moskva và là một đội viên rồi đoàn viên thanh niên ngoan ngoãn. Cả cha và mẹ đều là những cựu chiến binh của Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Mẹ là bác sĩ trong một bệnh viện đa khoa có tiếng, cha là một đại tá kỹ sư cả đời tham gia những công trình nghiên cứu bí mật và tham dự nghiên cứu chế tạo các tên lửa đường đạn.

Vào năm 1969, Sheymov tốt nghiệp trường cao đẳng kỹ thuật mang tên Bauman và được vào làm tại Viện nghiên cứu bí mật của Bộ Quốc phòng Liên Xô với nhiệm vụ nghiên cứu các hệ thống dẫn đường cho tên lửa từ vệ tinh. Tại viện này, anh ta lọt vào mắt của các nhân viên KGB và người ta nhận định là xét theo tất cả các tiêu chuẩn, anh ta thích hợp cho một công việc trình độ cao hơn.

Vào năm 1971, anh ta được nhận vào Cục 8 siêu mật của KGB chuyên bảo đảm hoạt động và an ninh cho toàn bộ công tác liên lạc mật mã của Liên Xô, cũng như chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác liên lạc trong KGB và ở nước ngoài.

Sheymov làm chuyên về bảo vệ liên lạc mật mã, trong các nhiệm vụ của anh ta có việc phục vụ cho các sứ quán và trạm tình báo Liên Xô ở nước ngoài - ở đó các cơ quan phản gián sở tại luôn tìm cách cài cắm “những con rệp” vào các cơ quan đại diện Xôviết và nếu như gặp may thì xâm nhập vào trung ương thần kinh của sứ quán - phòng cơ yếu.

Cuộc sống của các nhân viên cơ yếu nặng nề không chỉ bởi vì đó là loại lao động tẩn mẩn, nhọc nhằn mà họ còn chịu áp lực bởi tính bí mật, nhất là ở nước ngoài nơi mà các nhân viên cơ yếu luôn nằm dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan an ninh và phải tuyệt đối tuân thủ các quy tắc hành xử để loại trừ mọi tiếp xúc với người nước ngoài, thậm chí khi vào thành phố cũng phải đi hai người (ở các cơ quan tình báo nước ngoài cũng có đúng cái cảnh đó).

Tại Moskva, cuộc sống tất nhiên là nhẹ nhõm hơn, nhưng cũng không được có bất kỳ tiếp xúc nào với người nước ngoài, dù trực tiếp hay gián tiếp, không được có những quan hệ đáng ngờ.

Tất cả những người dính líu vào những vụ việc tài chính dù nhỏ (chẳng hạn như vay nợ nhiều tiền), những người lập trường không vững vàng, thậm chí chỉ hơi tỏ thái độ bất đồng quan điểm, tất cả những người chẳng may có quan hệ họ hàng với những người đang ngồi tù, cũng như với những người bán hàng, giám đốc các cửa hàng và với những phần tử tội phạm hình sự tiềm năng đều bị quét khỏi cơ quan này bằng chổi sắt.

Công việc thì rất oai, chả dính dáng gì đến những vụ tuyển mộ bẩn thỉu hay va chạm gì mà lại được trả lương cao. Tất nhiên là các cán bộ khoa học kỹ thuật tài năng đều đổ xô vào đó. Họ bị kiểm tra đến chân tơ kẽ tóc, gạn lọc kỹ càng, thu thập ý kiến của các bạn bè, hàng xóm và cả những kẻ thù hằn.

Sau khâu tuyển chọn cực kỳ khắt khe, các nhân viên lọt vào một lĩnh vực hoạt động quan trọng đối với tổ quốc, họ được tặng thưởng một cách hào phóng các huân chương thành tích, được tạo điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, phó tiến sĩ, nhiều người đã được tặng các giải thưởng quốc gia. Tại Cục 8 có những nhà toán học cao siêu nhất và những chuyên gia hệ thống lỗi lạc.

Nhân viên cơ yếu còn đáng giá hơn bộ trưởng

Mật mã của nước khác là một kho báu đối với mọi cơ quan tình báo. Nếu một tình báo viên đối mặt với vấn đề nan giải là tuyển mộ ai, một vị bộ trưởng hay một nhân viên cơ yếu thì anh ta sẽ chọn người thứ hai.

Tất nhiên là vị bộ trưởng nắm giữ nhiều bí mật, nhưng một nhân viên cơ yếu có thể bảo đảm tiếp cận được nhiều đường liên lạc bí mật và tạo điều kiện đọc lén một số lượng lớn các bức điện chặn thu được. Liệu hạm đội Mỹ có giành được chiến thắng ở quần đảo Midway hay không nếu như họ không khám phá được các mật mã của hải quân Nhật? Còn biết bao nhiêu mạng sống đã được cứu thoát nhờ người Anh giải mã được các bức điện của Hitler! Thực ra, những bức điện này nhờ có Philby và Cairncross mà đã có mặt trên bàn của Đại nguyên soái Stalin và đã quyết định số phận của nhiều trận đánh, chẳng hạn như trận đánh ở vòng cung Kursk.

Vào năm 1945, vụ chạy trốn của nhân viên cơ yếu Xôviết Guzenko tại Canada đã dẫn tới việc bắt giữ một loạt điệp viên đã trao cho Liên Xô các bí mật nguyên tử; một thiệt hại nghiêm trọng khác là việc nhiều bức điện của NKVD đã bị giải mã không lâu sau chiến tranh (điều mà người Mỹ và người Anh đã cố công thực hiện trong nhiều năm) và kết quả là hai điệp viên của nhóm “bộ năm Cambridge” là Maclean và Burgess bị bại lộ nhưng may mắn chạy thoát được sang Liên Xô.
Các cơ quan tình báo Liên Xô cũng tạo ra không ít lỗ thủng trong các hệ thống liên lạc của phương Tây.

Động cơ chạy trốn

Sheymov là người sống có mục đích được tính toán chu đáo - điều này thể hiện rất rõ qua việc hắn làm quen với người vợ tương lai. Vào tháng 8 năm 1973, Sheymov đi hiệu tẩy hấp và để ý đến một cô gái đang đứng xếp hàng bên một bạn gái. Hắn cảm thấy thích cô gái nhưng hắn cho thời điểm làm quen này là không thích hợp. Như một nhân viên Cheka nhà nghề, anh ta ghi nhớ địa chỉ mà cô ta đọc cho nữ nhân viên tiếp nhận đồ. Vào ngày trả đồ, anh ta tiến hành phục kích cô ta từ sáng sớm. Pháo đài đã bị đánh chiếm trong chớp mắt.

Cô ta là một cô gái tỉnh lẻ, tên là Olga, đang học trong trường đại học tổng hợp. Anh ta buộc phải tiết lộ với vợ sự thật, tuy không nói rõ chi tiết về công việc mà chỉ khẳng định là không liên quan tí gì đến những chiến sĩ chống những người bất đồng quan điểm và chủ yếu làm những công việc bí mật. Olga cũng phải sống theo nguyên tắc bí mật, cô ta hoàn toàn buông tuồng tại trường tổng hợp và thậm chí đã làm một việc thật kinh khủng là quen với một người Canada. Người ta buộc phải tế nhị tách cô ta khỏi mối quan hệ nguy hiểm và đưa cô ta vào khuôn phép.

Sheymov leo lên được đến chức trưởng phòng phụ trách liên lạc cơ yếu của các sứ quán Liên Xô, được bầu làm phó bí thư chi bộ.

Trong công việc, thỉnh thoảng anh ta bị rơi vào những tình huống gai góc. Chẳng hạn, trong thời gian nổ ra cách mạng ở Canada có nguy cơ sứ quán Liên Xô bị chiếm giữ. Làm gì bây giờ? Không áp dụng các biện pháp cương quyết và chỉ hạn chế ở tăng cường an ninh thôi ư? Ngừng làm việc và chờ cho tình hình diễn biến ư? Tiêu huỷ toàn bộ các bảng mã, sổ mật mã và tài liệu mật ư? Để phá huỷ một máy mã phải mất tám giờ đồng hồ, hơn nữa cũng chưa chắc là đối phương không phục hồi được nó. Mà trong sứ quán thì có những sáu cái máy như vậy, do đó Sheymov cũng phải tính toán kỹ.

Nhưng ngoài những công việc cổ hủ, Sheymov còn có một bí mật mà anh ta chỉ tiết lộ với vợ - đó là anh ta ngập tràn lòng căm thù hệ thống cộng sản và mong muốn tính sổ với nó.

Sau này, trong hồi ký của mình xuất bản năm 1993, Sheymov sẽ kể khá chi tiết về những động cơ cho hành động của mình: đó là cả những cuộc gặp với các nhân vật bất đồng chính kiến ở Moskva, cả sự đạo đức giả của lãnh đạo và các lãnh tụ, cả sự bất mãn với toàn bộ lối sống, cả ước muốn không chỉ căm phẫn với chế độ, như nhiều người khác chỉ làm bằng lời nói mà là trực tiếp tham gia đánh đổ nó trên phạm vi toàn cầu, cả quan điểm bi quan về tương lai đất nước (hiện nay, hắn vẫn cho rằng số phận đã buộc chúng ta phải làm nô lệ của cộng sản). Ngoài ra, còn có sự tức giận trước những vụ sát hại những đồng nghiệp có suy nghĩ khác (đây là sự bịa đặt trắng trợn) và sự bất mãn với cái gọi là chính sách ủng hộ chủ nghĩa khủng bố của KGB (thế mà hiện nay, khi KGB đã biến mất, còn khủng bố lại gia tăng).

Biết làm sao được, không loại trừ cả sự căm thù với dân tộc mình, cả tình yêu cuồng nhiệt đối với nền dân chủ phương Tây, điều đáng buồn chỉ là ở chỗ toàn bộ những hồi ký của những tên đào ngũ của chúng ta (và không chỉ của KGB), đều được viết theo đúng một kịch bản, được che đậy bởi tấm màn tuyên truyền của CIA và do đó những ngôn từ đó là không đáng tin. Nhưng chúng ta hãy quay lại với những con cừu của chúng ta.

Sẽ sống tiếp thế nào đây? Tự thích nghi, làm việc của mình và chờ đợi đến khi tất cả tự chúng thay đổi? Xin về hưu và chia tay với KGB? Công khai phát biểu chống chế độ giống như Sakharov và Shafarevich? Thành lập một tổ chức chống cộng bí mật? Tự sát?

Sheymov đã chọn phương án nguy hiểm về mọi phương diện: chạy sang phương Tây, mà lại là cùng với vợ và đứa con gái nhỏ.

Nhưng mà bằng cách nào?

Ra nước ngoài, kể cả sang Bulgaria, mà đi cả gia đình, thì người ta không cho rồi. Chỉ còn một một cách: liên hệ với một cơ quan tình báo nước ngoài (không phải vô cớ mà hắn đã chọn CIA), làm cho cơ quan đó quan tâm và thuyết phục họ tổ chức đưa hắn đi trốn. Thoả thuận gặp gỡ qua điện thoại chăng? Tuyệt đối không được. Chúng sẽ tóm ngay! Hay là viết thư? Chúng sẽ giữ thư và bắt giữ. Hay là thoát khỏi tầm quan sát của bọn theo dõi đang hoạt động khắp nơi và liên hệ trực tiếp với người Mỹ!

Thành công trong tích tắc

Sheymov chú ý theo dõi các xe ôtô của nhà ngoại giao Mỹ, tính thử trong đầu mọi phương án có thể, và đi đến kết luận: hắn phải làm quen với một kẻ đã xác định đúng là tình báo viên của Mỹ và tên này sẽ hiểu lập tức câu chuyện.

Một lần, hoàn toàn tình cờ, một anh bạn của hắn bên phản gián đã chỉ vào chiếc xe ôtô Chrysler màu đen mang biển số ngoại giao! “Nhìn kìa, trong xe kia là một thằng CIA đấy, chúng ta sẽ không thể nào để túm được hắn đâu! Thằng súc sinh này sống cùng với những người nước ngoài khác. Tất nhiên là chúng tôi đang kiểm soát ngôi nhà, nhưng thằng ấy ranh như cáo!”
Vừa may là chính hắn đang cần một con cáo.

Victor ghi nhớ số, nhãn hiệu chiếc xe và viết sẵn một mẩu giấy: “Tôi là sĩ quan KGB có quyền tiếp cận với thông tin tuyệt mật. Những quan điểm tư tưởng và chính trị của tôi đòi hỏi tôi hành động... Nếu ông quan tâm đến sự cộng tác của tôi, hãy gặp tôi gần kiốt thuốc lá cạnh bến tàu điện ngầm Novokuznetskaya. Tôi sẽ có mặt tại đó vào mỗi thứ tư từ 18 giờ 7 phút đến 18 giờ 8 phút chiều trong ba tuần tới đây. Đại diện của các ông phải cầm trong tay phải cuốn tạp chí cuộn tròn. Mật khẩu của tôi sẽ có từ “nakonets” (cuối cùng) bằng tiếng Nga. Tôi không biết tiếng Anh”.

Mỗi sáng, trước khi đi làm, Sheymov đều lên xe đi săn tìm tên CIA của hắn - tên đó sống gần đại lộ Vernadsky và thường đến sứ quán Mỹ theo đại lộ Lenin giống như Sheymov.

Tuy vậy, việc tìm kiếm vu vơ này chỉ tổ mệt người, chả đem lại kết quả, cho đến một lần hoàn toàn ngẫu nhiên Sheymov không nằm trong luồng xe mà chiếc xe Chrysler màu đen mà hắn trông đợi đang chạy. Ôi giây phút thành công thật là ngọt ngào! Hắn cố đi ngang xe tên CIA và ném mảnh giấy vào cửa xe để mở - bọn theo dõi ngoài nếu quả thực chúng đang bám đuôi cũng khó mà phát hiện động tác này, - nhưng mọi chuyện chút nữa thì kết thúc bằng tai nạn, tên CIA suýt đâm vào chiếc Zhiguli của Sheymov đang chạy “loạng choạng” khiến Sheymov phải tức giận bấm còi ầm ĩ. Hắn buộc phải từ bỏ ý đồ liều mạng này. Sheymov lại có một cơ hội mới trong thời gian đi công tác ở Ba Lan. Đó là chuyến đi thứ hai của hắn và hắn đã khá thân quen với viên sĩ quan an ninh của sứ quán Liên Xô, người được lệnh bám sát từng bước Sheymov trong mọi lần vào thành phố. Tên nhân viên cơ yếu này phải sống trong một toà nhà của sứ quán chứ không được phép ở tại khách sạn.

Cơ quan an ninh Ba Lan hợp tác với KGB có thể phát hiện ra Sheymov kể cả khi hắn ra khỏi sứ quán Liên Xô, cả khi hắn ghé vào sứ quán Mỹ. Nhưng bất chấp tất cả, hắn vẫn chấp nhận mạo hiểm lợi dụng trung tâm văn hoá Xôviết để vừa liên hệ thành công với CIA, vừa đề nghị cộng tác, vừa được an ủi vỗ về.

Lúc này thì chỉ còn mỗi việc chờ đợi xem người Mỹ có chịu mạo hiểm không, liệu họ có từ chối gặp hắn hay không?
Chu Hà